1.  MỘT SỐ NHẬN XÉT
Cái hài hay cái cười là một thực thể xã hội vô cùng kì diệu và phức tạp. Phạm vi bài viết này chỉ khảo sát phương tiện gây cười bằng ngôn ngữ, xem hài hước là nghệ thuật của ngôn từ. Qua việc khảo sát hơn 1000 mẩu chuyện trên báo chí và truyện cười dân gian chúng tôi tổng kết: Hài hước tự nó mang trong mình ba đặc điểm chính sau:
Thứ nhất: Nghệ thuật hài hước là nghệ thuật của trí tuệ – nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Để phát hiện và cảm nhận cái buồn cười cũng đòi hỏi phải có trí tuệ. Biết cười cũng có trí tuệ. Chúng tôi đồng tình với kết luận của Nguyễn Đức Dân: “Có thể nói rằng tiếng cười thể hiện một khoái cảm thắng lợi, chủ yếu là thắng lợi trí tuệ” [3, tr.9].
Thứ hai: Hài hước là biểu hiện của một sự thỏa hiệp ngầm. Theo H.Bergson: “Dù ta tin là có tính cách chân thành đến đâu đi nữa, tiếng cười cũng che dấu một ẩn ý thỏa hiệp, gần như một ẩn ý đồng lõa với những kẻ vui cười khác”. Đúng vậy, khi phá lên cười ta quên mất mình là ai mà chỉ để tâm vào tình huống, đồng điệu với sự hài hước hiện thời.
Thứ ba: Cái cười có liên quan chặt chẽ tới các hiện tượng ngôn ngữ. Có những truyện, chuyện cười dựa trên cơ sở logic, ở đó người ta cười vì những tình huống, sự kiện thể hiện một sự mâu thuẫn, một bản chất tức cười nào đó. Trong các loại chuyện cười đó, vai trò của ngôn ngữ chỉ là thứ yếu, tuy nó có thể làm cho tiếng cười thêm sâu sắc. Cũng có những truyện cười mà vai trò của ngôn ngữ trở nên đặc biệt quan trọng. Người ta nhận ra các tình huống, sự kiện tức cười nhờ có công cụ ngôn ngữ. Cũng có những truyện cười thể hiện trí tuệ thuần túy qua ngôn từ:
Hai ông đồ hay chữ, chơi với nhau nhưng đôi khi cũng “châm chích” nhau bằng chữ nghĩa. Có lần ông nọ đến chơi nhà ông kia. Chủ nhà dọn ra một đĩa chả để nhấm rượu. Ông khách cầm đũa nhấm một miếng chả rồi buột miệng: Chả ngon!
Ngụ ý:                         Nghĩa đen khen miếng chả ngon.
                                    Nghĩa bóng : “chả”= chẳng = không (từ phủ định).
Chả chẳng ngon tí nào cả – ý chê dở.
Biết mình bị chơi xỏ, chủ nhà nhìn quanh ra vườn, trời mưa vừa tạnh, thấy một chú cóc đớp được một con mối béo ngậy liền chỉ tay: Cóc sướng!
Con cóc được mồi nó sướng. Nhưng “cóc” = chẳng = không (từ phủ định) hàm ý chẳng sướng ích gì. Nghĩa là tôi mời anh nhấm rượu, đã tốn kém lại còn không biết điều, lại còn khen, chê. Đó là kiểu hài hước trong chơi chữ.
/
.
2.  ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ ĐỂ GÂY CƯỜI BẰNG NGÔN NGỮ
2.1. Yếu tố bất ngờ
Là những gì diễn ra ngoài sự suy đoán, phán đoán thông thường. Xét về lượng thông tin thì yếu tố nào càng mới lạ, càng gây bất ngờ thì lượng thông tin càng cao. Vì thế mà có người đã từng nhận xét một cách tế nhị rằng: “Người lịch sự là người nghe một câu chuyện lần thứ hai nhưng vẫn cứ cười như lần đầu”. Cười là vì phép lịch sự, thực tế trong lần nghe tiếp theo cùng một câu chuyện thì lượng thông tin lúc này giảm tới mức tối thiểu (theo Lí thuyết thông tin – Entropy). Yếu tố bất ngờ không còn nữa vậy nụ cười còn lại chỉ là xã giao mà thôi.
2.2. Điểm mấu chốt và sự phát hiện gây cười
Chính là dụng ý của người tạo ra lập luận gây cười, sao cho đối tượng nghe luôn có thể tự mình khám phá ra các yếu tố và diễn biến của mạch câu chuyện. Sự thành công của cái cười đến từ năng lực phán đoán đối tượng cảm thụ của người dẫn truyện. Một lập luận có thể gây cười rất mạnh đối với người này, nhưng có khi chẳng gợi được chút hài hước nào cho một đối tượng khác. Và câu chuyện cười, hay lập luận hài mà không ai cười bỗng chốc trở nên kệch cỡm lạ thường.
Đạo diễn Lê Hoàng khi so sánh giữa con nai và phụ nữ:
“Nai chạy theo đàn (1). Phụ nữ cũng chạy theo đàn (2), nhưng không phải đàn (3) nai”
Rõ ràng đàn trong (1) và (3) là bầy đàn nhưng trong (2) lại là đàn ông. Phụ nữ cũng chạy theo đàn nhưng không phải là đàn nai mà là đàn ông. Chỉ có đối tượng nào phát hiện được điểm mấu chốt ấy thì mới có thể cảm nhận được sự hài hước của câu nói.
.
3.  CẤU TRÚC CỦA MỘT CHUYỆN CƯỜI THÔNG THƯỜNG
Cấu trúc của một chuyện cười có thể bao gồm những thành phần sau đây:
–    Đặt vấn đề
Cũng như các tác phẩm văn học, truyện cười hay lập luận hài hước bao giờ cũng bắt đầu bằng những thông tin, những tình huống thông thường trong cuộc sống. Điều này nhằm tạo ra một ngữ cảnh, bước này còn được gọi là thủ pháp chuẩn bị ngữ cảnh. Ngữ cảnh càng tự nhiên, càng phổ biến càng tốt. Vì có như thế thì mới tạo được độ tương phản lớn trong các phần tiếp theo. Chúng ta hãy xem xét một vài kiểu mào đầu:
Ví dụ 1
–   Một khách hàng tới quầy tính tiền của siêu thị nói: Hôm qua tôi mua hàng ở đây và hoá đơn tính nhầm đến 100 USD.
–   Quá muộn rồi thưa ông – người quản lí siêu thị nhún vai – đáng lẽ ông phải nói ngay từ hôm qua vì chúng tôi đã khoá sổ rồi.
–   Vậy có nghĩa là tôi được giữ lại 100 USD tiền thừa này?!
Ví dụ 2
Trò: Thưa thầy, sự giống nhau và khác nhau giữa di truyền và hoàn cảnh là ở chỗ nào ạ?
Thầy: Nếu như đứa bé sinh ra mà giống cha mẹ. Đó là di truyền.
Trò: Vâng, em hiểu. Vậy còn hoàn cảnh?
Thầy: Nếu đứa bé sinh ra mà lại giống ông hàng xóm. Đó là hoàn cảnh!
Ví dụ 3
Một người đàn ông và cô vợ trẻ đang đứng ở toà án để li dị, họ đang tranh giành quyền được giám hộ đứa trẻ. Người mẹ nhảy lên phản đối quan toà rằng bởi vì cô ta sinh ra những đứa trẻ trên thế giới này, cô ta đáng được nuôi nấng chúng. Người cha cũng muốn như vậy, nên quan toà hỏi anh ta về lí lẽ của mình. Sau một lúc im lặng, anh ta từ từ đứng lên khỏi ghế và đáp, “Thưa ngài, khi tôi nhét một đồng xu vào máy bán hàng tự động và một lon Coca rơi ra, thì lon Coca đó thuộc về tôi hay thuộc về cái máy bán hàng?”
Thoạt nhìn thì rất thông thường: ở ví dụ 1, tính nhầm tiền thừa cho khách là chuyện vẫn hay xảy ra trong siêu thị; ví dụ 2, khảo sát di truyền và hoàn cảnh là việc thường ngày của ngành sinh học…  nhưng tất cả đều nằm trong chiến thuật xếp đặt của người dẫn truyện để có một sự diễn biến thú vị sau những phần mào đầu thông thường ấy.
 – Dẫn dắt
Sau phần mào đầu là phần dẫn dắt. Phần dẫn dắt có vai trò đưa độc giả đi theo quỹ đạo đã định sẵn của người dẫn truyện. Thường thì phần này cũng được xây dựng với dụng ý tạo nền cảnh, cho nên các yếu tố gây cười vẫn chưa xuất hiện. Vai trò của nó như là một cầu nối liên kết giữa những điều bình thường trong cuộc sống với những sự thăng hoa của cái hài không thể dự đoán trước. Nhưng đối với những lập luận hài hước thì sự thăng hoa, hay yếu tố bất ngờ không vẫn chưa đủ. Ở đó cần có những tiêu chí hàm chứa những điều tức cười nghĩa là vừa bất ngờ, vừa thú vị và càng có nhiều yếu tố độc đáo, trí tuệ càng tốt. Bước dẫn dắt là sự chuẩn bị cho bước chuyển hướng – tăng tiến đột biến.
.
src=http://cuoi24h.com.vn/data/cnn_420x252/2012/12/31/311212_TQ.jpg
.
 – Đột ngột chuyển hướng – tăng tiến và bùng nổ
Đây là bước then chốt quyết định sức mạnh hài tính của toàn bộ lập luận. Người dẫn chuyện mở đầu bằng một điều A rồi dẫn dắt độc giả hay người nghe đến một điều B và dụng tâm tạo một khoản không gian trừu tượng ở phía sau điều B đó. Theo suy diễn thông thường thì người ta lập tức nghĩ đến kết cục là C. Nhưng bất thình lình người dẫn chuyện đổi hướng toàn bộ câu chuyện đến một kết cục là C’, sao cho độc giả hoặc người nghe hoàn toàn bị bất ngờ. Bằng tri thức nền của mình, đối tượng cảm thụ chuyện nhận diện được vấn đề vừa kịch tính vừa thú vị và bị cảm giác chưng hửng (hẫng) chi phối mạnh mẽ, thế là bật cười.
 Quá trình chuyển hướng cần phải đảm bảo các yếu tố:
–  Bất ngờ
–  Thú vị (hấp dẫn, kích thích sự hiếu kì)
–  Tính hợp lí
–  Yếu tố trí tuệ
–  Tính mới lạ
Biên độ giữa C ↔ C’ càng lớn thì tính hài càng cao.
Ví dụ 4: chuyện Nụ hôn thần kì
Đôi tình nhân ngồi âu yếm trong công viên đông người. Cô gái liên tục nũng nịu người yêu.
– Ôi! má em đau quá! – cô gái nũng nịu.
Chàng trai bèn hôn vào má cô gái.
– Em thấy thế nào? Còn đau không?
– Úi, hết đau rồi.
Ít phút sau…
– Ôi! Cổ em lại đau!
Chàng lại hôn vào cổ nàng.
– Còn đau không em?
Cô gái bẽn lẽn:
– Hết… rồi…
Một lúc sau, cô gái lại kêu đau ở gáy… Cụ già ngồi gần đó không chịu nổi, cáu tiết:
–  Hỡi chàng trai có đôi môi thần kì, cháu có thể chữa được bệnh trĩ không?!
(Theo vnexpress.net 5/2009)
Bà cụ quả là người rất giỏi về lối nói – Nói vậy chứ không phải vậy. Điểm bùng nổ cái cười (C’) chính là  bệnh trĩ – một chứng bệnh khó chữa ở vùng hậu môn, vị trí này rất xa khi liên tưởng tới vị trí các nụ hôn của chàng trai; ngoài ra còn có một biên độ nữa trong tưởng tượng đó là sự so sánh ngầm giữa cô gái trẻ và một lão bà trong mối tương quan với các nụ hôn. Chính yếu tố này làm cho biên độ (C ↔ C’) đạt đến giá trị cực đại và xuất hiện tiếng cười mạnh mẽ. Nếu ta thay bệnh trĩ bằng bệnh đau vai, đau khớp… thì sức mạnh gây cười sẽ giảm đi rất nhiều.
Một ví dụ nữa để minh chứng cho biên độ (C ↔ C’) tỉ lệ thuận với sức mạnh tiếng cười. Ví dụ 5: Tin khảo cổ học
 Mỹ đào xuống đất 500 mét, tìm được một đoạn dây đồng, vội kết luận “500 năm trước, nước Mỹ đã biết sử dụng cáp đồng” .
Đến lượt Nhật đào xuống 1000 mét, tìm thấy mảnh thủy tinh và cũng vội tuyên bố là “1000 năm trước nước Nhật đã biết sử dụng cáp quang”.
Và cuối cùng là Việt Nam, đào xuống 5000 mét. Kết quả, không thấy gì hết!. Kết luận: “5000 năm trước Việt Nam đã dùng…  Wi-fi”!!!
Biên độ (C ↔ C’) của thời gian và công nghệ gây cười.
.
4. TẠM KẾT
Chúng ta mặt nhiên công nhận lợi ích của cái cười là vô cùng to lớn, nó đem lại nguồn năng lượng dồi dào cho sự lạc quan vui sống. Cho nên biết cười và cảm nhận cái hài là rất cần thiết; biết gây cười lại là biểu thị sự thông minh. Bài nghiên cứu này mang tính nhận diện một số đặc điểm gây cười bằng ngôn từ và một số yếu tố cấu thành của nó. Chúng tôi tiến hành khảo sát một số lượng ngữ liệu đủ lớn (hơn 1000 mẩu), để rút ra một số nhận xét về điều kiện cần và đủ để gây cười bằng ngôn ngữ. Chúng tôi đã khái quát bằng mô hình các bước gây cười và chứng minh rằng biên độ giao động của thông tin có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả gây cười. Trong các bài tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu một số kiểu nói hài hước của người Việt trên cơ sở so sánh với một số dân tộc khác.
.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
.
1. Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở ngữ dụng học, (tập 1), Nxb ĐHSP HN.
2. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học (tập 1), Nxb GD.
3. Nguyễn Đức Dân (1988), Tiếng cười thế giới, tập I, Nxb Khoa học Xã hội.
4. Đoàn Thị Tâm (2006), Một số phương pháp tạo hàm ngôn trong chuyện cười tiếng Việt, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học, ĐHSP TP.HCM
5. Nguyễn Văn Trấn (1993), Logic vui, Nxb Chính trị Quốc gia.
6. Henri Bergson (1959), Le rire – Tiếng cười, Phạm Xuân Độ dịch, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản.
7. Tony Buzan – Barry Buzan (2008), The mind map book (Sơ đồ tư duy), Lê Huy Lâm dịch, Nxb Tổng hợp TP. HCM.
8.   http://www.gdtd.vn
9.   http://www.tuoitrecuoi.com
10. http://www.vnexpress.net

/