Bàn về ứng xử giữa người dạy – người học

Trong xã hội văn minh, mọi người đều bình đẳng trong cách ứng xử. Anh tôn trọng tôi thì tôi tôn trọng anh, bất kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội… Trẻ em phải lắng nghe lời khuyên của người lớn nhưng người lớn cũng phải biết lắng nghe nhu cầu của trẻ em. Trò cúi đầu chào thầy thì thầy cũng cúi đầu chào lại trò. Lối ứng xử này khá quen thuộc trong trường học các nước phát triển nhưng chưa phổ biến lắm ở nước ta.

Có một ông thầy nổi tiếng là khó tính, học trò chỉ đi học trễ vài phút là bị đuổi ra ngoài hoặc bị phạt hít đất rồi mới cho vào lớp. Nhưng có điều nghịch lý là thầy lại là chúa đi dạy trễ, có khi vào lớp muộn nửa tiếng đồng hồ. Đã đi trễ, lại không xin lỗi học trò mà chửi bới quát mắng ầm ĩ. Hình ông nghĩ rằng, đi đúng giờ là bổn phận của trò chứ không phải là bổn phận của thầy. Phòng học bỗng thiếu ghế ngồi giáo viên, đại diện lớp tỏa đi tìm khắp nơi, vất vả lắm mới khiêng được một cái ghế từ tầng trệt lên lầu bốn. Thấy học trò vất vả kiếm ghế cho mình ngồi, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, thầy không thèm cảm ơn một tiếng mà thản nhiên ngồi phịch xuống ghế. Hình như ông nghĩ rằng, bổn phận của học trò là phải phục dịch thầy.

Thầy đột ngột bỏ tiết dạy mà không có lý do, bắt học trò phải chờ dài cổ trong lúc còn có nhiều công việc khác phải làm. Hình như ông nghĩ rằng, chỉ có thầy mới bận chứ trò không bận. Thầy là trung tâm, muốn dạy, muốn nghỉ khi nào cũng được, học trò là vệ tinh nên phải chạy theo sự sắp đặt của thầy. Học trò gọi điện hỏi lịch dạy sắp tới, thầy không thèm bắt máy; gửi tin nhắn, thầy không thèm trả lời. Ngày lễ tết, học trò gửi tin nhắn kính chúc thầy vạn sự như ý, công tác tốt. Thầy không thèm trả lời lại hoặc chỉ trả lời những số điện thoại có lưu trong máy, còn những số không rõ thì thôi. Lẽ ra, thầy phải gửi tin nhắn hồi âm: “Cảm ơn em nhiều, xin lỗi, em tên gì và ở lớp nào vậy ?”. Học sinh trả lời: “Dạ, em là Nguyễn Văn A, ở lớp X…”. Thầy lại nhắn tin: “Chúc em vui vẻ và học tập tốt”. Như vậy mới là phép ứng xử văn minh.

Ở nước ta, nhiều quan niệm phong kiến lạc hậu vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ. Như việc trọng nam khinh nữ, quan chức hách dịch, hô hét dân thường, thầy giáo đối xử thô bạo với học trò… Thời xưa, thầy có thể cho bắt trói trò khiêng đi khắp làng hô “Ma lười ! Ma lười !” nhưng hình phạt như thế không còn thích hợp với xã hội ngày nay. Những hành vi như tát tai học trò, bắt hít đất, úp mặt vào tường, cởi bỏ quần áo, cắt tóc, chửi bới lăng nhục học trò… hiện nay vẫn còn tồn tại. Nhưng nó sẽ hết lần khi tinh thần “lấy người học làm trung tâm” được quán triệt sâu sắc trong giáo viên. Thay vì những hình phạt kém tính giáo dục đó, người ta sẽ có cách để chấn chỉnh nề nếp học sinh theo một hướng văn minh hơn, vừa tôn trọng luật pháp, vừa tôn trọng nhân cách người học.

Kinh nghiệm cho thấy, những người thầy nào có cung cách khuôn mẫu thì được học trò kính nể, nói đâu nghe đó, không cần phải dùng hình phạt nào. Cựu học sinh thường chỉ nhớ và liên lạc với những thầy cô nào biết yêu thương, tôn trọng mình. Thầy tôn trọng trò cũng là cách để trò tôn trọng thầy. Cho nên, thầy cô giáo không nên ngại ngùng khi phải dùng những tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” trước học trò.

PHẠM NGỌC HIỀN

Vannghemoi.com.vn − 17:01, ngày 22/11/2023, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền
Từ khóa: