Cứ sau mỗi mùa chấm thi, các giám khảo lượm lặt khá nhiều câu văn lạ của các thí sinh giàu trí tưởng tượng. Trong đợt chấm thi ĐH năm 2012, người ta cũng lượm được ý tưởng khá ngộ nghĩnh của một thí sinh khi trả lời câu hỏi 1, môn Văn, khối D. Câu hỏi như sau: trong Vợ chồng A Phủ, việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào ? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lý của nhân vật Mị ?

Thí sinh này đã trả lời hoàn cảnh diễn ra sự việc như sau: đó là một đêm tối trời, A Phủ bị trói, nằm bên cạnh Mị. Nửa đêm, Mị thức giấc và nhìn thấy A Phủ khóc, tình yêu của cô trỗi dậy nên cô cởi trói cho anh rồi họ cùng trốn đi nơi khác. Đại khái là vậy, về cơ bản, thí sinh đã tán ý thứ hai rất thành công nhưng vấn đề đáng bàn là ý thứ nhất. Lâu nay, ai cũng biết A Phủ làm mất bò nên nhà thống lí Pá Tra trói đứng bên cột. Nay, không biết ai khiêng A Phủ vào gường ngủ chung với Mị, ngay trong nhà chồng của cô, rắc rối lắm đây !

Mị đã có chồng, nhưng sống không hạnh phúc với A Sử, đôi lúc khát vọng tự do yêu đương bừng cháy trong lòng Mị. Trong đêm tình mùa xuân, Mị muốn đi chơi, tìm bạn, nhưng bị chồng trói đứng. Trong đám gia nô cùng hoàn cảnh với Mị, có anh A Phủ đẹp trai con gái trong làng nhiều người mê. Mị và A Phủ gặp nhau trong nhà hằng ngày, nhưng họ có gì hay không thì không ai biết. Nếu có, họ cũng không dại gì tiết lộ cho Tô Hoài nên nhà văn cũng không mách lại cho chúng ta biết được.
Thí sinh nọ phát hiện A Phủ nằm chung gường với Mị nhưng cũng không cho biết anh bị trói vì lí do gì nên có thể suy diễn linh tinh là A Sử ghen nên trói A Phủ để trừng phạt. Nửa đêm, A Phủ và Mị lén ăn nằm với nhau. Còn lí do vì sao A Phủ khóc ? Có thể do A Phủ thấy nằm bên cạnh người đẹp mà không làm ăn gì được nên tức quá mà khóc. Mị thấy anh khóc, thương yêu và rạo rực trong lòng nên ngồi dậy cởi trói v.v…  Sau đó, họ còn làm gì nữa thì tác giả không nói chi tiết, chỉ biết là cuối cùng, họ sợ bị trừng phạt nên chạy ra ngoài trời tối đen và sau này thành vợ chồng.
Cái chi tiết thí sinh phát hiện ra tưởng chừng đơn giản nhưng có thể làm lệch vẹo chủ đề của truyện. Thực ra, Vợ chồng A Phủ không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của Tô Hoài. Nhưng lâu nay, nó vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt trong SGK 12 là bởi vì minh họa một cách xuất sắc đường lối của Chính phủ. Rằng, người dân Tây Bắc tham gia cách mạng là vì không chịu nổi ách bóc lột của thực dân phong kiến chứ không phải vì lí do nào khác. Nay, một cô cậu vô danh nào đấy phát minh rằng, trước khi trốn khỏi nhà thống lí, Mị và A Phủ đã ăn nằm với nhau, nói cách khác, họ là đôi gian phu, dâm phụ. Bởi vậy, việc Mị cởi trói cho A Phủ là vì nhu cầu tình yêu chứ không phải vì giác ngộ giai cấp. Chà, xử cái vụ ngoại tình này có thể rắc rối hơn cả việc mất bò…
Theo quan điểm phê bình hiện đại, một tác phẩm càng có nhiều cách hiểu thì càng hay. Nhưng trong văn học cách mạng, người ta không khuyến khích việc hiểu tác phẩm theo nhiều nghĩa. Sau này, khi chuyển thể truyện Vợ chồng A Phủ thành phim, đạo diễn đã làm thay đổi chút ít nội dung câu chuyện. Nên mới có chuyện cô giáo và học trò cãi nhau khi tóm tắt tác phẩm này. Hóa ra, cô giáo chỉ đọc truyện chứ không xem phim, còn học trò chỉ xem phim chứ không đọc truyện. Biết đâu, rồi có một nhà làm phim khác nữa khai thác truyện Vợ chồng A Phủ từ góc độ chuyện tình bộ ba: A Sử – Mị – A Phủ. Nếu khéo nêm thêm một ít gia vị sơn cước vào thì có thể ăn đứt phim tình cảm Hàn Quốc chứ chẳng chơi.
Không biết nếu có ai kể lại chi tiết vặt này cho Tô Hoài thì cụ nghĩ gì nhỉ ! 

PHẠM NGỌC HIỀN