Rồng có thật không ? – Phạm Ngọc Hiền

Theo quan niệm của người phương Đông, rồng là linh vật có vị trí quan trọng bậc nhất. Rồng tượng trưng cho sự đẹp đẽ, mạnh mẽ, linh hoạt, thiêng liêng, thuộc về thần thánh. Tuy nhiên, đây cũng là linh vật bí ẩn, gây bàn cãi nhiều nhất. Thực ra, nếu con người thần thánh hóa loài rồng thì thấy nó xa vời. Nếu bình thường hóa loài rồng thì thấy nó vẫn gần gũi với con người. Những lời trần tình sau đây sẽ giúp con người hiểu thêm về sự hiện diện của loài rồng.

Rồng là cách gọi của người Việt. Trong tiếng Hán, rồng được gọi là long (lung). Khi dịch ra tiếng Anh, người ta gọi rồng là dragon. Thời cổ trung đại, dragon có nghĩa là con rắn khổng lồ. Ngày nay, người ta thường dùng từ khủng long (rồng lớn). Thực ra, dragon / khủng long có nhiều điểm khác với rồng phương Đông về ngoại hình, tính cách và thái độ của con người đối với nó. Về ngoại hình, rồng phương Tây thường có đôi cánh (theo đúng quan niệm duy lý: phải có cánh mới bay được). Cơ thể của nó giống như con thằn lằn bay khổng lồ. Tuy nhiên, cũng có loài không bay như rồng Komodo, vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Về tính cách, con rồng trong truyền thuyết phương Tây thường làm những việc xấu xa: ăn thịt gia súc, bắt cóc công chúa, canh giữa kho báu… Những chàng trai thể hiện bản lĩnh của mình bằng cách tìm tiêu diệt cho được một con rồng. Như vậy, rồng là con vật phản diện.

Trong truyền thuyết phương Đông, hình dạng của rồng kết hợp những vẻ đẹp và sức mạnh của các linh vật khác. Trên đầu rồng có cặp sừng, giống sừng nai hoặc sừng trâu. Hàm trên có răng nanh giống như cọp. Dưới cằm có bờm giống sư tử. Hai bên mũi vểnh ra hai cọng râu cong, đẹp và lạ. Mắt tròn và đen như mắt thỏ, cá. Thân thể của rồng dài như con rắn khổng lồ, có thể uốn lượn thành những hình cong đều đặn, đẹp mắt. Rồng còn có thêm bốn chân như cá sấu (thuồng luồng, giao long). Nhiều người tin rằng, rồng chính là cá sấu nhưng đã được tô vẽ cho đẹp thêm. Rồng bỏ cái thân hình ục ịch của cá sấu nhưng lại mượn đôi chân cá sấu để tăng thêm sức mạnh. Tuy nhiên, móng vuốt cá sấu chưa tối ưu nên nó mượn móng vuốt đại bàng để lắp vào. Trên thân rồng có vảy cá, tăng thêm vẻ đẹp lấp lánh. Trên lưng rồng có vây được chạm khắc theo lối cách điệu. Đuôi rồng có nhiều hình dạng nhưng phổ biến nhất là loại vây cá uốn lượn như hình ngọn lửa. Rồng có thể phun ra lửa nhưng cũng có loài phun nước. Rồng có thể sống dưới biển hoặc hang động trên núi cao. Nó có màu xanh, vàng, đỏ, đen. Nói chung, rồng thể hiện sự mềm dẻo, biến hóa linh hoạt, thích nghi với mọi điều kiện sống.

Rồng kết tinh những lý tưởng thẩm mỹ của con người Đông Á. Nó có sức mạnh vô địch, bất khả chiến bại và có sức sống trường tồn, thoát khỏi vòng sinh tử. Rồng là hình ảnh của thần thánh, thể hiện những điều thiêng liêng, cao đẹp. Những cái gì đẹp đẽ, cao cả nhất cũng được gắn chữ long / rồng: long bào, long nhan, long thể, mặt rồng, bệ rồng, thuyền rồng, rồng bay phượng múa, rồng đến nhà tôm… Rồng được vẽ trang trí trên các vật dụng. Rồng được chạm khắc ở những nơi trang nghiêm trong cung điện, chốn công đường, đình chùa, trong gian thờ cúng tổ tiên của mỗi gia đình. Người ta nhìn thấy tranh, tượng rồng hằng ngày. Trong khi có những người cả đời không nhìn thấy các linh vật khác như: cọp, cá sấu, trăn, cá voi… Các cư dân khối Bách Việt có mối duyên nợ với rồng từ xa xưa. Người Việt tự hào mình là “con rồng cháu tiên”. Lạc Long Quân được xem là ông tổ của dân tộc Việt. Con rồng in dấu ấn đậm nét trong văn hóa vật chất và tinh thần của các quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản… Ở Việt Nam, có vô số địa danh gắn với chữ Long: Thăng Long, Long Biên, Hạ Long, Bạch Long Vỹ, Kim Long, Cửu Long… Ngày nay, ngành công nghiệp truyền thông cũng ăn theo thương hiệu của rồng. Nhiều bộ phim khai thác các truyền thuyết về rồng. Nhiều sản phẩm, tên công ty lấy chữ long / rồng với mong muốn làm chủ thị trường, đứng đầu thiên hạ… Những quốc gia phát triển mạnh ở châu Á được gọi là con rồng.

Rồng đứng đầu nhóm tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng. Rồng cũng có mặt trong 12 con giáp với tên gọi là Thìn. Ngày nay, nhiều linh vật vẫn hiện diện ngoài đời như: rùa, chuột, trâu, cọp… Nhưng người ta luôn thắc mắc là rồng và kì lân có thật hay không ? Có người nói kỳ lân là sự cụ thể hóa sư tử theo cách hình dung của người Đông Á. Có nhiều con vật có thật nhưng người ta không nhìn thấy trực tiếp mà nghe kể lại. Trải qua nhiều đời tam sao thất bản, hình ảnh của con kỳ lân khác xa với nguyên mẫu ban đầu. Rồng cũng xuất phát từ con vật cụ thể có thật, trải qua nhiều đời tô vẽ, thần thánh hóa nên khác xa với nguyên mẫu ban đầu. Ngày nay, chắc hẳn nhiều người sẽ phản ứng khi có ai đó nói rằng rồng chỉ là con rắn lớn. Số khác cho rằng rồng từng có thật nhưng ngày nay đã tuyệt chủng, giống như khủng long và nhiều loài khác. Và cũng có thể rồng là sản phẩm từ hành tinh khác. Người ngoài hành tinh đã lái phi thuyền rồng bay lượn trên trời, lướt trên mặt biển. Thỉnh thoảng, họ đáp xuống mặt đất, dạy cho người dân bản địa cách trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, dựng nhà… Người dân tôn sùng, gọi họ là Long Quân, Long Vương.

Suốt mấy ngàn năm qua, người phương Tây vẫn tin vào sự hiện diện của các linh vật nửa người nửa thú như: nhân sư, nhân mã, nhân ngưu, nhân điểu, nhân ngư… Những linh vật ấy có thể được tạo ra theo hình thức sinh sản biến dị, kết quả của sự giao phối giữa người với vật. Cũng có thể do có sự can thiệp về mặt di truyền của một sinh mệnh cao cấp từ hành tinh khác. Ngày nay, người ta có thể ghép hai loài cây để tạo ra một loài cây khác. Nhưng việc ghép hai loài vật để tạo ra một giống loài khác vẫn còn khó khăn. Khi chưa đủ trình độ để nhận thức về một điều gì đó, người ta thường coi nó là phản khoa học. Loài người đã từng coi giả thuyết trái đất hình tròn là phi lý. Mấy ngàn năm qua, người ta tin rằng rồng có sừng. Vậy, nếu có họa sĩ vẽ rồng không có sừng thì người ta sẽ coi là vẽ sai. Mặc dù họ vẫn nói: “đoàn người rồng rắn kéo nhau đi”. Tức là thừa nhận rồng và rắn cùng chủng loại.

Vậy thì thực chất, rồng được tạo ra từ nguyên mẫu nào ? Hãy đến thăm các chùa ở Nam Bộ. Khi vô các chùa của người Việt, người ta thường thấy hình ảnh của rồng. Khi vô các chùa của người Khmer, sẽ nhìn thấy hình ảnh của rắn thần Naga. Người Khmer chạm khắc theo lối tả thực nên tượng rắn vẫn đúng với hình dạng của rắn hổ mang chúa mà ta thường gặp ngoài đời. Còn người Việt khoác lên rồng một bộ cánh sặc sỡ, kết hợp hình ảnh nhiều linh vật khác. Nhưng nếu cởi bộ cánh đẳng cấp ra thì rồng cũng là một loài có bà con họ hàng với rắn hổ mang chúa mà thôi. Nói thêm một chút để dễ hình dung: một diễn viên đóng vai vua chúa. Khi lên sân khấu, anh ta khoác bộ long bào, mọi thứ trang phục trên người đều có hình rồng. Xung quanh cũng toàn là rồng: ngai vàng, cột son, các bức trướng… Khi diễn xong, anh ta bước xuống sân khấu, cởi long bào, thành một người bình thường. Khi bước vô phòng ngủ, anh ta chỉ mặc mỗi cái quần đùi mà thôi. Khán giả rồng rắn kéo nhau ra về vẫn mang theo hình ảnh của một thế giới lộng lẫy đầy rồng đẹp. Trong giấc mơ, vẫn thấy anh diễn viên rồng. Thực ra, ở ngoài đời, anh ta cũng có ngoại hình bình thường như những con người khác mà thôi.

Để trả lời được câu hỏi: rồng có tồn tại hay không, con người cần phải thay đổi quan niệm truyền thống. Họ phải chấp nhận kéo các biểu tượng thiêng liêng xích lại gần với cuộc sống đời thường. Nếu họ vẫn khăng khăng giữ nguyên hình ảnh của rồng truyền thống thì rồng đã tuyệt chủng rồi. Nếu họ quan niệm rồng là một loài rắn lớn thì rồng vẫn hiện diện đấy. Nhưng khi bước vô những chỗ trang nghiêm thì nó đã khoác bộ cánh sặc sỡ theo đúng nghi thức và quan niệm truyền thống.

Phạm Ngọc Hiền

Văn nghệ Phú Yên, số 1/2024

Vannghemoi.com.vn − 07:20, ngày 23/02/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền