/

 
          Trải mình trong những câu chuyện cổ tích, mẹ đóng vai tất cả các nhân vật trong truyện, dẫn đường cho họ vào thế giới tâm hồn của con. Vẻ lung linh, thánh thiện của những bụt, tiên, thánh, thần; vẻ hiền lành, chất phác của những thân phận con ong, cái kiến với bao ước mơ cháy bỏng về cuộc sống hạnh phúc, công bằng; vẻ hung dữ, đáng sợ của những kẻ độc ác, xấu xa đã bị trừng trị thích đáng,… tất cả tạo nên sức hấp dẫn trong thế giới cổ tích nhiệm màu.
          Mẹ kể chuyện cổ tích cho con nghe đi mẹ! Giọng con gái nhẹ nhàng như cầu khẩn, khiến mẹ không thể chối từ. Dù bận việc quan trọng thế nào, trước giờ con ngủ, mẹ cũng dành thời gian cho con. Vì mẹ biết thế giới cổ tích quan trọng với con biết nhường nào. Đôi mắt thơ ngây của con gái nhìn chăm chú vào mẹ ngập tràn hi vọng. Và thế là mẹ kể. Cứ đến đoạn con thích hay những đoạn mẹ dùng thứ ngữ điệu đặc biệt của riêng mẹ mà diễn tả, con lại há hốc miệng, tròn xoe đôi mắt với bao ngạc nhiên chưa từng có, rồi con nhắm mắt lại, thu mình, tay ôm chặt mẹ và nói con sợ quá khi mẹ kể đến những hành động độc ác của thế lực gian tà.
          Mẹ kể rất nhiều, kể đi rồi kể lại, con vẫn chỉ thích nghe những câu chuyện cũ, thích nhất những đoạn có câu nói của nhân vật được diễn tả bằng thơ. Đến đó,  con lại hồ hởi thay mẹ tiếp lời, xem như mình cũng góp một vai nhân vật trong truyện. Mẹ hiểu vì sao con lại thích được nghe mãi câu chuyện Tấm Cám đến thế. Con nhớ rất nhanh, dù mẹ mới kể một, hai lần. Thi thoảng, mẹ dừng lại giả vờ hỏi: Mẹ kể đến đâu rồi nhỉ? Thế là con đọc vanh vách đoạn tiếp theo. Người ta nói trí nhớ trẻ con sáng lắm. Điều đó thực không sai. Cùng một câu chuyện nhưng mỗi lần mẹ kể sẽ là một dị bản. Khi đó, con lại đóng vai nhà biên tập, con đính chính như nhắc vở cho mẹ: Không phải đâu mẹ, phải như thế này này, … Mẹ lại ấp úng: À…à… mẹ quên! Rồi mẹ lại kể theo cách mà con nhớ. Con thơ ngộ chẳng khác nào chú nai con ngẩn ngơ mới rời bụng mẹ chạm mắt lơ đãng thế giới mênh mông, ngút ngàn cỏ non xanh biếc; con hân hoan tựa chú bê con rúc mình vào bầu sữa mẹ đánh chén thật no say, tung tăng, ngoe nguẩy ra bờ sông đứng soi mình trong nước gương sông. Và câu chuyện của mẹ tựa hồ như chiếc thảm nhung thần kì, mềm mại đưa con vào giấc ngủ êm ái từ lúc nào.
          Mẹ biết, chỉ con mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới cổ tích. Những nụ cười rạng rỡ mẹ bất chợt nhìn thấy trong giấc mơ của con khiến mẹ tin rằng con đang rất hạnh phúc. Không muốn xen vào những giấc mơ hồng của con, mẹ nhẹ nhàng kéo chăn lên đắp ngang ngực, khẽ đặt một nụ hôn lên trán để con thỏa sức nô đùa trong khung trời thơ mộng. Và mẹ mỉm cười sung sướng khi thấy con gái cứ lớn dần lên qua những câu chuyện cổ tích. Công việc một ngày biến mẹ thành những vòng quay không ngừng như chiếc cối xay gió. Nhưng mẹ vẫn luôn động viên mình sẽ cố gắng để đem đến cho con một cuộc sống tốt nhất.
          Sáng con tỉnh dậy, mở choàng cặp mắt bồ câu non nớt, níu mẹ và ôm chặt, miệng nở nụ cười như muôn sắc hoa trong vườn nhà mình khi được đón nhận những tia nắng sớm mai thanh tân, trong trẻo. Con lại thủ thỉ: Tối mẹ kể chuyện cho con nghe mẹ nhé! Đêm qua, con mơ được gặp ông bụt mẹ ạ. Trong cái điệu nũng nịu dễ ghét của con, mẹ nhận thấy cả khung trời hạnh phúc. Mẹ dịu dàng: Thế ông bụt đã nói gì với con? Chẳng để mẹ chờ đợi lâu, con nhanh nhảu đáp như niềm vui được điểm 10 cô cho mỗi chiều về khoe mẹ. Con nói với tất cả niềm thích thú rằng: ông bụt cho con một điều ước, con ước mẹ sẽ sống mãi để con được nghe những câu chuyện cổ tích mẹ kể. Cái hôn ấm áp, đôi bàn tay vuốt ve, khuôn mặt nhân từ cùng nét cười hiền hậu và lời khen của mẹ lại làm con chẳng muốn rời xa mà chạy đi chơi cùng đám bạn. Sao con không ước cho mình? Lại cái giọng lảnh lót khác nào chú chim non: Cô con nói, có mẹ là có tất cả, thế nên con chỉ ước vậy thôi. Nước mắt mẹ không ai gọi mời, cứ thế lăn tròn.
          Những lúc ngồi một mình, mẹ lại hình dung ra khuôn mặt đáng yêu của con, nhất là vẻ hồn nhiên khi con nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Và thế là mẹ lại được sống với thế giới cổ tích của riêng mình: con của mẹ!
.
 /