.
Đào Minh Hiệp sinh ngày 20 – 01 – 1950, tại An Nhơn, Bình Định. Tốt nghiệp Đại học Thăm dò địa chất Matxcơva. Tên tuổi anh nổi tiếng cả nước từ khi chuyển ngữ thành công bộ phim Người giàu cũng khóc của Mexico phát trên sóng truyền hình những năm 90. Ngoài ra, Hiệp còn là dịch giả của nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết nước ngoài được bạn đọc quan tâm; là tác giả của những tạp kí sự độc đáo và gần đây anh chuyển sang vẽ. Đầu tháng 2.2012, nhà văn – dịch giả gốc địa chất này đã khai mạc triển lãm tranh sơn dầu tư nhân lần đầu tại Phú Yên với chủ đề Sắc xuân quê hương. Đông đảo người yêu nghệ thuật trong tỉnh đã đến dự và cổ vũ cho anh. 28 bức tranh trưng bày tại triển lãm lần này chủ yếu thể hiện phong cảnh quê hương và tỉnh vật dưới nhiều góc độ khác nhau với bố cục hài hòa, gam màu dịu nhẹ nhưng đã gợi cho người xem một tình cảm gắn bó với cuộc sống đời thường dung dị, gần gũi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Thăm dò địa chất Matxcơva, Đào Minh Hiệp đã từng công tác tại các Đoàn địa chất 702, 705, Liên đoàn địa chất thủy văn Miền Nam Gia Lai, Trường Cao đẳmg Công nghiệp Tuy Hòa rồi Trưởng phòng Ngoại vụ Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên. Thế nhưng Đào Minh Hiệp không gắn lâu với nghề chính, cũng không mê làm “quan” mà say mê văn học và hội họa. Anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1991), rồi nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên.
Cả lúc đương chức đến khi nghỉ hưu anh luôn say mê văn học nghệ thuật. Bạn đọc cả nước biết đến một số tác phẩm của anh như: Lời tự thú muộn màng (tập truyện ngắn), Hoa muống biển (kịch bản phim TH VTV3), Các truyền thuyết huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử và danh thắng Phú Yên (văn nghệ dân gian); Truyện dịch: Đức mẹ mặc áo choàng lông (tiểu thuyết của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ X.Ali), Sếu đầu mùa (tiểu thuyết của nhà văn Nga Ts.Aitmatốp), Khát vọng đổi đời (tiểu thuyết của nhà văn Áo S.Xvai), Thám tử buồn (tiểu thuyết của nhà văn Nga V.Axtaphiép), Một đêm huyền ảo (tiểu thuyết củanhà văn Pháp C.Jaunier, Vĩnh biệt Machiôra (tiểu thuyết của nhà văn Nga V.Raxputin), Một cuộc điều tra (tiểu thuyết của nhà văn Nga G.Bôrôvích), Tiểu thư Vichtoria (tiểu thuyết của nhà văn Na Uy K.Hamsun), Nô lệ của tình yêu, Con của mặt trời (tuyển tập truyện ngắn thế giới); dịch các bộ phim TH nhiều tập: Người giàu cũng khóc, Trở lại Êđen, Nicơlơt Nichcơnbi, Đế chế, Những cuộc phiêu lưu của con tuấn mã… Anh đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý về lĩnh vực này.
.
/
Núi Đá Bia – tranh Đào Minh Hiệp
.
            Đào Minh Hiệpvốn mê hội họa từ nhỏ, nhưng khi học địa chất ở Nga, để có thể lĩnh hội được kiến thức chuyên môn, cần phải giỏi tiếng Nga, vì vậy ngoài việc học ở trường anh còn học thêm bằng cách thường xuyên giao tiếp với người Nga và đọc sách, trong đó có rất nhiều sách văn học. Tình yêu đối với văn học, nhất là văn học Nga nảy sinh từ đó. Nói về cơ duyên đến với văn học dịch, anh Hiệp tâm sự: “Mọi chuyện diễn ra đều hết sức ngẫu nhiên. Ngay từ năm thứ hai đại học, tôi đã thử dịch một số truyện ngắn của các nhà văn Nga mình yêu thích, cũng là chỉ để rèn luyện vốn ngoại ngữ. Đưa cho các bạn xem, họ khen được. Từ đó tôi ấp ủ dự định sẽ dịch sách văn học”. Năm 1975, tốt nghiệp về nước, Hiệp xung phong đi Tây Nguyên. Công việc bận rộn, suốt ngày lang thang trong rừng, sốt rét, thiếu ăn…chẳng còn thời gian và tâm trí đâu mà nghĩ tới văn chương nữa. Mãi đến khi chuyển về công tác tại Trường Trung học địa chất Tuy Hòa (nay là Cao đẳng Công nghiệp), có nhiều thời gian rảnh hơn, anh mới quay lại với những dự định thời sinh viên. Thời gian đầu, anh viết truyện ngắn, nhưng trong khi chưa có ý tưởng gì mới để viết anh quay ra dịch văn học. Cuốn sách dịch đầu tay – tiểu thuyết “Đức mẹ mặc áo choàng lông” của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn đã được tái bản nhiều lần với hơn 100.000 bản. Sự thành công của cuốn sách đã tạo động lực quan trọng, giúp Đào Minh Hiệpchuyên tâm hơn vào công việc dịch văn học.
Gần như cả nước biết đến tên Đào Minh Hiệp qua bộ phim truyền hình dài tập nổi tiếng một thời Người giàu cũng khóc. Đó là vào những ngày sau khi tái lập tỉnh Phú Yên (1989), Đài Truyền hình Phú Yên mới thành lập, đề nghị anh cộng tác để làm chương trình thời sự quốc tế (khi đó Đài Truyền hình VN chưa phủ sóng qua vệ tinh). Hàng ngày, buổi trưa đi dạy về, anh ghé qua Đài nhận cuộn băng casset với thời lượng khoảng 30 phút tin thời sự thu từ Đài truyền hình Nga. Anh chọn dịch khoảng 15 phút rồi đánh máy, sáng hôm sau giao lại cho Đài để lồng tiếng phát trong ngày. “Hơn một năm dịch bản tin thời sự tôi “oải” quá vì thời gian rất sít sao, lại chỉ mình tôi dịch, có bữa vui chơi với bàn bè, uống dăm ba chai, khuya về vẫn phải bật băng lên dịch cho xong để kịp ngày mai lồng tiếng. Nhưng để bù lại, tôi rèn được khả năng nghe rất tốt vì tin thời sự thường đi cùng với đủ loại tiếng động liên quan, rất khó nghe’, anh Hiệp tâm sự..
.
/
.

.Nhà văn Đào Minh Hiệp – chủ tịch Hội VHNT PY phát thưởng cho học sinh
đoạt giải thơ văn trường THPT Trần Quốc Tuấn – Phú Hòa
.
            Khi Đài Truyền hình VN phủ sóng vệ tinh trên toàn quốc, Đài Truyền hình Phú Yên chuyển sang khai thác phim. Mỗi bộ phim, sau khi thu được vài tập, Đài chuyển cho Đào Minh Hiệpxem để thẩm định, nếu hay thì thu tiếp, dở thì bỏ, tìm phim khác. Bộ phim Người giàu cũng khóc khi mới xem mấy tập đầu thấy cũng xoàng, chỉ có vài nhân vật, đi ra đi vô, bối cảnh đơn giản, nhưng qua một số tình tiết anh nhận thấy bộ phim sẽ còn mở ra nhiều nội dung khác nữa và nhất là dàn diễn viên rất đẹp và diễn xuất rất hay. Anh đề nghị cho thu, trong khi các Đài khác đều bỏ. Đến khi Đài Phú Yên phát được khoảng 50 tập và gởi băng cho các đài bạn trong cả nước để trao đổi thì cơn sốt “Nước mắt người giàu” bùng nổ.

            Nói về những kỉ niêm khi dịch bộ phim này, anh Hiệp thổ lộ: “Biết tôi là dịch giả của bộ phim, nên hàng ngày lên lớp, trước khi vào bài mới các em học sinh cứ năn nỉ tôi dành ít phút kể về những tập tiếp theo. Tôi bảo, nếu biết trước nội dung thì còn thú vị gì nữa mà xem, “cứ đợi đấy!”, nhưng các em không chịu. Tôi đành phải hé lộ chút ít để thỏa mãn trí tò mò rồi mới có thể vào bài giảng được. Mấy năm đó, tôi gõ hỏng hai chiếc máy chữ và chiếc máy casset, nhưng cũng nhờ vậy mà khi tiếp cận với vi tính, chỉ cần học vài đường cơ bản là tôi có thể gõ bàn phím như máy. Có lần bị tai nạn giao thông phải vào Chợ Rẫy, ông bác sĩ điều trị sau khi xem bệnh án liền làm mặt nghiêm, hỏi: Sao anh còn nằm đây?- Tôi ớ người chưa biết nói gì, ông tiếp:-Tưởng anh bị bỏ tù vì vi phạm bản quyền Người giàu cũng khóc rồi chớ! Hiểu ra, tôi bật cười: Phim được khai thác từ Đài Nga, Nga đã mua bản quyền rồi, còn mình với Nga là anh em, họ có nói gì đâu. Cũng may thời ấy nước ta chưa ký Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, nếu không, có lẽ cũng bị họ kiện thật”.

Công trình khảo cứu văn hóa của Đào Minh Hiệp – Đoàn Việt Hùng

            Những người sinh ở thập kỉ 50, nghề nghiệp và việc làm đôi khi không theo ý muốn chủ quan mà do hoàn cảnh xếp đặt. Đào Minh Hiệp cũng vậy. “Khi được cử sang Nga học vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, ngay từ đầu chúng tôi chẳng biết mình sẽ học ngành gì. Hết năm dự bị học tiếng Nga, chúng tôi mới được phân theo học các chuyên ngành. Gần 100 lưu học sinh Việt Nam khóa đó được rải đi khắp các trường đại học ở Liên bang Xô viết với hàng chục ngành nghề khác nhau mà chẳng ai có quyền lựa chọn hay thay đổi”. Trước khi về công tác ở Hội Văn nghệ Phú Yên, anh còn làm thư ký cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh gần chục năm. “Bản thân tôi không hề muốn làm văn nghệ chuyên trách vì tự thấy mình chẳng có tài năng gì ghê gớm”. Nói tóm lại, thế hệ anh, nghề nghiệp và việc làm chủ yếu là do sự điều động và sắp xếp của tổ chức. Những người được đào tạo trong cái nôi của chủ nghĩa xã hội, có nghĩa vụ phải chấp hành nghiêm túc.
            Đào Minh Hiệp mê hội họa nhưng xem hội họa và văn học chưa bao giờ là một nghề. Dù đã xuất bản hơn chục đầu sách, dịch hàng trăm tập phim, vẽ hàng mấy chục bức tranh, nhưng chưa bao giờ anh tự coi mình là nhà văn hay họa sĩ chuyên nghiệp. “Đó chỉ là những đam mê trong lúc rảnh rỗi, cũng giống như những người khác đam mê âm nhạc, thể thao, cây cảnh, chim thú…”. Nó giúp tâm hồn thanh thản và phong phú thêm, đồng thời là phương tiện để giãi bày, giao tiếp với những tâm hồn đồng điệu khác.
 Qua kinh nghiệm bản thân và bạn bè hoạt động trong lĩnh vực VHNT, anh Hiệp xem việc mình “nghỉ hưu” chỉ là nghỉ làm việc nhà nước, còn sáng tác là nhu cầu nội tâm, miễn là giữ cho nguồn cảm hứng sáng tạo không bị lụi tàn, có lẽ những ai yêu nghệ thuật đích thực thì nghệ thuật không cho mình nghỉ hưu. Anh vừa cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn thế giới “Con của mặt trời” do NXB Văn học ấn hành, một tuyển tập văn học Nga đương đại của NXB Lao động “Không nên khóc” và một số đầu sách cũng ra mắt bạn đọc. Hiện nay, ngoài một số tranh sơn dầu vừa được triển lãm, anh đang tập trung cho một bộ tranh sơn dầu về các di tích lịch sử và danh thắng của Phú Yên.

Các văn nghệ sĩ thăm phòng triển lãm tranh của Đào Minh Hiệp

.