Sáng chủ nhật, ngày 22 tháng 7 năm 2012, tôi nhận được thư điện tử của nữ thi sĩ trẻ Đàm Lan gửi từ Buôn Ma Thuột – thủ phủ cà phê của Đăk Kăk Tây nguyên và của cả nước. Trong thư này có bài thơ Chủ nhật mềm của chị hay đến giật mình. Toàn bộ bài thơ như sau:

 
                             Chủ nhật mềm
 
Chủ nhật mềm như chiếc võng đưa
Câu chuyện giòn bên ly cà phê sáng
Ánh mắt vui cái bắt tay bè bạn
Hớp trà thơm ngao ngát cả mây trời…
                                                                                     Buôn Ma Thuột 2012
                                                                                              Đàm Lan
Ngay tựa đề của bài thơ Chủ nhật mềm – đã là một sự lạ, một cảm nhận rất mới mẻ về thời gian. Xét theo phương diện vật lý cổ điển từ ngàn xưa, ta thấy thời gian có các thuộc tính như: Dài, lâu, chậm, ngắn, nhanh… xa xưa… gần gũi… thời gian rộng… thời gian eo hẹp… Còn trong thơ ca hay trong cuộc sống hàng ngày, ta vẫn thường gặp thời gian về phương diện tâm trạng con người như: Tháng ngày tăm tối…năm tháng  vui tươi sáng láng…tuổi thanh xuân phơi phới… tuổi già hiu hắt buồn…
 Và đến tháng 7 năm 2012 này chúng ta lại có thêm một khái niệm mới, do tâm hồn rất nhạy cảm của Đàm Lan đưa lại: Chủ nhật mềm… Khái niệm thời gian mềm ở đây, là hoàn toàn thuộc về phương diện tâm trạng và tâm hồn của con người chúng ta trong thời đại ngày nay…
 Thời đại ngày nay là thời kỳ hoà bình, cả dân tộc ta đang tiến hành công cuộc Công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Toàn dân nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để nước nhà ngày càng giàu mạnh. Nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng nền kinh tế phồn vinh. Người người thi đua làm giàu, nhà nhà thi đua làm giàu chính đáng… Và quốc gia sẽ mạnh giàu…
 Chính vì vậy chúng ta thấy toàn xã hội từ nông thôn đến thành thị, mọi tầng lớp xã hội từ nông dân, công nhân, thương gia, cán bộ công chức…các công ty nhà nước cũng như tư nhân… tất thảy đều lao vào làm ăn kinh tế với một cường độ lao động rất căng thẳng, có thể gọi là đầu tắt mặt tối… để mong làm giàu, hoặc chí ít là sẽ có được một cuộc sống khấm khá hơn về mặt vật chất. Và như vậy suốt tuần lao động với cường độ cao nhất, nên rất đỗi căng thẳng cả về thể trạng lẫn tinh thần. Do đó có được một ngày nghỉ là Ngày chủ nhật, thì thật là hạnh phúc. Suốt cả tuần cơ thể như một dây đàn căng như muốn đứt, nay bỗng được ngày chủ nhật nghỉ ngơi… một cảm giác mềm mại lại về như một niềm mong ước tri kỷ bao ngày: Chủ nhật mềm như chiếc võng đưa…
 Những ai đã từng trải qua sự căng thẳng của cả một tuần hay một tháng lao động cực nhọc, hẳn sẽ rất thấm thía câu thơ trên của nữ thi sĩ Đàm Lan. Một câu thơ thật giản dị, giàu tính phát hiện về một thuộc tính mới của thời gian (do cảm xúc trời cho của mình đưa lại) – mà thể hiện một sự tận hưởng nghỉ ngơi thoải mái, có ích và chính đáng của con người, nhất là người lao động chân chính hôm nay. Ngày chủ nhật vừa mềm mại, lại như chiếc võng đưa… Cảm xúc bình thường, thì không làm nổi câu thơ này. Tấm lòng của nhà thơ (hay là thời gian Ngày chủ nhật) trân trọng và nâng niu gần như tuyệt đối đối với sự nghỉ ngơi hợp lý và chính đáng của con người. Bởi vì nhờ có sự nghỉ ngơi ấy, mà con người được nạp thêm năng lượng mới cả về thể trạng và tinh thần, để rồi lại lao vào giải quyết công việc căng thẳng của tuần sau…Và như vậy dẫu chủ nhật mềm mại thật đấy, nhưng lại rất giàu nội lực. Nghĩ thế tôi lại cảm thấy câu thơ ấy càng lý thú. Tôi cảm thấy câu thơ trên êm ái như một lời vỗ về, ấm áp như một lời ru, ru người đời mà mình hằng trân trọng ở phẩm cách lao động chân chính của họ.
 Ngày chủ nhật nghỉ ngơi, bạn bè thường tụ tập lại với nhau để hàn huyên tâm sự bên ly cà phê sáng. Có những điều cứ canh cánh trong lòng, chưa có dịp nào rảnh rang (vì bận làm việc suốt tuần), nay mới có điều kiện giãi bày cùng bè bạn. Được giãi bày nỗi lòng mình với bạn bè, nhất là bạn tri âm – đó cũng là niềm hạnh phúc lớn, hạnh phúc về mặt tình thần. Còn gì vui hơn khi:
 …Câu chuyện giòn bên ly cà phê sáng
Ánh mắt vui cái bắt tay bè bạn…
 Tinh thần của bài thơ rất đằm sâu. Tôi cho rằng bài này hẳn tác giả nhằm dành tặng cho những người lao động trung niên, lứa tuổi khoảng từ ba mươi đến năm mươi. Lứa tuổi ấy thường là đã có gia đình riêng và rất thành đạt về sự nghiệp. Và họ cần tình bạn như cơm ăn nước uống vậy. Tình bạn bè, nhất là bạn tri âm – là một mảng tâm hồn không thể thiếu trong cuộc sống tình cảm con người ở lứa tuổi này. Có những vấn đề rất riêng, ta không thể giãi bày được với người thân trong gia đình ta, mà chỉ tâm sự được với bạn bè thôi. Quan hệ tình bạn thì rất tự nhiên, sòng phẳng và bình đẳng. Chính vì vậy câu chuyện của bạn cũng như của ta cứ nở giòn bên ly cà phê sáng ngày chủ nhật hạnh phúc… Rồi ánh mắt vui và cái bắt tay của bạn, lại càng tiếp thêm năng lượng mới cho ta, cho chúng ta, để bước vào chặng đường lao động vất vả mới trong tuần tới…
 Chính nhờ sự nạp năng lượng tuyệt vời ấy từ tâm hồn thơm thảo của bạn bè, mà lòng ta như được bay lên giữa trời cao lồng lộng mênh mang:
 … Hớp trà thơm ngao ngát cả mây trời…
 Khi mới đọc bài thơ này của nhà thơ trẻ Đàm Lan, tôi giật mình những hai lần. Lần thứ nhất giật mình khi mới đọc tựa đề rất lạ: Chủ nhật mềm…(tôi đã phân tích ở trên). Lần thứ hai giật mình bởi câu thơ cuối thần diệu đắc đạo, với một ánh sao vụt sáng hai âm của một từ mới “ngao ngát”. Trong từ điển Tiếng Việt, cũng như trong cuộc sống thường ngày và cả trong văn học nữa, tôi chưa hề thấy từ này. Đây là sáng tạo trời cho Đàm Lan đó. Có lẽ trong tiềm thức của chị tự thuở nào hương thơm ngào ngạt của cà phê luôn luôn toả lan đậm đà trong tâm hồn mọi nơi mọi lúc… Do vậy mà “ngào ngạt” lặng lẽ biến thành “ngao ngát” (nghĩa là vừa thơm đậm đà vừa toả lồng lộng một khoảng không gian bao la – Một Vầng thơm lộng lẫy) chăng?
 Và có lẽ Đàm Lan còn dè dặt và phân vân với từ mới tự nhiên đến với thơ mình, nên sau khi gửi bài thơ ấy lần đầu cho tôi (Triệu Lam Châu) qua thư điện tử có câu cuối:
 … Hớp trà thơm ngao ngát cả mây trời…
 Chị lại gửi tiếp lần thứ hai cho tôi cũng bài thơ trên, nhưng có câu cuối khác, theo tôi là đuối hẳn:
 …Nụ hồng nào thoảng thoảng chút hươngsay…
 Do vậy trong thư trả lời Đàm Lan, tôi có viết như sau:
 “…Cảm ơn Đàm Lan đã có bài thơ Ngày chủ nhật hay đến giật mình, gửi tặng Triệu Lam Châu để cùng thưởng thức. “Hớp trà thơm ngao ngát cả mây trời…” hay hơn nhiều so với “Nụ hồng nào thoảng thoảng chút hươngsay…”. Ngao ngát cả mây trời… gợi lên cái lồng lộng của tình người và tình đời (và dĩ nhiên nó bao hàm cả Hương nụ hồng trong ấy… rồi đó). Hai từ “ngao ngát” – là sáng tạo mới và có thể chấp nhận được, nó làm phong phú thêm tiếng Việt của chúng ta đấy. Hẳn trời cho em giờ phút xuất thần, nên mới có bốn câu thơ hay đến vậy. Ước gì mình cũng có giờ phút xuất thần như em. Cảm ơn rất nhiều Đàm Lan của Triệu Lam Châu…”
Viết đến đây tôi lại chạnh lòng nghĩ về thời bao cấp xa xưa khốn khó về vật chất, nhưng chưa hẳn tinh thần lại căng thẳng như hôm nay. Thời ấy xã hội thanh bình, mọi thành viên xã hội đều như nhau, chưa có người giàu và kẻ nghèo như hôm nay…Tâm thế con người không căng thẳng như hôm nay. Nhịp sống và nhịp độ lao động không gấp gáp quay cuồng như hôm nay. Có lẽ chính vì vậy nhu cầu về ngày nghỉ chủ nhật không mãnh liệt bằng hôm nay chăng? Mà chưa có khái niệm Chủ nhật mềm?
Ý tôi muốn nói: Văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng đều là sản phẩm tâm hồn chân chính và là con đẻ của thời đại mình đang sống.
 Khái niệm Chủ nhật mềm chưa có trong quá khứ, bởi vì nó là con đẻ của thời đại ngày nay.
Cảm ơn nữ thi sĩ Đàm Lan của miền cao nguyên Đăk Lăk đã cho chúng ta một bài thơ hay. Hy vọng chị sẽ còn cho chúng ta thưởng thức nhiều bài thơ hay khác nữa trong tương lai…
 
Tuy Hoà, chiều 23 tháng 7 năm 2012
trieulamchau@gmail.com