Trong cuộc sống hằng ngày, ta chứng kiến vô vàn những tình huống khó xử. Nhưng có một tình huống sau đây làm tôi suy nghĩ mãi về thái độ của con người đối với cái đẹp: Nhà nọ có ba chị em nghèo. Chị Kiều Diễm làm người mẫu khỏa thân cho họa sĩ vẽ. Anh Tài Tử rất yêu thích bức tranh nên ăn cắp mang về nhà treo. Anh Chính Trực tố giác anh mình, nhưng hiểu ra sự việc, họa sĩ tặng luôn bức tranh. Chị Kiều Diễm về nhà thấy bức họa vẽ thân thể mình, xấu hổ nên đốt bức tranh. Vận dụng những kiến thức Mĩ học đã học, anh (chị) hãy bình luận các nhân vật trên. Tình huống này được gợi ý hướng từ truyện ngắn Người mẫu trần gian của nhà văn Huỳnh Văn Quốc.
 Ba nhân vật: chị Kiều Diễm, anh Tài Tử và anh Chính Trực là “ba chị em nghèo” cùng sống trong một gia đình, đây có lẽ chính là nguồn gốc quan trọng hình thành nên tính cách và phần nào mang tính quyết định đến hành động của họ.
 Đầu tiên, tôi xin được nói về nhân vật chị Kiều Diễm. Như trong tác phẩm, thì ta có thể biết được Kiều Diễm là người chị cả, hiển nhiên là người có trách nhiệm lớn nhất và có nghĩa vụ lo toan cho gia đình mình. Việc “chị Kiều Diễm làm người mẫu khỏa thân cho họa sĩ vẽ” rất có thể chỉ là một trong những công việc mà chị ấy đã làm để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống không chỉ cho mình, mà còn cho hai người em trai. Vậy, với lí do gì mà tôi lại bảo rằng đó là công việc chị Kiều Diễm làm vì tiền mà không phải vì tự nguyện làm vì nghệ thuật? Tôi sẽ đưa ra câu trả lời trong quá trình trình bày những quan điểm, nhận xét của mình về chị.
.
src=http://www.tranh.vn/images/plg_imagesized/3-kit-tranh-theu-chu-thap-nguo-i-de-p-ngu-g038.jpg
.
Tiếp theo, dưới ánh mắt những người khác, liệu việc chị Kiều Diễm làm người mẫu khỏa thân có phải là một việc làm chính đáng hay không? Vì sao chị lại không chọn làm người mẫu chân dung, người mẫu quảng cáo mà lại chọn làm người mẫu khỏa thân?… Có khá nhiều câu hỏi nảy sinh xung quanh công việc này của chị, cũng chỉ bởi vì đó là một công việc không được đại đa số mọi người công nhận, yêu thích, thậm chí nó còn vô tình mang trong mình cái nhìn thiếu thiện cảm, thiếu đúng đắn từ công chúng. Nhưng nếu đứng ở góc độ Mĩ học, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng công việc của chị chẳng có gì mà lại không chính đáng, không đúng đắn cả. Có lẽ, chính nhờ sự hoàn hảo, cân đối từ các đường nét cơ thể và nét đặc biệt nào đó trên khuôn mặt mà vị họa sĩ ấy lại quyết định chọn chị Kiều Diễm làm người mẫu cho mình vẽ. Khi đứng trước người họa sĩ, chị chính là chủ thể nghệ thuật, là nhân vật trung tâm của một bức tranh – một sản phẩm mang tính sáng tạo, mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Từ đó, ta có thể thấy, chị đã có sự đóng góp quan trọng trong một quá trình sáng tạo nghệ thuật, bởi vì nếu thiếu những người mẫu như chị, người họa sĩ chỉ có thể vẽ nên những bức tranh bằng sự tưởng tượng của bản thân một cách thiếu thực tế và khó có thể đạt được những hiệu quả biểu cảm nhất định mà người họa sĩ hướng đến, trong đó, quan trọng nhất là việc tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ trong lòng công chúng.
Còn khi xét về hành động đốt bức tranh của chị Kiều Diễm sau khi “về nhà thấy bức họa vẽ thân thể mình” và cảm thấy “xấu hổ”, ta lại hiểu thêm về mục đích của chị Kiều Diễm khi quyết định làm người mẫu khỏa thân. Có lẽ vì xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cứ mãi lo toan về những nhu cầu vật chất mà quên đi nhu cầu về tình thần, nên cái tinh tế trong sự cảm nhận nghệ thuật của chị không đủ để thưởng thức vẻ đẹp, cũng như hiểu hết được nội dung, ý nghĩa nghệ thuật ẩn chứa bên trong bức tranh mà người họa sĩ muốn truyền tải. Để rồi, ta có đủ minh chứng để thuyết phục cho giả thiết chị Kiều Diễm quyết định làm người mẫu khỏa thân vì mục đích kiếm tiền chứ không hoàn toàn vì cùng chung sự nhận thức, cảm nhận nghệ thuật như người họa sĩ kia. Vì thế, khi nhận xét hành động đốt tranh ấy của chị Kiều Diễm ở góc độ Mĩ học, ta không thể chủ quan xem đó là một hành vi đạp đổ cái đẹp hay vì mục đích xóa bỏ nó ra khỏi cuộc sống, mà ta có thể hiểu và cảm thông được.
.
src=http://tgpn.vn/wp-content/themes/thesis_184/custom/phpthumb/timthumb.php?src=http://tgpn.vn//HLIC/6e5642482af14d61b7f1b912f2cdf2f0.jpg&w=400&h=300&zc=1&q=70
.
Nói về người họa sĩ, ta có thể thấy, đây là nhân vật đại diện cho hình ảnh người nghệ sĩ luôn có ý thức trong việc sáng tạo nghệ thuật của mình. Vậy, người họa sĩ đó vẽ tranh khỏa thân với mục đích gì? Vì tình yêu nghệ thuật hay vì một lí do nào khác? Để có thể trả lời trọn vẹn cho câu hỏi trên, tôi xin được đưa ra những chi tiết được đề cập trong phần tóm tắt truyện ngắn “Người mẫu trần gian”. Từ hành động “ăn cắp” bức tranh “mang về nhà treo” của anh Tài Tử vì “rất yêu thích”, ta có thể thấy đây rất có thể là một tác phẩm rất đẹp, rất ý nghĩa, vì nếu không, nó sẽ chẳng thể tạo nên trong anh Tài Tử một sự cảm nhận tinh tế, mạnh mẽ đến nỗi khiến anh quyết định đánh cắp bức tranh ấy về nhà. Đứng ở góc độ Mĩ học, người họa sĩ đã thành công trong việc tạo nên cái đẹp trong nghệ thuật, thông qua sự kết hợp một cách hài hòa bố cục, cách sử dụng các gam màu, sự thống nhất giữa vẻ đẹp tâm hồn, thể xác của chủ thể nghệ thuật, v.v… nên mới có thể mang đến cho tác phẩm một sự thu hút và cảm nhận sâu sắc từ công chúng. Như một sự thật hiển nhiên, nếu người họa sĩ ấy vẽ bức tranh ấy với mục đích là kiếm thật nhiều tiền thì chắc chắn bức tranh ấy sẽ không thể đạt đến sự thành công như thế.
Tiếp sau đó phải kể đến hành động người họa sĩ mang bức tranh ấy tặng cho anh Tài Tử. Chúng ta không thể áp đặt quan điểm khi cho rằng đó là hành động chối bỏ một sản phẩm sáng tạo của chính người nghệ sĩ, khi ta nghĩ rằng có thể người họa sĩ ấy không thích bức tranh này, rằng bức tranh này không đẹp, v.v…, bởi vì khi nhìn nhận lại đúng nguyên nhân của hành động đó, ta có thể biết được điều đó xuất phát từ một tình yêu nghệ thuật rất cao cả của người họa sĩ. Sau khi biết được lí do anh Tài Tử đánh cắp bức tranh, người họa sĩ có lẽ đã rất cảm động vì cuối cùng đã tìm được một người đồng điệu trong nghệ thuật, có thể hiểu được ý nghĩa, thông điệp mà bức tranh truyền tải. Chính vì thế, người họa sĩ đã mang bức tranh ấy tặng cho anh Tài Tử để thể hiện tấm lòng của mình. Thông qua những chi tiết trên, ở góc độ Mĩ học, ta có thể kết luận rằng, người họa sĩ tham gia vào quá trình sáng tạo tranh hoàn toàn vì mục đích nghệ thuật chứ không phải vì tiền. Đây chính là một đại diện tiêu biểu, cao cả cho những người nghệ sĩ luôn hết mình trong niềm đam mê nghệ thuật chân chính.
.
src=http://farm3.static.flickr.com/2405/2058483070_6e064e9969.jpg
.
Kế đến là nhân vật anh Tài Tử – em ruột của chị Kiều Diễm. Hình ảnh của anh Tài Tử hiện lên trong tóm tắt tác phẩm chỉ có một hành động duy nhất là đánh cắp bức tranh mang về nhà để thưởng thức vì quá yêu thích nó. Vậy, hành động đó là tốt hay xấu? Mục đích của anh Tài Tử có hoàn toàn là vì tình yêu nghệ thuật hay không? Ta có thể thấy, anh Tài Tử là một người rất yêu tranh. Vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, vượt lên trên sự thiếu thốn về vật chất, ẩn sâu trong tâm hồn của anh Tài Tử là một trái tim nhạy cảm với nghệ thuật. Anh dường như có thể dễ dàng cảm nhận một cách tinh tế tư tưởng, ý nghĩa nghệ thuật của bức tranh mà người họa sĩ mang lại. Chính niềm yêu thích, cảm nhận ấy đã hình thành trong anh một khát khao được sở hữu nó. Nhưng niềm khao khát ấy liệu có thể thực hiện được khi điều kiện vật chất không cho phép, anh nghĩ với bức tranh này, chắc hẳn là giá trị sẽ rất lớn, nó nằm ngoài khả năng thanh toán của anh. Chính vì lí do ấy nên đã dẫn anh đến hành vi đánh cắp bức tranh ấy một cách thiếu ý thức. Đứng ở góc độ Mĩ học, ta không thể áp đặt quan điểm khi cho rằng đây là một hành động xấu, xuất phát từ một tình yêu nghệ thuật mù quáng. Bởi vì, xét về khía cảnh hoàn cảnh của anh Tài Tử, ta hoàn toàn có thể cảm thông cho hành động ấy của anh. Việc anh Tài Từ được người họa sĩ tặng cho bức tranh ấy là minh chứng quan trọng khẳng định cho việc hành động của anh không hoàn toàn sai, đó vốn dĩ chỉ là một phút thiếu ý thức của một người yêu nghệ thuật mà thôi. Từ đó, ta có thể nhận thấy hình ảnh anh Tài Tử là đại diện cho những người có tình yêu nghệ thuật sâu sắc nhưng bị trói buộc bởi rào cản vật chất, xã hội.
Cuối cùng, tôi xin được nói về nhân vật anh Chính Trực – người em út của chị Kiều Diễm – được đề cập đến thông qua hành động tố giác hành vi đánh cắp tranh của anh trai mình. Vậy, hành động đó có đáng khen, có đẹp hay không? Nếu chỉ đọc thoáng qua nội dung tác phẩm, một bộ phận sẽ nghĩ rằng anh Chính Trực tố giác anh mình là sai, vì cùng là anh em với nhau mà sao lại hại nhau như thế; bộ phận còn lại sẽ cho rằng anh Chính Trực làm thế là đúng, vì đã dám vượt lên trên sự ràng buộc về mối quan hệ tình thân để dũng cảm tố giác hành vi sai trái của anh mình. Nhưng đứng ở góc độ Mĩ học, xem xét rõ nguyên nhân sự việc, ta có thể thấy anh Chính Trực làm thế là đúng. Cùng đồng quan điểm với số đông bộ phận thứ hai khi cho rằng anh Chính Trực đã dũng cảm tố giác anh mình, ta có thể nhận thấy rằng, anh là một người có lối sống phù hợp với đạo lí “đói cho sạch, rách cho thơm” của dân tộc Việt Nam ta. Dù gia cảnh nghèo khó là thế, nhưng không phải vì lí do đó mà anh Chính Trực có thể bao che, gián tiếp đồng ý cho hành vi của anh mình. Ở anh không chỉ ẩn chứa cái đẹp, mà còn hơn cả thế, đó là cái cao cả, sẵn sàng đứng lên đấu tranh vì công lí, lẽ phải. Qua tóm tắt tác phẩm, hình ảnh anh Chính Trực hiện lên như một biểu trưng của sự cao cả, để rồi như làm tôn thêm giá trị của truyện ngắn thông qua những nhân vật với các ý nghĩ biểu trưng riêng của mình.
Tóm lại, thông qua tóm tắt truyện ngắn “Người mẫu trần gian” và lí giải nó dưới góc độ những kiến thức Mĩ học, tôi như càng hiểu hơn về nguyên nhân hình thành nên mục đích, hành vi của chị Kiều Diễm, người họa sĩ, anh Tài Tử và anh Chính Trực. Để rồi ta có thể có cái nhìn đúng đắn hơn về họ và càng yêu hơn những nhân vật gắn liền với cái đẹp, cái cao cả vốn dĩ rất khó tìm thấy trong xã hội hiện nay.
 

LÊ MINH PHÁT

Lớp DVI 110 – Trường ĐH Sài Gòn