/
       Trời chuyển, nội kêu mệt,đắp hai lần chăn vẫn thấy lạnh.Tôi sợ quá điện cho chú.Giọng chú bình thản đến không ngờ:
–         Thế à? Nhưng…ai đã mua bữa tối cho Mích chưa?
        Tôi sững sờ đặt ống nghe xuống.Mích là con chó chú rất quí.Ngày hai bữa sáng, chiều nội vẫn  thường ra chợ mua thức ăn cho nó.Tôi liếc nhìn nội,nỗi ngậm ngùi dâng lên cổ.Nghẹn ngào.
       -À,Sơn này…nội mệt nhọc chống tay ngồi dậy.Tôi lật đật chạy đến,một tay đỡ lấy lưng,một tay đặt lên trán nội.Hầm hập nóng.Nội dúi vào tay tôi mười ngàn bảo ra chợ mua thịt hoăc trứng về cho Mích.Tôi gật đầu,đỡ nội nằm xuống rồi dắt xe đi.
        Nội tôi sinh được hai người con.Bố tôi và chú.Ngày trước nội ở dưới quê với gia đình tôi.Từ khi bố tôi hy sinh cận ngày giải phóng cũng là giờ khắc mẹ trở dạ sinh tôi,chú đón nội lên thành phố,theo lời chú,để báo hiếu và làm tròn trách nhiệm thay anh mình.
       Học hết cấp ba trường huyện,tôi định nghỉ học phụ việc đồng áng cùng mẹ.Chú gửi thư về bảo phải đi học đại học.Thời nay không học thì làm gì được.Quanh năm chân lấm tay bùn có ngóc đầu lên được tí nào đâu.Tôi lên ở nhà chú.Chú lo tất.Mẹ tôi như người chết đuối vớ được cọc,vui lắm. Tôi hoài nghi nhưng cũng khăn gói đi thi.Và tôi đậu.
       Ngày bước chân vào nhà chú cũng là lần đầu tôi chạm trán với lối sống ồn ào quá ư thực dụng.Chú thím tôi là người của công việc,biết chộp bắt thời cơ.Chú làm giám đốc một công ty tư nhân chuyên về xuất nhập khẩu.Còn thím làm gì ,tôi chịu. Chỉ biết mỗi buổi sáng thím lại vội vàng trang điểm rồi đi đến tối mịt mới về,có khi ở qua đêm một nơi nào đó.Hình như tiền kiếm được hai người đều để riêng. Mỗi người mỗi tủ sắt, khoá kỹ.
       Nội không hợp với kiểu sống quá hiện đại này.Nội buồn bã và hay thở dài. Ngày qua ngày ,nội bắc ghế ngồi ở hành lang nhìn phố xá nhộn nhịp.Khiếp!Nội than phiền tiếng động cơ xe cộ và tiếng máy ầm ầm từ nhà máy nước đá bên hông nhà.Thỉnh thoảng nhớ đồng nhớ bãi nội lại đòi về quê. Thím hay gắt gỏng:
      -Về quê để chết à?
       Chú phụ hoạ ,nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn:
       -Mẹ muốn,ít bữa nữa thằng Sơn đưa mẹ về.Chúng con bận quá!
        Nội không nói gì,mắt chớp lia,khoành tay đấm lưng thở dài.
                                                        *    
 
      Chú về sớm hơn mọi ngày khoảng mười lăm phút,xách túi gì đó có vẻ nặng tay.Tôi thầm nghĩ:”Qùa cho nội”.Chú đứng ngang cửa,hỏi trổng:
      -Mích đâu?
      Tôi ngừng tưới cây,quay vào gọi.Con Mích nhảy ra ăng ẳng.Chú mắng yêu rồi ôm nó vào lòng đặt lên giường như một đứa con cưng.
     -Có bữa cho Mích rồi,bảo bà đừng lo nữa!Vừa vuốt lưng con chó,chú ngẩng mặt nhìn tôi.Tôi không dám chứng kiến cảnh ngược đời quá sức tưởng tượng ấy,đành cúi mặt lủi thủi bước vô phòng.Đi qua giường nội,tôi không dám nhìn. Nhưng tôi biết lòng bà đang xót!
       *  
      Tôi nằm bên nội,gối đầu lên cánh tay gầy của bà.Tóc nội đã bạc nhiều,phơ phất trước mặt tôi.Ngày rằm ,qua vuông cửa sổ nhỏ,vầng trăng như quả thị chín vướng trên đường dây điện chằng chịt chạy ngang.Trăng thành phố không xanh, không ngời ngợi như trăng ở quê.Đêm thành phố không yên tĩnh,không có tiếng dế rĩ ran ngoài bờ cỏ,mà ồn ào nồng nặc mùi khói xe và bụi đường.
     Rồi nội ngồi dậy,dựa lưng vào vách.Nội lục túi lấy chuỗi tràng hạt màu ngọc bích ngắm nghía.Và nội bắt đầu kể chuyện ngày xưa.Không biết bao lần nội kể tôi nghe câu chuyện ấy. Ngày xưa có người con gái vì lòng chung thuỷ đã trốn nhà tham gia cách mạng để gần người yêu. Ngày xưa có người mẹ thương con mà không bước thêm bước nữa dù tuổi đời mới ngoài hai mươi…Ngày xưa…Ôi, cái ngày xưa của nội sao mà thiêng liêng, sao mà đáng trân trọng thế.Ngày xưa của nội làm tôi rơi nước mắt,làm tôi thổn thức ngay trong cả những giấc mơ.Còn ngay nay?Tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi như thế.Song nào có trả lời được.Bởi nỗi đau hãy còn tích tụ nơi đôi mắt sắp loà,nơi vầng trán nhăn nheo và nơi mái tóc như màu sương của nội.
       Nội lẩm bẩm nguyện cầu và lần tràng hạt.Trông nội huyền bí như bậc chân tu.Tôi bó gối lùi vào góc giường.Biết bao giờ nước mắt thôi rơi, hả nội.Nội thường bảo:Cuộc đời là chuỗi ngày với những đắng cay và hạnh phúc nối tiếp nhau.Mỗi người phải trải qua nhiều kiếp nạn khác nhau.Hạnh phúc kiếp này thì bất hạnh kiếp sau.Có lẽ nội quá viên mãn,đủ đầy ở kiếp trước nên…Tôi không tin là như thế.
      Qúa nửa đêm,nội kêu mỏi lưng,nằm xuống.Trăng nhạt nhoà sau đám mây xám lạnh từ đâu ào đến.Tôi thầm nghĩ,trong mơ nội có thấy ngày xưa không?
                                                       *
      Thím đi đến ngày thứ hai mới về.Chú nhăn mũi cười,văng tục rồi bỏ đi.Nội lắc đầu.Thím ném túi xách lên đi văng rồi ngã vật xuống,mệt mỏi.
       -Chú mày sao thế?Sắp mất ghế chắc!
       -Cháu không rõ!Tôi đáp gọn,toan bước đi.Thím gọi giật:
       -Đi mua hủ tiếu về ăn,đói lả người rồi!
      Nội có vẻ khó chịu.Tôi biết,cố vớt vát:
       -Thức ăn còn,cháu sẽ nấu cơm!
       Thím bật dậy, cong môi:
      -Dẹp đi,cơm nước gì…
       Nội không chịu được:
     -Nè,cô làm ông to bà lớn gì mà hành hạ nó thế.Nó là cháu tôi chứ đâu phải là con sen đứa ở…
     Thím xoay nhìn nội, đôi mắt đỏ ngầu:
      -Bà già nói cái gì?Nó ăn cơm tôi,ở nhà tôi,quần áo tiền bạc tôi lo thì làm thế không được à.Còn bà nữa…
      Trời ơi!Nội từ từ rũ xuống như thân cây bị đốn gốc.
                                                           *
      Chú bị tố giác vì tội tham ô. Thím mừng ra mặt,đi về thất thường,có hôm dẫn cả nhân tình về theo.Chú thím chửi nhau, mạt sát nhau ra trò rồi đâm đơn li dị. Nội chịu đựng hết nổi,ngày càng teo tóp.Tôi đành bỏ học đưa nội về quê.Rồi nội ngã bệnh,mất khi nghe chú đi tù. Nghe đâu thím cạn tình,lên án vạch tội chú trước toà.
      Đám tang nội hiu hắt nỗi buồn thương.Nhà túng quẫn,mẹ tôi ngậm ngùi bán non mấy sào lúa đang ngậm sữa.Tôi ngược xuôi van lạy bà con  giúp đỡ.Người dân quê cần cù,mộc mạc nhưng giàu nghĩa tình gom góp tiền bạc đóng cho nội chiếc áo quan bằng gỗ tạp. Được vậy cũng an lòng nội nhé!
       Ngày tiễn nội ra đồng,trời sụt sùi mưa,tưởng chừng không dứt.Tôi chít khăn tang bước lùi trên con đường trơn trượt.Tôi không biết nước mưa hay nước mắt đang ướt nhoè trên khuôn mặt,mà thấy lòng ngập tràn nỗi thương xót đắng cay. Nấm mộ cao dần lên thế là tôi đã xa nội thật rồi. Nội ơi!
 
                                                                                          Sơn Trần
                                                               (TrườngTHPT số2.Mộ Đức.Quảng Ngãi)
.
/