src=https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRQQZv-3AQyCCKRQj1YQ9kEcsom3fkkNn5ek5mm9z7_eqnWfOPfDw

 NHÂN 25 NĂM NGÀY MẤT CHẾ LAN VIÊN (19/6/1989 – 19/6/2014):

QUAN NIỆM VỀ SỰ GẮN BÓ GIỮA SÁNG TẠO THƠ CA VỚI CUỘC SỐNG THỜI ĐẠI TRONG THƠ LUẬN VỀ THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN

 1.

Thơ vốn là tiếng vọng thẳm sâu nhất từ tâm hồn con người, nên có đôi khi tưởng như thơ là ở một cõi nào vời xa cuộc sống. Đâu biết rằng, tâm hồn chính là “trái tinh thần” được nuôi lớn trong mỗi con người qua năm tháng cuộc đời. Cuộc sống vỗ vào thơ anh muôn nghìn lớp sóng/ Đừng ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi/ Tâm hồn anh là của đời một nửa/ Một nửa kia lại cũng của đời (Chế Lan Viên, Đối thoại mới, NXB Văn Học, 1973). Không có hồn thơ trên mây, không có hồn thơ trong mộng. Phải sống giữa cuộc đời, đó mới chính là cội nguồn của mọi cảm hứng, cho thơ bay lên.

 Làm thơ, là vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng (Chế Lan Viên,Đối thoại mới, NXB Văn Học, 1973). Nhà thơ như con tằm xe sợi tơ, như con ong lấy khách thể hoa làm bản ngã mật của mình (Chế Lan Viên, Hoa trên đá, NXB Văn Học, 1984). Mỗi bài thơ là tơ, là mật, là hoa quả cuối cùng của một vụ mùa lao động cần mẫn, bền bỉ, sáng tạo. Đời cho anh nắm đất/ Anh làm nên cái bình/Đời cho anh nhành hoa/ Anh vẽ lên mùi sứ (Chế Lan Viên, Di cảo thơ, tập 2, NXB Thuận Hóa, 1993). Và mỗi bài thơ, khi thoát thai đều mang một giá trị thẩm mỹ, bước ra và đem đến cho đời; mỗi câu thơ đều muốn hóa tin lành, đều sửa soạn một nắng mai lên (Chế Lan Viên, Ánh sáng và phù sa, NXB Văn Học, 1960).

 2.

Thơ, trước hết là nhu cầu tự thân, là cách tỏ bày cá nhân mình. Nhưng thơ, từ nói tình cảm của mỗi con người nghệ sĩ qua đó nói tâm tư nhân loại quanh mình. Tiếng hát của nhà thơ là tiếng hát tiêu biểu cho một tập thể; nhà thơ tiêu biểu cho một hoàn cảnh, một dân tộc. Này ai viết nên Nguyễn để Nguyễn viết nên câu Kiều thế hở?/ Sông Tiền Đường chăng? Cỏ Đạm Tiên chăng?/ Hay mái tóc hoa râm? Hay cuộc đời đi sứ?/ Hay vầng trăng chia đôi giữa cô gái Long Thành và Trường Lưu nhị nữ?/ Hay cỏ áy bóng tà, tà huy lịch sử?/ Có phải mỗi trang Kiều đều có mưa phùn thời đại nhuốm vào chăng? (Chế Lan Viên, Ta gửi cho mình, NXB Tác Phẩm Mới, 1986).

 Thơ dựng lại những những khoảnh khắc của thời đại, để cho mọi người nghe được năm tháng mình đang sống. Mỗi thời đại đều có những mất mát, những đau thương; nhà thơ muốn cứu vớt, muốn giữ lại một cái gì đó bằng những tâm tình, trước hết là những tâm tình tự giải tỏa, sau đó sẻ chia với mọi người.

 Hoạt động sáng tạo của nhà thơ gắn liền với thời đại, điều đó thể hiện ở chất liệu nghệ thuật lấy từ cuộc sống, ở xu hướng thi pháp chung của từng thời kỳ nhất định, ở quan điểm tư tưởng nhân sinh quan, lý tưởng nghệ thuật… Nhà thơ phải đặt mình trong mối quan hệ thẩm mỹ với cuộc sống thời đại, phản ánh đúng những giá trị thẩm mỹ của thời đại. Vẫn là cơn mưa cũ, cơn mưa của muôn đời, nhưng nhà thơ phải mang con mắt thời đại mình để nhìn trời mưa cũ ấy. Vô vàn thi nhân trước anh đã viết về thơ/ Mắt anh chả còn hồn nhiên đâu sau nhiều từ ngữ/Khéo cơn mưa anh viết bây giờ là cơn mưa của họ/ … Hoàng mai thời tiết gia gia vũ…(*)/ … Il pleure dans mon coeur…(**)/ Chiếc võng thơ anh chửa lên nằm, nó đã đung đưa/ Này, thời đại anh có gì khác chứ?/ Hãy mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ/ Nếu không, dù anh có tuôn xuống trăm câu, nghìn chữ/ Cũng thừa (Chế Lan Viên, Hoa trên đá, NXB Văn Học, 1984).

 3.

Thơ in dấu ấn của thời đại nhà thơ đang sống, đồng thời thơ vẫn âm ỉ mang theo trong nó những giá trị truyền thống. Ta nối liền ta trong bề dọc thời gian, câu thơ thế kỷ 20 liền hơi với hồn cha ông trong truyện Kiều, Chinh Phụ… (Chế Lan Viên, Đối thoại mới, NXB Văn Học, 1973). Chế Lan Viên thường hay nhắc đến Lý Bạch, Mozart, Rimbaud, Holderlin, Nguyễn Du, Tú Xương, Ôn Như Hầu, Yên Đỗ… là muốn nhắc đến mối quan hệ giữa xưa và nay, quá khứ và bây giờ, truyền thống và hiện đại… Thơ ca nhân loại không phải là một dàn đồng ca, mà là một đa âm; chính truyền thống là cái đem lại tính thống nhất cho tất cả mọi giọng điệu và các khuynh hướng.

 Thời đại hôm nay nối tiếp trong lòng thời đại hôm qua; thơ hôm nay mang dòng của thơ hôm qua chảy tiếp qua những bến, bờ bãi khác. Bao đời nay, dòng thơ nhân loại vẫn chảy qua từng thời đại, mang tiếng hồn người đi đến muôn đời, đến muôn cùng. Như sân khấu mở rộng vinh ra bốn phía/ Câu thơ Ức Trai viết đâu chỉ cho một mình dân tộc ta xem/ Ngoài trời còn trời. Hết trời có bể/Đâu chẳng trái tim người. Đâu chẳng xót oan khiên? (Chế Lan Viên, Di cảo thơ, tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992)

Lê Quốc Sinh

Chú thích:

(*) Giữa mùa mơ chín vàng nhà nhà đều mưa… (thơ Tư Mã Quang)

(**) Trời mưa trong lòng tôi… (thơ Paul Verlaine)