width=500

Chiều muộn, những con nắng rúc sâu vào ngõ nhỏ và trên vài đám mây mỏng bị gió thổi tan ra lãng đãng trôi về cuối chân trời. Con Tuộc ngồi yên vị trong ngôi nhà bao tường cũ kỹ mà ruột gan nó loạn xạ cả lên, nó muốn ba chân bốn cẳng chạy ra chơi đùa với lũ trẻ cùng xóm. Nhưng nó không thể, và không bao giờ có thể. Mới hôm kia đây thôi, vừa trông thấy nó thằng Tý đã rú lên như gặp phải ma cà rồng :
– Con yêu quái đầu to mình như trái nho kìa bọn bây, đập nó đi !..
Thế là cả bọn thằng Tý, thằng Bi, con Cún, con Xồm, con Ròm hùa nhau, đứa thì đấm, đứa thì đá, đứa lại nhặt mấy thứ lung tung cạnh đó ném vào người nó. Đến khi nó tơi tả thằng Tý mới giơ tay ra hiệu bảo đồng bọn dừng lại.
– Thôi tha cho nó !
Rồi thằng Tý quay về phía con Tuộc hách mặt lên :
– Đáng đời ! ai mượn mày xấu…
Con Tuộc mếu máo, rơm rớm nước mắt rồi lẳng lặng bò dậy, lê từng bước về nhà.
Con Tuộc xấu thật, xấu đến nổi không ai thèm chơi với nó, nên nó chỉ biết lủi thủi một mình. Nó có cái lý lịch cũng không mấy tốt đẹp. Nghe đâu ngày trước mẹ nó yêu cha nó bằng một tình yêu khờ dại rồi mang thai, ông bà ngoại nó giận từ mặt mẹ nó. Cha nó ỉ ôi rằng chưa cưới xin nên không thể đón mẹ nó về nhà. Mẹ nó nương nhờ nhà một người bà con xa rồi sinh nó. Con Tuộc vừa lọt lòng, mẹ nó suýt ngất trên giường khi trông thấy nó. Đầu nó to, tay chân bé, mắt lồi, da dẻ lốm đốm hệt như con bạch tuộc và đầu không có tóc.
Lúc đầu mẹ nó hoảng sợ định mang nó vào trại khuyết tật nhưng vì thương con nên không đành, cha nó thấy thế bỏ rơi mẹ con nó rồi cưới vợ. Con Tuộc lên ba tuổi mới biết đi, lúc nó đi được mẹ nó ăn chay liền ba tháng để tạ ơn trời, phật. Lớn lên tay chân con Tuộc cũng bé hơn so với cơ thể, đầu nó cũng to, mắt nó cũng lồi, da cũng lốm đốm nhưng trông không gớm ghiếc như hồi mới sinh, mà chỉ xấu hơn so với những người xấu và tóc nó cũng mọc lưa thưa chứ không trọc lóc. Một mình nuôi con vất vả nên mẹ nó đi thêm bước nữa với một người đàn ông góa vợ, thế là vô cớ con Tuộc có thêm người cha dượng.
Con Tuộc ra khỏi nhà, đi như người mộng du về phía lũ trẻ đang chơi đùa, nó như quên mất trận đòn hôm trước. Nó im lặng đứng nép sau bụi dương.
– Tú..yp ! tú..yp ! tú..yp ! tất cả tập hợp !
Thằng Tý cầm cái còi giật được của đứa nào trong đám rồi thổi ỏm tỏi lên, tức thì cả bọn nhao nhao chạy tới. Nó đưa đôi mắt ti hí nhìn khắp một lượt rồi hỏi lớn :
– Con Xồm đâu ?
– Dạ ! mẹ nó bắt nó lau nhà rồi. Nó bảo chờ nó một tẹo, xong việc nó chạy ra ngay – Con Ròm trả lời.
– Chờ ! chờ !…, chờ đến bao giờ. Tao ghét phải chờ đợi – Thằng Tý gắt gỏng rồi lại hướng đôi mắt ti hí về phía đồng bọn :
– Bây giờ bắt đầu chơi trò chôn người chết nghe bọn bây !
– Dạ !
Cả bọn đồng thanh hưởng ứng rồi ai nấy tản ra chuẩn bị vật dụng cho trò chơi. Còn thằng Tý cất vội cái còi vào túi áo, mặt tỉnh bơ, giả vờ đi lòng vòng như chưa hề có chuyện gì. Trò chôm chỉa này xảy ra như cơm bữa.
– Bùm bùm đi chôn là bùm bùm đi chôn !. bùm bùm đi chôn là bùm bùm đi chôn !…
Bọn chúng lấy nắp xoong làm chiêng, thau nhựa làm trống cứ thế khua linh đình. Đứa gào khóc, đứa mếu máo, đứa lại lê lết thảm thiết trông cứ như thật. Vì cả bọn là con nít nên tần suất âm thanh phát ra từ cái miệng chúng thì thôi khỏi nói, điếc cả tai. Gào khóc xong chúng hì hục đào bớt một cái hố vừa đủ một người nằm. Đột nhiên thằng Bi kêu lên :
– Người đâu ? người đâu mà chôn ?
– Ờ… hen… ! – cả bọn nhốn nháo rồi ngồi thừ mặt ra một lúc.
– Hay là tụi mình lấy hết đống châu chấu bắt được hồi chiều chôn xuống đây giả bộ là chôn người chết. – con Cún góp ý
– Ờ.. hen..! Con này nhìn mặt đần đần mà đầu óc cũng thông minh. – thằng Bi tiếp lời.
Thế là con Cún chạy lấy bì châu chấu cho cả bọn trút xuống hố rồi lấp cát lại, chúng còn vun lên thành đống cho giống ngôi mộ. Con Ròm chạy ra cây dương sỉ cạnh đấy bẻ vài cành, tuốt hết lá rồi lại bẻ thành từng khúc nhỏ đưa cho mỗi đứa một khúc.
– Để làm gì vậy mày ? – Thằng Bi hỏi
– Nhang đó mày, thắp đi ! – con Ròm cười
Cả bọn mỗi đứa cầm một khúc dương sỉ lầm rầm khấn vái rồi cắm xuống ụn cát mới đắp. Con Xồm lau nhà xong cũng háo hức muốn ra nhập bọn nên nó trốn nhà đi từ ngõ sau. Nó trông thấy con Tuộc liền lao nhanh tới như một con chèo bẻo.
– Mày lén lút ở đây làm gì ? – con Xồm hỏi
Bất ngờ tóc gáy con Tuộc rủ nhau dựng đứng lên, nó ấp úng :
– Tao… tao…
Con Xồm nhìn con Tuộc bằng một cái nhìn ranh mảnh, hai chân mày chau lại thành cặp dấu ngã rõ rệt, rồi nó kéo con Tuộc về phía bọn thằng Tý:
– Bọn bây xem tao bắt được ai nè !
– Á.. à.. con yêu quái xấu xí.
Thằng Tý cất giọng mỉa mai rồi rỉ vào tai mấy đứa còn lại cái gì đấy mà thằng Bi giật mình hét lớn :
– Chôn thật hả Tý ?
Rồi cả bọn lao vào, mỗi đứa một góc khênh con tuộc đi. Con Tuộc sợ quá van xin rồi khóc không thành tiếng. Thằng Tý phân ra đứa canh giữ con Tuộc đứa đào hố cát.
– Chừa đầu nó lại nghen bọn bây ! – Thằng Bi nói
– Mày điên hả ? chừa đầu làm gì ? – Thằng Tý rú lên
– Chôn luôn đầu nó ngạt thở chết thật thì sao ? – thằng Bi phân trần
– Ờ… hen !
Chôn xong con Tuộc cả bọn tản ra ai về nhà nấy, tắm rửa sạch sẽ rồi ăn bữa cơm tối ấm cúng cùng gia đình. Còn con Tuộc loay hoay, hì hục mãi mới ngoi lên khỏi hố cát. Con Tuộc đói lả, lần đường về nhà nhưng lại đi lạc ra phía bờ sông. Lúc ấy trăng đã lên gần tới đỉnh đầu. Ánh sáng mát dịu chảy tràn trên mặt sông, làm mặt sông lóng lánh hệt tấm thảm vàng. Chảy tràn cả trên người nó làm nó ngỡ mình đang tắm dưới trăng. Mắt nó mờ dần, nó thấy ánh trăng chao đảo rồi tan ra lơ lửng. Nó tựa mình vào tảng đá, cố hứng trọn những mảng trăng rơi còn đâu đấy. Rồi nó thiếp đi nhưng vài giọt nước mắt nóng hổi lại rơi trên tảng đá lạnh ngắt.
– Tuộc ơi ! tỉnh lại đi con …
Mẹ nó ngồi bên cạnh không ngừng lay gọi nó, khuôn mặt như bị vò nát bởi hàng trăm nếp nhăn vì lo lắng. Con Tuộc từ từ mở mắt, nó lồm cồm ngồi dậy. Nó chưa khỏi bàng hoàng thì mẹ nó hỏi dồn dập.
– Có chuyện gì vậy con ? ai bắt nạt con hả ? mẹ tìm mãi mới thấy con nằm ngủ ngoài bờ sông …
Con Tuộc nhìn mẹ nó bằng cái nhìn cảm động, kiểu như muốn òa lên “ Ôi ! trái tim của mẹ lúc nào cũng có chỗ dành cho con”. Nhưng nó lại đánh trống lảng :
– Mẹ ơi ! con đói quá.
– Con ngồi đây, để mẹ đi nấu cho con ít cháo.
Nói rồi mẹ nó xuống bếp, một lúc sau bưng lên cho nó một bát cháo, ngồi thổi đút cho nó từng muỗng. Người cha dượng ngồi trên ghế gần đấy thấy vậy nguýt nó một cái thật dài, tỏ vẻ bực bội:
– Rách việc !
Nó ngậm muỗng cháo trong miệng mà không dám nuốt. Ngoài kia vài ngọn gió mồ côi lếch phết luồng qua cửa sổ nó chợt rùng mình, đôi mắt nó như được phủ bởi một lớp sương mờ.
Từ đấy con Tuộc không len lén nhìn bọn thằng Tý chơi đùa nữa, mà thường ngồi ở bờ sông nghe gió thoảng, nhìn châu chấu, hoặc chim chóc nhảy tới nhảy lui… Một buổi chiều, nó nằm ngửa trên bãi cỏ, nó thấy mấy cánh diều chao nghiêng trong gió, bổng một con diều bị đứt giây rơi xuống cạnh nó, trông xác xơ, rũ rượi như một con cá chết. Nó nhìn trước ngó sau định bụng mang trả lại nhưng không biết của ai. Nó xách con diều men theo bờ sông về phía bãi đất trống nơi bọn trẻ con trong xóm hay thả diều, nhưng nó chưa đến nơi thì gặp thằng Tý.
– Mày trộm diều tao hả ? – thằng Tý rú lên
– Không… không ! tao nhặt được ngoài bờ sông…
– Nhặt được này… bốp… ! bốp…!
Thằng Tý chưa để con Tuộc nói hết câu đã tát lịa lịa vào mặt con Tuộc rồi giật lấy con diều trên tay con Tuộc, đúng lúc đó thằng Bi, con Cún, con Ròm chạy tới. Thằng Bi cất lời :
– Thôi tha nó đi, chắc nó nhặt được mang trả thật đấy.
– Mày bênh nó hả ? mày có tình ý với nó phải không ?
Thằng Tý gào lên, cả bọn ai nấy đều ôm bụng cười. Thằng Bi đứng ngây ra như bị con gì ị trúng mặt.
– Cười, cười cái mông ! – rồi thằng Bi gắt gỏng bỏ đi.
Chờ bọn kia về hết con Tuộc mới dám thút thít vì bị ăn tát vô cớ.
Mùa hạ trôi đi, bọn trẻ lại bắt đầu năm học mới. Và tất nhiên ở lớp chúng có những cái tên khác hẳn ở nhà. Thằng Tý tên Mạnh Hải, thằng Bi là Minh Sơn, Con Cún là Thục Anh, con Ròm là Hà Vi, con Xồm là Thu Phương. Con Tuộc cũng có cái tên đẹp đẽ là “ Nhật Linh”, thế nhưng ngoài cô giáo ra chẳng ai chịu gọi nó bằng cái tên đó cả. Một hôm, cô giáo giảng bài về các loài vật sống dưới nước, khi vừa nhắc đến loài bạch tuộc thì cả lớp cười ầm lên, mấy chục con mắt dồn về một chỗ. Con Tuộc cúi mặt xuống bàn, mùi tự ti lan khắp người nó. Giờ ra chơi hôm ấy, Thằng Hải ( tức thằng Tý ) nghĩ ra trò chơi mới, nó nhỏ to với lũ bạn cùng lớp rồi hùa nhau chạy ra tạp hóa gần trường mua mấy cái súng nước, chúng lén bác bảo vệ ra vòi nước vặn đầy mấy cây súng rồi xịt lên người con Tuộc. Vừa xịt chúng vừa cười khoái chí :
– Cho mày chìm trong nước luôn…
Giờ ra chơi kết thúc, cô giáo hốt hoảng nhìn lớp học nhớp nháp, nước vung vãi khắp nơi, cuối lớp Nhật Linh ( tức con Tuộc ) ướt như chuột lột, đang ngồi co ro. Cô giáo gọi nó lên hỏi thì biết được thằng Hải ( thằng Tý) bày trò nên cô giáo phạt thằng Hải ( thằng Tý) đứng úp mặt vào tường đến cuối buổi.
Tan học, con Tuộc ôm cặp sách trước bụng lủi thủi một mình như con mèo bị mắc mưa , nó tưởng thế là nó đã thoát nạn, đâu ngờ thằng Tý quyết định “trả thù” nó cho bỏ tức. Biết con Tuộc hay lang thang ngoài bờ sông nên thằng Tý lập kế hoạch “bắt cóc” hòng dọa cho con Tuộc một trận kinh hãi. Chiều hôm ấy, cái nắng vẫn còn vung vãi trên những cành cây, con Tuộc lại lang thang cạnh bờ sông và bị thằng Tý tóm cổ. Thằng Tý lấy dây thừng đã chuẩn bị từ trước trói con Tuộc vào một gốc cây rồi bảo mấy đứa còn lại cùng nó bắt kiến hùm thả lên người con Tuộc. Mặt con Tuộc xám xịt, nó cố giẫy giụa. Thằng Bi nhìn con Tuộc bằng ánh mắt thương hại, nhưng nó không dám lên tiếng vì sợ thằng Tý điên lên nện cho nó một trận, và lần này điều làm nó sợ hơn chính là bị cả bọn vu khống là có tình ý với con Tuộc. Con Ròm, con Xồm không hài lòng nhưng vẫn theo thằng Tý vạch cỏ tìm kiến. Con Cún đứng im lặng, chợt lòng thương người trong nó trỗi dậy. Nó như đọc được suy nghĩ trong ánh mắt của thằng Bi. Chờ lúc thằng Tý không để ý, con Cún nhanh chân chạy lại chỗ thằng Bi nháy mắt bảo thằng Bi cùng nó cởi trói cho con Tuộc rồi sẽ cùng nhau chạy trốn, vì nó biết chắc thằng Tý sẽ xử tội luôn hai đứa nó. Thằng Bi và con Cún cởi dây trói xong thì thở phào nhẹ nhõm. Con Tuộc cảm động nhìn hai đứa mà mắt rơm rớm nước. Thằng Bi cầm tay con Tuộc vừa kéo vừa giục con Tuộc chạy nhanh lên. Con Cún cũng chạy theo sau. Khi bóng chúng chưa khuất hẳn thì thằng Tý phát hiện con Tuộc đã được cứu thoát nên hét ầm ỉ. Nghe tiếng hét của thằng Tý khiến thằng Bi sợ quá quay đầu nhìn lại nhưng chân vẫn chạy. Thằng Bi vấp phải cục đá nhào xuống sông kéo theo cả con Tuộc. Con Cún hoảng loạn chạy đi tìm người giúp, vừa chạy vừa khóc. Thằng Bi với con Tuộc dập dềnh trên mặt nước kêu cứu. Con Tuộc sợ thằng Bi sẽ chìm nên dùng hết sức đẩy thằng Bi lên cao hơn nó. Thằng Bi gào lên :
– Đ..ừng ..đẩ.y..t.ao..nữ..a … m..ày…s.ẽ..ch..ết ..đ..ấy !..
Con Tuộc như không nghe thấy vẫn cố hết sức. Thằng Bi lại gào :
– M..ày …c..ó ..ngh..e..th.ấy.. kh..ông !
Con tuộc vẫn không trả lời, thâm tâm nó thầm cảm ơn thằng Bi đã cứu nó. Lần đầu tiên trong đời nó được bạn bè đối đãi như một con người. Nó thấy vui. Nó thấy hạnh phúc. Thằng Tý, con Ròm, con Xồm chạy tới. Thằng Tý quăng sợi dây thừng lúc trước trói con Tuộc về phía thằng Bi, may mắn thằng Bi với được sợi dây, thằng Tý kéo thằng Bi lên bờ. Thằng Bi trơ người nhìn xuống mặt sông phẳng lặng mà miệng lẩm bẩm :
– Co..n… Tu..ộc !…Con…Tu..ộc !…
Rồi thằng Bi ngất lịm. Một lúc sau, con Cún dẫn theo người chạy đến, họ vớt con Tuộc lên, người con tuộc cứng như một khúc gỗ, môi tái nhợt, bụng căng nước. Con Cún, con Ròm, con Xồm khóc thút thít, còn thằng Tý sợ hãi mặt cắt không ra giọt máu. Phía Tây vài tia sáng cuối chiều cũng đã tắt, mặt sông ngủ im lìm, Con Tuộc cũng ngủ…

Nguyễn Phương Thái

width=500