Tuần trước, đọc trên vnexpress mới biết anh mất. Thật bất ngờ, vì mới đó mà. Sáng nay, đọc trên tienphong bài viết của Xuân Ba, rồi bài của Nguyễn Trọng Tạo, rồi nghe lại bài hát Về với quê mình, Thái nguyên thành phố tháng 10. Biết anh nhiều qua sự từng trải, dày dạn từng vị trí ở những nấc thang danh vọng mà ai nấy đều phải ngưỡng mộ. Đọc để hiểu anh qua các trang văn, trang đời, rồi ngẫm đến mình, tự nhiên thấy cay xè ở khóe mắt mà không hiểu vì sao,…
Tôi chưa về đến quê anh, chính xác là chỉ đến ngã tư Cầu Giát, thị trấn của huyện, rồi tiếp tục rẽ về hướng tây để đến thăm bạn học thuở thiếu thời đang làm việc ở bên tê sông Hiếu – con sông huyền thoại gắn liền với quyết định táo bạo của nhà Hồ khi tổ chức đào sông Thái kéo dài về phía Tây để nối với sông Hiếu, đưa một phần nước sông Hiếu đổ về sông Thái, nhưng đành dừng ở truông La Da khi tướng sĩ sức cùng lực kiệt. Âu cũng là đoản mệnh của một triều đại mà đến chừ lịch sử vẫn chưa viết hết chuyện…
Nghe mẹ nói, quê mình, quê anh là ngôi làng về hướng biển, về phía đông của thị trấn. Hình như, khoảng cuối thế kỷ 19, một chi họ Hồ của Quỳnh Đôi vào “Rú Đọ”, vùng đất trên đồng dưới biển của huyện Kỳ Anh lập nghiệp, và mẹ tôi là thế hệ thứ ba đã có mặt trên cõi đời này như thế đấy. Người xa quê, lúc nào cũng đau đáu nghĩ về nguồn cội, nên hay kể chuyện về ký ức làng cho con cháu nghe để vơi nỗi nhớ, và xâu chuỗi lại là lịch sử của một vùng đất văn hóa mà tôi được biết chỉ đến như vậy.
Sau này, có dịp học ở Hà Nội, thường đi xe, đi tàu ngang qua quê anh, mới biết thêm việc sắp xếp giang san một thời ở vùng đất mà nhạc sĩ Đôn Truyền đã lấy cảm xúc viết lên những ca từ, giai điệu: “Làm ăn lớn tính chuyện đi xa, mở đường cho máy tiến về đồng ta”, với bao câu chuyện buồn, vui của thời kỳ bao cấp, đi lên sản xuất lớn trong nông nghiệp, mà mỗi khi nhớ lại chợt thấy như in khuôn mặt của chính mình, của bạn bè còn ghi lại hình ảnh trong bức tranh ngày ấy…
Khi đưa vợ về C8 của Nông trường Chè 3.2 – nơi em tôi chào đời, dự định sẽ về quê ngoại, đi thăm nơi sinh ra cảm hứng sáng tác của bao thế hệ nhạc sĩ, đến để cảm nhận về vùng đất đã hun đúc nên biết bao nhà thơ, nhà văn, và nhiều chí sĩ yêu nước. Vốn mê lịch sử, tôi lần lượt đi qua các địa danh nổi tiếng: Xưởng Cơ khí 250, Đoàn An dưỡng Thương binh 200, Nhà máy đường T&L – Nhà máy Tiến và Lùi như cách gọi của dân gian, để hình dung dấu ấn phố thị một thời của vùng đất Tây Nghệ An nổi tiếng, một trong những địa danh dừng lại trước khi đi B của các chiến sĩ “tập kết”. Rồi cứ thế, lần lữa, lần lữa mãi, cho đến nay vẫn “nỏ” về được. Chắc là mùa này quê mình đẹp lắm, anh nhỉ. Chả thế mà anh đã từng suy ngẫm, gửi gắm hồn mình trong những nốt nhạc, vần thơ: “Đất mẹ quê mình đất thiêng từ nguồn cội. Cùng mọi miền quê thắp sáng đất Việt Nam”.
Anh yên nghỉ anh nhé! Mong anh bên kia, vẫn dạt dào cảm xúc, viết tiếpbài hát Về với quê mình vẫn như còn dang dở, viết tiếp Bài ca tháng 10  (*)  ôm trăn trở một đời.
Viết 5/6/2013, viết lại chiều 07/6/2014 nhân một năm anh đi xa
(*) Tên những bài hát của anh.
.