Mạnh Minh Tâm
 src=http://s6.netlogstatic.com/vi/p/oo/171948733_2872936_2076319.jpg
 Nhâm Thìn này, ông đã bước lên ngưỡng 73, cái tuổi người ta thường tìm những thú vui nhàn hạ cho thể xác và tâm hồn. Riêng ông, chỉ thích làm thơ và chăm vườn cây cảnh với 2000 gốc mai trên một triền núi đá.
 
Đôi lần tới nhà sáo sỹ Nguyên Đạt tôi thường gặp một ông già trạc 70 tuổi, ngưòi nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, nét mặt hiền từ và rặt chất quê. Hỏi ra mới biết, ông là Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Thọ Vức, xã Hoà Kiến, TP Tuy Hoà. Ông kết bạn và thường lui tới nhà Nguyên Đạt, ngoài chuyện tơ tưởng bạn già, còn  một lý do khác là nhờ nhà thơ, kiêm sáo sỹ sửa thơ cho mình. Năm ngoái, đến chúc tết nhà Nguyên Đạt thấy phòng khách có một cây mai dáng đẹp, đều hoa và vàng tươi. Anh Đạt khoe: mai của ông già Ngọc tặng đó, tết nào cũng vậy, ông ấy cứ lụi cụi chở cho nhà mình một cây, hết tết lại chở về vườn chăm sóc. Tôi quen biết ông Ngọc từ đó.
 Tính về tuổi tác ông Ngọc được xếp vào bậc cha chú nhưng ông vẫn coi tôi như một người bạn. Ông gọi tôi chú mày, tôi gọi ông bằng anh cho trẻ trung. Từ ngày Nguyên Đạt du lịch qua Mỹ thăm con, vắng người bạn đồng cảm san sẻ cảm xúc thi ca nên tình bạn vong niên giữa tôi và ông có dịp gần gũi và hiểu nhau hơn.
src=http://s6.netlogstatic.com/vi/p/oo/171948733_8695432_2076315.jpg
Gồng mình” làm thơ
Không biết, có phải về già ai cũng thích làm thơ? Câu lạc bộ thơ Diên Hồng đã tồn tại trên 30 năm với gần 100 hội viên, số đông là người cao tuổi. Họ gắn bó với câu lạc bộ không ngoài mục đích gì khác là để cùng làm thơ và đọc cho nhau nghe. Và ông Ngọc cũng không thoát khỏi cái vòng “lận đận” đó. Ông bắt đầu “tập tễnh” làm thơ từ năm 2003, rồi được kết nạp vào hội của những người già làm thơ (CLB thơ Diên Hồng). Gần 10 năm chăm chút vườn thơ phú, vốn liếng chắc lọc, giờ trong bút tích còn lưu, ông Ngọc cũng chỉ làm được 30 bài thơ. Vị chi mỗi năm “gồng mình”, cố lắm ông cũng chỉ “sản xuất” được 3 bài. Thơ của ông chỉ viết theo thể lục bát.
Có phải vì nghiệp trồng mai xuân, mà thơ ông bài nào cũng có cái tít “xuân”: Xuân về trên đỉnh vòng cu/ mùa xuân lên đường/ đêm xuân gành đá đĩa/ Sông Ba chiều xuân/ sắc xuân/ nhớ mùa xuân trước/ đồng lúa chiều xuân… Nguồn cảm xúc thơ ca của ông cũng mộc mạc như cây cỏ, hoa trái quanh vườn nhà ông vậy:
Xuân về trên đỉnh Vòng Cu/Long lanh suối nước vi vu gió lùa/Vẳng nghe một tiếng chim khua/Tâm tư khơi dậy vỡ ùa không gian/Ngoài kia trăng khuất suối ngàn/Tiếng oanh thỏ thẻ, giọng nàng đêm xưa/Vừng hồng dệt ánh trăng thưa/Bình minh đang tới cũng vừa xuân sang.
                                      (Xuân về trên đỉnh vòng cu)
Và rung động khi ngắm những nụ mai vàng khoe cánh mỏng:
Mưa bay hạt nhẹ gió lay/Hoa khoe cánh lụa càng say lòng người/Hỡi tình tri kỷ ta ơi/Trồng hoa như thể trồng người đó chăng?
 
Có những câu thơ nghĩ sao viết vậy, phang ngang như “bửa củi”:
Miễn ta có trái tim vàng/Theo hoa lên tận non ngàn đèo mây/Gắn liền kỹ thuật từ đây/Xuân về hoa nở rừng cây nắng hồng…
                             (Hoa mai trắng)
Kỹ thuật mà ông họa thành thơ là kỹ thuật trồng cây cảnh ông học được tại một lớp ngắn hạn do Liên minh Hợp tác xã tổ chức. Từ khi áp dụng kiến thức này, vườn cây cảnh của ông có giá và mai “bán chạy” hơn. Có tiền rủng rỉnh, ông “trở chứng” nổi máu nghiện làm thơ. Vợ ông nói vậy!
src=http://s6.netlogstatic.com/vi/p/oo/171948733_15068523_2076316.jpg
 
Trồng mai coi bộ…dễ hơn
 Ngẫm ra công việc làm thơ của ông Ngọc còn nhọc nhằn hơn cuốc đất, phá đá trồng mai trên triền núi. Ông bắt đầu trồng mai từ khi võ vẽ tập làm thơ, nay ông đã sở hữu một “rừng mai” trên 2000 ngàn cây. Mai thì cứ mỗi độ tết đến xuân về xuất bán vài chục cây là có vài chục triệu đồng tự tin, vui tết. Còn thơ ông viết ra đôi ba lần được Hội VHNT chọn đăng trong tập Nguyên Tiêu là thấy mừng “hết lớn”. Mỗi bài thơ được đăng, được đọc, ngâm ông đều ghi chú ngày tháng năm rất trân trọng vào sổ thơ như dấu mốc lịch sử của đời mình. Ông nói “hoá ra cái tinh thần là cái vô chừng, làm được bài thơ gửi đi, rồi trông ngóng, giống như trẻ con chờ mẹ đi chợ về; đêm thơ Nguyên Tiêu núi Nhạn nghe nghệ sỹ Vân Phi ngâm bài thơ của mình trước bá quan thiên hạ, người cứ sướng rân, về nhà hồn phách phiêu bồng, lâng lâng mất ngủ”. Đúng là,nghề chơi cũng lắm công phu, ông Ngọc nói “coi bộ trông mai dễ hơn… làm thơ”. Ông bộc bạch, có lần mình nghĩ ra một câu thơ lục bát mà chọn từ ráp ngữ cho đến hồi ưng ý, chép vào sổ phải mất cả tháng trời đó.
Trồng mai chỉ nhọc công thời kỳ phá triền đá, vỡ đất. Nay chỉ chăm chút cắt tỉa, uốn ép tạo dáng thế cho cây nên cũng nhàn hạ. Từ ngày tập làm thơ ông có thói quen, khi làm vườn thì chỉ có “mắt và tay” loay hoay làm việc; còn cái đầu thì ông dành để suy nghĩ, tìm cảm xúc làm thơ. Quanh xóm ông ở, những người cùng thời với ông ai cũng lo cày sâu cuốc bẩm, chẳng ai màng tới chuyện thơ thẩn như ông. Nên mỗi khi làm được bài thơ là ông xách xe chạy “te te” tìm bạn thơ để khoe và nhờ họ góp ý, hiệu chỉnh từ ngữ câu cú. Anh Đạt con trai của ông Ngọc tâm sự: “Trong làng Thọ Vức này không ai ngược đời như ba của tôi; ông làm được bài thơ, rồi xuống phố chơi cả ngày, tối về lấy đèn đội (loại đèn săn thú rừng) ra vườn săm soi uốn ép cây cảnh. Tôi đồng cảm và tôn trọng sở thích của ông; mong rằng, nhờ đa vào cái nghiệp thơ ca, lấy nó làm nguồn vui của tuổi già, giúp ông tăng thêm tuổi thọ mà sống lâu với con cháu”.
src=http://s6.netlogstatic.com/vi/p/oo/171948733_12343993_2076317.jpg

Gặp ông sau tết, tổng kết mùa thu hoạch mai xuân Nhâm Thìn; ông cho biết: Mai của ông năm nay đi Tây nguyên và vào Nam nhưng tiêu thụ chậm, được vài chục triệu, đủ cho gia đình trang trải, thư thả trong ba ngày tết. Nhưng ông không buồn vì mỗi cây mai thêm một tuổi giữ lại ở vườn, năm sau càng có giá. Ông có vẻ hơi buồn, vì lần này mình không có thơ được đọc trong Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn; tập thơ Nguyên tiêu 2012 của Hội VHNT vừa phát hành ông không có bài được đăng. Ông vẫn cười hiền hậu nhưng khóe mắt không tươi tắn như mỗi lần mình có thơ được đọc, được ngâm./.