/

                                               

  Tản Văn :

          Buổi sáng ở quê ngoại mát lành và thanh bình đến lạ. Tôi vừa thức dậy, mặt trời đã lên tới ngang ngọn tre cao. Gió hát rì rào hòa cùng bản nhạc của cây lá. Bà đã đi chợ xa. Ông thì làm đồng. Tôi bị ốm, ngồi ở nhà một mình có lẽ chán. Muốn đi chơi mà chẳng thể nào bước chân xuống giường nổi.

          Từ ô cửa sổ vuông đầu phòng, tôi có thể nhìn ra nhánh sông nhỏ gần nhà. Tụi trẻ con đang nghịch nước, cười giòn tan trong nắng sớm. Người lớn thì cặm cụi giặt áo quần, nói chuyện rôm rả. Các cô, các chị xúng xính quần áo đi chợ buổi sớm, ghé xuống bến sông rửa chân cho mát, rồi luôn thể nói đùa nhau đôi ba câu đỡ mệt.

          Tôi sống ở quê với ông bà ngoại từ nhỏ, nhưng chẳng thể nào đoán được cái bến sông gần nhà có tự lúc nào. Chỉ biết rằng nó là nơi hầu hết mọi người, từ trẻ con, phụ nữ, đến người già đều gắn bó. Bến sông quê còn là một hình ảnh bình dị và thân thương trong trái tim mỗi người dân xa quê, giống như cha mẹ tôi chẳng hạn.

          Bến quê đơn giản chỉ là một cái lối đi khá rộng, gồm chưa tới chục bậc thang dẫn xuống bờ sông và một nền xi măng bằng phẳng đề mọi người có thể ngồi giặt quần áo, rửa chân tay hay vui đùa thỏa thích. Hồi nhỏ (và thậm chí cả bây giờ), tôi vẫn thường hay xuống bến sông câu cá bống, bắt cá mặt trăng với lũ bạn. Mấy lần gặp tôi để cái đầu trần, đi chân đất, săn quần cao hơn đầu gối rồi lội bì bỏm dưới bến sông, bà ngoại mắng te tua. Ấy thế mà tôi vẫn chứng nào tật nấy, đến khi bị ốm nặng mới chợt bận tâm đến những lời căn dặn chí phải của bà.

          Buổi trưa, trời nắng, bến quê trở nên vắng vẻ hơn nhiều. Những cái cây cao tựa vào lưng trời, tỏa bóng mát cả một khoảng đất rộng. Các bà, các cô đi chợ về vẫn thường ghé quán nước của bà Kiều dưới gốc cây đa già để uống nước chè xanh, buôn chuyện về gia đình và con cái. Thằng Hen và tụi bạn của nó đào lỗ chơi căng sát bên đường, bị mấy chú kéo xe bò mắng tơi tả. Thế là khiếp, chúng nó liền bỏ về.

          Chị Nga-thợ may nổi tiếng của làng tôi hôm nay cũng có mặt ở bến, nhưng muộn. Đến khi trời nắng chang chang chị mới lãi rãi bưng một thau quần áo đầy ra bến giặt. Toàn là đồ của con nít, bởi nhà chị vừa có hai “nàng công chúa” sinh đôi, tới tháng mười một này là tròn 1 tuổi. Thằng Củi và con Len-cháu của chị Nga cũng lẽo đẽo theo cùng. Hai đứa chọc nhau dưới bến, hất nước văng tung tóe cả một khoảng trời mênh mông.

Tôi chợt bật cười, rồi “thèm” được tung tăng chạy ra bến sông vui đùa như bao đứa trẻ khác.

          Chiều lại, một buổi chiều thật bình yên và nhẹ nhàng như tảng băng trôi. Tôi ngồi nhoài, tựa đầu bên cửa sổ, nhìn ra bến sông quê. Hoàng hôn dần buông xuống trên cánh đồng xa tít. Khoảng trời được tô điểm bởi những đám mây hồng hồng, tim tím, tựa như chiếc váy xòe lộng lẫy của vũ công. Những cánh bèo trôi chầm chậm, lãng đảng trên mặt sông. Chẳng biết chúng đi đâu, rồi về đâu.

          Bến sông lúc này đã vãng. Chỉ có những chiếc thuyền bé con con ở lại, nằm thở dài trên bến vắng. Nhìn một cách xa xăm và mơ hồ, trông chúng tựa như những chiếc lá, cứ dập dờn trên sóng nước lăn tăn.

          Đêm nay có trăng. Trăng đẹp nữa là đằng khác. Ngồi trong nhà thật nóng bức và chật chội. Nhà ngoại (trừ tôi ra) và cả những nhà hàng xóm đều bưng ghế ra sân hoặc xuống bến ngồi ngắm trăng, tận hưởng làn gió trời mát rượi. Tiếng ếch nhái kêu ồm ộp ngoài sông vọng lại liên hồi. Bà tôi thường gọi đó là “bản nhạc tình” của những chú ếch, còn tôi thì sợ nổi da gà mỗi khi nghe thấy những âm thanh dày đặc ấy.

          Lũ bạn cầm đèn pin chạy đến nhà, rủ tôi đi soi ếch. Tiếc thật, tôi đang bị ốm, đi sao được. Thằng Xeng an ủi:

          -Lát nữa, tụi tao sẽ bắt về cho mày một con ếch thật bự để nấu cháo, ăn cho mau khỏe nhé!

          Nghe thế, khóe mắt tôi cứ cay cay…

Ngồi một mình, tôi thích nhất là được ngắm ánh trăng soi ngoài cửa sổ. Bóng trăng in hình dưới sông lấp lánh những sợi vàng. Làn gió từ ngoài rặng tre thổi vào mát rượi, càng khiến tâm hồn tôi thêm bay bổng. Tôi chợt nhớ đến cha mẹ. Đã lâu lắm rồi, tôi không được gặp họ. Nghe đâu cha tôi đang làm thợ xây, còn mẹ thì nấu ăn cho công trình ở trên thành phố. Cha mẹ tôi phải chịu rất nhiều vất vả, khổ cực để có thể gửi tiền về quê nuôi tôi ăn học.

          Khuya. Tôi lại phát sốt. Trong cơm mơ, tôi thấy bầu trời sáng lấp lánh. Cha mẹ đang đứng cạnh bên nhau trên bến sông, vẫy tay gọi tôi. Kí ức như làn gió tươi mát chợt ùa về…

                                                                     DƯƠNG PHƯƠNG

                                                                       (  Quảng  Trị )