NGHỆ NHÂN BÙI VĂN NAM

NGƯỜI THỔI LỬA CHO HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
DI SẢN NGHỆ THUẬT TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC
 
Nguyễn Đình Tùng
 
       Tôi được gặp ông qua một số lần đi điền dã tại các nghi lễ ở một số ngôi chùa khu vực Hà Nội và vùng phụ cận. Ngay từ lần đầu tiên nhìn và nghe ông thực hiện nghi lễ, với cảm quan nghề nghiệp, tôi nhận ra đây là một người, mà trên phương diện ngành hẹp của chúng tôi – ông được coi như một một nghệ nhân giỏi. Với tư cách là người làm nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này, tôi mong muốn sẽ có những dịp viết về những người như ông – những người đang âm thầm làm công việc khó nhọc mà lại ít được người quan tâm: phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật âm nhạc tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Cần phải nhìn nhận rằng, hiện nay, bên cạnh nghệ nhân các loại hình nghệ thuật dân gian khác thì vai trò của các thây cúng trong tín ngưỡng truyền thống lại vô cùng quan trọng trong công việc bải tồn nghệ thuật âm nhạc truyền thống này. Đối với những người làm nghề như chúng tôi, đây cũng là những lời tri ân của thế hệ trẻ đối với những người đang thổi lửa vào công việc đầy khó khăn này.
       Ông sinh năm 1978 trong một gia đình thuần nông ở thôn Kiến Hưng, phường Mậu Lương, thị xã Hà Đông – Hà Tây( nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Cuộc sống của người dân ngoại thành Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước có thể nói vẫn còn không ít khó khăn. Gia đình ông cũng vậy, phải bươn trải trong cuộc sống, vật lộn với nghề nông nghiệp để vươn lên lo cho kinh tế cũng như cuộc sống gia đình. Thế rồi, năm 1996, cái duyên làm người thầy cúng như một định mệnh đã “vận” vào ông để trở thành cái nghiệp đến tận ngày nay. Nói theo cách của nhà Phật và các cụ trong dân gian thì ông là người có duyên và căn đã được định trước. Ban đầu, ông chỉ đi học và cúng phục vụ nhân dân trong làng và vùng phụ cận, thậm chí cả nghi lễ trong tín ngưỡng hầu đồng Tứ phủ . Nhưng do yêu cầu về vai trò của một người thầy cúng như ông cứ mỗi giai đoạn một khác, với nhiều nghi lễ phức tạp hơn. Bên cạnh các nghi lễ tại gia và trong các đền phủ thì nghi lễ Phật sự trong các chùa ngày được mở rộng để phụng vụ nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân, cũng là để thông qua đó, truyền giáo pháp của Đức Phật đến với mọi người. Ông đã được tiếp cận với các sư tăng và những người thầy cúng bậc thầy chuyên thực hiện các nghi lễ lớn của Phật giáo. Và lần này, cái duyên lại tiếp tục “trợ” cho ông khi, cuối những năm 1990, ông được gặp cụ Đỗ Gia Vượng (1924)- một bậc thầy trong lĩnh vực lễ nhạc Phật giáo ở Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội. Với cuộc sống ngày ấy còn khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê công việc cùng với cái tâm của người làm thầy cúng lễ, ông đã không quản ngại đường xa đến học thẩy. Kết quả là ông đã được chân truyền nhiều thể loại cổ âm nhạc độc đáo truyền thống của Phật giáo Việt Nam.
Cần phải nói thêm rằng, trong suốt một thời gian dài, nhất là những năm giữa thế kỷ XX, với nhiều nguyên nhân khác nhau mà nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong đó có Ca trù, hát Văn và các lối tán tụng trong nghi lễ Phật giáo phải chịu một số phận “ẩn dật” trong dân gian. Những nghệ nhân hát Ca trù như cụ Quánh Thị Hồ, Nguyễn Thị Kim và nhiều danh ca bậc nhất khác phải chuyển nghề vì tiếng “xướng ca vô loài ” hay “cô đào rượu”; những người hát Văn trong các phủ đền thì bị quy kết là “mê tín dị đoan” không đúng với tinh thần “tiến bộ” xã hội đương thời. Nghệ thuật âm nhạc Phật giáo cũng không nằm ngoài số phận chung đó. Các sư tăng và những người thầy cúng giữ chùa ngày ấy chỉ còn biết hàng ngày tụng kinh, gõ mõ trong chùa mà phải bỏ qua các hình thức lễ gắn liền với âm nhạc.
Gần 20 năm làm nghề phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vô hình chung ông đã trở thành một người phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc trong văn hóa cổ truyền của dân tộc: nghệ thuật âm nhạc tôn giáo, tín ngưỡng. Với vốn kiến thức cũng như hiểu biết khá tường tần về những nghi lễ trong nhà chùa và trong dân gian mà ông thực hiện, cho đến nay, ông là một trong số ít thầy cúng ở khu vực Hà Nội đang nắm giữ và có khả năng thực hiện một cách thuần thục nhiều hình thức nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo. Cũng cần phải nhấn mạnh răng, cùng với hát Văn trong tín ngưỡng Tứ phủ và hát Ca trù trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt thì các lối tán tụng trong âm nhạc Phật giáo, đặc biệt là các thể loại tán Canh được coi là di sản đặc sắc trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Qua nghiên cứu, phỏng vấn thầy Bùi Văn Nam, tôi được biết hiện nay ông đang nắm giữ và có khả năng thực hiện một số hình thức tán canh rất độc đáo cổ truyền của Phật giáo Hà Nội, như các loại canh Dương Chi, Tả Thủ, Hồng Tự, Ngũ Phương, Hoàng Kim, Đàn Thượng, Canh Ai, v.v…; chưa kể tới nhiều bài bản hát Văn trong tín ngưỡng hầu đồng của người Việt vùng Bắc Bộ. Đây là một trong những vốn di sản âm nhạc vô cùng đặc sắc của nghệ thuật tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam nói chung mà Hà Nội là một trong cái nôi còn giữ được nhiều khuôn phép của nó.
           Nói chuyện với tôi về công tác truyền dạy, ông chia sẻ, hiện nay lớp trẻ ít người để ý đến những hình thức như thế này vì một mặt nó gắn với các nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng, mặt khác nó là một trong những loại hình rất khó học và khó nghe. Tuy nhiên, ông cũng đã truyền dạy được khoảng 15 đệ tử, học trò. Ông tâm sự rằng cũng muốn tiếp tục đem những tinh hoa mình học được để trao truyền cho những ai có duyên với việc này để bảo tồn và phát huy vốn di sản quý của dân tộc nhưng chưa đào tạo được nhiều người kế cận. Tuy nhiên, với những gì ông đã và đang làm và dành tâm huyết có thể coi như ông đang trực tiếp thổi lửa vào công việc phục hồi, bảo tồn và phát huy nhiều vốn nghệ thuật tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống độc đáo của dân tộc, chí ít là đối với những người làm nghiên cứu văn hóa âm nhạc cổ truyền như chúng tôi.