Biển Quy Nhơn lần đầu ta đến
Đã thân thương như chính biển quê nhà
Những rặng dừa dáng nghiêng phía biển
Như lòng người hướng phía khơi xa…

(Lời thơ Một thoáng Quy Nhơn – Nguyên Hùng)
Quy Nhơn (Bình Định) – Vùng đất được mệnh danh là “đất võ, trời văn” địa linh nhân kiệt và là vùng đất ôm trọn hình hài một hồn thơ lớn: Hàn Mặc Tử. Vùng đất với cái nóng gay gắt hơn hẳn đất Sài Gòn quê tôi, nhưng cũng thật dễ chịu khi đêm về với gió biển lùa vào mơn man da thịt và thật êm tai với tiếng sóng biển rì rào đưa hồn tôi vào giấc ngủ.
Điểm đến đầu tiên của tôi khi đến với Quy Nhơn là bảo tàng Quang Trung. Bước xuống xe, tai tôi như ù đi bởi cả rừng ve sầu đang hát vang chào đón. Đất Quy Nhơn đón khách phương xa như thế đấy. Trước khi tìm hiểu về Tây Sơn, tôi được cùng cả đoàn vào hội trường để xem biểu diễn các thế võ và trống trận Tây Sơn. Trống trận Tây Sơn là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc cổ truyền. Hơn thế, đây là một giá trị tinh thần mà qua bao biến động lịch sử, người dân đất Tây Sơn còn giữ đượcđến ngày nay. Linh hồn nhạc võ Tây Sơn là 12 chiếc trống, hẳn là tượng trưng cho thập nhị địa chi, lại dựng thành dàn 3 hàng từ lớn đến nhỏ. Bốn trống lớn, đường kính khoảng 40 phân, sau đó là bốn trống 30 phân rồi 4 trống khoảng 10 phân. Người cử trống dùng hai roi (dùi) trống, dài khoảng 30 phân, đánh bằng cả hai đầu, trên cả mặt trống lẫn tang trống. Một bài trống trận Tây Sơn gồm 3 hồi; xuất trận, xung trận – công thành, ca khúc khải hoàn và điều đặc biệt nhất là không hề có hồi lui quân như trống trận các triều đại khác. Điều này cũng thật dễ hiểu vì trong cuộc đời cầm quân của mình, Quang Trung chưa một lần phải lùi bước trước kẻ thù.
/
Nhắc đến Tây Sơn là nhắc đến các thế võ đặc trưng của vùng đất này, một trong những cái nôi của võ cổ truyền dân tộc. Danh tiếng võ Tây Sơn – Bình Định chẳng những được mọi người trong nước biết đến mà còn bay xa khỏi biên giới đất nước. Đây là một nét tinh hoa của văn hóa dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa bởi đó là truyền thống rất đỗi tự hào của đất võ Bình Định nói riêng và của cả đất nước Việt Nam nói chung.
/
Tôi không sinh ra trên vùng đất võ anh hùng này nhưng tôi vô cùng tự hào về tất cả những gì đất võ và con người đất võ đã làm trong lịch sử nước nhà. Tuy tôi không làm được như con gái Bình Định múa roi đi quyền. Nhưng việc nuôi trong mình tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc khi có giặc ngoại xâm là một điều tôi và thế hệ trẻ hôm nay có thể làm được vì non sông gấm vóc mãi tươi đẹp.
Hào khí Tây Sơn tỏa núi sông
Anh hùng áo vải phất cờ hồng
Cứu dân giữ nước, yên bờ cõi
Sự nghiệp muôn năm tạc chữ đồng.
Con cháu ngày nay rất tự hào
Phát huy truyền thống chí càng cao
Nước non hùng vĩ hoa thơm ngát
Bão táp qua rồi đẹp biết bao.
/
Rời bảo tàng Quang Trung, tôi cùng đoàn khởi hành đi tham quan bãi biển Ghềnh Ráng và mộ Hàn Mặc Tử. Tại đây, tôi được diện kiến nhà thơ Dzũ Kha – người giữ hồn thơ Hàn Mặc Tử và xem biểu diễn nghệ thuật “bút lửa”. “Bút lửa” Dzũ Kha được mọi người biết đến như một nghệ sĩ lãng tử và phiêu diêu. Ông giống như một đệ tử, một tín đồ trung thành của thơ Hàn. Có lẽ Dzũ Kha là người thuộc nhiều thơ Hàn Mặc Tử nhất Việt Nam. Và ông cũng là người thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn, đồng cảm được với tâm hồn của Hàn thi sĩ hơn ai hết. Có thể nói: Trời đã sinh ra Hàn Mặc Tử để cho Dzũ Kha yêu thương và trân trọng. Nhưng cũng có thể nói: Trời đã sinh ra Dzũ Kha để tôn vinh Hàn Mặc Tử. Ở nước ta, không thiếu những nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, nhưng không phải ai cũng có may mắn và diễm phúc là sau khi qua đời có được một Dzũ Kha cho riêng mình. “Bút lửa” Dzũ Kha đã và đang góp phần làm cho khu di tích mộ Hàn Mặc Tử sống động và còn mãi với đời.
/
Tạm biệt Dzũ Kha, tôi di chuyển sang viếng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Người đời biết đến Hàn Mặc Tử là một thi nhân nổi tiếng với cuộc đời nhiều bão táp phong ba, không hiếm người đã yêu thơ ông, đồng cảm và chia sẻ với ông, không ít những cô gái chép thơ Hàn Mặc Tử vào sổ tay của mình để những lúc buồn đem ra đọc, không hiếm những công trình nghiên cứu về nhà thơ và thơ ông được công bố. Sống ở cõi đời vỏn vẹn có 28 năm, nhưng Hàn Mặc Tử đã hoàn thành sứ mệnh của một thi nhân. Cuộc đời đầy trắc trở đã giúp ông viết nên những vần thơ độc đáo. Thi sĩ họ Hàn đã trốn chạy những cơn đau về tinh thần và thể xác bằng cách siêu thoát vào thơ, lúc nào ông cũng cảm thấy cô độc và khát khao có người để chia sẻ cùng mình những buồn vui của cuộc sống. Đồi Thi nhân vẫn cháy đỏ thơ ông, mộ Hàn vẫn nằm đó, bình yên giữa đất trời, trong vòng tay của Đức Mẹ thương yêu. Chuyến đi lần này sẽ là một bài học thực tế rất bổ ích với tôi cho những bài giảng văn về Hàn Mặc Tử của tôi sau này.
/
/
Tối hôm đó, tôi về khách sạn nghỉ ngơi và tự do đi thưởng thức các đặc sản của Quy Nhơn và khám phá phố biển. Tôi cùng mọi người đi thưởng thức món nem nướng nổi tiếng. Tôi đã ăn món này ở Nha Trang nhưng ăn ở Quy Nhơn lại cho tôi cảm giác thật khác biệt. Sau đó, chúng tôi dự tính sẽ đi ăn bún cá sau đó đi thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy. Nhưng sau món bún cả, những cái bụng khó chiều của chúng tôi đã no căng lên không thể nào nhét nổi thêm nữa. Tôi ngậm ngùi tiếc rẻ quay về khách sạn. Đây là điều đáng tiếc trong chuyến thăm Quy Nhơn lần này của tôi, tiếc thêm một điều nữa là tôi chưa kịp thưởng thức rượu Bàu Đá nổi tiếng – một trong tứ tửu của Việt Nam, chưa kịp khám phá công viên Quy Nhơn. Lần sau, có dịp trở lại, tôi sẽ lưu lại lâu hơn để khám phá cho hết thành phố biển đầy nắng và gió này.
/
Lần này đến với Quy Nhơn, thật tiếc biết bao khi tôi chỉ mới ngắm nhìn biển xanh từ xa mà chưa lại thật gần để tìm về với những cơn sóng, để cảm nhận xem biển Quy Nhơn khác những bãi biển mà tôi đã từng đi qua như thế nào. Đôi khi tôi tìm về với biển, đơn giản chỉ để khum tay mà hét thật to, không một câu gì tròn chữ, chỉ là để tất cả những nỗi niềm trong lòng bật ra, hòa trong tiếng sóng, đi mãi và trôi về thinh không… Lần sau đến tôi nhất định sẽ bước những bước chân của tôi trên nền cát nóng bỏng để một lần hòa nhịp với biển. Chia tay cái nóng rát da của Quy Nhơn, tôi đi nhé. Không phải quê tôi mà sao tôi lưu luyến đến lạ. Chào nhé biển xanh đất võ, hẹn ngày ta tái ngộ!
Thành phố biển thanh bình thơ mộng
Đất võ tình người thấm đẫm hồn thơ
Biển nhớ ai miên man tiếng sóng
Ta nhớ ai lúc tỉnh lúc mơ?
(Lời thơ Một thoáng Quy Nhơn – Nguyên Hùng)