Trong tuyển sinh ĐH – CĐ, khối C (gồm các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý) là khối thi chủ lực vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) – những ngành học giúp bồi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách con người. Nhưng, thật đáng báo động khi tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi khối C ngày càng thấp!

Quay lưng, ngoảnh mặt
Tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ phía Nam ngày 7/5 vừa qua, nếu so sánh hồ sơ ĐKDT khối C với tổng số hồ sơ ĐKDT của nhiều tỉnh thành, ai cũng phải đặt dấu hỏi: Tại sao hồ sơ ĐKDT khối C lại ít đến vậy?. Cụ thể: tỉnh Gia Lai có 1.692 hồ sơ khối C trong tổng số 27.270 hồ sơ ĐKDT, chiếm 6,2%; tỉnh Tây Ninh có 720 hồ sơ khối C trong tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT, chiếm 4,4%; Bình Dương có 516 hồ sơ trong tổng số 15.661 hồ sơ ĐKDT, chiếm 3,3%; Đồng Nai có 1.414 hồ sơ khối C trong tổng số 52.835 hồ sơ ĐKDT, chiếm 2,6%; và TP.HCM có 2.100 hồ sơ trong tổng số 151.573 hồ sơ ĐKDT, chiếm… 1,4%. Ngược ra phía Bắc, số hồ sơ dự thi khối C của Đà Nẵng là gần 4%, của Hà Nội là 4,4%. Như vậy, tùy mỗi tỉnh thành, cứ 100 thí sinh (TS) đi thi, chỉ có từ hơn một cho đến sáu TS dự thi khối C.
Tương ứng với số ĐKDT giảm là việc tuyển sinh vào các ngành khối C tại nhiều trường ĐH cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn năm ngoái, khóa tuyển đầu tiên, Trường ĐH Thủ Dầu Một chỉ tuyển được 50 sinh viên (SV) cho ngành văn trong khi chỉ tiêu được cấp là 100. Tương tự, khóa tuyển sinh đầu tiên cho ngành ngữ văn Trường ĐH Bình Dương tuyển được 300 SV nhưng đến năm ngoái (khóa thứ năm) số lượng chỉ còn 30, giảm 90%, và khả năng trong kỳ tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục giảm. Tại Trường ĐH Văn Hiến, tình hình tuyển sinh vào các ngành khối C cũng vô cùng èo uột. ThS Đỗ Văn Bình (Khoa Xã hội học – ĐH Văn Hiến) cho biết: những năm trước, chỉ tiêu tuyển mỗi năm 80 SV vẫn tuyển khỏe re, nhưng từ ba-bốn năm trở lại đây, mỗi năm chỉ tuyển được bảy – tám SV. Nhiều trường ĐH khác như Hùng Vương, Hồng Bàng… cũng đang trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí một số ngành đã và đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Bó tay?