src=http://images.tienphong.vn/Uploaded/duongnt/2014_04_10/000035-1.jpg.ashx?w=440&h=250&crop=auto
.
Bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho ba, cho má ? Bạn đã dành thời gian cho Ba, cho Má của bạn chưa?
Có bao giờ, chúng ta suy nghĩ sẽ còn bao nhiêu tiếng đồng hồ nữa để ngồi cạnh Ba, cạnh Má, đó là một câu hỏi thật đơn giản nhưng cũng rất khó trả lời. Điều này càng làm cho lòng chúng ta càng day dứt hơn.
Với cuộc sống hối hả, bon chen như ngày nay, chúng ta hòa vào trong cuộc sống ấy, công việc, học hành đều chiếm hết cả thời gian. Vậy, thời gian dành cho Ba cho Má ở đâu? Sao ta không lắng lòng nghĩ về Ba Má, và cố gắng dành một chút thời gian riêng cho mỗi Ba Má. Một tiếng mỗi ngày cho Ba Má, đời Ba Má còn lại bao nhiêu ngày? Một tiếng mỗi ngày thôi, là thời gian yên bình nhất, được nghe Ba nói, được thấy Má cười, được nắm lấy đôi bàn tay của Ba của Má.
Ngồi bên cạnh Ba Má, ta như ôm trọn cả một thế giới tình thương ấm áp bao la. Ta lạc lối, Ba Má sẽ đưa ta về, ta bao nhiêu tuổi vẫn luôn nhỏ bé trước Ba Má, Ba Má vẫn luôn che chở cho ta, luôn xem ta khờ khạo là nhỏ dại, đó là tấm long của bậc làm Cha làm Mẹ.
Trong lúc ta khó khăn, tâm không bình yên, hoang mang và thất vọng, chính những lúc đó ta nhận ra ngôi nhà của Ba Má là nơi cho ta trú ngụ, ta khao khát được về bên Ba bên Má, được khóc như thuở nào.
Thời gian sẽ lấy đi mọi thứ nhưng nếu ta làm những điều cho Ba Má vui, điều ấy như mang lại một phép màu cho Ba Má lúc tuổi già. Có bao giờ bạn nhận ra điều này: mọi thứ những gì của Ba Má đều là của chúng ta, nhưng những thứ của chúng ta có được bao nhiêu là của Ba Má?
Có được cuộc sống thì mới hiểu được Ba Má. Càng sống càng trải nghiệm, càng thấu hiểu công ơn trời biển của cha mẹ, và nỗi cơ cực vất vả đã nuôi ta khôn lớn nên người. Thế nhưng, có đôi khi chính những đứa con lại thờ ơ với cha mẹ mình, cho đến một ngày nhìn lại sẽ thấy hối hận và day dứt biết bao.
Tôi chưa biết thương Ba thương Má!
     “Tôi khao khát tình yêu
     Tôi đi tìm tình bạn
     Và cần lắm tình cảm gia đình
     Nhưng tôi chưa biết thương Ba thương Má!”
Ngày đó, còn nhỏ tôi chưa biết gì, thương Ba Má khi được Ba Má cho tiền, được Má cho đi chơi, được Ba mua cho bì bánh, thế là đủ, tôi chưa hiểu tiền bạc của Ba Má làm ra cực khổ như thế nào. Bây giờ, tôi đã là sinh viên, nhưng tôi càng phụ thuộc vào gia đình nhiều hơn. Đôi khi tôi thấy mình thật tệ, chỉ biết ăn, học, chơi, ngủ, và hết tiền lại ngửa tay xin Ba Má, và tôi xem đó là nhiệm vụ của Ba Má phải lo cho tôi khi tôi xa nhà, khi nào làm có nhiều tiền trả hiếu cho Ba Má thế mới là hiếu thảo. Và đó, cũng chính là sai lầm lớn nhất của tôi. Tình thương không nhất thiết phải cho Ba Má thật nhiều tiền. Mà chỉ đơn giản: là đấm lung cho Ba, rót cho Má tách trà, phụ Ba Má công việc nhà, điều đơn giản đó có mấy ai làm được!
Bạn tôi đứa thì làm thêm để có tiền sinh hoạt hằng tháng, tôi thì sướng rồi, không cần phải lo về tiền bạc, hết tiền thì gọi điện thoại nói Ba Má gửi vào. Tôi biết, tôi chưa yêu Ba yêu Má! Sẽ không bao giờ là quá muộn khi ta biết nhìn lại bản thân, thấy được sai lầm của mình và bắt đầu dành sự quan tâm yêu thương, đỡ đần cho Ba Má.
Tôi đã từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn:
Quạ mẹ cõng quạ con qua song. Quạ Mẹ hỏi:
“- Sau này Mẹ già Con có cõng Mẹ không?”
Quạ Con im lặng không trả lời. quạ Mẹ lại hỏi:
“- Con có cõng Mẹ không?”
Quạ Con mới trả lời:
“- Con xin lỗi! Con không thể cõng Mẹ qua được!”
Quạ Mẹ đau khổ:
“- Tại sao vậy?”
“- Bởi Con còn phải cõng Con của Con nữa!”
Như phản ánh một hiện thực đã trở thành quy luật, dẫu quy luật này khiến ta đau lòng.
Tôi có một con bạn đã kết hôn và đã có con, nó từng nói với tôi rằng: “Bây giờ mày còn độc thân, mày muốn mua, muốn làm gì cho Ba Má thì mày cứ mua, cứ làm. Sau này mày có chồng có con, thì lúc đó lúc nào mày cũng nghĩ cho con mày hết, chỉ đến khi nào con mày thật đủ đầy không thiếu thốn bất cứ thứ gì thì bấy giờ mày mới nghĩ đến người khác, kể cả Cha Mẹ của mày!”
Tôi lắng lòng, chợt hình ảnh Ba Má cứ hiện lên trong tôi. Tôi tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Ba Má?”
Ngày 20/11, tôi tặng Ba một món quà, một bông hoa (vì Ba tôi là Giáo viên), ngày 8/3 hay 20/10 tôi nấu ăn cho Má, tặng Má một chiếc kẹp tóc hay một bông hoa. Liệu rằng, tình cảm có đong đếm bằng vật chất? Tôi càng thấy mình thật vô dụng, không làm được gì cho Ba Má, bỏ số tiền để mua cho Ba cho Má chính là số tiền của Ba Má cho tôi! Tôi thấy thật xấu hổ với bản thân chính mình.
Đừng nghĩ bạn có thể đền đáp được công ơn cho Ba Má. Sự thật là bạn không bao giờ làm được điều đó, dù bạn có kiếm được nhiều tiền đi chăng nữa. Nhưng tôi chắc có một điều bạn có thể làm được đó là dành thời gian cho Ba Má nhiều hơn, để lặng lẽ nhận ra Ba Má đang già đi theo năm tháng, tóc Ba đã bạc thêm nhiều, nếp nhăn trên khóe mắt Má đang dần hiện rõ hơn, lắng lòng nhận ra: Ba Má không còn trẻ nữa. Hay thỉnh thoảng ta dành thời gian gọi điện thoại cho Ba Má, được nghe tiếng nói ấm áp, được nghe giọng cười của Má, được nghe Ba kể về công việc ở trường ở lớp, bấy nhiêu thôi cũng làm cho nụ cười của Ba của Má càng sang hơn, hạnh phúc hơn.
Ba Má chẳng mong ta làm điều gì cho Ba Má, mà đơn giản Ba Má muốn biết bạn sống như thế nào, có được no đủ, yên ấm hay không? Chỉ như vậy Ba Má cũng thấy bình an, hạnh phúc.
“Chỉ mong cho ta lớn khôn nên người
Chỉ mong nhìn thấy nụ cười cả ta.”
Chỉ một giây thôi, nhắm mắt quên tất cả nghĩ tới cha mẹ vẫn đang đong đầy yêu thương.
Chỉ một giây thôi, nhắm mắt quên cuộc đời hãy nghĩ suy lại ta tìm Mẹ nơi đâu
Chỉ một giây thôi, nghĩ đến Cha một lần dấu vết chân chim vẫn đang từng ngày mong ta.”
(Đạo làm con)
Hãy yêu thương, hãy chăm sóc Ba Má khi ta còn có thể. Đừng để công vệc, học hành nuốt chửng bạn đến nỗi không còn thời gian về bên Ba Má. Đừng để một ngày nào đó ân hận, chỉ còn lại nhưng giọt nước mắt mặn chát vương trên khóe mi buồn.    
     
Kiều Thị Hồng Phúc 

src=http://img.blogtamsu.vn/2015/01/u-me-anh-phien-that-0-1382522105575-crop1382522160954p.jpg