Bertolt Brecht là một ngôi sao sáng chói trong nền văn học Đức. Bertolt Brecht đi vào lịch sử văn học thế giới của thế kỉ XX không chỉ với tư cách một nhà soạn kịch và nhà lí luận sân khấu vĩ đại, ông còn là một nhà thơ lớn của nước Đức và nhân loại. Ông để lại di sản văn học đồ sộ gồm 1028 bài thơ xuất sắc.
Bertolt Brecht có một phong cách thơ ca thật đặc biệt, thơ trữ tình chính trị gắn liền với thời đại và rất sôi nổi trong thế kỉ sắt thép và bạo tàn. Nhờ sự phong phú, đa dạng và sức mạnh của thi pháp, thơ của ông có tính chất phi thời gian nhất, được xem là một di sản lớn của nền nghệ thuật nước Đức. Ông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp nhiều kiệt tác trong thi ca Đức nói riêng cũng như trong văn học phương Tây nói chung.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ ca, Bertolt Brecht luôn quan tâm đến những thân phận nhỏ bé, côi cút và bất hạnh. Thơ ca của Bertolt Brecht gợi sự thương cảm, xót xa, đề cao giá trị của lòng nhân ái. Những bài thơ của ông giản dị mà sâu sắc, chan chứa tình người, Bertolt Brecht đã hướng người đọc đến sự thanh cao của cái đẹp, cái thiện. Ông luôn đi sâu khám phá đời sống con người bằng ngòi bút rất tinh tế, ông khơi gợi lên tình thương yêu và sự cảm thông giữa con người với con người. Đọc thơ của Bertolt Brecht mang nhiều yếu tố hiện thực nhưng cũng chứa chan giá trị nhân đạo và tình cảm lãng mạn của con người yêu cuộc sống, yêu đồng loại. Tại sao vấn đề thơ Bertolt Brecht không bao giờ cũ?. Sở dĩ đó là vì thơ ông giàu tính biểu tượng, khơi gợi nhiều tình cảm cao cả và mở ra nhiều cách hiểu.
Đúng với nhận định của nhà nghiên cứu phê bình văn học trước đây như: Leon Feuchtwanger, Bernhard Igel, Rơ nê Uyntzen… cho rằng Bertolt Bercht đã sử dụng tài năng về ngôn ngữ và sự thông minh của mình đi từ một nhà cách mạng tuổi trẻ đến một nhà đạo đức. Đó là lối sống một con người đặt tính bác ái lên hàng đầu của mọi sự quan tâm. Thơ văn của Bertolt Brecht là một minh chứng hùng hồn rằng ông là một con người hết sức nhân hậu. Bertolt Brecht có một tấm lòng ưu ái với con người, cuộc đời vì thế ông luôn có sự trăn trở với những vấn đề của xã hội loài người. Bertolt Brecht là một con người rất giàu tình cảm.
Cuộc đời Bertolt Bercht đã vượt qua bao thăng trầm, có cả niềm vui, và những đau khổ, nhiều day dứt đau khổ hơn là sự thỏa mãn, buông xuôi. Do đó, thơ ca ông nặng trĩu những suy tư, chứa chan cảm xúc. Nhiều tác phẩm của Bertolt Bercht là tiếng nói nội tâm đau đớn trước cuộc đời. Bertolt Bercht thương người, thương đời, khao khát đem lại hạnh phúc, niềm vui cho con người. Nhưng Bertolt Bercht không được thỏa nguyện. Do đó, đằng sau những bức tranh hiện thực, cái hiện thực phũ phàng trong thơ Bertolt Brecht là một tấm lòng đầy trăn trở với thời cuộc. Thơ của Bertolt thẫm đẫm những dòng nước mắt thương cảm, đầy tính nhân đạo, nhân văn, làm xúc động lòng người.
Như chúng ta đã biết, văn hóa phát triển có tính độc lập tương đối hơn so với những hình thái ý thức khác thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội. Điều đó làm cho văn hóa cũng khác so với những hình thái xã hội khác bởi nó có tính kế thừa đậm nét hơn. Suy cho cùng sự phát triển của văn hóa vẫn chịu sự quy định chặt chẽ của thời đại. Đặc điểm nổi bật của xã hội Đức thế kỉ XX là có nhiều biến động, với nền kinh tế công nghiệp hàng đầu của thế giới xã hội Đức xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất công. Vì thế, xã hội Đức lúc đó trở thành một chủ đề luôn tác động tới tư tưởng và thơ ca của Bertolt Bercht.
Xã hội công nghiệp càng phát triển mạnh mẽ, mâu thuẫn giai cấp càng tỉ lệ thuận với sự phát triển đó. Điều đó làm cho Bertolt Bercht cảm thấy mình có trách nhiệm với xã hội. Xã hội Đức tồn tại giai cấp Tư sản ham lợi nhuận, bọn lái buôn chính là con đẻ của Chủ nghĩa Tư bản. Những con buôn không hề quan tâm tới thóc, bông, hay con người là gì? Chúng chỉ cần biết đến “cái giá” của nó. Sự tham lam của bọn con buôn chỉ quan tâm đến lợi nhuận, giá cả không quan tâm đến cả con người cho thấy sự bất công của xã hội Tư bản:
                           “Nào ta biết thóc là gì!
                           Ta chỉ tỏ tường cái giá của nó thôi”
                           “Nào ta biết bông là gì!
                           Ta chỉ tỏ tường cái giá của nó thôi”
                         (Bài ca của lái buôn) [3; tr. 13]
Câu thơ “Ta chỉ tỏ tường cái giá của nó thôi” được lặp đi lặp lại nhiều lần để ta thấy được “cái giá” vật chất được đề cao hơn giá trị của con người, xã hội đã trở nên quá bất công với con người, và ưu ái với “giá trị”.
Số phận của những con người nghèo khổ không được xã hội ưu ái, con người ra đời trong bất hạnh, thiếu thốn đủ thứ:
                           “Trên thế giới tràn đầy gió rét
                           Các anh sinh ra đứa trẻ trần truồng
                           Nằm run rẩy không mảy may của cải”
                (Về sự niềm nở của thế giới) [3; tr. 20]
Xã hội tư bản lúc bấy giờ có sự bất công quá lớn, thân phận con người bị rẻ rúng, coi khinh. Không bằng “cái giá” của sản phẩm khác:
                           “Cũng không có ngựa xe đón rước
                           Các anh chỉ là một lũ vô danh”
                           (Về sự niềm nở của thế giới) [3; tr. 20]
Thế giới không đón chào người nghèo, người nghèo bất hạnh, thế giới không dành cho người nghèo sự niềm nở như người giàu được đối xử. Cái bất hạnh đó chính là biểu hiện sự bất công trong xã hội Đức thời bấy giờ:
                           “Giã từ trái đất đầy gió rét
                           Lũ các anh mình chốc sài mụn nhọt
                           Thế giới ai chẳng đã yêu say
                           Khi người ta đắp cho mình nấm đất”
                           (Về sự niềm nở của thế giới) [3; tr. 21]
Cái chết đến bất chợt trong giá rét và chỉ còn sót lại trên đời nấm đất nhỏ mà thôi, thân phận của con người bị rẻ rúng là như thế. Bi kịch của xã hội bất công còn làm cho tác giả thốt lên những lời đau đớn trước số phận con người. Mối quan hệ của con người với nhau chỉ như lũ lang sói, hổ dữ:
                           “Ôi chao, ta đã có rất nhiều ông chủ
                           Là lũ sói lang, là đàn hổ dữ
                            Là diều hâu, là lợn ỉ một bầy”
                           (Bài ca chiếc guồng nước) [3; tr. 23]
Quan hệ giữa chủ tớ có nhiều mâu thuẫn như lũ diều hâu hung ác đối với đàn gà con ngơ ngác. Những người giàu dùng thân hình béo quay, đôi giày nhọn hoắt dẫm đạp lên đầu lên cổ những người nghèo khổ:
                           “Ôi chao, đôi giày nào chẳng gọi là giày
                           Khi chà đạp lên ta, dẫm lên đầu lên cổ”
                           (Bài ca chiếc guồng nước) [3; tr. 23]
Bertolt Brecht đã tố cáo xã hội đầy mâu thuẫn và bất công. Tất cả những mâu thuẫn, bất công trong xã hội đều vì đồng tiền. Đồng tiền có sức mạnh cuốn mọi người vào guồng quay của nó, Bertolt Bercht đã cho người đọc thấy được vai trò của đồng tiền, nhưng đồng tiền không phải là chủ nhân của con người mà nó chỉ là một thứ trao đổi để có cái ta cần:
                           “Đừng sợ đồng tiền
                           Hãy khao khát nó”
                           (Đồng tiền) [3; tr. 29]
Hai câu tựa đề mà Bertolt Bercht đưa vào bài thơ “Đồng Tiền” để ta hiểu rõ hơn cái xã hội mà đồng tiền quyết định mọi thứ, vì thế “hãy khao khát nó”. Chúng ta sinh ra và lớn lên làm việc vì đồng tiền. Đồng tiền là quý khi chúng ta làm việc, khao khát nó một cách chính đáng:
                           “Con người sinh ra không chỉ để đi làm
                           Song chân tay hãy cử động vì tiền
                           Xin chú ý: chỉ có tiền là quý”
                           (Đồng tiền) [3; tr. 29]
Trong xã hội nhiều mâu thuẫn bất công thì đồng tiền chính là sợi dây kết nối bất công lại, nó tạo nên một tội ác lớn nhất trên đời:
                           “Cái độc ác trên đời lớn lắm
                           Hãy xông vào cướp cho được đồng tiền!
                           Tình yêu tiền còn hơn tội ác”
                           (Đồng tiền) [3; tr. 29]
Trong xã hội Việt Nam thời trung đại cũng có nhiều tác giả cây đa cây đề nhắc tới vai trò của đồng tiền, có thể kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm với những câu thơ như:
                           “Còn tiền còn bạc còn đệ tử
                           Hết cơm hết rượu hết ông tôi” [Dẫn theo 17]
Có phải đồng tiền chính là nhân tố quyết định giá trị nhân cách của con người. Bertolt Bercht cho rằng xã hội chỉ tôn trọng đồng tiền, còn giá trị đạo đức, tình yêu, tình bạn đều bị đồng tiền làm lu mờ. Trong xã hội tôn trọng đồng tiền thì bạn chỉ có vinh quang, dám bước khi túi có tiền, “tiền” được xem là anh hùng, “tiền” đổi trắng thay đen và biến đổi mặt trái trở thành sự thật.
Bertolt Bercht cho rằng trong tình yêu cũng phải có tiền, ái tình phải đặt dưới đồng tiền “Chớ đến bên nàng khi không có tiền”(Đồng tiền) [3; tr. 29]. Khi đồng tiền lên ngôi giá trị con người bị chà đạp, lúc này đồng tiền được tôn trọng, kính nể, nhưng đến cuối bài thơ Bertolt Bercht lại cho rằng:
                           “Muôn kẻ thù dưới mộ không ngủ yên
                           Viết lên bia “nơi đây đồng tiền yên nghỉ”
                           (Đồng tiền) [3; tr. 29]
Con người đến chết vẫn muốn có tiền bên mình. Thơ của Bertolt Brecht cho thấy đồng tiền chính là thứ quan trọng trong cuộc sống nhưng nó cũng là kẻ thù của con người, nó tạo nên bất công, mâu thuẫn trong xã hội.
Đồng tiền là quan trọng, khi không có tiền thì thân phận người nghèo trở nên rẻ rúng, cuộc sống của người nghèo lâm vào cảnh bi quan, bế tắc. Khi còn trẻ, còn sức khỏe thì người nghèo họ hi vọng trí thông minh, sức khỏe bươn trải cuộc đời, nhưng khi đã nhận thức rõ ràng thì:
                           “Nay tôi biết không có trí thông minh nào đủ sức
                           Làm no đươc dạ dày một kể đói nghèo”
                           (Bài ca về khói) [3; tr. 31]
Kẻ nghèo không có đường đi, bế tắc về lối thoát. Người giàu thì sung sướng vì có tiền nhưng không cần thông minh mà họ chỉ cần sự độc ác. Bertolt Bercht đã chỉ ra sự bất công trong xã hội, cuộc sống của người nghèo đang đi vào rét buốt tồi tệ, không lối thoát:
                           “Nên tôi nói: thôi đi!
                           Hãy nhìn đám khói kia
                           Đang đi vào rét buốt tồi tệ
                           Cả ngươi nữa, ngươi cũng đi như thế”
                           (Bài ca về khói) [3; tr. 31]
Con người tuyệt vọng trong bước đường cùng, kính nể đồng tiền nhưng cũng không tin tưởng quá vào đồng tiền. Vì có quá nhiều bất công trong xã hội nên một người dù có lòng tốt thế nào đi nữa thì người đó cũng chỉ lẻ loi, khó có thể thay đổi được xã hội hiện tại:
                           “Mỗi chiều mùa đông,thường có một người
                           Đứng hỏi những ai qua lại không nhà
                           Có cần nghỉ đêm thì đưa về nghỉ tạm”
                           (Chỗ nghỉ đêm) [3; tr. 34]
Một việc của một người không làm cho thế giới thay đổi, mối quan hệ giữa con người với con người không tốt đẹp hơn là bao:
                           “Thế kỷ bóc lột này cũng không thể ngắn đi
                           Dẫu một vài người được thêm chỗ ngủ”
                           (Chỗ nghỉ đêm) [3; tr. 34]
Chỉ một vài đêm thôi không thể rút ngắn đi khoảng cách giữa người và người, không thể xóa bỏ thế giới bóc lột, bất công và tàn ác. Xã hội bất công, thế kỷ đầy bóc lột làm cho người nghèo bi quan, ngay cả những con người có lòng tốt cũng chẳng thay đổi được gì. Trong kịch tự sự của Bertolt Brecht, ông cho rằng con người có khả năng cải tạo thế giới và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Ông đã từng mơ ước hi vọng: “Có một ngày kia đứa con của nghèo khổ sẽ lên ngai vàng rực rỡ và ngày đó, người tốt sẽ gặp vận may, kẻ dữ bị treo cổ. Công và lợi sẽ nắm tay nhau, chia nhau muối và bánh mì” [14; tr. 690]. Bài ca trong vở kịch Người tốt ở Tứ Xuyên cho thấy Bertolt Brecht tràn đầy niềm tin về tương lai hạnh phúc cho người nghèo. Nhưng trong thơ của Bertolt Brecht ta lại thấy ông có thái độ ngược lại. Bertolt Brecht bi quan và thất vọng vì xã hội quá bất công và lòng tốt trở nên vô nghĩa.
Tất cả những bất công trong xã hội, người ảnh hưởng mạnh nhất từ hậu quả đó chính là nhân dân. Nhà nước xuất phát từ nhân dân nhưng trong bộ máy chính quyền lại nảy sinh bạo lực, quan liêu. Bộ máy cai trị của chính quyền Tư bản lúc đó sử dụng bạo lực để cai trị, nhân dân tụ tập lại thì ngay lập tức bạo lực lên tiếng: “giải tán” nhân dân chính là nạn nhân của bạo lực:
                           “Cái gì nằm đó như chuột chết
                           À đó là nhân dân”
                           (Điều một trong hiến pháp Vaima) [3; tr. 62]
Nhân dân chính là nơi xuất phát nhà nước và nhân dân cũng chính là nạn nhân của hiến pháp nhà nước đầy bạo lực. Mỗi một thời đại, trong xã hội lại có những con người không ai biết mặt đặt tên, nhưng họ có nhiều cống hiến cho xã hội. Trong bài “Những câu hỏi của một công nhân đọc sách”, Bertolt Bercht đã mượn lời của những người đọc sách mà than thở về cái xã hội bất công với những người có cống hiến cho xã hội qua các thời đại:
                           “Ai là người xây nên thành Thebơ có bảy cửa ô
                           Trong sách nêu tên các vị vua.
                           Phải chăng các vị vua đã khuân về bao tảng đá?”
                           (Những câu hỏi và những câu trả lời) [3; tr. 68]
Bertolt Bercht đã đặt rất nhiều câu hỏi:“ai đã xây nên…? ai đã…?”.Ông tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời:
                     “Phải chăng sự thật có thể chết còn gian dối lại tồn tại vĩnh hằng
Tôi nghĩ thế”
                           (Những câu hỏi và những câu trả lời) [3; tr. 68]
Bertolt Bercht đặt câu hỏi về sự bất công còn kéo dài mãi và không ai nhận ra sự bất công đó ở đâu và xuất phát từ đâu:
                           “Ở đâu anh thấy sự bất công kéo dài mà không ai nhận ra
                                   Ở đây”
                           (Những câu hỏi và những câu trả lời) [3; tr. 68]
Chính những con người chịu sự bất công có thể đứng lên lật đổ những kẻ đã áp bức mình, những con người đầy quyền lực, chính quyền lực làm họ hạnh phúc thì họ là những kẻ gian ác nham hiểm, luôn đày đọa và áp bức người khác. Chính những người khốn khổ sẽ đứng lên lật đổ.
                           “Ai có thể nổi giận lật đổ những kẻ áp bức mình.
                           Chính các anh!”
                           (Những câu hỏi và những câu trả lời) [3; tr. 68]
Chống lại kẻ tàn ác thế nào khi những kẻ thèm khát quyền lực đang mạnh, chẳng hề khó nhọc khi kẻ ác lên gân tay giành giật:
                           “Đạp lên những người đồng loại
                           Chẳng khó nhọc làm sao? Kẻ thèm khát”
                           (Về sự niềm nở) [3; tr. 69]
Ngay từ khi còn trẻ con người đã phải vùi đầu vào chồng sách lớn để học các chuyện nào lừa lọc, gian xảo, làm giàu, pháp luật… nào biết:
                           “Sách vở đều buông mình bán rẻ!”
                           (Thời con trẻ sống tồi tệ quá) [3; tr. 71].
 Thế thì đừng hỏi tại sao trong xã hội lại nhiều bất công như thế, bất công ngay cả với việc học hành tìm hiểu cuộc đời. Con người phải học những mánh khóe để tồn tại chứ không thể học cái hay cái tốt trong thế kỉ bạo tàn và bóc lột.
Điều làm Bertolt Bercht day dứt là ở chỗ ông biết rõ là sự bất công trong xã hội, nhưng không thể thay đổi trong một thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình được. Bởi vậy, nên ông thể hiện sự phẫn nộ của mình vào các bài thơ. Quyền con người bị đe dọa đến mức cạn kiệt, khi bất công lên ngôi thì lúc này lòng tốt cũng khó có thể tồn tại trong xã hội:
                           “Xin đừng trách người nghèo
                           Không mời ăn bánh ngọt
                           Các em cần bánh mì
                           Không chỉ cần lòng tốt”
                           (Các em đi tìm hòa bình) [3; tr.81]
Bertolt Brecht có quan niệm biện chứng về cuộc đời. Cuộc đời có hai mặt tốt và xấu song hành, cái thiện và cái ác cùng tồn tại. Bertolt Brecht mong muốn xóa bỏ cái ác, cái xấu nhưng chưa có cách nào để giải quyết:
                           “Bất công hôm nay còn bước những bước vững vàng
                           Kẻ áp bức trù tính một vạn năm như thế,
                           Nhiều người bị áp bức hôm nay còn nói:
                           Điều ta ước không bao giờ có được”
                           (Ca ngợi phép biện chứng) [3; tr. 95]
Câu thơ đầy nỗi buồn của Bertolt Brecht khi cho rằng cả vạn năm bất công vẫn tồn tại. Điều mơ ước của Bertolt Brecht khó mà thực hiện được. Tuy có phần bi quan nhưng thơ Bertolt Brecht đã cổ vũ, khích lệ con người đứng lên để đấu tranh. Bertolt Brecht muốn thức tỉnh con người hãy dùng sức mạnh để thay đổi thế giới.
Chế độ xã hội quá nhiều bất công làm cho tác giả trở nên thất vọng, thấy bất công nhưng không thể chống lại được sự bất công. Mặc dù giận dữ và phẫn uất vô cùng nhưng tác giả chưa tìm ra được cách giải quyết nào triệt để. Ước muốn chỉ là ước muốn:
                           “Chao ôi! Chúng tôi muốn tạo nên một thế giới thương yêu
                           Mà chẳng thể thương yêu nhau được”
                           (Gửi những người mai sau) [3; tr. 106]
Có thể nói với cái nhìn sắc sảo, Bertolt Bercht lên án thực tế xã hội đầy những bất công ngang trái. Bởi ông thấy chính xã hội ấy đẩy con người vào nỗi đau, nó đã đẻ ra những cái xấu sẵn sàng chà đạp lên con người, đặc biệt là những con người nghèo khổ. Chính vì vậy mà Bertolt Bercht đã đến với nhân dân, đứng về phía nhân dân đấu tranh lại mọi bất công trong xã hội Tư bản Chủ nghĩa. Đồng thời ông mong muốn khát vọng thay đổi xã hội để đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc. Đó chính là giá trị cao đẹp mà thơ Bertolt Bercht hướng đến, chính vì thế mà thơ Bertolt Bercht vẫn còn sức lay động sâu xa lòng người qua thời gian.
Nguyễn Thị Kim Hồng (Đại học Tây Nguyên)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Lê Nguyên Cẩn, Nghiêm Thị Thanh. (2006). Tác gia tác phẩm Văn học nước ngoài trong nhà trường. Nxb ĐHSP.
2. Minh Chính. (2002). Văn học phương Tây giản yếu. Nxb ĐHQG. TP.HCM.
3. Quang Chiến. (2006). Thơ trữ tình Bertolt Brecht. Nxb Hội Nhà Văn.
4. Đặng Anh Đào. (2007). Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong Văn học. Nxb Giáo dục.
5. Trần Đương. (2011). Văn hóa Đức tiếp xúc và cảm nhận. Nxb Thế giới.
6. Đỗ Đức Hiếu. (chủ biên. 2004). Từ điển Văn học. Nxb Thế giới.
7. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi. (chủ biên. 2007). Từ điển thuật ngữ Văn học. Nxb ĐHQG. Hà Nội.
8. Phương Lựu, Lê Ngọc Trà. (1987). Lí luận Văn học 2. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
9. Hoàng Phê. (chủ biên. 2009). Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.
10. Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân Lãm. (2002). Từ điển tiếng Việt. Nxb Thanh Hóa.
11. Nguyễn Trí Tích. (2002). Viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Nxb Thanh niên. Hà Nội.
12. Phùng Văn Tửu. (2003). Cảm thụ và giảng dạy Văn học nước ngoài. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
13. Phùng Văn Tửu. (2004). Giáo trình tư liệu tham khảo Văn học phương Tây. Nxb Đà Nẵng.
14. Nhiều tác giả. (1998). Văn học phương Tây. Nxb Giáo dục.
15. Nhiều tác giả. (2011). Giáo trình Văn học phương Tây. Nxb Giáo dục 

.