Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc (NTSKDT) trong thời đại hiện nay đã và đang là vấn đề khiến chúng ta phải trăn trở, thảo luận và bàn cãi nhằm tìm ra những giải pháp khả thi để trả lại vị trí đích thực của nó với hiện tại và mai sau.

Giữa bảo tồn và phát triển vừa là mối quan hệ biện chứng, vừa là mối quan hệ nhân-quả. Bảo tồn tốt là nền tảng, cũng là nhân cho sự phát triển. Ngược lại, khi phát triển được đầu tư đúng hướng và triển khai một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ những người làm nghệ thuật đến các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đến các cơ quan thông tin-truyền thông…nó sẽ trở thành động lực mạnh mẽ và đó cũng chính là nhân để tạo quả cho sự nghiệp bảo tồn bền vững.
Nhiều năm qua, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước bằng nhiều chủ trương và chương trình hành động sát, đúng, kịp thời và đầu tư, hỗ trợ cả tinh thần và vật chất. Bộ VHTT-DL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ đề ra những định hướng chiến lược tạo ra bước chuyển biến mới cho NTSKDT.
Chúng tôi cũng bày tỏ sự xúc động và cảm phục đến các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực SKDT của cả nước, bao năm qua đã “gồng mình” trước bão lốc của sự xuống cấp về văn hóa và đua đòi, nhí nhố trong thưởng thức nghệ thuật của khá đông khán giả, nhất là lớp trẻ để giữ gìn một phần quý giá di sản văn hóa của tổ tiên ta để lại. Những người làm SKDT đã và đang là những người lính dũng cảm, tiên phong trong đội quân giữ gìn bản sắc dân tộc, ngày đêm đối mặt với sự dèm pha, xô bồ và đầy rẫy những cám dỗ, cạm bẫy của mặt trái cơ chế thị trường, để kiên định với con đường nghệ thuật mình đã chọn. Dẫu rằng, cũng có lúc ngậm ngùi, buồn tủi bởi những thiệt thòi không đáng có.
Tuy nhiên, theo chúng tôi nếu chỉ dừng lại ở nỗ lực và kết quả đã nêu trên vẫn chưa toàn diện và đủ mạnh để làm chuyển biến nhằm đưa NTSKDT thoát khỏi khó khăn và thử thách như hiện nay: nguy cơ quay lưng và quên lãng.
Vâng, Sẽ là sai lầm lớn nếu coi sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật này là việc riêng, là lợi ích cục bộ của ngành, của Bộ VHTT-DL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, mà nó là tài sản tinh thần quý giá của quốc gia, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm chung sức, chung lòng giữ gìn và vun xới.
Theo chúng tôi, nghệ thuật sân khấu dân tộc đang đối mặt với bốn khó khăn và thử thách lớn:
-Khán giả
-Tuyển sinh và đào tạo
-Thiếu đồng bộ trong nhận thức và triển khai thực hiện
-Chế độ chính sách
1.-Về vấn đề khán giả:
Khán giả-khách hàng-các “Thượng đế” là những người nuôi sống nghệ sĩ, quyết định sự no, đói, giàu nghèo của nghệ sĩ. Chính họ-những khán giả đích thực đã góp phần quan trọng nhằm động viên, khích lệ người nghệ sĩ, tận tâm trau dồi, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để có những vai diễn hay, tác phẩm có giá trị cao… Hoặc, một bộ phận khác cũng được mệnh danh là “Thượng đế” với “gu”thưởng thức nghệ thuật “quái chiêu” lại cuồng nhiệt cổ vũ cho loại nghệ thuật “bát nháo” và những scandal thấp hèn (!).
Nghệ sĩ là người của công chúng, vui sướng, thăng hoa hay buồn phiền, trăn trở đều gắn liền với công chúng. Một trong những nỗi buồn phải ray rứt, khổ tâm của người của người nghệ sĩ là “thánh đường” thiếu vắng người xem… Tiếc thay lớp khán giả biết tôn vinh, giữ gìn nghệ thuật truyền thống dân tộc vì lẽ này hay lẽ khác ngày càng ít đi. Đây chính là sự khó khăn, thách thức và cũng là sự thiệt thòi của những nghệ sĩ trung thành, tận tụy với nghiệp Tổ, trung thành và tận tụy thực thi nghị quyết của Đảng ta.
2.-Tuyển sinh và đào tạo:
Từ thực trạng nêu trên đã làm cho việc tuyển sinh và đào tạo của NTSKDT gặp nhiều khó khăn. Không có người chịu học, không đào tạo được đội ngũ kế cận thì lấy ai để bảo tồn? Và một khi đã không bảo tồn được thì chẳng có cơ sở để tính chuyện phát triển! Chỉ khi nào làm cho nhiều đối tượng trong xã hội chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu, thích Tuồng, Chèo, Cải Lương và Dân ca thì “nút thắt” ngặt nghèo về tuyển sinh và đào tạo mới được tháo gỡ. Đây được coi là điều kiện tiên quyết, là khâu then chốt cho NTSKDT được bảo tồn và phát triển bền vững.
Vấn đề tuyển sinh khó là vậy. Song chúng ta cũng cần khách quan công bằng đề nhìn nhận rằng, trong chiến lược đào tạo vẫn còn nhiều khiếm khuyết rất đáng quan tâm. Vẫn biết nó là những bộ môn nghệ thuật khó và phức tạp từ hát, múa, diễn xuất đến hóa trang…. Để trở thành đào, lão, tướng, kép nịnh, hề được đồng nghiệp và người xem ghi nhận đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trong đó, có một yếu tố cực kỳ quan trọng là được thử nghiệm, tôi rèn thực tế, mà nơi “đào tạo lại” ấy chính là qua những lần dàn dựng vở mới. Tại sàn tập là cơ hội tốt nhất cho những diễn viên trẻ bộc lộ tiềm năng và sở trường thông qua đạo diễn. Lý luận là vậy, nhưng thực tiễn thì khác. Những người là quản lý, Hội đồng nghệ thuật và chính “hội chứng” tâm lý khi làm vở là “ăn sẵn”, “ăn chắc” và… “ăn thua” (!). Giao vai để tìm kiếm huy chương. Huy chương để ăn nói với cấp trên, khẳng định tài năng và vị thế của tập thế, cá nhân. Huy chương để liền chị, liền anh “đủ số” để xét phong Ưu tú, Nhân dân…
Xét về trách nhiệm thì đúng, đáng khen. Nhưng thật thương hại cho các diễn viên trẻ lại tiếp tục ngậm ngùi với thân phận “quân gia-Ó hiệu-cầm cờ” ?! Còn sân khấu của chúng ta vẫn mang tiếng là “vô ra vẫn là thằng cha hồi nãy!”
Một câu hỏi cứ treo lơ lửng trong đầu tôi: Liệu có tiềm ẩn một nguy cơ là một ngày nào đó các em, các cháu do chính chúng ta đã dày công dỗ dành, tuyển dụng và đào tạo sẽ bỏ chúng ta, bỏ tổ Tổ nghiệp để ra đi bởi “nghề chơi” này “công phu” quá, phải sắp hàng chờ đợi dài và lâu quá (?!).
Chưa hết. Những ai quan tâm đến nghệ thuật sân khấu truyền thống đều không khỏi bận lòng lo lắng về đội ngũ sáng tác và đạo diễn của ngành nghệ thuật này. Một thiệt thòi lớn cho chúng ta là nhiều năm trở lại đây những nhà biên kịch và đạo diễn tài năng, tâm huyết trong cảnh già yếu hoặc bệnh nan y. Trong khi đó, nhiều tác giả và đạo diễn xuất sắc còn sung sức của ngành Sân khấu thì ít mặn mòi, nhiệt huyết với sân khấu kịch hát. Phải chăng vì nó không có khán giả, viết cho loại hình nghệ thuật này cực nhọc, khó khổ hơn!?
Vì nó không phải là kịch nói pha ca. Nó là thơ. Nói và hát đều bằng thơ-thơ biễn ngẫu, lục bát, tứ tuyệt và thơ Đường.
Chúng ta đều biết, để có một kịch bản sân khấu hay luôn là khó và hiếm. Với sân khấu dân tộc thì càng khó và hiếm hơn. Chỉ nói riêng việc nó đòi hỏi người sáng tác phải biết làm thơ và tính năng, tác dụng của từng làn điệu để cấu trúc hợp lý cho từng hoàn cảnh của nhân vật đã là một thách thức lòng nhiệt tình lẫn nghị lực với người cầm bút.
Một ngành nghệ thuật của cả nước với nhiều nhà hát và đoàn mà đội ngũ tác giả và đạo diễn quá mỏng như hiện nay, thậm chí có đơn vị còn là “điểm trắng” rõ ràng là chiến lược đào tạo của chúng ta đã và đang quá bất cập, nếu không muốn nói là nguy cơ.
3.-Thiếu đồng bộ trong nhận thức và triển khai thực hiện:
          Như đã trình bày trên, NTSKDT là một trong những tài sản tinh thần quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và phát triển nó không chỉ của riêng ai, mà đòi hỏi các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, và toàn xã hội phải chung tay góp sức. Song thực tiễn cho thấy nhiều nghị quyết, chủ trương về văn hóa-văn nghệ của Đảng và Nhà nước chưa được đưa vào cuộc sống có hiệu quả. Tư tưởng coi trọng kinh tế, xem nhẹ văn hóa-văn nghệ của một bộ phận không nhỏ những người có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương đang là một sự thật đau lòng. Hiện tượng “khoán trắng” cho ngành Văn hóa và Hội chuyên ngành đang là phổ biến. “Đưa sân khấu dân tộc và học đường” là một chủ trương đúng. Đây được coi là vấn đề cốt lõi cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển của NTSKDT. Những người chủ tương lai của đất nước nhớ hay quên Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca… chính học đường đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chính những học sinh, sinh viên đã hiểu, đã thích sẽ là lực lượng khán giả đông đảo, đồng thời là nguồn nhân lực tiềm năng để đào tạo kế cận nhằm bảo tồn và phát triển NTSKHĐ.
Tuy nhiên, để một chủ trương đúng, đạt hiệu quả cần phải có quyết tâm cao và những biện pháp tổ chức thực hiện tốt. Đáng tiếc trong triển khai chủ trương này chỉ dừng lại ở quy mô cục bộ, được chăng hay chớ, làm cũng tốt, mà không làm cũng chẳng sao (!). Qua thực tế cho thấy, sự phối hợp còn thiếu ăn ý, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nếu chỉ dừng lại như cách làm lâu nay, địa phương nào có Chèo, Tuồng thì phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo sở tại để đưa sân khấu đó vào một hai trưởng, kết quả sau đó ra sao cũng chẳng ai tổng kết. Còn lại các tỉnh, thành khác trên cả nước không có đoàn, nhà hát, không có người tuyên truyền, hướng dẫn thì ở đấy nhiều thế hệ học sinh, sinh viên với NTSKDT trong tương lai trở nên xa lạ, lãng quên âu cũng là điều chẳng có gì khó hiểu.
Còn một “đối tác” chiến lược khác có đầy đủ điều kiện giúp chúng ta tuyên truyền quảng bá “món ăn tinh thần” độc đáo của dân tộc đó là cơ quan thông tấn, báo chí. Nhưng thực tế cho thấy lâu nay sự phối hợp giữa hai phía còn rất khiêm tốn chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có.
4.-Chế độ chính sách:
Sân khấu dân tộc là loại hình nghệ thuật khó học, khó hay và cũng khó nhọc nhất. Hao phí lao động bỏ ra trên sàn tập và sàn diễn để hoàn thiện cho những vai diễn luôn là sự thách thức và đe dọa sức khỏe lẫn thanh, sắc của người diễn viên. Trong khi đó, chế độc, chính sách nhằm bù đắp hao phí lao động, tái sản xuất sức lao động chẳng có gì được ưu tiên. Một sinh viễn là diễn viên, nhạc công sau bốn, năm năm đào tạo khi ra công tác chỉ với mức lương khởi điểm ít ỏi. Trước tình hình giá cả leo thang chóng mặt như hiện nay mà cát sê cho một suất diễn của những ngôi sao ngành sân khấu chỉ tính tiền chục, chưa tới ngưỡng tiền trăm (trăm ngàn) thì đau lòng quá! Điều đáng nói hơn là với chế độ, chính sách đã quy định như hiện nay thì liệu có sức thu hút lớp trẻ theo chúng ta để học và chung tay bảo tồn phát triển vốn quý của dân tộc?
Những đề xuất:
Để bảo tồn và phát triển NTSKDT bền vững theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) chúng tôi xin có mấy đề xuất, như sau:
-Tăng cường sự quan tâm chăm lo về chuyên môn cho lực lượng diễn viên, nhạc công trẻ, tạo điều hiện và cơ hội tối đa để họ được thử sức và bộc lộ khả năng, tiềm năng. Bằng cách đõ sẽ là công tác ổn định tư tưởng hiệu quả. Nói cách khác, dùng “nghệ thuật bảo tồn lực lượng” để bảo tồn và phát triển nghệ thuật.
-Song song với việc làm nêu trên, cần nhanh chóng có những quyết sách đào tạo đội ngũ sáng tác và đạo diễn cho chuyên ngành mình, chí ít mỗi đơn vị cũng phải có một tác giả biết chuyển thể.
-Bằng chức năng, quyền hạn của mình, Bộ VHTT-DL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu kiến nghị với Chính phủ cho một chế độc đặc cách (bao gồm: lương, bồi dưỡng tập, bồi dưỡng biểu diễn) cho loại hình nghệ thuật này nhằm bù đắp hợp lý hao phí lao động và tái sản xuất sức lao động.
Thiển nghĩ đây sẽ là một động lực có sức hút lực lượng trẻ học và làm, đồng thời cũng là một yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát triển NTSKDT.
Chúng tôi thiết tha chờ mong Bộ VHTT-DL và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tham muwau cho Đảng và Nhà nước sớm thành lập một Ban chỉ đạo liên ngành (hoặc có thể gọi là ba chỉ đạo quốc gia) gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT-DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Bộ Giáo dục-Đào tạo, Đài THVN và các cơ quan báo chí…phối hợp một cách đồng bộ, toàn diện với quyết tâm cao để tổ chức, chỉ đạo, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và định hướng toàn xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc những giá trị nhân văn cao quý cần được gìn giữ của nền NTSKDT.
Theo chúng tôi, có hai việc có thể làm ngay để góp phần đem lại kết quả cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc:
Một là, củng cố và thúc đẩy chủ trương “đưa sân khấu vào học đường” với quyết tâm cao hơn, rộng rãi và đều khắp trên cả nước. Ngành Giáo dục-Đào tạo sớm nghiên cứu và có kế hoạch đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống vào sách giáo khoa và coi đây là môn học bắt buộc.
Hai là, ngoài những chương trình như “sân khấu truyền hình” lâu nay Đài THVN đã làm, nay nên đưa NTSKDT lồng ghép vào các chương trình đang là “sân chơi” có nhiều đối tượng khán giả tham gia và cổ vũ như “Ai là triệu phú?”, những câu hỏi và đáp án trong các chương trình cộng với giá trị giải thưởng cao hơn, chúng ta hi vọng NTSKDT sẽ được xã hội quan tâm tìm hiểu nhiều hơn.
Bảo tồn và phát triển NTSKDT là mối quan hệ không thể tách rời. Bảo tồn là cơ sở, là nền tảng cho phát triển. Ngược lại, chỉ có phát triển, mà trước tiên là phát triển về con người, không có con người thì chẳng thể bảo tồn.
Bảo tồn và phát triển NTSKDT hiệu quả sẽ ra sao, tính bền vững đến đâu trước tiên là yếu tố con người. Tuyên truyền, quảng bá để xã hội ta có nhiều người hiểu, thích học và làm NTSKDT đó là việc làm thiết thực để bảo tồn và phát triển nghệ thuật.
Phạm Ngọc Sơn