Phân ban tiến hành đại trà ở trường THPT năm học 2006-2007 với ba ban: ban KHTN, ban KHXH & nhân văn và ban Cơ Bản. Đến năm học 2008-2009, hầu như các trường THPT trong tỉnh ta không còn lớp KHXH và nhân văn. Không riêng gì Phú Yên, đó còn là tình trạng chung của cả nước, dẫn đến năm 2011 này, sụt giảm nghiêm trọng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh đại học và cao đẳng khối C, như báo chí đưa tin là điều đã được tiên đoán.
Trong học sinh, từ lâu hình thành tâm lý: Bạn nào ghi tên học ban KHXH và nhân văn sẽ bị gán cho là kém thông minh, dù chẳng ai đo chỉ số IQ cả. Thậm chí cuối năm lớp 12, học sinh học tương đối khá các môn KHTN nhưng đăng ký thi khối C, sẽ bị bạn bè cho là… không thức thời.
Học sinh theo gương ai, nếu không phải thầy cô giáo ngay trong nhà trường? Nhỡn tiền, chỉ thầy cô giáo dạy các môn KHTN và môn tiếng Anh dạy thêm được nên có đời sống sung túc, có xe đẹp, có nhà sang. Ngược lại giáo viên dạy các môn KHXH sống vất vả với đồng lương chay, yếm thế như một “chiến binh thảm bại”, trở thành cái bóng vật vờ trong trường, bị học sinh coi thường ngay bộ môn mình phụ trách. Giáo viên môn KHXH, với tấm bằng cử nhân, đành thúc thủ với mớ kiến thức ít ỏi, chịu đấm ăn xôi, tới tháng nhận lương. Họ không có cách nào nâng cao vị thế, làm sang mình trong mắt học trò. Ngoài kiến thức chuyên môn trong sách giáo khoa, những kiến thức “lạ lẫm” khác mà họ biết được, học sinh đem Google ra so sánh rồi chép miệng, rằng chỉ một cái nhấp chuột, biết tất. Học sinh cũng thấy rằng, những hội thảo liên quan văn học, văn hóa, lịch sử… ngay tại địa phương cũng không hề thấy bóng dáng thầy cô của chúng ở đó. Nói tóm lại, giáo viên môn KHXH là “bằng chứng sống” để học sinh tránh xa khối C khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng.
Michael Brow, cây bút uy tín của tạp chí The Chronicle Of Higher Education (Mỹ), nói: “…hy sinh các môn KHXH và nhân văn cũng có nghĩa là giảm giá bản chất xã hội của chúng ta”. Thật đáng lo ngại khi các trường THPT sắp tuyển sinh lớp 10 năm học 2011-2012, mà vẫn không chiêu sinh được lớp KHXH và nhân văn.Biết làm sao được, việc chọn lựa ban là quyền của học sinh, quyền của phụ huynh học sinh. Vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục là cần có phương cách định hướng người học nhận ra tầm quan trọng cũng như sự thú vị khi chọn học ban KHXH và nhân văn. Học sinh cần biết rằng, sự sáng tạo là tạo sự khác biệt, nó luôn cần kiến thức và kỹ năng thuộc ban KHXH và nhân văn. Dễ thấy, sinh viên hiện nay ra trường vì thiếu kiến thức xã hội và nhân văn đã rất lơ ngơ trong ứng xử, thiếu sáng tạo trong công việc, khó thích nghi và chậm thăng tiến.
PHÙNG HI