Vừa qua Tạp chí Nâm Nung (Đăk Nông) có đăng bài thơ Trường xưa của tôi (Số 116 tháng 6/2015); so với nguyên bản, BBT có sửa đổi một số câu từ. Thiết nghĩ, vì BBT không phải là tác giả, càng không phải là chủ thể trữ tình nên có sự “cắt gọt” câu chữ âu cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo tôi việc “cắt gọt” phải được suy ngẫm thật kỹ bởi công việc của mỗi người sáng tác đơn giản đã là những “phu chữ” đang “cày ải” trên “cánh đồng nghệ thuật” của mình rồi; nếu không, nhiều khi ta lại “xới tung” một mảnh ruộng đang tốt tươi, màu mỡ…

Trở lại vấn đề chính, bài thơ Trường xưa của tôi nguyên văn như sau:
 
TRƯỜNG XƯA
.
Về thăm trường cũ chiều nay
Bâng khuâng trong dạ những ngày xưa ơi…
Vẳng nghe giọng nói tiếng cười
Của bao nhiêu nhớ, bao nhiêu thương tháng ngày!
*
*    *
Sân trường ép cánh phượng rơi
Gom làm kỉ niệm những ngày hạ xanh!
Ra chơi bắt bướm trèo cành
Mang vào trong lớp cả nhành hoa tươi
Vở học chẳng thấy điểm mười
Thầy nhăn, cô giận chỉ cười cho xong
Ra chơi ở lại trong phòng
Nhâm nhi quả ổi, múi bòng vừa mua
Thầy phạt bắt đứng dưới cờ
Dạ…cái này…là cái…của chùa làng bên…
Áo vải ăn chắc mặc bền
Cười giòn vì thấy trên lưng có…bùn!
Mùa đông đi học quên nùn
Sợ trễ giờ toán nhảy ùm qua mương
Thầy cô quát mắng là thường
Đến giờ mới hiểu: tình thương ấy mà!
*
*    *
Bây giờ mình đã đi xa
Trong lòng còn nhớ mái nhà năm xưa?
Giờ văn còn nhớ câu hò
Của thầy năm ấy ấm no cuộc đời?
Bấy-giờ đi khắp muôn nơi
Hành trang là cả một trời ấu thơ!
.
BBT đã sửa 2 câu: Của bao nhiêu nhớ, bao nhiêu thương tháng ngày! thành Của bao nỗi nhớ niềm thương tháng ngày và Mùa đông đi học quên nùn thành Mùa đông ham ngủ quên giờ.
Tôi xin trao đổi 2 điểm:
Thứ nhất, câu thơ Của bao nỗi nhớ niềm thương tháng ngày tuy có diễn tả được tình cảm của thời học sinh nhưng nó đã làm “vơi” đi rất nhiều tình cảm ấy bởi lượng từ có thể đong đếm, tuy có mang hàm nghĩa “nhiều” là: “bao”, “nỗi”; còn Của bao nhiêu nhớ, bao nhiêu thương tháng ngày! mới diễn tả “đắt nhất” cái ý niệm: thời gian không thể xóa nhòa, không thể cân đong đo đếm nổi tình cảm của một thời cắp sách “nhất quỷ, nhì ma …” đang ùa về chủ thể trữ tình… “bao nhiêu … bao nhiêu … tháng ngày” cơ mà …!
Thứ hai, câu thơ Mùa đông ham ngủ quên giờ cũng làm giảm đi giá trị của bài thơ khá nhiều. Có lẽ BBT thuộc thế hệ 9X nên không hình dung ra cái nùn. Ngày trước, vào mùa đông (ở Miền Bắc là rõ nhất), thường rất lạnh, học trò đi học phải mang theo cái lò sưởi cho ấm (thường đựng quả thông và một số vỏ, rễ cây), nhưng thông dụng nhất vẫn là cái nùn (được bện chặt bằng rơm, rạ). Có thể nói, cái nùn đối với học trò cũng thân thương, gần gũi không kém những cặp, bút, sách, vở… Không biết từ bao giờ nùn đã trở thành một kỉ niệm khó quên của một thời áo trắng … Có thế, trở về Trường xưa mới lại càng nhớ, càng thương … còn ham ngủ, quên giờ thì … thường quá!
Đôi điều trao đổi, bàn luận, mong được góp ý!
Tống Duy Hải
(Trường THCS Trần Quốc Toản, Đăk R’lấp, Đăk Nông.
            Email: tongduyhaidaknong@gmail.com)
 
 src=https://lh3.googleusercontent.com/-GbLeqwcVvjo/VPMpMFsLSPI/AAAAAAACHZU/zc6M-jdZtl8/s512/2bb37f14641e90a630a8712089fc7de1_HHZ_5814_1.jpg
 .