/

A! U đã về!… A! U đã về!…Chúng mày ơi…
Tiếng reo chất chứa một niềm vui sướng hân hoan khó tả, lũ con nít chúng tôi bỏ cả những trò đang chơi dở chạy ùa ra cổng mà bâu lấy u, mè nheo: bánh của con đâu u…? bánh của con đâu u…? ứ ừ…
Quả thật, mong như mong mẹ về chợ; chúng tôi biết mẹ đi chợ về thế nào trong cái thúng con có đậy tấm vỉ buồm mầu nâu đã nhạt mầu, bên cạnh những rau củ, tép tôm…mà chẳng có một đùm bánh trái thơm ngon, hấp dẫn vô cùng! Cái thế giới quà bánh tuổi thơ của chúng tôi thì nhiều vô kể: nào bánh rán bánh đa, nào bánh khoai bánh ú, nào bánh mật bánh mỳ, nào bánh tôm bánh ít v.v… nhưng ấn tượng và dân dã – dân dã đến mức thuần khiết của bánh trái quà quê, là bánh đúc. Nó dân dã là vì những nguyên liệu tạo ra nó: gạo tẻ, lạc, vôi, tương ớt, hành lá…; nó dân dã còn là vì cách chế biến như chính tên của nó vậy: bánh đúc! Bánh đúc ăn giòn, mát, mịn, no bụng mà lại dễ tiêu. Bánh đúc quê hình quả núi có vị ngọt của gạo, vị thơm của hành lá, vị nồng của vôi, vị bùi của lạc, vị cay của ớt chấm với mắm tôm thơm đặc trưng của làng quê. Bánh đúc bẻ ba, mắm tôm quệt ngược, cắn miếng bánh đúc, để cho vị thơm ngon của nó lan tỏa, thấy như gần gũi hơn nữa với cái làng quê quen thuộc của mình…
Bánh đúc mà đổ ra sàng
Thuận anh, anh bán, thuận nàng, nàng mua.
Bánh đúc quê giờ đây đã có nhiều biến tấu. Từ loại bánh đúc thuần túy chỉ được làm bằng bột gạo pha với nước vôi trong ngai ngái mùi vôi, nay đã có bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc lạc, bánh đúc dừa, bánh đúc ngô v.v… Nó không chỉ được ăn như một thức quà quê, bữa ăn sáng mà điển hình là bánh đúc chấm tương, bánh đúc cũng có thể ăn kèm với canh riêu cua, rau thơm, mắm tôm, mật ong, mật mía, mứt trái cây và thậm chí cả cá kho, thịt kho tùy thích…Nhưng với tôi bánh đúc quê mà mẹ đi chợ mua cho vẫn là thức quà đáng nhớ hơn cả!
Chúng tôi giờ đã trưởng thành, vị trí công tác khác nhau, lại cũng có người đã lập gia đình, đi đây đi đó cũng nhiều, nếm không ít các thức quà bánh, có cả những hộp bánh ngoại đắt tiền mà người ta biếu tặng nhưng cái vị bánh đúc quê thì vẫn không thể nào phai nhạt được. Chả thế mà dù đã nếm những bát phở đắt tiền, những bát bún giò thượng hạng nhưng mỗi lần vợ đi chợ tôi đều dặn: Mua cho anh bát bánh đúc! Vợ tôi ngẩn ra giây lát rồi cười – cái cười hiền hậu chỉ có ở một phụ nữ thôn quê tần tảo: Anh lại nhớ quê à? Tôi cũng cười cười, gật đầu!
Phải rồi, quê hương thì làm sao mà quên được. Chỉ có điều, bên cạnh nỗi nhớ làng quê chung chung ấy thì mỗi người lại tìm về những kí ức cho riêng mình: có người nhớ cây đa bến nước, thổi sáo lưng trâu, người lại nhớ mái đình cong cong, ngôi chùa cổ kính…Riêng tôi, nỗi nhớ làng quê đơn giản là cái vị thơm nồng ngọt ngào của bánh đúc quê!

Tống Duy Hải

/

.