/

 
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, Pegasus, một con ngựa có cánh. Ngay khi vừa ra đời, Pegasus dậm mạnh chân xuống núi Helicon tạo thành dòng suối Hippocrene khơi nguồn cho thi ca. Không phải vô tình khi người xưa gắn thi ca văn học với Pegasus, bởi những sự sáng tạo chỉ có thể thăng hoa bằng những đôi cánh…
“Chỏi” hay “cảm xúc nhất thời của chủ thể”?
Những ngày qua, dư luận xôn xao vì đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) có đề xuất xây dựng Luật Nhà văn và xin được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIII này. Trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Nguyễn Minh Hồng cho biết quan điểm của mình rằng, Việt Nam đã có các luật về nhà báo, luật về thanh niên, luật về phụ nữ, luật về nông dân… mà lại chưa có luật nhà văn.
Trong khi đó văn học nghệ thuật chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, xã hội. Chính vì vậy phải có luật để nền văn học hoạt động tốt hơn, để các nhà văn có chỗ dựa vào luật. Cũng theo ông Hồng,  Luật nhà văn sẽ điều chỉnh rất nhiều thứ như các tác phẩm được xuất bản, các quy định đối với nhà văn ra sao, chế độ nhuận bút và các chế độ chính sách khác thế nào, chế độ thẩm định rồi quy định viết về cá nhân, viết về lịch sử phải thế nào…Tuy nhiên, được biết sáng kiến này không phải của đại biểu Nguyễn Minh Hồng mà ông chỉ là cầu nối để trình ý tưởng của Hội Nhà văn trước Quốc hội mà thôi.
Khi thông tin này đươc đưa ra không chỉ các nhà văn, nhà lập pháp, mà ngay cả những người bình thường nhất trong xã hội, chỉ miễn rằng chịu khó theo dõi tình hình chính trị, thời sự, văn hóa, xã hội một chút cung đặt câu hỏi rằng vì sao một sáng kiến pháp luật quá “chỏi” với thực tiễn cuộc sống như thế lại lọt qua cửa cơ quan thẩm định để có mặt trong dự thảo Chương trình lập pháp của QH?
“Chỏi” ở chỗ nào? Xin trích dẫn ý kiến trả lời phỏng vấn báo giới mới đây của nhà thơ – luật sư Nguyễn Minh Tâm – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam để phân tích: “Cuộc sống chưa cần hoặc chưa đặt ra những vấn đề bắt buộc phải điều chỉnh bằng luật thì việc đưa ra sáng kiến này chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời của chủ thể… Tôi cứ thử hình dung, khi có Luật Nhà văn thì trước khi cầm bút, nhà văn, nhà thơ phải kiểm tra xem các quy phạm pháp luật đã điều chỉnh việc làm thơ, làm văn của mình như thế nào, điều gì được phép, điều gì cấm.
Chỉ riêng việc tập trung trí não vào sự săm soi kiểm tra ấy thôi thì cảm xúc đã chết rồi, làm sao còn viết văn, làm thơ được nữa. Nói như thế không có nghĩa là thơ không cần đến luật, đó là luật của thơ, chứ không phải luật của người làm thơ…”.
Còn “chỏi” ở chỗ hiện chúng ta có quá nhiều luật rất cần thiết cho đời sống xã hội mà vẫn còn đang nợ, thay vì một cái Luật nhà văn gây nhiều tranh cãi như lời phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM): “Tôi không hiểu dự án Luật nhà văn chế định cái gì, điều chỉnh cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng lẽ lại bắt ông kia làm thơ, ông này không được làm? Trong khi những luật rất cần như Luật quản lý vốn kinh doanh nhà nước được đề nghị từ khóa trước nhưng đến nay vẫn còn nợ cử tri.”
Cũng cần luật nhưng là… luật khác?
Mang tiếng là luật dành cho mình, nhưng bản thân các nhà văn, nhà thơ cũng thấy ngỡ ngàng trước Luật Nhà văn bởi “các nhà văn sống như một công dân bình thường trong xã hội, do vậy họ cũng chịu sự điều chỉnh của mọi luật khác đối với công dân, ví dụ như nếu nhà văn sáng tác, in sách thì đã có luật Xuất bản, và các tác phẩm của họ đã được sự bảo vệ của luật Bản quyền… nên không cần thiết có một thứ luật riêng đối với các nhà văn. Sáng tác văn học mang tính đặc thù riêng của sáng tạo khi nhà văn được quyền tự do hư cấu và nhìn nhận cuộc sống theo lăng kính riêng của họ”, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhưng phàm ở đời ai đã đưa ra ý kiến thì cũng có lý lẽ để bảo vệ nó tới cùng. Câu chuyện về Luật Nhà văn cũng vậy. Tháng 7/2011, nhà thơ Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cũng có công văn gửi UBTVQH và đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng nói về sự cần thiết của Luật phát triển văn học (công văn không dùng từ “Luật nhà văn”).
Công văn nêu rõ: “Nghị quyết Đại hội nhà văn Việt Nam lần 8 phản ánh nguyện vọng chung của giới nhà văn: Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành “Luật phát triển văn học” nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý và phát triển nền văn học của đất nước đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới”.
Và, mới đây, trước phản hồi của dư luận ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, thực chất không phải là luật Nhà văn mà là luật Phát triển văn học, không phải nhằm điều chỉnh đối tượng nhà văn mà là nhằm điều chỉnh sự nghiệp, nhằm phát triển nền văn học nước nhà theo hướng nào. Sở dĩ cần phải luật hóa vấn đề này vì lâu nay cũng có hiện tượng một số cá nhân hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật không đúng với yêu cầu, mục đích chính của văn học là chân, thiện, mỹ mà có ý định kích động, thổi phồng sự việc với động cơ xấu.      
Như vậy, phải chăng đã và đang xảy ra một cách hiểu “vênh” nhau giữa cơ quan có sáng kiến pháp luật (ở đây là hội Nhà văn VN) với cơ quan tổng hợp đưa vào dự kiến chương trình. Hay nói như ông Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương trả lời trên báo chí nhân dư luận đang cùng nhau mổ xẻ về việc nên hay không nên có Luật  Nhà văn rằng, ở nước ta, luật chung cho văn học nghệ thuật còn chưa có nên làm sao có thể làm luật riêng cho từng lĩnh vực văn học nghệ thuật?! Nếu có thì chỉ nên xây dựng một bộ luật chung cho văn học nghệ thuật và luật hành nghề tự do để khoảng cách giữa nhà nước và người nghệ sĩ không còn bị nới rộng thêm nữa, bức tranh văn học nghệ thuật nước nhà không còn ảm đạm nữa.
Rõ ràng rằng cuộc sống cần luật pháp, điều ấy đương nhiên như hơi thở của con người. Nhưng vấn đề là sáng kiến – sở thích ấy phải phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của cuộc sống. Điều này thì ai cũng biết. Vậy thì có nên chăng khi biến pháp luật thành cây kéo để cắt đi đôi cánh bay lượn của chú ngựa Pegasus?
Mỹ Anh