Hương vừa khóc vừa rối rít đập cửa:

– Anh Tuấn ơi! Anh Long mất rồi! Hu hu!!!…
Tôi giật mình choàng dậy! Mình có nghe lầm không? Lẽ nào? Mới tối qua còn uống trà với nhau…
Long mất thật! Nhẹ nhàng đến không ngờ: một viên đạn oan nghiệt không biết từ đâu bay qua cửa sổ xuyên vào trán Long – lúc anh đang cặm cụi chấm bài cho học sinh. Đèn bàn vẫn sáng, Hương – vợ Long nằm ôm con nhỏ trong mùng không hề hay biết, mãi đến khuya chưa thấy chồng vào, Hương giật mình bước ra thì…
Long hơn tôi 5 tuổi, tốt nghiệp Khoa toán Đại học Sư phạm Sài Gòn. Long về Bến Cát dạy học chưa tới 3 năm mà đã mau thăng chức. Có thể nói cho đến thời điểm đó Long là người bám trụ lâu nhất ở vùng đất ngày Cộng Hòa, đêm Cộng Sản này. Trước đó nhiều thầy cô khác từng tới đây dạy học, có người chỉ dăm ba tháng, có người được một hai năm là chạy. Cái chết ai mà không sợ, nhất là mình còn trẻ, còn tương lai…
Long dạy giỏi, mau thăng chức một phần vì trường ở đây cần anh. Long chẳng ham gì chức hiệu trưởng trường tiểu học ở chốn xa xôi nằm trong vùng chiến tranh ác liệt này, mà vì “Ai cũng bỏ về hết, không có giáo viên thì các em học sinh ở đây sẽ ra sao? Vì thế mà tớ bám trụ” – Long có lần tâm sự với tôi vậy.
Chính nhờ câu nói đó của Long mà tôi ở lại, thấm thoát gần 3 niên khóa rồi. Ba năm so với đời người chẳng là bao, nhưng tôi thấy sống và làm việc ở vùng chiến tranh nguy hiểm này sao mà dài dằng dặc! Đêm nào cũng nghe tiếng súng, sáng ra nghe tin không có ai chết hay bị thương là mừng.
Nhiều lúc đang dạy học, nghe tiếng súng nổ râm ran là cả trường nhốn nháo, thầy trò nhìn nhau lo sợ. Êm êm thì học tiếp, chứ súng nổ tấp cập là tôi phải hối học sinh mau mau xuống hầm.
Ngôi trường tiểu học Bến Cát bé tẹo vỏn vẹn chỉ hai dãy nhà, mỗi dãy hơn trăm mét vuông, được chia làm ba phòng. Dãy bên trái có phòng hiệu trưởng – cũng là phòng họp, tiếp theo là phòng dành cho giáo viên nam, phòng cuối rộng hơn dành riêng các cô giáo. Dãy nhà ngang cũng được chia làm 3 phòng học: 3 lớp Nhất, Nhì, Ba học buổi sáng, buổi chiều là lớp Tư và lớp Năm, còn một phòng dành để dạy thêm cho các học sinh kém.
Thật ra cả hai bên đối địch đều tránh đụng độ gần trường học. Giáo dục thì bên nào cũng trọng, cũng cần. Thầy cô và học sinh đều vô hại, họ cần được chăm sóc bảo vệ. Nhưng nói gì thì nói, chiến tranh ở đâu là tang thương ở đó. Tôi nghe nói ở trường này, trước Long đã có hai cô giáo và 6 học sinh bị pháo lạc…
Đám tang thầy Long thật buồn! Long dạy ở đây khá lâu nên hầu như dân Bến Cát này đều biết thầy hiệu trưởng trẻ dạy giỏi, đẹp trai và hiền. Nhiều học sinh trước của anh, có em lập gia đình sớm, ở xa, nghe tin vội chạy đến khóc! Tốp lính bảo an đi tuần ngang qua đám ma cũng buồn bã cúi đầu. Tôi biết trong số phụ huynh học sinh đến chia buồn, có những người là cán bộ nằm vùng cũng ngậm ngùi rơi lệ. Một cụ bà vừa chậm nước mắt vừa nói:
– Tội quá! Phải chi ông Trời cho tui được chết thay thầy giáo…
Sau đám ma Long một tháng, cô giáo Hương nói với tôi: “
– Có người đến thay rồi. Em phải đưa con về nội anh à. Anh ở lại nhé…
Tôi buồn buồn, im lặng, Hương nói tiếp:
– Giờ em chẳng sợ chết nữa. Nhưng em sợ cho con em, em sợ và tránh nhìn căn phòng có quá nhiều kỷ niệm!…
Tôi gật đầu. Tôi biết Hương sợ hằng ngày phải nhìn thấy cái bàn nhỏ nơi mà chồng cô gục chết. Chính tôi cũng bị ám ảnh khi nhìn cái bàn đó – dù giờ đã trở thành bàn thờ đặt cây đèn dầu nhỏ và bát nhang trước di ảnh Long.
Tôi thẩn thờ:
– Ừ thôi! Hương về dạy ở thị xã Thủ Dầu Một là tốt rồi, nhưng lâu lâu nhớ bế cháu về thăm trường cũ nhé?
Hương gật:
– Em phải về chứ. Anh Long nằm ở đây mà…
Giờ tôi thay Long cai quản trường này. Cũng như Long, tôi chẳng ham chức hiệu trưởng trường tiểu học giữa vùng chiến tranh nguy hiểm, nhưng câu nói của Long khi xưa cứ giữ tôi lại.
Tôi yêu nghề giáo, thú thật thi vào sư phạm một phần cũng muốn được ưu tiên hoãn dịch. Long cũng thế, tránh đi lính nhưng rồi anh cũng bị chết vì chiến tranh! Số cả! Giờ Hương về Thủ Dầu Một rồi, ở đây chỉ còn mình tôi là giáo viên cũ, thôi thì… đến đâu hay đến đó vậy!
Tôi còn mơ hồ cảm thấy hình như Long muốn chia sẻ, tin tưởng giao tránh nhiệm cho tôi…
Tôi nhìn những gương mặt buồn buồn của các em học sinh, chúng ngơ ngác thất thần sau cái chết của thầy hiệu trưởng. Nhiều đứa len lén nhìn tôi… Ánh mắt thơ ngây như hỏi: Thầy ơi! Thầy vẫn ở lại dạy chúng em chứ?…
Tối qua, tôi coi như mình “thoát nạn” nhờ học trò.
Khi tôi rủ hai cô giáo mới về trường đi ăn chè, thì thằng Mây lớp 5 đến, nó rỉ tai tôi:
– Thầy đừng tới quán cô Sáu nghe?…
Tôi thắc mắc:
– Sao vậy?
– Vì… tối nay,… mấy ông vi-xi đang canh ở đó. Em sợ lỡ có gì?…
Tôi giật mình:
– Sao em biết?
– Chị Hai em tối tối hay dẫn em tới đó ăn chè… Hồi chiều ba em mới nói với chị Hai… em vô tình nghe được. Thầy đừng đi nghe? Thầy tìm cách… nói với hai cô giáo giùm em nghe…
À thì ra cậu học trò này là con của một cán bộ vi-xi nằm vùng.
Không chỉ mình Mây, tôi biết trong số các em học sinh trường mình – trong vùng xôi đậu này, có đứa là con lính Cộng Hòa, thì cũng có đứa là con là cháu của những người theo du kích Cộng Sản. Chiến tranh mà! Không ở bên này thì cũng theo bên kia, khó mà tránh được. Những học sinh của tôi lớn lên rồi cũng thế. Hồi nhỏ chúng là bạn, lớn lên có khi cầm súng bắn nhau… Sao vậy? Nghĩ mà đau!…
Có điều ngay từ bây giờ, những học sinh nhỏ bé của tôi đang lo cho tôi. Tôi biết chính cha mẹ chúng cũng thông qua con mình mà âm thầm bảo vệ tôi. Ôi tình thầy trò thiêng liêng cao quí, tôi làm sao bỏ học sinh mình mà rời xa trường này được?
Nhiều lúc tôi nhìn những bót gác xa xa… rồi hóm hỉnh nghĩ: Ừ! Chiến tranh thì chiến tranh! Ban ngày, coi như trường mình được lính Cộng Hòa… bảo vệ, còn ban đêm thì đã có du kích Cộng Sản che chở. Nghĩ cũng hay! Thế thì mình sợ gì nữa?
Giữa tháng 4, ve bắt đầu râm ran. Còn hơn tháng nữa là kết thúc năm học, tôi tổ chức cho thầy cô và các em học sinh lớp 5 đi giao lưu văn nghệ với trường trung học Tân Uyên. Tôi muốn học sinh năm cuối của trường mình tập quen với ngôi trường mới mà các em sắp được chuyển đến học.
Buổi giao lưu giữa hai trường hôm ấy thật vui! Nhiều thầy cô hát hay, còn các em học sinh thì khỏi nói!
Liên hoan bữa trưa, trường trung học Tân Uyên chiêu đãi. Trường tiểu học Bến Cát của tôi cũng đã chuẩn bị mấy két nước ngọt và bánh trái. Cô Thoa hiệu phó của tôi còn khệ nệ khuân theo thúng bánh hỏi và thịt quay. “Bánh hỏi này làm từ lò của ngoại em ở chợ Búng đó” – Thoa khoe vậy.
Văn nghệ kéo dài đến 5 giờ chiều mà vẫn chưa muốn thôi, bịn rịn mãi mới lên xe được.
Nhưng chiếc xe đò cũ kỹ mà tôi thuê chạy được hơn 10 cây số thì bị chết máy. Tài xế và anh lơ hì hục mãi vẫn không sửa được. Giờ này chẳng còn hy vọng có xe lớn đi qua để nhờ kéo. Bác tài lần vào những nhà gần đấy, hỏi tìm thuê người có xe gắn máy phóng về thị xã để rước thợ đến sửa, nhưng họ đều lắc đầu. Một người nói:
– Trễ rồi! Giờ này thợ máy không dám tới đây đâu, đang đánh nhau lớn mà!
Tôi lo lắng nhìn bóng chiều dần sẫm, quanh đây vắng vẻ, lác đác vài mái nhà đã lên đèn. Thầy cô thì… không sao, nhưng 25 em học sinh đến giờ vẫn chưa về thì cha mẹ chúng chắc lo lắm! Giữa vùng chiến tranh xôi đậu ít người dám đi đêm, tôi thấy mình đang gánh trách nhiệm nặng nề.
Cũng may cách chỗ xe hư khoảng 300 mét có một đồn lính đóng. Tôi quyết định rảo bộ đến đó để nhờ họ điện thoại về Bến Cát. Phải báo sự cố xe hư để người nhà học sinh đỡ lo lắng.
Viên chuẩn úy đồn trưởng nghe tôi trình bày sự việc xong, ông ta sốt sắng dùng bộ đàm quân sự gọi về Bến Cát, sau đó trầm tư nói:
– Trường hợp này, dù tôi có điện về Tỉnh thì họ cũng không điều xe tới đâu! Đường 13 nổi tiếng là huyết lộ, gài mìn đắp mô tùm lum! Chiến tranh mà! Thôi vầy nghe: Xe sửa không được thì cứ để đó, mọi người chịu khó vào đồn ngủ đỡ qua đêm. Tôi sẽ bảo lính nấu cơm.
Tôi đắn đo một chút rồi gật đầu:
– Cảm ơn mấy anh. Chắc phải vậy thôi! Nhờ anh điện thêm về Bến Cát nói rằng tối nay thầy trò tôi ngủ ở đây, để phụ huynh các em khỏi mong chờ.
Đêm đó trôi qua bình yên.
Mãi nửa năm sau, tôi mới được biết nhờ sự cố xe hư hôm đó, thầy trò tôi phải ngủ trong đồn, đã cứu được một trận đổ máu lớn.
Ông Tư – cha của Mây – khi đã là cha vợ của tôi, mới tiết lộ:
– Đêm đó du kích địa phương đã sẵn sàng, chờ bộ đội tới là phối hợp đánh đồn – kế hoạch xong rồi, nhưng chiều đó trinh sát báo là có xe hư, rồi thầy trò anh ngủ lại trong đồn, nên trận đánh quyết định dời lại.
Tôi nhìn cha vợ:
– Rồi… sau đó có đánh không ba?…
Cha vợ tôi lắc đầu:
– Đang chiến dịch 75, bộ đội trên đà tiến mạnh về Sài Gòn, nhiều đồn giặc không đánh cũng tan. Chiến thắng bớt đổ máu là hay rồi.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn dạy ở trường tiểu học Bến Cát, dù đã không ít lần tôi có điều kiện chuyển dạy ở nơi khác yên bình hơn. Lý do không hẳn ở Bến Cát có gia đình vợ tôi, mà chính vì những học trò thân yêu của tôi, cùng nhiều người quen biết yêu mến tôi, đã làm tôi quyến luyến không rời xa nơi này được. Nhiều người nói tôi liều, tôi bạo gan. Thật ra tôi tin có số mạng. Tôi nghĩ hết số thì ở đâu cũng chết.
Sau này ngẫm lại, trong đời tôi, chính những năm tháng ác liệt ở vùng xôi đậu này mới thật đáng nhớ, đã làm tôi gắn bó và thêm yêu nghề dạy học.
Chính góc nhỏ quê hương này thôi, dưới mái trường đầu tiên tôi nhận lớp, tôi đã được gặp nhiều người tốt, trong đó có người anh, người bạn là thầy Long. Long đã sống và tôi đã sống. Sống chỉ một lần.
Điều sâu xa hơn, tại nơi này tôi đã được nghe, được chứng kiến đôi ba sự việc tưởng chừng như giản dị, êm ả, chẳng có gì gây cấn mà thật ra đầy sóng ngầm. Những sóng ngầm đã được dập tắt một cách êm thắm bởi tình người. Những chuyện nhỏ mà không nhỏ đó tôi tin còn có ở nhiều nơi khác nữa, có thể diễn ra bằng cách này hay cách khác. Những chuyện đó đã làm tôi suy nghĩ nhiều, khiến tôi cảm động và càng thêm thấm thía cái tình nhân loại cao cả đã vượt qua mọi biên giới, thành kiến, hận thù. Lòng bác ái ấy càng thêm thiêng liêng bởi tình nghĩa đồng bào.
Cái tình ấy tự lâu lắm rồi, cứ nhẹ nhàng ấm áp thấm sâu vào tâm hồn mỗi người.
 
PHAN ĐỨC NAM