Nguyễn Công Đức
                                                              
1. Chữ viết La Tinh, mà ngày nay thường gọi là Chữ Quốc ngữ, được người Việt sử dụng đã hơn trăm năm qua, vốn được một số giáo sĩ công giáo người Âu Châu như Bồ Đào Nha, Pháp,… xây dựng từ khỏang thế kỷ XVII, trên cơ sở chữ viết của ngôn ngữ của họ – tức chữ viết La Tinh nhằm trước hết thuận lợi cho công việc hành đạo của họ, mặc dù lúc bấy giờ người Việt đã dùng khá quen thuộc và phổ biến chữ Hán và ít phổ biến hơn là chữ Nôm. Công việc này không khác mấy khi những nhà chuyên môn liên quan người Việt chúng ta xây dựng chữ viết cho nhiều tộc người thiểu số ở Việt Nam. Vì chữ viết La Tinh lúc này đã trở thành thứ chữ quen thuộc, phổ biến của người Việt và được coi là đã trở thành một sự kiện văn hóa, dù ở dạng hiện thực hay tiềm tàng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trước đây mấy thế kỷ, tình trạng cũng tương tự như vậy, một số giáo sĩ Âu Châu hành đạo ở Trung Hoa, Nhật bản,… cũng dùng chữ La Tinh để ghi tiếng Hán, tiếng Nhật. Việc lấy thứ chữ viết ghi âm (ghi những âm đọan tối thiểu của tiếng Âu Châu [nói theo cách của ngữ âm học hiện đại]) của họ để ghi tiếng Việt như một lẽ đương nhiên đối với những giáo sĩ người Âu Châu này, và cũng đương nhiên như vậy là tính chất võ đóan của thứ chữ viết này lại được dùng để ghi tiếng Việt. Chẳng hạn, hòan tòan không có một cơ sở khách quan nào để có thể dựa vào đó mà giải thích một cách hợp lý trật tự của các con chữ/ chữ cái trong một chữ viết gồm nhiều con chữ ghi tiếng Việt,… Vì lẽ, nếu như từng âm đọan tối thiểu của tiếng Âu Châu thường được ghi bằng một con chữ, đôi khi là hai/ ba con chữ, thì cái âm đọan tối thiểu ấy của tiếng Việt lại thường là một âm tiết (syllable), còn may lắm, cũng theo cách võ đoán, là có thể coi những khúc đọan âm/ một phức thể ngữ âm (do dựa vào một số hiện tượng lời nói như vần, chơi chữ, nói lái, lặp,…) của âm tiết tiếng Việt là có vẻ như tương đồng, còn thì hòan tòan không có một sự tương đẳng đáng kể nào với cái âm đọan tối thiểu kia của tiếng Âu Châu.
Hệ lụy của việc xây dựng chữ viết một cách bất tương thích với ngôn ngữ/ loại hình ngôn ngữ (nói theo cách nhận thức của ngôn ngữ học hiện đại) ở giai đọan đầu tiên như vậy đã gây nên không ít những phức tạp về sau này.
 
2. Quả nhiên, sau khi thứ chữ viết này ra đời, chỉ một thời gian ngắn đã bắt đầu có những điều chỉnh nhất định và cũng từ một số vị cố đạo người Âu Châu. Trong đó, người hiệu chỉnh và hệ thống hóa chữ Quốc ngữ ở buổi sơ khai của nó trội bật hơn cả là Alexandre de Rhodès.
            Đến thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ đã khá phổ biến ở Việt Nam, một số hiện tượng của chữ viết được/ bị coi là bất hợp lý và đã được đề nghị điều chỉnh/ cải tiến nhằm mục đích làm cho chữ Quốc ngữ trở nên hợp lý hơn bởi một số nhà chuyên môn liên quan, dĩ nhiên theo cách quan niệm và nhận thức của những “nhà cải cách/ cải tiến” này đối với chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, từ một vài đề nghị như đề nghị của học giả Trần Trọng Kim nhằm khắc phục sự nhầm lẫn xảy ra khi không ở trong một ngữ cảnh cụ thể của một số đơn vị đồng âm, chẳng hạn: minhs = sáng, minht = tối, minhk = kêu (hót, gáy – chim, gà) đến những đề nghị của Nguyễn Bạt Tụy như bớt con chữ, nhất dạng hóa con chữ,… nếu những con chữ như vậy được dùng để chỉ ghi một âm,… Đặc biệt, từ những năm 60 của thế kỷ trước đã diễn ra nhiều cuộc luận bàn, hội thảo khoa học về chữ Quốc ngữ nhằm cải tiến/ cải cách và chuẩn hóa chữ Quốc ngữ theo hướng được cho là phù hợp, thống nhất. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, thực trạng của những hiện tượng chữ viết được cho là bất hợp lý như vậy, dù qua nhiều đề nghị, qua nhiều cuộc luận bàn, hội thảo khoa học và cũng đã có một vài thử nghiệm, song cho đến nay những kết quả đạt được, nếu có thể nói như vậy, hãy còn khiêm tốn và chắc còn phải chờ đợi công việc được tiếp tục ở tương lai. Ngọai trừ, một vài sự kiện của chữ Quốc ngữ do tính bất hợp lý khá hiển nhiên của nó (như bỏ việc dùng gạch nối giữa hai chữ được coi là dạng viết của cái đơn vị được gọi là từ ghép, đặc biệt là đối với các tổ hợp Hán Việt) hoặc nó không phản ánh một sự thực nào của chữ Quốc ngữ (như đề nghị của Trần Trọng Kim), thì những cải tiến chữ viết như vậy có thể được coi khả chấp.
 
3. Bên cạnh một vài sửa đổi về chữ viết có thể được coi là thành công như vừa nêu ở trên, còn lại, hầu như tất cả những sửa đổi/ cải tiến đối với những trường hợp được xem là chưa phù hợp/ chưa hợp lý của chữ Quốc ngữ được đề nghị trước nay, hình như đều chưa tồn tại trong thực tế của chữ viết Việt Nam, dù chỉ một thời gian ngắn. Sở dĩ như vậy là vì, dường như cái cơ sở mà người ta dựa vào đó để luận bàn cũng như đề nghị một số cải tiến chữ viết vẫn không khác gì mấy cái cơ sở mà ngay từ đầu xây dựng chữ viết các cố đạo người Âu Châu đã dựa vào để xây dựng thứ chữ này. Đó là dựa vào cái âm đọan tối thiểu và tính đơn trị của mối quan hệ âm – chữ như được nhìn nhận một cách bất tự giác thời bấy giờ đối với tiếng Âu Châu để xây dựng chữ viết và coi cách thức đó như một phổ quát mà đồng nhất phương cách trong xây dựng chữ viết cho tiếng Việt.
            Rõ ràng, cách nhìn nhận như vừa nêu trên đã không tính đến, hoặc tự giác hoặc bất tự giác, những dị biệt lớn về mặt lọai hình của tiếng Việt với hầu hết các thứ tiếng Âu Châu; đã chưa coi chữ viết khi đã tồn tại trong một thời gian đủ dài thì nó trở thành một sự kiện của văn hóa dân tộc. Và một khi đã trở thành sự kiện văn hóa, thì nó bất chấp đối với sự tương thích của mối quan hệ giữa ngôn ngữ âm thanh với chữ viết.
Cho nên, những họat động giáo dục tiếng Việt qua chữ Quốc ngữ trong một vài năm học đầu tiên bậc tiểu học đã chưa mang lại những kết quả một cách tự giác cho người học như một trong những mục tiêu giáo dục cần phải đạt được và mong muốn từ phía các nhà giáo dục cũng như các nhà họach định giáo dục trong nhiều thập niên qua. Thực trạng ấy phản ánh khá rõ trong các lọai văn bản viết của nhiều giới xã hội, bất kể lứa tuổi, bất kể địa phương/ vùng phương ngữ, cả trong sinh viên đại học. Rõ ràng, cách dạy đánh vần/ ráp vần hoặc diễn chữ trong những năm đầu tiên ở bậc mẫu giáo và tiểu học vị tất đã tạo nên một nền tảng thực tế đối với việc nhận diện và tái hiện chữ viết Việt Nam cho học sinh cấp mẫu giáo và một vài năm đầu bậc tiểu học một cách phù hợp với bản thể của tiếng Việt để không gây ra hiện tượng viết sai chính tả ở những bậc học sau đó, dù là bậc đại học hoặc sau đại học như chúng ta đều thấy. Điều này khó có thể tìm thấy trong văn bản viết của sinh viên Âu – Mỹ, trừ một vài trường hợp hiếm hoi, nếu chữ ghi từ nào đó mà họ chưa gặp thấy bao giờ (nhất là chữ viết tiếng Anh). Quả thực, nếu so sánh, thì tình trạng này rất hãn hữu trong việc dạy học chữ đối với người Triều Tiên, người Nhật Bản, người Trung Hoa và cả người Việt học chữ Nôm, chữ Hán xưa kia.
 
4. Vì vậy, nên chăng :
– Chỉ coi là những “bất hợp lý” của chữ Quốc ngữ trong một số ít trường hợp như những trường hợp viết hoa (địa danh, nhân danh, danh xưng của các đơn vị hành chính – xã hội – kinh tế,…).
– Khôngnên coi là thuộc vào những trường hợp “ bất hợp lý ” đối với những hiện tượng, theo cách nhìn về sự tương thích âm / âm tố với chữ, tức cách nhìn theo lối ngữ âm học, như : chỉ một âm đơn mà có khi lại được thể hiện bằng hai ba con chữ (gh, ph, tr, ch, ng/ ngh,…)hoặc cùng một âm mà lại được thể hiện bằng hai, ba con chữ khác nhau (c, k, q,…),vì lẽ, nếu coi chúng như những kí hiệu phi âm thanh và chức năng của nó cũng giống với các kí hiệu âm thanh trong mối quan hệ với việc biểu thị nội dung ý/ nghĩa; nghĩa là, coi nó như một hệ thống song tồn với hệ thống kí hiệu âm thanh, thì những hiện tượng như vừa nêu sẽ thấy không có gì là bất hợp lí. Đặc biệt là, một vài trường hợp có cách viết song hành như lý/ lý, ký/ kí,…(cũng thuộc vào trường hợp này, chẳng hạn bác sỹ/ bác sĩ, song đến nay không còn thấy tồn tại như một hiện tượng song hành của của dạng thức bác sỹ nữa. Có lẽ, đây là hiện tượng gợi cho chúng ta liên hệ đến quy luật của sự tiếp nhận/ thụ đắc ngôn ngữ cũng như chữ viết: thói quen và kinh nghiệm xã hội) cũng thường được coi là không nhất quán, là bất hợp lý. Tuy nhiên, một cái nhìn bao quát, thì những hiện tượng này của chữ viết, dù không phổ biến, song không có gì là lạ hoặc quá dị biệt cũng như bất thường trong thế giới của chữ viết La Tinh để có thể coi đó là những bất hợp lý và vì vậy mà nhất thiết phải sửa đổi. Chẳng hạn, trong cách viết của không ít trường hợp của tiếng Anh Mỹ như: colour – color, flavour – flavor, programe – program, realize – realice, theatre – theater,… Có lẽ, những hiện tượng song hành của chữ Quốc ngữ như vậy quá ít để thấy rằng không cần thiết phải luận bàn nhiều và cũng không nhất định phải cải tiến cho dù phải biện hộ vì mục đích thường được gọi là “hợp lý” hay mục đích về tính chất “nhất quán/ thống nhất” của chữ Quốc ngữ. Đã có một vài đề nghị cải tiến/ sửa đổi và thử nghiệm cách viết chữ Quốc ngữ theo lối ấy như cách làm của Nguyễn Bạt Tụy vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, song thứ chữ viết cải tiến và được cho là hợp lí đó đã thực sự không tồn tại trong thực tế (may lắm, thì nó chỉ có thể tồn tại và tìm thấy trong một vài sách vở của chính tác giả), vì nó không thể nhận diện và cũng không thể tái hiện được từ phía người đọc, cho nên nó cũng không thể phổ biến được là lẽ đương nhiên.
Trên thực tế, có thể có một vài băn khoăn khi người Việt viết mà gặp những hiện dạng song hành (sự thực, những băn khoăn như vậy chủ yếu rơi vào lứa tuổi học sinh cấp tiểu học và phổ thông cơ sở là chính), nhưng dù họ chọn dạng thái nào để viết đều không gây ra bất cứ một tiêu cực gì về chức năng của chữ viết đối với người đọc.
Những sai lệch về chính tả nếu có nguyên do từ sự ảnh hưởng/ chi phối của phương ngữ, thì trong một chừng mực nhất định, có thể được coi là thuộc những vấn đề của quy tắc chính tả Việt ngữ đáng quan tâm để từ đó dẫn đến việc tìm kiếm hay điều chỉnh cách thức dạy chữ Quốc ngữ của chúng ta một cách phù hợp với thực tế hơn, nếu đối tượng thuộc lứa tuổi mẫu gíao và tiểu học; còn những người viết đã trưởng thành, nhất là những người đã có một trình độ văn hóa / học vấn phổ thông trở lên, thì những sai lệch về chính tả như vậy không nên coi là hiện tượng thuộc những sự kiện có tính của quy tắc của chính tả tiếng Việt, mà đó chỉ nên coi là những hiện tượng mang tính cá nhân của người viết.
Những vấn đề, những nhận định về chữ viết Việt Nam mà chúng tôi trình bày ở trên dễ khiến những ai đó có thể băn khoăn về cách thức và mức độ hiệu quả của việc dạy và học chữ cho học sinh chúng ta trước nay. Tuy nhiên, những vấn đề được nêu ra trên đây, chúng tôi không có ngụ ý phủ định hoàn toàn cách thức cũng như mức độ hiệu quả của việc dạy chữ cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng của chúng ta trong nhiều thập niên qua, mà muốn qua thực tế đó đặt ra một vài vấn đề thảo luận thêm nhằm tìm ra những phương sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Năm 1979, cá nhân chúng tôi có thực hiện một vài trắc nghiệm nhỏ nhằm có một vài đánh giá đơn giản, ban đầu về khả năng nhận diện và tái hiện một số chữ “ khó ” được dùng để ghi một vài từ tiếng Việt đối với học sinh cấp 1 và một ít học sinh cấp 2 ( ở TP. Hồ Chí Minh ), vì các em đã được học cách đánh/ ráp vần tiếng Việt, như sau: + chúng tôi đọc để các em tự nhẩm đánh vần/ ráp vần và viết những chữ “khuếch” (trương), “chuếnh” (choáng),…và ngược lại, chúng tôi viết những chữ tương tự như vậy lên bảng và yêu cầu các em đánh vần/ ráp vần. Đồng thời, cũng trong thời gian này, chúng tôi có làm thêm một vài trắc nghiệm khác đối với một số người lớn tuổi, nhưng không biết chữ, như sau: + chúng tôi đọc một số từ/ tiếng không khó về mặt cấu âm và không phức tạp về mặt chữ viết và đề nghị họ đánh/ ráp vần, chẳng hạn: “nam” (họ ráp vần: “nờ am nam”), “trưa” (họ ráp vần: “trờ ưa trưa”), “đói” (họ ráp vần: “đờ ói đói”) [vì không biết chữ, nên những âm tiết mà thủy âm là một phụ âm tắc thanh hầu như “ăn”, “uống”,… những người này cảm thấy khó để ráp vần]*. Những kết quả của một vài trắc nghiệm như vừa nêu cho thấy rằng, dường như lối dạy và học cách đánh vần/ ráp vần để dạy chữ Việt cho người Việt còn cần phải tiếp tục tìm tòi thêm. Vì lẽ, cách thức này hình như vẫn chưa phù hợp hoàn toàn với bản chất loại hình tiếng Việt. Một nhận định như vậy không phải là điều mới mẻ gì, nếu so với cách dạy và đọc chữ Hán hoặc chữ Nôm của người Việt. Có lẽ cách tri nhận chữ viết tiếng Việt của người Việt hình như không phải theo lối cắt ra từng khúc của một chữ gồm một số chữ cái biểu thị một tiếng/ từ tiếng Việt. Điều này cũng khá rõ trong cách dạy và học tiếng Việt đối với người nước ngoài dù họ nói tiếng gì và thuộc loại hình ngôn ngữ nào. Mặc dù, có những trò chơi nhằm củng cố năng lực nhớ/ nhận diện mặt chữ cho người học, song không nên coi đó như một phương pháp có tính nhận thức luận trong việc dạy và học chữ đối với các quốc gia – dân tộc dùng chữ viết La Tinh.
Như vậy, nếu không đặt chữ Quốc ngữ trong mối quan hệ với ngữ âm tiếng Việt, thì việc luận bàn về tính chất hợp lý/ bất hợp lý của nó có lẽ không đến mức phức tạp để dẫn đến sự chưa thống nhất về quan niệm của giới chuyên môn trong mấy thập niên qua.
 
5. Vừa qua, có việc đề xuất bổ sung 4 chữ cái F, J, W, Z vào bộ chữ cái tiếng Việtđã làm dấy lên một cuộc tranh luận về sự cần thiết nên hay không nên bổ sung 4 con chữ này vào bộ chữ tiếng Việt. Phía đa số gồm những người phản đối về sự bổ sung những con chữ này, còn lại thiểu số là những người bày tỏ sự đồng tình đối với việc bổ sung những con chữ này. Cả hai bên có những lý lẽ ít nhiều đều có sức thuyết phục. Tuy nhiên, cá nhân chúng tôi nhận thức rằng, việc có nên bổ sung hay không nên bổ sung 4 con chữ La Tinh F, J, W và Z vào bộ chữ cái tiếng Việt thì cần đặt sự việc ấy trong bối cảnh xã hội – văn hóa Việt Nam hiện nay, đó là :
            – tiếng Việt hiện nay được thể hiện trên các lọai văn bản viết như sách báo, đặc biệt là sách báo khoa học và sách báo có tính giáo khoa.
            – chữ viết của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam được xây dựng/ xây dựng mới (đối với tộc người thiểu số đã có chữ viết từ lâu như tộc người Chăm) trên cơ sở của chữ Quốc ngữ, vì vậy nếu có bổ sung 4 con chữ nêu trên vào bộ chữ cái Việt, thì việc làm này không gây nên một tiêu cực gì, mà có thể còn góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, ít nhất là về phương diện ngôn ngữ – chữ viết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
            – những năm gần đây, sự hình thành và phổ biến khá rộng, có thể nói là cả nước, một kiểu viết/ cách viết trong ngôn ngữ chat (tán gẫu) của lứa tuổi thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay khiến chúng ta không thể không tính đến.
 
Kết luận: Từ những điều trình bày ở trên, những vấn đề về chính tả tiếng Việt cần bàn thảo kỹ hơn để có thể sửa đổi và chuẩn hóa cho thống nhất như + cách viết hoa các lọai địa danh, nhân danh, danh xưng của các tổ chúc – đơn vị hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hôi, giáo dục,…, + cách phiên âm tiếng nước ngoài, + cách viết tắt, chủ yếu là viết tắt tên riêng nước ngoài,…  

* Năm 1979, chúng tôi có thực hiện một cuộc điều tra về chính tả trong nhà trường phổ thông cấp 1 và cấp 2 ở TP. HCM ( Quận 1, Quận 3, Quận 4, Huyện Thủ Đức, Huyện Nhà Bè, Huyện Hóc Môn ) dưới sự hướng dẫn của GV. Trần Chút. Nhân đó, cá nhân chúng tôi có làm thêm một vài trắc nghiệm như trình bày ở trên. Những tập tư liệu điều tra chính tả này có thể còn được lưu ở Phòng Tư liệu Khoa Văn học và Ngôn ngữ.