Bây giờ, trên khắp làng quê Phú Yên đâu đâu cũng trồng sắn. Sắn cao sản phủ xanh ruộng đồng, nương rẫy. Tháng ba, nhà nhà rộn ràng mùa thu hoạch sắn. Nhìn những đoàn xe chất đầy sắn củ cao ngất, nối đuôi chở về các nhà máy sản xuất tinh bột; bất chợt tôi lại nhớ một thời, nhờ những lát sắn khô mà người dân quê tôi đã cầm cự với nạn đói triền miên trong suốt những năm chiến tranh.

                                             Tôi lớn lên từ những bữa cơm độn lát sắn khô

          Năm ấy, lúc tôi độ chín, mười tuổi; cái tuổi mà mẹ chăm chút cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Hôm nào có được món ngon là mẹ dành trọn cho tôi với lời dỗ dành: “Ăn đi con, ăn cho mau lớn mẹ nhờ! Một vài năm nữa là con đã mười hai tuổi; hết đốt, mẹ sẽ cúng ông Táo một con heo, con sẽ lớn bươn cho mà coi”. Nhìn mẹ bưng bát cơm độn sắn, cõng trên lưng vài ba hột cơm; thức ăn là mắm đu đủ, rau dền muối ớt; mỗi miếng nhai của mẹ nghe giòn rụm, ngon lành. Tôi hồn nhiên, vô tình, no nê với những bát cơm có canh lá sắn và một ít mắm muối, cá khô mẹ luôn tay bón thúc, gắp bỏ.
          Ăn là vậy, đêm ngủ mẹ không được tròn giấc, bởi những loạt pháo cầm canh của Trung tâm Biệt kích Đồng Tre. Khi những loạt pháo nổ đì đùng còn ở xa, mẹ bật dậy ngồi co ro canh cho các con ngủ; chờ tới khi những tiếng pháo nổ gần đinh tai nhức óc mẹ mới vội lôi tụt các con xuống hầm tránh đạn dưới gầm giường. Đêm mất ngủ, ngày mẹ vẫn tất bật lam lũ với ruộng đồng. Hạt gạo làm ra từ những ruộng lúa tưới nước trời, mỗi năm một mùa; dẫu mẹ cha có luôn tay bươn chải vẫn không cách chi đủ ăn. Một gia đình có tới bảy miệng ăn, mà ruộng thì chỉ có hai ba sào, làm rẽ cho các nhà quyền thế, giàu có; ăn chia theo kiểu tứ lục (làm rẽ bốn, chủ sáu). Năm nào được mùa, trúng lắm nhà cũng chỉ thu được vài ba tạ thóc là cùng. Mỗi bữa ăn dọn ra, nhìn nồi cơm độn hai ba phần khoai sắn, vừa ăn được chừng hai lưng bát, bụng còn trống, miệng còn thèm … thì đã nghe tiếng vét nồi “rột roạt”.
Cái đói cứ hoàn hoành nhà tôi từ năm này qua tháng nọ. Cứu cánh cho cả nhà bây giờ không gì hơn là khoai sắn. Nhưng “củ khoai ăn hoài phát ngán”, chỉ có sắn mới có thể đắp đổi cho cả nhà vượt qua cái đói quay quắc, cùng cực. Để có cái ăn, không chỉ nhà tôi mà cả dân làng ra sức cuốc đất trồng sắn. Sắn trồng trên đất gò, soi cát, ven sông suối và đồi núi… có thể. Năm nào được mùa, phải khoanh bồ giữa nhà để làm chỗ chứa. Nhờ những bồ sắn lát khô, nhà tôi và dân làng “lây lất” đắp đổi lúc giáp hạt, những năm hạn hán mất mùa và cực nhất là phải đương đầu nạn đói do những trận càn quét, đốt phá của Mỹ – ngụy. Có năm, Mỹ dùng chất độc di-ô-xin hủy diệt sự sống, sắn chết rũ rục. Cả làng chỉ biết ngước mặt kêu trời: “Giặc Mỹ! tụi bay còn độc ác hơn cả cọp beo trên rừng”.
Lúc bấy giờ, củ sắn là sự sống, là “phép mầu” cứu đói không những cho đồng bào miền núi mà còn cho cả bộ đội, du kích và người dân vùng tạm chiếm. Ngày ấy, đói bữa, ai gặp vùng có trồng sắn, khi nhổ lấy củ ăn, mọi người đều nhắc nhau phải lập tức trồng lại để giữ lấy cái ăn. “Sắn non ăn lá, sắn già ăn củ” là vậy. Trồng kiểu gối đầu, có năm được mùa, sắn nhiều ăn không hết. Những rẫy sắn ở xa mọc lẫn với cây rừng, củ sắn nằm dưới đất hai ba năm; khi đào củ to, có lõi, nặng tới 5-7 ký.
          Còn nhớ năm 1965, cả nhà bỏ làng chạy giặc lên ở Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân); cha tôi luôn đi xa với đoàn dân công mã tải, mẹ ở nhà phải “gồng gánh” một đàn con nheo nhóc, đứa lên năm, lên ba. Không có gạo ăn, Mấy mẹ con chỉ biết nhờ vào củ sắn . Với tài khéo léo bếp núc, mẹ phải xoay trở từng bữa mà nguyên liệu chính, quay đi quay lại chỉ có sắn… với sắn. Sắn đào về, dùng đòn kê chặt lát, phơi dưới nắng gắt ít nhất là ba ngày, phòng sẵn trong nhà. Ngoài những bữa sắn luộc, sắn lùi, sắn vếch ăn dặm lúc nửa buổi, xế chiều. Mẹ  còn nghĩ ra những món đổi bữa, bắt miệng mà không ngán như: Bánh tráng sắn cuốn rau sống, bánh tai vạc nhân đậu, bánh luộc xào hẹ, sắn bột hấp cơm, sắn hầm xáo với đậu đen, đậu phộng… Lo chạy bữa cho các con, ngày ngày bà phải loay hoay, hì hục giã sắn, rây bột. Mỗi lần giã được thúng bột, tóc tai mặt mũi của mẹ nhuốm bột mốc rụi, thấy mà thương! Mùa đông, không phơi được sắn trước khi giã, những lát sắn khô cho vào cối trở nên “chai lỳ”; chày cối cứ nện thình thịch, nhưng lát sắn dai kìn kịt, bể đôi bể ba, trơ ra và ít bột… làm cho lòng bàn tay mẹ luôn chai sạn, phồng rộp.
          Ăn sắn riết lâu dần thành “nghiện”, hình như các em tôi quên “mơ” tới những bữa cơm với cá. Năm ấy, thấy tình hình chiến sự có phần lắng xuống, mẹ tôi dẫn đàn con từ Kỳ Lộ chui đường rừng trở về làng cũ. Gặp lúc trúng lúa rẫy, bác tôi mừng cả nhà đoàn tụ, cho nấu một nồi cơm gạo lúa sấy (lúa phơi gác bếp) ăn với cá kho. Các em tôi cứ ngây mắt, nhìn bát cơm không độn sắn như một thức gì lạ lẫm và như chưa bao giờ được ăn. Thấy vậy mẹ tôi giục bảo: Lâu rồi mới được ăn “hột ngọc” đó con, cứ ăn một bữa cho đã, bù lại những ngày qua chỉ có sắn với rau rừng. Các em tôi ngần ngừ, rồi dùng đũa gắp cơm cho vào miệng, rơi hột trong, hột ngoài, thấy mắc cười … mà ứa nước mắt…!
          Cũng trong năm đó, bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào trú ở nhà dân, nghe người lớn gọi họ là bộ đội “nghĩa vụ”; họ vào chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công  Mậu Thân 1968. Nhà chật, các chú ra vườn mít mắc võng để ngủ, nghỉ. Tôi mãi mê theo các chú để được vuốt ve những khẩu súng có gắn lưỡi lê sáng quắc, (AK, CKC) vì lần đầu tiên trông thấy. Có chú nói giọng “trọ trẹ” khó nghe, hay gọi nội tôi bằng “mạ”; sau này tôi mới biết các chú là dân Hà Tĩnh, Nghệ An. Chiều năm ấy, chuẩn bị cho đêm đánh đồn, các chú cũng ăn bữa cơm độn bột sắn lát khô với canh chua lá dang “lỏng bỏng”, chỉ có muối với mì chính. Vậy mà các chú vẫn chan húp, nghe sùm sụp, ngon lành. Ai nấy vẫn vui vẻ nói cười, gọi đây là bữa cơm với canh “toàn quốc”. Nội tôi ngồi nhai trầu, chậc lưỡi: “Tội nghiệp tụi nó quá, tối nay đánh đồn, không biết ai còn ai mất, nhà chẳng có gì ngon cho chúng nó ăn một miếng… thấy mà tủi”. Trận đánh tối hôm đó, nghe nói quân ta tiêu diệt được nhiều đồn bót, thu nhiều chiến lợi phẩm nhưng bộ đội mình có ba người đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất núi, nơi mà lần cuối, họ chỉ được ăn bữa cơm chiều độn sắn…

          Chiến tranh đã lùi xa, ai đã từng trải qua những năm tháng dài sống nhờ củ sắn, rau rừng chắc hẳn sẽ không quên một thời “đói lòng nhớ lát sắn khô”. Riêng tôi, cứ nhớ mãi và biết ơn về một thế hệ cha ông đã kiên cường, với sức mạnh diệu kỳ “ăn sắn thắng Mỹ”. Củ sắn thời ấy thật vô cùng ý nghĩa, khi đã góp phần xây đắp một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Mạnh MinhTâm