Nguyễn Lục Gia
 
          Địa chí Phú Yên (UBND tỉnh Phú Yên, NXB Chính trị Quốc gia, 2003) dày 1092 trang là một công trình biên soạn dài hơi, công phu và chất lượng. Tuy nhiên, sự khinh suất với những hệ lụy đáng tiếc vẫn là điều không tránh khỏi. Trong phạm vi hiểu biết có phần hạn hữu, tôi xin được bàn đôi điều trong phần lịch sử ở chương I, II, III của sách.
           Những trích đoạn không chú dẫn xuất xứ nguồn tài liệu trong bài viết này là của Địa chí Phú Yên.
           Chương I. Phú Yên thời kỳ tiền sơ sử.
           Tr.142: “nếu so sánh với vùng đất ở phía bắc (Bình Định) và ở phía nam (Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) thì Phú Yên là vùng đất tốt, như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhận: Địa thế tuy nhỏ, nhưng dân cư đông đúc, cũng là một đất quan trọng vậy”.
          Quốc Sử Quán triều Nguyễn khảo sát về hình thế các tỉnh Nam Trung Bộ tương đối xác đáng mà mỗi tỉnh ứng với một vị trí cùng nguồn nhân vật lực quan trọng khác nhau. Còn cho rằng Phú Yên hơn các nơi khác thì chưa hẳn.
           Về tỉnh Bình Định: “ruộng đất màu mỡ rộng rãi, xưa gọi là Tiểu Nông Nại, nhân dân đông, phẩm vật nhiều, thuyền xe tụ tập, buôn bán đông vui, trong ngoài sông núi bao vây, đánh hay giữ hai đường đều tiện, thật là đất xung yếu ở Tả Kỳ vậy” [1].
           Về tỉnh Khánh Hòa: “Các bảo Nha Trang, Bình Nguyên khống chế sơn man, các tấn Cù Huân lớn nhỏ, phòng ngăn hải phỉ. Thật là đất hình thế trọng yếu ở một phương” [1].
           Về tỉnh Bình Thuận: “… Còn như thuyền chài cá, thuyền buôn bán qua lại tấp nập, cư dân trù mật, phố xá liền nhau, thì Phan Thiết cũng là một nơi đô hội nhỏ, mà Phan Rí là thứ hai” [1].
            Chương II. Phú Yên từ năm 1578 đến 1885.
            – Tr.154: “Theo lệnh, ông Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân từ miền Thanh – Nghệ và Thuận Quảng vượt đèo Cù Mông vào đất Trấn Biên bắt đầu tạo dựng cơ nghiệp. Tại đây, ông Lương Văn Chánh chia Trấn Biên làm 3 khu vực để khẩn hoang…”.
            Sách đã lầm lẫn 2 điều:
            1. Trong khoảng thời gian từ năm 1560 đến trước năm 1608 không có một cuộc di dân nào từ vùng Thanh Nghệ vào đất Thuận Quảng của Tổng trấn Nguyễn Hoàng được sử sách ghi lại. Vậy, lưu dân được chiêu tập vào khẩn hoang trên vùng đất mới, ngoài “số lưu dân ở xã Bà Thê” trong địa phận cai quản của Lương Văn Chánh, nếu là “các phường thôn khách hộ” và “những hộ dân mới” thì chỉ có thể xuất xứ từ vùng Thuận Hóa trở vào.
            2. Thời điểm tiến hành công cuộc khẩn hoang ở phía Nam đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi bắt đầu từ năm 1597 theo công lệnh của Tổng trấn Nguyễn Hoàng, nghĩa là chưa lập phủ Phú Yên (1611) và dinh Trấn Biên (1629). Đất gọi là Trấn Biên mà sách đề cập là Trấn Biên nào đây?
            – Tr.156 đậm đặc những kiến thức lịch sử rối rắm:
           + “Năm 1629, Văn Phong làm nghịch, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử phó tướng Nguyễn Phúc Vinh vào đánh dẹp và mở rộng đất đến Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay), được chúa Nguyễn giao phó việc tổ chức đồn lũy và dinh Trấn Biên. Chúa Sãi phong ông làm Lưu Thủ và cho phép dùng ấn son vì có công lớn”.
            Sách có 3 điều sai:
            1. Địa chí là lịch sử của một địa phương nên sự kiện cần được tuân thủ theo những trình tự thời gian, không gian nhất định. Thời điểm năm 1629 chưa lập dinh Thái Khang (tức Bình Khang về sau) thì sao lấy Thái Khang làm ranh giới phía Nam của dinh Trấn Biên được?
            2. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh chỉ dẹp loạn Văn Phong cấu kết với người Chàm chứ không “mở rộng đất đến Bình Khang”, vì công nghiệp đó đã được Lương Văn Chánh và Văn Phong hoàn tất trước rồi.   
            3. Lưu thủ là chức quan đứng đầu một phủ. Dinh là cấp chính quyền cao hơn phủ, đứng đầu bởi các phó tướng kiêm trấn thủ. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh là Trấn thủ Trấn Biên dinh.
           + “Chúa Nguyễn lấy đất mới thu được đặt làm dinh Thái Khang (sau đổi là Bình Khương, tức là Ninh Hòa ngày nay) và Diên Ninh (tức là Diên Khánh ngày nay) và kể từ đây vai trò Trấn biên của Phú Yên xem như đã chấm dứt”.
             Lại 2 chỗ cần phải tháo gỡ:
            1. Chiến thắng năm 1653 của Hùng Lộc hầu không phải dẫn đến việc thành lập 2 dinh Thái Khang và Diên Ninh mà là 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh cùng lệ vào dinh Thái Khang [2].
            2. Cho dù dinh Thái Khang từ sau năm 1653 trở thành đất tiếp giáp với Champa ở phía Nam, song trọng trách trấn biên của Phú Yên vẫn kéo dài cho đến năm 1698, khi chúa Nguyễn lập dinh mới Trấn Biên ở Biên Hòa. Vai trò nổi bật đó thể hiện rõ nhất qua sự kiện năm 1688: “Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bèn mưu với bề tôi là Oc nha Cống Sa bỏ việc triều cống và đắp ba lũy Bích Đôi [Gò Bích], Cầu Nam và Nam Vang, rồi chằng xích sắt ngăn cửa sông, làm kế cố thủ. Vua thứ nhì là Nặc Nộn biết mưu ấy, cho chạy báo với dinh Trấn Biên. Phó tướng Mai Vạn Long liền gởi trạm dâng thư [của Nặc Nộn]. Chúa giận lắm. Bèn triệu các quan bàn việc xuất binh” [2].
            + “Tháng 4.1758, Chúa sai Nguyễn Khoa Trực làm Trấn thủ phủ Phú Yên, đốc thu các thứ thuế thường tân và sai dư”.
             Chức danh của vị quan này là tuần phủ chứ không phải trấn thủ, mà nhiệm vụ ngoài việc đốc thúc thu thuế, cũng giống như Tuần phủ Nguyễn Cư Trinh ở phủ Quảng Ngãi trong sắc của chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1750, rằng: “Thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị; hào cường lấn cướp ngươi phải ngăn trừ; án giam không quyết ngươi phải xét cho ra lẽ; hộ khẩu không đông ngươi phải làm cho phồn thịnh; nhân dân ương ngạnh ngươi phải giáo hóa; kẻ gian trộm cắp ngươi phải bắt vào khuôn phép. Nhất thiết tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi được tùy nghi làm việc, chỉ cần thành công, chớ có sợ nhọc” [2].
            – Tr.158: “Miền Tây Phú Yên có dãy núi La Hiên hùng vĩ, tiếp giáp với vùng núi An Khê (nơi dấy nghiệp của nhà Tây Sơn) nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định, nên nhân dân Phú Yên là người hưởng ứng và tham gia phong trào ngay từ những ngày đầu. Tiêu biểu nhất là người Bana ở vùng Thồ Lồ…”.
            Nhận xét này hoàn toàn trái ngược với cứ liệu đưa ra trước đó ở tr.129: “Theo lời kể của các già làng người Bana ở vùng Thồ Lồ (xã Phú Mỡ), tổ tiên của họ xưa ở vùng An Khê (huyện An Khê, tỉnh Gia Lai), đã từng theo ông Nhạc, ông Huệ đánh nhau với nhà Nguyễn. Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, tổ tiên họ đã chọn vùng núi T’Lô (Thồ Lồ) làm nơi cư trú”.
            Một tài liệu dân tộc học khác cũng cho rằng người Bana đến Phú Yên từ An Khê, nơi xuất phát khởi nghĩa Tây Sơn mà đông đảo người Bana tham gia. Sau khi phong trào Tây Sơn bị thất bại, nhiều gia đình đã chuyển xuống cư trú ở vùng núi cao phía Tây Bắc huyện Đồng Xuân của Phú Yên. Số người này thuộc nhóm Bana Tơlô, từ đó vùng này có tên gọi Thồ Lồ [3].
            Như vậy, trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn không thể có mặt người Bana ở Thồ Lồ, Phú Yên. 
            – Tr.159: “Năm 1793 (…) Tham đốc Tây Sơn là Phạm Văn Điềm thua chạy, Chúa đặt quan chức tại Phú Yên, lấy Phó tướng thủy binh Nguyễn Văn Nhâm làm Lưu thủ”.
            Bộ tướng của Nguyễn Ánh không người nào có tên như vậy, chỉ có Nguyễn Văn Nhân mà “Năm Qúy Sửu [1793], Nhân theo Ngự giá đi đánh giặc, đến Phú Yên, Nhân làm việc Lưu thủ” [4].
            – Tr.161: “Tháng 7.1800, sau những cuộc giao tranh lẻ tẻ, Chúa Nguyễn phải rút quân, vì thủy bộ không tiếp ứng được và các tướng Từ Văn Chiêu, Phạm Văn Điềm lại đem 500 quân về với Tây Sơn”.
            Phạm Văn Điềm là hàng tướng Tây Sơn, đầu quân Nguyễn Ánh như sách Đại Nam liệt truyện kể trong chuyện của Nguyễn Văn Thành: “Năm Kỷ Mùi 1799 vua [Nguyễn Ánh] thân đi đánh Qui Nhơn, Thành tiến quân đánh giặc ở đồn An Mỹ, Tham đốc giặc là Phạm Văn Điềm hàng, thu phục Phú Yên” [4]. Phạm Văn Điềm được Nguyễn Ánh giao trọng trách giữ đất Phú Yên nhưng ngay sau đó đã đánh úp quân Nguyễn, theo về Tây Sơn. Cũng trong năm 1799, tại Qui Nhơn, hàng loạt võ quan của Tây Sơn đầu hàng, trong đó có Đại Đô đốc Nguyễn Văn Điểm [5]. Hai viên hàng tướng Tây Sơn quay giáo trở lại với Nguyễn Ánh tháng 7.1800 trên đây chính là Từ Văn Chiêu và Nguyễn Văn Điểm (chứ không phải là Phạm Văn Điềm): “hàng tướng coi Ngự lâm quân là Từ Văn Chiêu làm phản với Nguyễn Văn Điểm cùng 500 thuộc binh” [5].
            – Tr.163: “Tháng 3.1830, đặt đội trầm hương ở Phú Yên”.
            Về mốc thời gian, có 2 tài liệu của triều Nguyễn chép lại kiện này khác nhau: Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán cho là tháng 3.1830 (Minh Mạng năm thứ 11) và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội Các là năm 1831 (Minh Mạng năm thứ 12) [6]. Xét thấy ghi chép của Bộ Hộ trong Hội điển sự lệ đáng tin cậy hơn vì Bộ này trực tiếp quản lý việc định ngạch và thu thuế nói riêng, tài chính nói chung của nhà nước.
           Về tên gọi, không phải “đội trầm hương” mà là “hộ trầm hương”. Đội do nhà nước trực tiếp thu thuế thời kỳ đầu triều Nguyễn, còn đối với hộ thì nhà nước thu thuế thông qua người lĩnh trưng: “chuẩn y lời tâu: cho Nguyễn Văn Ân, trấn Phú Yên, chiêu mộ dân miền núi ngoại tịch 30 người làm hộ lấy hương nộp thuế sản vật…” [6].   
            – Tr.164: “Năm 1839, Vua bảo thị thần các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa đất đai hơn nghìn dặm, bỏ hoang nhiều, nhưng dân cư thưa thớt. Nếu di người nơi khác đến thì phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, ở đâu yên đấy, không muốn dời đi nơi khác”.
            Sự kiện trên đây đã bị cắt xén không đầu không đuôi, gần như vô nghĩa. Truy lại tư liệu gốc, sự kiện được diễn giải như sau.
            “Các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Tiên tâu báo biền binh khẩn ruộng đã thu được một số thóc. Vua sai chiếu theo số thóc nhiều ít thưởng cho”, nhân đó “Vua bảo thị thần: các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa đất dài hơn nghìn dặm, đất bỏ hoang rất nhiều dân cư thưa ít, nếu muốn di người nơi khác đến, thì thường tình người ta ở đâu yên đấy, không muốn dời đi nơi khác, thế có phần không làm được (…) Nên chờ đó vài mươi năm sau, sinh ngày một nhiều ra, thế tất phải dần dần mở mang như các huyện Kim Sơn, Tiền Hải ngày xưa chỉ là một miếng đất hoang rậm mà nay thành hai huyện. Có đất thì có dân, cũng là cái thế tất nhiên như vậy” [7].
           – Tr.165 cũng trưng ra sự kiện một cách vô hồn như vậy: “Năm 1857, 3 chiếc thuyền của người Thanh có đủ súng đạn, khí giới đến bỏ neo đóng ở các vùng biển Phú Yên”.
            Diễn tiến của sự kiện không được thông tin. Dò tìm tài liệu mới biết rằng “có 13 chiếc thuyền của người nước Thanh có đủ súng đạn khí giới đến bỏ neo đóng ở các vùng biển đạo Phú Yên (…) Sắc cho viên quản đạo là Lê Hữu Hương, phó lãnh binh là Vũ Ngoạn phải gia tâm canh giữ, chớ nên chỉ hoang mang, lại đến ngờ sợ xảy việc ra. Còn như thuyền quân đi tuần, chuẩn cho tỉnh ấy tùy tiện làm cho thỏa đáng (các thuyền của người nước Thanh ấy rồi sau đều chở đi hết)” [8]. Rõ là binh thuyền Trung Hoa chỉ tỵ nạn chứ không có ác ý và không phải chỉ có 3 mà lên tới 13 tàu.
            Được biết có rất nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở Phú Yên trong giai đoạn này (1802 – 1885). Tuy nhiên, sự chọn lọc của sách tỏ ra hời hợt mà sự kiện vừa mới đề cập bên trên là một trong số đó.
            Chương III. Phong trào đấu tranh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
           Tr.167: “Tháng 6.1885, quân đội của thực dân Pháp do tướng Đờ Cuốcxi cầm đầu đánh chiếm kinh thành Huế. Đêm mùng 4 rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, quân ta tiến đánh các cứ điểm của Pháp tại Huế. Cuộc phản công bị thất bại…”.
             Sách mắc phải 2 sai lầm cùng lúc:
            1. Sự kiện tấn công kinh thành Huế đã được Pháp tiến hành từ tháng 8.1883, do Đô đốc Cuốc bê chỉ huy, buộc triều đình phải đầu hàng, nhằm vào lúc “vua Tự Đức qua đời. Lợi dụng triều đình đang bận rộn với việc chọn người kế vị” [9].
             2. Sự kiện tháng 6.1885 được diễn giải như sau: “Tướng Đờ Cuốc xi kéo binh thuyền từ Bắc Kỳ vào Huế, định dùng áp lực quân sự loại bỏ phái chủ chiến, giải tán quân đội triều đình, lập mưu bắt Tôn Thất Thuyết. Trước sự uy hiếp ngày càng trắng trợn của kẻ thù, Tôn Thất Thuyết và những cộng sự của ông đã quyết định nổ súng để giành thế chủ động” [9].
             Những nhầm lẫn và sai sót kể trên chỉ nằm trong phạm vi rất hẹp của sách Địa chí Phú Yên (từ tr.141 đến tr.167 thuộc 3 chương ở phần lịch sử), song thật đáng tiếc cho một công trình khảo cứu “có quy mô lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay” (Lời giới thiệu) của cả một tập thể uy tín gồm những vị học giả tên tuổi cùng nhiều nhà quản lý chuyên trách. Tôi xin lỗi vì đã làm mất vui bạn đọc tỉnh nhà bởi những cứ liệu chỉ ra.   
 
Tài liệu tham khảo.
[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.12, 88, 123.
[2]. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, NXB Sử học, Hà Nội, tr.83, 135, 211-212.
[3] Văn Công (1997), Người Bana ở Phú Yên, Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh Phú Yên, tr.24.
[4] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.116, 354.
[5] Tạ Chí Đại Trường (2007), Việt Nam thời Tây Sơn – lịch sử nội chiến (1771 – 1802), NXB Công an nhân dân, tr.369, 374.
[6] Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế, tr.348.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1969), Đại Nam thực lục, tập XXI,Chính biên đệ nhị kỷ XVII (1839), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.106-107.
[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1973), Đại Nam thực lục, tập XXVIII,Chính biên đệ tứ kỷII (1854-1858), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.397-398.
[9] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Lịch sử 11 Nâng cao, NXB Giáo dục, tr.237, 245.