/

Cái bàu rộng như biển nhưng không phải biển bởi đường chân trời chắn sau nó là cánh rừng nguyên sinh cắt ngang mây trời và sóng nước tạo thành một dải lụa mỏng lét, xanh mờ. Nắng đuối nên lành lạnh, thằng Đẹt bỏ chòi ra ngồi câu sát mép nước. Kè kè theo nó là cái đụt và gói mồi khoai lang quết nhuyễn với trùn đất và cám rang thơm lừng. Mồi dẻo nhẹo, vàng choé quyện thành bánh bằng quả bưởi đèo, khi câu ngắt từng cục ra vo tròn quanh lưỡi câu rồi câu.
Câu có nghề phải là tay làm mồi cự phách mới dụ được cá. Biết nơi nào có cá, cá gì, ăn mồi gì, ăn đáy hay ăn nông mà đặt phao cho thích hợp. Ấy vậy mà lắm bữa cái mặt thằng Đẹt méo xẹo bởi trớt qướt. Nó buồn, nghĩ mình cũng thuộc loại câu tồi. Loại tay câu hạng bét.
Bắt bồ câu với Đẹt là Kính nổ tuy lớn hơn thằng Đẹt những ba con giáp nhưng không thích nó gọi bằng chú mà thích gọi là anh hay sư phụ. Kính nổ thì khỏi phải nói, nổ tới banh ta lông ra mà vẫn cứ cười hề hề. Câu được ba con cá nhép, mắc cỡ, lẻn vào chợ mua cá to rồi về tung hê với bạn bè chòm xóm là tay câu số một và cái tên Kính nổ cũng ra đời từ đó. Thằng Đẹt thấy thế cười méo xệch, túi nó trống rỗng nhưng có nó cũng không làm vậy. Dại. Ăn rau cũng được mà, nó sống một mình.
– Sư phụ nè, bao năm ngồi câu ở đây con có thấy con cá sấu nào đâu.
– Dịch nghẽo hết rồi.
– Làm gì có chuyện đó, sư phụ.
– Mày không thấy túi xách, cặp da cá sấu thiệt sao ? Chợ nào cũng có, cá sấu còn mới là lạ.
– Hèn gì.
– Thiệt chớ hèn hạ gì mày.
– Nghe nói cha mẹ cháu bị cá sấu…
– Nghe thôi chớ có thấy đâu. Một lũ miệng rộng như váy. Đồn bậy cả đám.
Thằng Đẹt không dám tranh luận, nó chăm chú nhìn cái phao bằng lông công gập đôi thắt chỉ đỏ cho dễ nhìn. Cái phao nhoè đi, nhảy múa, hoá thân thành năm, bảy cái phao hư hư thực thực khiến nó không nhìn rõ đâu là đâu. Nó giụi mắt, càng chẳng thấy trời đất gì. Chớp mắt lia lịa cũng chẳng hơn, nó gác cần lên cái ba chạc mặc cho cá tha mồi đi đâu thì tha, nó ngả lưng xuống cỏ nhìn mây trời.
– Sư phụ nè, con thấy cô hàng cá cũng hay hay đấy.
– Quá hay chứ mày, nó thường giúi vào túi tao thêm mấy đồng lẻ bảo uống nước nhưng thiệt ra là mời mày. Mày giả nai hả ?
– Con có thấy gì đâu sư phụ.
– Ẹc…Mày bám nó như đĩa đói mà sắm tuồng. Tao biết tỏng ruột gan phèo phổi mày và nó muốn gì nên đâu dễ bỏ qua được mày.
– Ha ha…Sư phụ cũng thích nó rồi.
– Bậy nà, không giỡn theo kiểu…lờn mặt nghe mày.
Kính nổ bá vai thằng Đẹt day day :
– Mày suy nghĩ bá láp quá nên không lớn nổi, tên mày do tao đặt à nha.
Giờ thì thằng Đẹt mới chịu ngồi dậy quan sát cái phao của nó, bỗng nó hoảng hốt la làng :
– Chẳng thấy cần và phao đâu sư phụ ơi.
– Suỵt…cá to đó.
Hai người một già một trẻ chạy dọc dài theo bờ bàu tìm mà chẳng thấy gì, cuối cùng đành ngồi bệch xuống cỏ thở hổn hển. Mệt. Không mệt mới lạ.
– Hay là ông sấu, sư phụ.
– Mẹ kiếp, ông gì mà ông, tát hết cái bàu này cũng chẳng còn cục phân chứ sấu với bảy. Tao nghĩ là củi chà hay gỗ lửng kéo mất cần của mày rồi. Hay nghề là phải găm cần xuống đất, mất lưỡi, mất cước là cùng. Thôi, lấy cái cần sê-cua của tao mà xài tạm.
– Xui xẻo quá sư phụ.
– Xui gì mà xui, có khi là con lóc thiệt to sao mày.
– Liệu nó sống được không sư phụ.
– Được chớ, phơi bụng lên trời.
Kính nổ cười hô hố, mặt thằng Đẹt dài ngoẵng, nó biết dân câu chẳng bao giờ ăn loại cá ấy nhưng nó vẫn cứ tiếc tiếc. Tiếc cá thì ít mà tiếc cần câu thì nhiều. Biết bao công sức mới tìm được cây trúc vừa ý, tìm được rồi thì còn phải nắn cho thẳng, phơi gió cho khô để giữ được độ dẻo. Là cần câu cơm nên nó là vật bất ly thân của những tay sát cá lành nghề. Phải dại cho ai đó bước ngang qua cây cần khi khổ chủ đang có chuyện bực mình, không tát cho một tràng chửi thề vào mặt mới là may.
Chiều xuống thật nhanh, mới lửng buổi mà bóng cây đã nuốt chửng cả bãi cát dài. Sương khói từ trong u u thâm sơn cùng cốc kéo ra giăng mờ khắp mặt bàu, mỏng mảnh thôi nhưng cũng đủ làm cho người ta co ro ớn lạnh.
Thiên nhiên quả là công bình nhưng vô cùng độc ác bởi sự cân bằng sinh thái cho nó. Cá lớn nuốt cá bé; hùm dữ xâu xé heo, chồn, hưu, nai…để rồi những động vật trên cạn này lại phải nộp mình cho lũ cá sấu lúc nào cũng háo ăn dưới bàu kia khi thời tiết khô hạn kéo dài. Chỉ có con người mới đủ sức mạnh chặn bàn tay ác độc của thiên nhiên kia, của lũ cá sấu có hàm răng lởm chởm sắc bén vào loại hung dữ nhất nhì thế giới kia lại để rồi nhận về sự trả thù ghê gớm của thiên nhiên là lũ lụt, hạn hán, bệnh tật, mất mùa.
Thằng Đẹt nghĩ mông lung lắm nhưng biết làm sao, cuộc sống mà. Không đào bới thiên nhiên ra ăn thì biết làm gì, một chữ bẻ đôi cũng không có, ánh sáng văn minh coi bộ vài mươi năm nữa chưa tới nổi những buôn, sóc xa xôi hẻo lánh như nơi nó và Kính nổ tạm cư này. Ngọn đèn dầu hay ánh sáng của bếp lửa thì soi tới những đâu, khi mà màn đêm thì bao la vô tận. Vây quanh giấc ngủ là sự rình rập và tội ác. Đêm muốn an toàn thì phải ngủ trên những cành cây cao nếu không kịp về nhà. Mọi sự lơ đễnh sẽ làm mồi cho ác thú hay lũ quét, lũ cuồng về bất chợt. Kính nổ hoá vàng như thế sau một trận say bí tỉ ở bàu sấu này mà chẳng để lại vết tích gì.
Sau đận ấy, thằng Đẹt bỏ hẳn bàu sấu nơi cá nhiều vô kể về sống bên dòng sông làng bằng cách ban đêm thì đặt lờ, ngày thì giăng lưới, thả câu. Cá thì cũng có nhưng nhiều người đánh bắt quá riết cũng cạn kiệt. Cô hàng cá cũng không mặn mà đon đả với nó nữa bởi nó không còn là nhà cung cấp hàng đầu. Nó buồn nhưng chỉ giây lát bởi tiếng cô hàng như giọt đường…ngọt và thanh :
– Anh Đẹt đem con cá này về đưa ngoại giúp em, làm sạch rồi luộc chín trước đi nhé, trưa em về em nêm nếm.
Thằng Đẹt chỉ biết cười cười nhận con cá rồi ném lại cô hàng cái nhìn thật tình tứ. Ra khỏi lán chợ một quãng dài, hương tình bay mất nó mới sực tỉnh : “ Mẹ ơi, ai làm…hổng lẽ mình làm, rồi phải luộc cá nữa chứ. Dại thiệt, ai biểu xớ rớ ở đó làm chi. Mà không xớ rớ cũng không được cô ấy có trả tiền đâu mà mua gạo. ” Thôi thì một liều ba bảy cũng liều.
– Bà ngoại dao thớt đâu đưa đây cháu mần cá.
– Trong bếp ấy, lấy giúp bà, mấy bữa nay chân đau bà không đi được.
Thì ra là thế. Thằng Đẹt vui vui huýt sáo huyên thuyên. Khi xong việc nó lại ra sông ngồi thẫn thờ nhìn mây nước. Bỗng dưng thèm cốc rượu, bỗng dưng nhớ Kính nổ rong rêu giang bạt kỳ hồ nhưng được lòng mọi người. Nó thấm thía câu nói của lão “ Nhậu nhẹt hay say sưa cũng phải có đẳng cấp, có thứ bậc chứ không thể cá mè một lứa. Xưng hô cũng thế mày tao mi tớ một là bọn trẻ ngang lứa, ngang tài; hai là bệ vệ to đùng miệng mồm có thép, có gang. Chứ cái ngữ tài mọn, túi rủng rẻng dăm xu mà đã la oang oác thì có ngày vỡ mồm. ”
Rồi thời gian, rồi mưa gió bão bùng, cùng với tuổi già và bệnh hoạn bà ngoại cô hàng cũng theo người xưa về với xa xưa. Đêm mưa gió sấm sét đã trói thằng Đạt và cô hàng cá lại với nhau bằng tiếng cười khúc khích do sự sảng khoái tột cùng.
Từ đó thằng Đẹt không bao giờ biết được đồng tiền ngang dọc ra sao. Nó vui vẻ quần quật làm lụng còn mọi chuyện thì vợ lo. Khi chuẩn bị sinh con đầu lòng cũng là lúc vợ chồng nó khăn gói xa làng. Sức mạnh của tình yêu, của quyết tâm đã khuyên bảo chúng phải dấn thân để mưu cầu tương lai sáng hơn cho đứa trẻ sắp sửa chào đời. Với sức khoẻ và năng nổ thì thằng Đẹt không khó để tìm một chân khuân vác và phân loại cá cho các đầu nậu. Còn vợ nó thì quá giỏi giang trong chuyện mua bán lắm rồi nên quẳng đâu mà chẳng sống miễn đó là chợ.
– Lôi thằng kia vào đây. – Kính nổ ngồi chồm hổm trên ghế dài, gọi đàn em đến chỉ vào thằng Đẹt đang cúi rạp người cõng giỏ cá nặng trịch và ướt sũng.
Để giỏ cá xuống sàn nhà bằng cách ngồi bệt xuống đất, thằng Đẹt chẳng buồn nhìn ai bởi nó đâu có làm gì gian.
– Mày nghênh ngang mang cá qua đây mà không đếm xỉa ai tiếng nào hả mày.
– Mệt thấy bà cố còn chào với hỏi gì nổi mấy cha.
– Không phải chào mà là cá, không cá lấy ai bảo vệ cá ban đêm hử mày, thằng khốn.
– Tui biết đâu, đó mấy ông lấy đi, lấy bao nhiêu thì lấy tí tui về nói lại chủ.
– Một, hai con ngon ngon thôi mày.
Thằng Đẹt lồm cồm nhổm dậy lấy cá tính trao cho bọn họ thì đã bị Kính nổ bay ào tới ôm chầm la toáng lên :
– Đẹt, con trai tao đây mà…
Thằng Đẹt há hốc mồm ra mà chẳng thốt được lời nào. Nó vỗ bôm bốp lên lưng Kính nổ lệu bệu qua nước mắt :
– Sung sướng…nín khe…à nha.
– Hôm đó tao say quá có biết trời trăng mây nước gì đâu, may mà có toán thợ săn gặp quẳng lên xe đưa về thả xuống chợ này, sống tới giờ. Mày mới đến đây à.
– Hai bữa rồi, với vợ sắp sanh.
– Giỏi nghe mày, là cô hàng cá…chứ gì ?
– Có nó mới ưng con chứ ai mà ưng con, sư phụ.
– Thôi cắt, đem cá vô cho người ta đi rồi ra đây tao tính chuyện cho hai đứa mày.

L.T.M.C

/