Trước hết có một vấn đề như thế này: Cùng một ngôn ngữ, tức sử dụng cùng một hệ thống từ vựng về cơ bản thống nhất, theo cùng một ngữ pháp, nhưng có thể nói mà không hiểu nhau. Ấy là vì, do những điều kiện đặc thù nào đó, cách phát âm, tức phát ra tiếng nói của những người cùng sử dụng ngôn ngữ ấy khác nhau. Một đất nước không thể hiểu nhau bằng một ngôn ngữ nhất định thì không thể thống nhất, thậm chí không thể tồn tại, vì mọi thông lưu (communication) đều không thể thực hiện được, hoặc ít ra bị trắc trở.
Giải quyết như thế nào?
Cần có một phương tiện xóa bỏ sự khác nhau về nói ấy, đó là một cách viết thống nhất. Nói có thể khác nhau, không hiểu nhau, nhưng viết thì giống nhau, đều hiểu được nhau. Ta gọi cái đó là chính tả.
Trung Quốc là một bài học lớn. Cùng một ngôn ngữ Hán, nhưng ở Trung Quốc có không biết bao nhiêu cách nói khác nhau. Để hiểu nhau, người Trung Quốc đã sáng tạo ra chữ Hán, và người ta bảo rằng chính chữ Hán là một nhân tố hàng đầu làm cho đất nước khổng lồ ấy thống nhất.
(Có nơi, chẳng hạn ở một số nước châu Phi, có nhiều, đôi khi quá nhiều tộc người mà không có một tộc người đa số tuyệt đối để lấy ngôn ngữ của tộc người ấy làm tiếng phổ thông, người ta đã mượn một ngoại ngữ, thường là của nước thực dân đã đô hộ mình trước đây, làm “quốc ngữ” – Và như Nigéria dùng “quốc ngữ” là tiếng Anh đã từng có đến Nobel văn học …)
Tiếng Việt của chúng ta chắc không đến nỗi như tiếng Hán, nhưng sự khác biệt trong phát âm giữa các địa phương nhiều khi cũng rất đáng kể. Chúng ta cũng rất cần một phương tiện thống nhất cho phép vượt qua những khác biệt tất nhiên và chính đáng về cách phát âm của người Việt, để người Việt có thể hiểu nhau, có thể thông lưu với nhau. Và có một đất nước thống nhất.
Qua vài nhận thức sơ lược trên đây, ít nhất cũng có thể rút ra mấy điều:
Quả cần có một chính tả thống nhất cho cả nước, vì chính sự tồn tại thống nhất của đất nước, đặng duy trì được sự vận hành thông suốt của cuộc sống bình thường trong đất nước. Đấy là chức năng xã hội của chính tả.
Có thể nói cách khác: Nói là cái tự nhiên, là cái “trời sinh”, rất nhiều khi không thể khắc phục được, và cũng không nhất thiết phải khắc phục. Bắt một người Nam Bộ miền Tây hay một người xứ Quảng miền Trung nói đúng hỏi ngã là không thể, cũng không cần. Bắt một người miền Bắc không được nói “Giời ơi”… là không thể, không cần. Nhưng khắc phục sự khác nhau trong nói để cả nước hiểu nhau, thì phải viết một cách giống nhau, tức chính tả.
Chính tả là cái xã hội chữa cái dị biệt tất yếu của tự nhiên, để tạo nên sự thông suốt của đời sống xã hội.
Vì chính bản chất của chức năng xã hội ấy, vì chính định nghĩa của nó, mà chính tả không thể dựa vào những cách phát âm khác nhau của nhiều đối tượng người Việt khác nhau, mặc dầu quyền phát âm khác nhau của mỗi người là tất yếu và chính đáng.
Song mặt khác, chữ viết đương nhiên là ghi lại tiếng nói, vậy chính tả ghi lại tiếng nói nào? Nó dựa trên cách phát âm nào?
Nghĩa là dù muốn dù không, có một cách phát âm nào đó được chọn làm “phát âm chuẩn” để cách viết được coi là chính tả dựa vào đó mà ghi lại.
Cũng tức, nói theo cách nào đó, chính tả là một quy ước của xã hội thống nhất chọn một tiếng nói nhất định làm chuẩn cho cách ghi tiếng Việt. Cho đến nay, tiếng Hà Nội, chính xác hơn là tiếng nói của vùng trung tâm văn hóa Bắc Hà (sau đây xin gọi tắt là “tiếng Bắc”) được chọn làm chuẩn (với những điều chỉnh cần thiết).
Theo tôi, sự lựa chọn ấy không tùy tiện. Quả thật đây là thứ tiếng còn giữ được đầy đủ hơn cả các thanh phong phú vốn làm cho tiếng Việt đơn âm mà có thể rất giàu nghĩa (hình như điều này khác tiếng Hán, khiến cho tiếng Hán khó La tinh hóa). Nếu tiếng Nam đã đánh mất đi sự phân biệt giữa các thanh hỏi ngã, cũng như giữa các phụ âm cuối n và ng, t và c… thì sự phân biệt này trong tiếng Bắc rõ ràng giữ được nhiều hơn sự giàu có, cả sự minh bạch của từ vựng Việt.
Cũng có ý kiến cho rằng vẫn có thể hiểu đúng được cách nói không phân biệt hỏi ngã, không phân biệt phụ âm cuối c, t, n, ng… bằng cách đặt chúng trong ngữ cảnh của câu. Tuy nhiên trong cuộc sống thực không phải lúc nào ngữ cảnh cũng đương nhiên rõ ràng.
Chắc chắn phải nói rằng phát âm tiếng Bắc cũng thiếu một số phân biệt mà tiếng Nam “mạnh” hơn: nó thường nhầm ở các phụ âm đầu; tr – gi; tr – ch … (ông trời – ông giời; cây tre – cây che … ).     
Cho nên chính tả được coi là chuẩn cần có điều chỉnh.
Nếu ta đồng ý cần có một cách viết thống nhất tiếng Việt được coi là chính tả, thì tất phải cùng nhau chấp nhận quy ước về một lựa chọn chuẩn được coi là tương đối hợp lý nhất, với những điều chỉnh cũng được chấp nhận chung.
Và phải đến lúc Nhà nước cần có một quy định chính thức một chính tả tiếng Việt thống nhất, có tính chất quốc gia và bắt buộc. Một Luật về chính tả tiếng Việt. Như ở mọi đất nước văn minh.
Xin được nói thêm đôi điều về việc viết các tên riêng nước ngoài:
Trước đây từng có cách viết Rousseau thành Lư Thoa, Montesquieu thành Mạnh Đức Tư Cưu, Inspiration thành Y sĩ phi lý thuần v.v …Thực ra đấy là mượn và đọc theo lối Hán Việt cách phiên âm các từ nước ngoài của Trung Quốc. Thoạt trông những cách viết như thế đến nay hầu như không còn nữa. Tuy nhiên nhiều tên riêng nước ngoài còn thông dụng thực ra vẫn là theo cách đó: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý (Đại Lợi), Anh (Cát Lợi), Hung (Gia Lợi), Bảo (Gia Lợi)… Ngay Bắc Kinh cũng là cách đọc Hán Việt của Peijing …
Trong chính tả, còn có vấn đề vấn đề thói quen. Những tên gọi như Ý, Anh, Bắc Kinh … đã quen đến gần như Việt hóa. Và quả thật việc Việt hóa bằng cách bỏ bớt đi cái đuôi Đại Lợi, chỉ giữ phần Ý, Anh … để gọi các đối tượng đó là một sáng tạo, đã làm giàu cho tiếng Việt. Cũng tương tự như các từ nhà ga, áo sơ mi… đã hoàn toàn là tiếng Việt. Thực ra trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng có chuyện đó. Vậy nên giữ nguyên chăng? Vẫn viết Ý thay vì Italia, Anh thay vì England… hoặc có thể dùng cả hai.
Có người nói dùng từ Peijing gõ vào Google ra ngay vô số kết quả, gõ Bắc Kinh thì hầu như không có gì. Vậy có thể dùng cả hai tùy trường hợp chăng? …
Chúng tôi ủng hộ ý kiến nói chung nên giữ nguyên tên riêng nước ngoài, không phiên âm. Với những tên riêng thuộc những ngôn ngữ khác La tinh, thì viết theo cách viết La tinh hóa của chúng. Tức phiên tự chứ không phiên âm.
Cuối cùng, nên xử trí như thế nào hiện nay khi chưa có quy định chính tả tiếng Việt của Nhà nước, hẳn phải được chuẩn bị chu đáo bởi một hội đồng ngôn ngữ quốc gia?
Trong khi chờ đợi, chúng tôi đề nghị có quy định tạm thời sử dụng Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học làm chuẩn.
 
Nhà văn Nguyên Ngọc