/

(Hương cỏ mật – tập thơ Haiku song ngữ Việt – Anh, NXB Hội nhà văn, 2015)

      Không một chút kiểu cách, làm dáng…365 bài thơ Haiku bé nhỏ và giản dị trong tập thơ Hương cỏ mật đã dẫn ta đi tới mọi miền đất nước với cả bốn mùa hòa hợp , cùng với biết bao hương sắc thi vị, với biết bao nỗi nhớ niềm thương, biết bao ký ức cùng hoài niệm. Bên cạnh đó là hình ảnh của những mảnh đời thường khốn khó, những kiếp sống nổi trôi…Cả những vấn đề bức xúc đang diễn ra đâu đó quanh ta : chuyện của Hoàng Sa, Trường Sa, chuyện của biển đảo, biên cương và cả những mặt trái của xã hội văn minh hiện đại…
     Bằng lối viết giản dị nhưng sâu sắc, tinh tế, bằng trái tim đa cảm nhạy bén của một nhà thơ xuất thân là một nhà khoa học, thơ của Vũ Tam Huề có thể giúp người đọc nhìn thấu đến mọi cõi nhân sinh. Chính điều này đã chạm tới trái tim người đọc, tạo nên tiếng nói đồng cảm, tri âm, nhiều cảm xúc…
    Sức nén, tính hàm xúc là một trong những nét khá nổi bật trong Hương cỏ mật. Mọi tương quan về thời gian và không gian, quá khứ và hiện tại, con người và cảnh vật, cái nhỏ bé và cái rộng lớn, cảnh và tình, chất thơ ca và chất đời thường, nỗi buồn và niềm vui, ánh sáng và bóng tối, động và tĩnh…cứ nối tiếp hiện lên một cách tự nhiên trong những câu thơ nhỏ bé và sinh động, mà ở đó yếu tố động biểu hiện khá nổi bật trong một thể thơ Haiku nói chung vốn thiên về tĩnh lặng. Ta có thể bắt gặp rất nhiều các bài thơ có màu sắc như thế :
Bông bí vàng
đường làng mưa bay
ẫm ờ câu hát ghẹo.
(Bài 2)
Mùa xuân
vó ngựa đồng hoang
hương cỏ mật.
(Bài 17)
Soi mình bóng nước
chuồn chuồn từng cặp
cuộc tình bay
(Bài 60)
Ai hát ru hời
trên đồng nước nổi
chơi vơi cánh cò.
(Bài 61)
Gió bấc tràn về
ngõ nhỏ tái tê
nằm tương tư nắng.
(Bài 93)
     Dù vẫn tuân thủ thi pháp của thơ Haiku nói chung, nhưng Vũ Tam Huề có khuynh hướng vượt lên đặc tính của thơ Haiku truyền thống. Đọc xong dường như tôi quên luôn thơ Haiku mà đặc biệt xúc động trước những bài thơ nói về những mảnh đời, những kiếp người nổi nênh, khốn khố :
Nước tràn bờ
xóm chài chơ vơ
giữa vùng tăm cá
(Bài 55 )
Lũ trắng đồng
bềnh bồng
kiếp người phận lúa
(Bài 54 )
Bản làng xa
heo hút tiếng gà
ngã ba biên giới
(Bài 122)
    Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh đượm buồn, người đọc vẫn cảm nhận được tiếng nói của một trái tim biết chia sẻ, nồng ấm… nên cảm xúc thơ của tác giả không rơi vào buồn thảm. bi lụy.
Rẻo cao đêm đông
bên ché rượu cần
nối bờ môi ấm
(Bài 106 )
Đám cưới mùa xuân
thuyền hoa trên sông
cầu vồng bóng nước.
(Bài 3)
Hội làng rối nước
Ô hay chú Tễu
ngàn năm không già
(Bài 151)
     Thơ của tác giả Hương cỏ mật đã kết hợp một cách hài hòa cả 3 yếu tố: một là tình, hai là cảnh ba là sự, đúng như đúc kết của nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong đó. yếu tố tình nổi lên như một chất men say đắm, nó hòa quyện nhuần nhuyễn với cảnh và với người…
Em trẩy hội chùa
áo màu mơ chin
bỏ bùa nhân gian.
(Bài 7)
     Ở đây khung cảnh bò bùa cho thi nhân hay chính tâm hồn của thi nhân bỏ bùa cho khung cảnh? !
    Tập thơ Hương cỏ mật có rất nhiều bài thơ hay như vậy, có sức mạnh như một bùa yêu. Nhiều bài thơ thi tứ độc đáo, bất ngờ nhưng đọc lên nghe rất êm xuôi, giầu nhạc tính. Các hình ảnh trong thơ xác thực nhưng lại có hồn, nó đi thẳng  một cách tự nhiên vào trái tim người đọc.
    365 bài thơ Haiku Việt  với khoảng trên 4000 từ của Hương cỏ mật đã dẫn dắt ta đi khắp mọi miền đất nước. Ngắm nhìn, lắng nghe, thưởng thức, sẻ chia, xúc động trước bao hương vị, âm thanh của cuộc sống. Rất nhiều thi vị, nhiều chất thơ, giầu chất hoài cổ, nhưng cũng không ít những trăn trở, bức xúc trước những vấn đề nóng bỏng, mang tính thời đại, giầu tính nhân văn, với một cách nghĩ, cách cảm sâu sắc, tinh tế và rộng mở. Đó là ấn tượng sau cùng của tôi khi trang cuối cùng của tập thơ khép lại. Tuy trang thơ đã khép, nhưng lại mở ra bao nhiêu nghĩ suy, bao nhiêu cảm xúc…
    Xin được mượn lời đề từ của chính tác giả tập thơ Hương cỏ mật để kết thúc bài viết tản mạn này :
          Thơ Haiku
          những con sóng nhỏ
          mang hồn biển khơi
                                      Sài Gòn những ngày tháng 9 năm 2015
                                                Nguyễn Thị Dư Khánh