/

 
Cái buổi chiều chập choạng, ọp ẹp với với không khí ảm đạm của những tiếng cò xao xác khi màn đêm buông xuống, ông năm vẫn ngồi đấy, ông ngồi trên chiếc cầu tre còm cõi, giương mắt về phía tận chân trời.
 Nhanh tay, nhanh lên, quăng cái giỏi nào. Thằng hai, thằng ba, con bốn, thằng năm, con sáu đâu mau chạy ra đỡ tay cho mấy chú mày. Mùa này ông năm trúng lớn à nha. Cô mười nói nghe sướng lỗ tay, chắc khoảng ngoài ba tấn chớ chả chê. Thế là ông năm có thêm tiền sắm sửa vật dụng trong nhà, lo cho sắp nhỏ, cải tạo lại cái mảnh ruộng mà ông nâng niu như báu vật. Cầm sắp tiền trên tay, ông bà năm rươm rớm nước mắt mà miệng thì toe toét cười hê.. hê.. Cái giọng cười vẫn còn âm vang, cái không khí hân hoan khi mùa bội thu tôm cách đây vài năm vẫn còn vọng lại trong ông. Thời gian trôi qua như tên bắn, từ những ngày cải tạo lại mảnh ruộng chuyển đổi mô hình nuôi con tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ông năm đã từng nghĩ sẽ có ngày người nông dân đổi đời, cuộc sống khấm khá hơn. Ấy vậy mà, càng đầu tư theo mô hình công nghiệp hóa., nhà ông đã gom bán các tài sản có giá trị, cầm cố giấy tờ đất, vay nợ ngân hàng, đầu tư cho cái dự án khoanh vùng khu nuôi trồng thủy sản địa phương. Ông lời cũng có nhưng thua lỗ thì nhiều. Còn đâu cái thời vác cuốc ra đồng, ba bốn giờ sáng phải thức dậy chèo ghe đi làm đồng. Những hình ảnh xưa lại hiện về trong tâm trí ông. Cái không khí của tháng mười với hương lúa trổ đồng vương vấn bên dòng sông Soài Rạp, gió từng cơn vẫn thổi mơn man. Dòng sông với những dải bông bần rụng trắng trôi theo dòng nước. Rồi đến tháng chạp cái mùa mà gió chướng cứ thổi về nồm nộp, những mái chéo khuya, lướt trên những con sóng lưỡi búa chở lúa về sân phơi. Làm nông cũng chẳng có dư giả để lo cho con cái ăn học tử tế. Cái mảnh ruộng với 5000 ha của ông phải lo cho mười cái miệng ăn. Thôi, thôi, tính đường khác mà làm. Rồi ông năm cũng theo quá trình đổi mới nông thôn, phát triển giống cây trồng vật nuôi theo chủ trương của xã…càng nghĩ, càng ngẫm, những giọt nước mắt lại chảy xuống lăn dài trên đôi má gầy còm, chát đắng…
 Màn đêm cũng dần xuống, ông năm cảm nhận được cái nặng của từng giọt sương đêm, rơi xuống trên vai, rơi mãi, nặng dần, thấm dần trên lưng..có lẽ nó đã đeo bám người nông dân từ ngàn xưa đến nay. Nó cứ bám riết không buông tha cho số phận người nông dân nghèo. Đúng là sương đêm nghe mà tê tái quá. Ngày mai trời lại sáng, nhưng cuộc đời của vợ chồng ông, con cái ông có tươi sáng lên không. Khi ngày mai, chủ nợ đến thanh toán, cầm xiết luôn chỗ trú mưa, trú nắng duy nhất của nhà ông. Cái chòi ọp ẹp bên cái ao lạnh tanh, nồng nạc mùi cá tôm chết ương. Ôi cái đêm vợ chồng, con cái ông phải thức trắng lượm từng con tôm chết đỏ ao nằm la liệt trên mặt ruộng. Năm sáu ngàn con tôm giống, trải qua hai tháng nâng niu rồi chúng lặng thinh ra đi âm thầm không lời từ biệt. Cũng có chút bịn rịn khi những anh có thể gọi là dũng cảm nhất dùng hết sức lực còn lại của mình vẫy đuôi chào tạm biệt ông rồi giật ngửa, chìm dần xuống đáy. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá với một con giống cưng và dịch bênh lạ. Khí hậu cứ thay đổi dần trên dòng nước Soài Rạp yên ả ngày nào, những bầu trời xanh ngày nào đã bị khói đen khu công nghiệp Hiệp Phước với chất thải nặng mùi “công nghiệp hóa” vẫn âm thầm nối tiếp…cái than thân cho cái mảnh đời nghèo khổ, cái số phận chìm nổi của ông, qua những bài học vỡ lòng, qua những kinh nghiệm tích lũy, học tập, tưởng chừng như sẽ khác. Có ai nào ngờ…
Trăng lên cao, ánh trăng chiếu sáng cả mặt đất, thấy rõ bọt nước sôi xèo xèo theo từng bước chân của ông. Cái đầu bạc trắng, cái da nhăn nhẽo của ông già 60 tuổi càng trở nên ma quái hơn dưới ánh trắng. Cái thân gầy gò, lầm lũi đặt từng bước chân trên mảnh đất mà ông chuẩn bị giao trắng cho chủ nợ.. Tiếng cuốc từ đâu vọng về… ánh trăng càng sáng rõ, trắng bệch khuôn mặt ông. ..Xa xa …tiếng gà nhà ai đã gáy vang.
.
/