/

Vì nhà nghèo nên ngay từ khi còn nhỏ, chúng tôi phải tự xoay sở kiếm đồng ra đồng vào phụ giúp mẹ cha. Tôi biết đi chăn vịt từ khi còn nhỏ rị. Đến khi bắt đầu bể tiếng nhổ giò thì theo đám bạn nghèo đi làm mướn làm công chỗ này chỗ nọ. Ba tháng hè là thời gian chúng tôi làm việc cật lực, ai thuê gì làm nấy, để có tiền mua quần áo và sách vở cho năm học sau. Thằng bạn chung xóm rủ tôi lên Thống Nhất ở Đồng Nai để đi đập đá núi kiếm tiền cho năm học sau. Nghe cũng bùi tai lắm. Nó nói dễ ợt à mày ơi. Cứ nai lưng ra đập từng cục đá, khiêng lên xe tải chờ sẵn bên đường, vậy là xong. Mỗi ngày lượm mươi ngàn ngon ơ, mà lại còn được đi chơi xa, vui muốn chết! Được đi chơi đây đó thì thằng nhỏ mới lớn nào mà hổng ham. Đi thì đi, ở nhà còn tốn cơm tốn cá, chi bằng đi “mần ăn” một chuyến để “đổi đời” xem sao. Thế là hai đứa suốt ngày chụm đầu rù rì chuyện đi “mần ăn” ở phương xa, rồi vẽ vời ra một tương lai tốt đẹp đến nỗi tối về nằm ngủ mớ cười hơ hớ như thằng điên. Mẹ cũng cười, nụ cười cố gượng làm vui, nói ờ thì con cứ đi. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đó là lần đầu tiên tôi xa gia đình. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi tự kiếm tiền và quản lý đồng tiền cho tương lai của mình.

Năm đó tôi được mười bốn tuổi. Tôi quyết định bươn chải kiếm từng đồng xu cắc bạc nơi đất khách quê người để đạt được ước mơ nghèo nàn là kiếm đủ tiền mua bộ sách giáo khoa, cái quần tây, cái áo sơ mi và đôi dép để có thể tiếp tục bước vào lớp chín một cách đầy đủ trọn vẹn như bao bạn bè cùng lứa. Hành trang của tôi có thêm ước mơ trần tục hoang đường, khao khát có nhiều tiền để mở một trang trại heo giống một trăm con. Làm ăn như thế nào với cái trang trại heo giống đó thì tôi mù tịt. Tôi chỉ ước mình có thể ngồi gác chân chữ ngũ như ông Tư Đương ngoài chợ Tập Sơn, vừa là chủ tiệm vàng mà lại có thêm một bầy heo giống. Mỗi lần thấy ông Tư bán heo cho người ta mà tôi tròn lác mắt. Trời đất, người ta đếm tiền từng xấp thấy mà ớn hôn! Tiếng tiền giấy cọ vào nhau soàn soạt nghe sao lạ lẫm quá chừng. Cả đời tôi chỉ thấy mẹ đếm vài tờ tiền năm ngàn từ tiền bán vịt, rồi chắt chiu cất mớ tiền đó trong cái gối đặt ở đầu giường. Tôi khờ lắm, cứ nghĩ rằng nuôi heo thì sẽ giàu. Vừa đi học, vừa nuôi heo thì chắc tôi sẽ trở thành đại gia trong trường. Mơ thì cứ mơ. Không đi “mần ăn” thì làm sao sở hữu được giấc mơ sang giàu. Vậy là tôi hùng dũng bước ra bến xe Tiểu Cần với ước mơ về một đàn heo giống và cái áo sơ mi trắng tinh, chẳng thèm dùng dằng bỏ lại mùa hè rực rỡ ở phía sau.
Nhưng tôi lại chia tay mùa hạ đồng bằng trong lặng lẽ đơn côi. Không đứa bạn nào biết hai thằng chúng tôi đi đâu, vì các bạn còn đang thỏa thích vui chơi bên gia đình và bè bạn. Tôi bỗng hơi tiêng tiếc lo lo, liếc mắt nhìn hàng cây phượng vĩ còn sót lại vài chùm hoa đỏ ối. Gốc cây đó vẫn còn tên của tôi và cô bạn chung xóm được khắc chung trong hình một trái tim vụng dại. Dưới gốc cây đó chúng tôi cùng nhau đội trên đầu những màu hè đỏ rực, vị mùa hè còn ngòn ngọt chua chua thấm đượm trong từng búp hoa. Tuổi ngây thơ hàm tiếu góc sân trường. Chắc giờ này cô bạn ấy đang ngồi chảy tóc bên thềm ngập đầy hương bông bưởi bông cau. Chắc bạn nghe tấm lòng xao xuyến mỗi khi nhìn mặt ai đứng lấp ló chờ ai ngoài bờ dâm bụt. Hay giờ này bạn đang đạp chiếc xe cà tàng hay tuột dây sên nửa chừng, bơ phờ đi trong nắng nóng bừng bừng, nghe tiếng lòng nức nở tìm bóng ai vừa thoáng qua ngoài đường tỉnh lộ. Tôi còn ngoái cổ nhìn hoài con đường tỉnh lộ rợp hàng cây, nhưng chỉ thấy hình bóng tôi cỏn con trên nẻo đường thiên lý.
 Công việc đập đá không nhẹ nhàng như những gì thằng bạn nói. Mặt nó quạu quọ, buồn thiu, nửa như hối tiếc cho quyết định vội vàng, nửa chừng lại oán than cho số kiếp con nhà bần mẹ cha sanh ra đành phải chịu. Nó bặm môi trợn mắt phang ình ình vào tảng đá to tổ bố trên sườn đồi. Tự nhiên tôi thấy thương nó lạ. Hai đứa cùng cảnh ngộ nhà nghèo, làm mướn làm thuê khắp xóm trên làng dưới. Vậy mà lúc nào cũng thấy nó cười hở răng hở lợi, khoe với mình vài ba ngàn nó mới kiếm được. Cánh tay nó đen thui, ốm nhách, nhưng có thể vác nặng cả chục ký đá từ đồi xuống bãi xe. Đá cũng mềm dưới bàn tay của bạn. Vậy mà cầm năm ngàn đồng lại như trĩu cả đôi vai. Có khi nó còn thảy cho tôi vài ngàn mua thêm ký gạo mà không cần cân lượng đắn đo. Nó hào phóng tặng tôi những đồng cảm cuộc đời mà chỉ riêng chúng tôi mới hiểu được. Mồ hôi tuổi dậy thì rớt lên từng tảng đá núi, làm cả sườn đồi Sóc Lu bỗng dưng khản tiếng tuổi dậy thì. Từng nhát búa chan chát như đánh thức núi rừng đất đá ba-zan. Mồ hôi tiếng búa làm thức tỉnh đá núi xứ người. Đá núi xứ người làm thức tỉnh tuổi mộng mơ.
 Sáng nào chúng tôi cũng mày mò, quần quật chuyển tất cả sức lực của cơ thể mình vào từng nhát búa làm chai sạn lòng bàn tay đến độ phồng rộp, rồi úa tàn như cái bánh phồng vừa bị đem ra khỏi lò than, rồi lại sưng lên như những vạt nắng quái ác phủ tràn khắp sườn đồi triền dốc. Chúng tôi phải vần những cục đá to đùng ước chừng hai ba chục ký, xoay ra đập chan chát vang động đất trời. Rồi phải lom khom cầm cây xà beng tôi mượn của dượng Tư lúc sáng để nạy từng viên đá to gấp chục lần cơ thể chúng tôi. Dượng Tư chắc lưỡi thở dài, nói rằng thiên hạ cùng đường mần ăn mới lên xứ này đập đá. Nhưng tôi lại thấy chút gì phơi phới trong lòng, vì những tảng đá này sẽ làm nền cho con đường viễn tưởng nuôi heo của tôi. Cô Tư cũng ngao ngán lắc đầu với cái nắng tháng sáu làm mặt mày xây xẩm. Cô dượng là người tử tế, cho tôi ở đậu trong nhà. Có lẽ cùng cảnh ngộ đập đá, nên đêm về thì cả nhà nằm liệt trên giường với tứ chi bải hoải rã rời. Tôi chỉ nghe tiếng tặc lưỡi buồn mênh mông như khói thuốc rê xanh mơ màng liêu trai của dượng Tư hay trầm ngâm vấn vít ở đầu giường. Tiếng thở dài ấy sao nghe còn nặng nề hơn tiếng búa quần quật hồi trưa. Thoảng trong sâu thẳm tiếng thở dài nghe như ít chừng đau xót.
.
src=http://3.bp.blogspot.com/-fY53AORvLp0/UbL-bxXQ-xI/AAAAAAAACgw/FcI1vJTqHu8/s1600/dap-da.jpg
.
 Tháng đầu tôi làm việc rất hăng hái với sức trẻ mới lớn nên công việc của tôi cũng khá thuận lợi suôn sẻ. Tôi cắc củm để dành từng đồng tiền chắt mót từ tiền công ít ỏi sau một ngày dài uể oải vật lộn với bốn khối đá toát mồ hôi hột. Cầm trên tay mười tám ngàn đồng, toàn là tờ năm trăm, một ngàn và hai ngàn đồng lẻ nhăn nheo mà tay tôi run run mà không sao kiểm soát được. Bàn tay vừa cầm xà beng, cầm búa quật tan nát dốc đồi, vậy mà cầm một mớ tiền lẻ đã nghe lòng chới với, tựa như cơ thể mình đang bị suy nhược đau ban. Nửa như mừng khi xòe ra rồi lại cất vào vài tờ tiền rách ở góc tả tơi như cá rỉa được móc ra từ trong túi quần sau của bác tài xế xe tải. Nửa chừng lại nghe tiếng rột rẹt của tiền như rin rít mồ hôi, nghe đâu trong tiếng giấy tiền cọ nhau có tiếng thở dài nhè nhẹ, đượm mùi thuốc rê Xuân Lộc đăng đắng nhưng nồng nàn say say. Cầm mớ tiền trên tay, tôi chợt nhớ về ước mơ đi học và giấc mộng giàu sang trên con đường thiên lý. Ngó ra ngoài đường bụi đất đỏ mờ mịt, tôi thấy mịt mờ về một giấc mơ không biết đến nơi nào là điểm dừng tận cùng. Có khi tôi thấy trời đất dường như đảo lộn, đồi Sóc Lu chợt chổng ngược lên trời, nhìn tôi không động đậy. Núi nham nhở những lát cắt của tuổi dậy thì, vĩnh viễn khắc thành vết cắt của thời gian. Đó là khi chân tay tôi bủn rủn, mệt đứt hơi, vừa thở vừa nuốt nước miếng khan trong cuống họng cho dịu đỡ cơn đói hành hạ từ ban sớm do chỉ uống qua loa gáo nước lã lúc đi làm.
 Không kịp lau mồ hôi, tôi hớn hở chạy ù một mạch tới tiệm tạp hóa ở đầu đường vào nhà dượng Tư. Cô ơi cô, bán cho con một ký gạo, nhưng con chỉ lấy loại hai ngàn thôi nhe cô. Mà cô ơi, bán cho con thêm hai ngàn đồng cá khô, một chai nước mắm và bịch bột ngột nhỏ nữa cô ơi. Bữa nay sang quá vậy mậy, nhỏ! Có tiền mua gạo, mua khô ăn nữa đa! Dạ, tôi cười tươi rói đón nhận lời khen của bà chủ tiệm. Vừa quay người lại chợt nghe tiếng thở dài đi lạc trong buổi chiều hôm. Trời sập tối, tôi chỉ nghe cơn đói cồn cào trong dạ, bao tử réo sôi ồn ột. Tôi hối hả chạy về nhà nấu bữa cơm nghèo đạm bạc. Có khi thằng bạn đi chơi rong trong xóm, tôi ngồi ăn mình ên. Lùa miếng cơm nấu bằng gạo cũ cứng ngắc khô khào, cắn miếng khô mặn chát, chấm thêm đọt cây bình linh mà tôi hái đại ven đường, tôi vừa cảm thấy tui tủi lại vừa cảm thấy hãnh diện với ước mơ giàu có của mình. Có lẽ tôi sống bằng ước mơ không bờ bến của riêng mình. Tôi cứ ngồi mơ mộng về một ngày ra Tiểu Cần học cấp ba, chạy chiếc xe đạp mới tinh. Tôi sẽ ghé ngang nhà cô bạn và ngẩng cao đầu, hắng giọng nói bạn hãy để chiếc xe đạp tuột sên của bạn vào bồ lúa đi, ra đây để mình chở bạn đi chơi khắp bốn biển giang hồ. Bọn tôi sẽ đi khắp xóm làng, băng qua những cánh đồng xanh ngan ngát có hàng phượng vĩ che rợp bóng trên đầu. Bọn tôi sẽ chạy ngang nhà ông Tư Đương và gật gù nhỏ to rằng trại heo giống của ông sao mà nhỏ tí nị. Rồi chúng tôi sẽ băng qua cánh đồng còn thơm mùi rơm rạ vụ hè thu, đi tuốt vào thị xã, hay chạy lăng quăng đâu đó đến tận cuối chân trời. Tôi sẽ đăng trình về phía xa xăm diệu vợi, băng thân mình vào ngàn dặm phong sương để đặt chân đến Sài Gòn đô hội. Tôi sẽ vào giảng đường đại học và lại tiếp tục mơ màng về những giấc mộng giàu sang.
 Nhưng đọt bình linh lại có vị gì hơi chan chát. Hình như đọt cây dại này có mùi như rau nhút. Ở quê nhà chắc giờ này gia đình cũng đang ngồi ăn cơm. Chắc mùa mưa chiều nay mẹ lại nấu canh chua cá lóc với rau nhút và cá rô kho tộ. Lùa miếng cơm chan nước canh chua ngòn ngọt, cắn miếng cá rô ngọt thịt cay cay mùi tiêu sọ làm ban tối cảm thấy no đủ vô chừng, muốn nằm ườn trên tấm phản ở nhà sau mà ngủ vùi cho đến sáng. Tôi chợt nhận ra rằng bữa cơm của mẹ lại là một ước mơ nữa của tôi. Bên ngoài trời tối mịt. Đường về Tiểu Cần lạc mất trong màn đêm. Khi vừa cảm thấy tui tủi trong lòng, tôi phải tự làm vui bản thân mình bằng cách ngồi đếm tiền giống mẹ. Tôi gói ghém phần tiền còn lại sau khi mua đồ ăn vào tờ giấy học trò, rồi cẩn thận buộc thêm vài cọng thun. Giống như mẹ, tôi cũng cất mớ tiền đó trong gối mẹ đã chuẩn bị cho tôi trước khi đi xa. Bấy giờ tôi mới hiểu, những nắm tiền bé mọn được gói ghém kỹ càng là chính ước mơ của chúng tôi được chăm chút và gìn giữ một cách đàng hoàng. Ước mơ của chúng tôi được sinh ra từ những đồng bạc lẻ. Những ước mơ này không bao giờ có giấy chứng nhận khai sinh.
 Nằm gối đầu trên những ước mơ không nguồn cội, tôi ngủ thiếp đi trong sự im lặng của núi rừng, thả hồn vào tiếng con nhen, con sóc kêu rúc rích ngoài hiên. Tôi nằm mơ. Tôi mơ thấy mình leo lên chiếc xe đò chạy cà rịch cà tang về Trà Vinh. Tôi thấy mình đi thong dong giữa hàng cây phượng vĩ đỏ chót cả góc trời mùa hạ. Nhưng một cơn mưa bất chợt của mùa hè xứ lạ như một bàn tay vô hình đánh thức tôi dậy giữa bàng hoàng không xác định được bản thân. Mùa hè ở đây sao không có phượng? Nhìn mút trên đồi xa chỉ toàn cây bơ, cây rừng dọc theo những lối mòn quanh co uốn éo ôm sát sườn đồi. Tôi lại ước gì cây bơ đang đứng lẻ loi chơi vơi ngay vách đá kia là cây phượng, để tôi biết được rằng mùa hè Trà Vinh đang sánh bước cùng tôi vào giấc ngủ. Mười mấy tuổi đầu chợt biết cảm thán kiếp ly hương.
 Có một bận chiều tà tôi tìm nơi đi tắm. Chúng tôi chẳng ai dám tắm ở nhà vì nước vùng đồi núi này rất hiếm, mua năm trăm đồng chỉ được ba mươi lít mà thôi. Vì thế chúng tôi tìm một cái giếng nằm sát lề đường tại rẫy chôm chôm để tắm thỏa thích mà không phải chi trả một cắc nào. Tình cờ ông chủ rẫy đến hỏi tôi có muốn làm thêm việc hái chôm chôm không. Vậy là tôi có thêm nghề tay trái. Ban ngày đi đập đá núi đến khoảng hai giờ chiều thì chạy lại vườn của chú để hái chôm chôm. Dù thu nhập có khá hơn, nhưng công việc nào cũng đòi hỏi sức lực trai tráng. Nó trở nên quá sức đối với thân thể gầy gò suy dinh dưỡng của tôi. Có hôm tôi ngồi bẹp xuống đất vì mệt, tay chân bủn rủn, mắt lơ mơ nhìn mặt trời mà cứ ngỡ là một vì sao to đùng sắp sửa rụng xuống trần gian. Lúc đó trong đầu tôi chỉ vang vọng một ước mơ thần kỳ khác nữa. Tôi ước gì có mẹ bên mình. Mẹ ơi, con muốn về nhà lắm. Con chỉ muốn được một giấc ngủ thật say không còn mỏi mệt. Nơi này buồn lắm, mẹ ơi. Sao mẹ không ở cạnh con lúc này? Tôi chỉ muốn khóc òa lên như một đứa con nít bị đòn oan. Thằng bạn cũng bần thần mệt nhọc. Hai đứa nằm bẹp dưới gốc cây chôm chôm cuối mùa hè. Mùa hè làm thinh, lặng lẽ đi qua cuộc đời chúng tôi, làm xao xác những tiếng thở dài nặng chình chịch. Lần này chúng tôi nghe tiếng thở dài của chính chúng tôi. Ước mơ sao mà nặng nề đến dường vậy!
 Mùa hè đã hết, nhưng ước mơ vẫn còn. Tôi ra bến xe Gia Kiệm để bắt chuyến về quê. Cầm một mớ tiền trong tay, tôi chợt nghe giấc mơ nghèo nàn quay về trong chớp mắt. Đứng chèo kéo đôi co với ông chủ tiệm sửa xe suốt cả buổi trời, cuối cùng tôi cũng mua được chiếc xe đạp mi-ni cũ mèm với giá một trăm tám mười ngàn. Lê la với đôi dép lào cũ rích bám đầy đất đỏ, tôi lại háo hức đi sang gian hàng bán giày dép. Ước mơ của tôi đang nằm trong tủ kính. Đó là đôi xăng đan đen bóng. Thế là tôi cũng sở hữu được ước mơ đó với giá hai mươi lăm ngàn. Băng qua bên kia đường là nhà sách bật đèn sáng trưng. Chị thu ngân có nụ cười thân thiện tính tiền cho tôi bộ sách lớp chín và một cái cặp với giọng điệu nhẹ nhàng, tiền thối của em đây nhóc. Nghe mà ngọt ngào làm sao. Giờ khởi hành đã đến, tôi vội vã chạy chiếc xe đạp mới mua, chở đùm đề ước mơ của mình đến chiếc xe đò to tướng. Hành trang tôi mang về lại Trà Vinh là những ước mơ nhỏ nhoi mà tôi sở hữu được. Dù trong túi chỉ còn dư được vài chục ngàn sau khi trả tiền vé xe, tôi trở về với một tôi mới mẻ hơn lúc ra đi.
 Chuyến xe lao vào màn đêm tăm tối, nhưng tôi thấy ánh đèn xe lấp lóe trước mặt mình, soi rất rõ con đường tôi lựa chọn. Trên chặng đường về quê, tôi thấy hình như tôi đang đi trên những con đường mới, với những chân trời mộng tưởng mới lạ hơn xưa. Xe chạy qua những con đường đất đỏ, rồi bon bon trên quốc lộ miên trường. Con đường vừa qua hình như có nhiều phần gập ghềnh khúc khuỷu. Qua những giao lộ cuộc đời, tôi nhận thấy mình chỉ vừa đi xong một quãng đường rất nhỏ. Và tôi trở về, vẫn nghèo nàn như ngày mới cất bước chân lìa xa mùa hạ. Nhưng bản thân mình đang chở theo mình với sự giàu có của những ước mơ.
.
 src=http://pppre.s3.amazonaws.com/371d4940d912fc92/b/1f568490eb6b4a9eb661e68cc2ad9092.jpg
.