SÔNG HINH NÊN MỞ HƯỚNG PHÁT TRIỂN
LOẠI HÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG HOMESTAY
Mạnh Minh Tâm
 
  
      Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở nước ta từ năm 1997. Trải qua hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân địa phương trên mọi miền đất nước. Bắt đầu từ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài muốn tự khám phá và tìm hiểu văn hóa ở Việt Nam, các công ty lữ hành đã tìm hiểu và xây dựng nên những điểm du lịch cộng đồng. Hiện nay các công ty du lịch có rất nhiều lựa chọn cho tour du lịch như Sín Chỉa, hồ Ba Bể, vuờn Quốc gia Bến En, Sapa, Huế…Du khách sẽ tìm thấy những giây phút yên bình với phong cảnh thiên nhiên hoang dã ở đó.
       Homestay là một thuật ngữ mới trong du lịch cộng đồng để chỉ hình thức khách du lịch cư trú tại nhà của người dân địa phương. Du lịch homestay, thường là những khách nước ngoài đã quá quen thuộc với cảnh sống phồn hoa đô thị nên họ muốn tìm về những nơi nguyên sơ hoang dã để khám phá những nét mới lạ; trước là được hòa mình, thả hồn trong không khí trong lành tĩnh mịch của rừng núi, đồng quê – những nét đẹp còn giữ vẻ hoang sơ, kỳ thú của thiên nhiên và nhất là được tìm hiểu những nét đặc sắc văn hóa bản địa (lễ hội, phong tục tập quán, ý ăn nết ở của người dân địa phương…).
      Tất nhiên, ở đây là những nơi hầu như chưa hoặc không có đủ điều kiện để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng quán ăn phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Do đó du khách rất thích thú được sống với khung cảnh: đi bộ, leo núi “lội sông, băng rừng”, ở nhà sàn Chăm h’roi, nhà rông của đồng bào Bana, nhà dài của Êđê; lạ miệng được thưởng thức những bữa cơm gạo đỏ, thịt trâu gác bếp, thịt bò nấu cay mặn, canh chua gà lá dang, uống rượu cần nếp quạ… thong dong đây đó, thư thả tâm hồn, vui thú điền dã mà không vướng bận những lo toan suy tính hối hả, bon chen thường nhật …Đây chính là điểm hẹn, là mục đích của loại hình du lịch homestay.
       Sông Hinh với lợi thế là một huyện miền núi, có diện tích đất đai rộng lớn (88.460 ha), chiếm gần 30% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; địa hình bằng phẳng như một thảo nguyên lộng gió, phong cảnh thiên nhiên sông suối, núi non kỳ vĩ; có trên 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm gần ½ dân số. Sông Hinh bốn phía đều là núi, đỉnh cao nhất là Chư Ninh (1.035m). Có nhiều cảnh đẹp thơ mộng với con sông lớn nhất là Sông Ba chảy dọc theo ranh giới phía bắc với huyện Sơn Hòa, có hồ thủy điện và nhiều nhánh sông rẻ, các khe suối chảy ra từ những đỉnh núi cao. Ngoài ra, có hồ Trung tâm ở thị trấn Hai Riêng, Bầu Hà Lầm ở xã Ealâm, hồ Tân Lập, hồ Cảnh Tây, Hồ Eađin ở xã Eabar, thác H’Ly ở buôn Kít… Và đặc biệt là vùng tam giác: Thủy điện Sông Hinh – Thủy điện Sông Ba Hạ – Thủy điện Krông Năng sẽ góp phần hình thành vùng du lịch sinh thái đa dạng. Sông Hinh còn là nơi có nhiều động vật quý hiếm, từ xa xưa đã đi vào ca dao thành ngữ “Cọp núi lá, cá Sông Hinh”…là những điểm nhấn ấn tượng, không phải nơi đâu cũng có, là tiềm năng, lợi thế cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng homestay.
       Song điều quý nhất là Sông Hinh có trên 17 dân tộc anh em, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa sắc, đa hình và độc đáo; trong đó dân tộc Êđê chiếm 1/3 dân số, được mệnh danh là xứ sở của trường ca của vùng đất miền tây Phú Yên. Qua khảo sát dân tộc học, tác giả “Các dân tộc thiểu số Phú Yên” (Nguyễn Quốc Lộc – Vũ Thị Việt) đã từng nhận xét: đáng chú ý là trường ca ở đây còn “nguyên chất” hơn cả. Với một không gian phong phú về bản sắc văn hóa, những màu sắc của từng dân tộc là tài sản chung của các dân tộc anh em. Đó cũng là những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ mà khách du lịch homestay rất thích khám phá và tìm hiểu.
      Điều hấp dẫn đối với khách du lịch homesay là đến với đồng bào của từng buôn làng; từ sáng sớm tinh mơ, cho đến đêm khuya thanh vắng du khách có thể nghe đủ mọi thứ âm thanh, âm nhạc như tiếng dìu sáo réo rắc lưng trời, tiếng đàn tơ rưng vang vọng từ suối nước, tiếng mõ đuổi chim bằng sức gió từ các chòi rẫy, tiếng véo von của các loại sáo dọc, sáo ngang của những chàng trai dùng để nói lên tiếng lòng mình với các sơn nữ; tiếng đàn tính của dân tộc Tày, đàn Tơ rưng, đàn Klôngpút ngân vang của dân tộc Êđê. Và nhất là du khách được thưởng thức các dòng cồng chiêng Aráp của dân tộc Êđê, trống đôi, cồng ba, chinh năm của dân tộc Bana- chăm Hroi. Đến đây, du khách tha hồ tìm hiểu những tiếng cồng chiêng chứa đựng nhiều màu sắc âm điệu: Chiêng báo tin vui, chiêng của dân làng săn đuổi thú, được mùa; chiêng trong lễ thổi tai mừng trẻ sơ sinh đầy cữ, chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, tiếng cồng chiêng xua đuổi thú dữ khi phá rẫy nương; cồng chiêng thúc giục trai tráng dân làng xung trận khi có chiến tranh và cổ vũ mọi người chiến đấu quên mình vì sự tồn vong của cộng đồng dân tộc…
       Thật vui thú, được tự do, tự khám phá, trải nghiệm những điều mới lạ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”; được tìm hiểu các lễ hội truyền thống, lối sống, tập quán của từng dân tộc; được xem đan gùi, đẽo tượng và nhất trực tiếp xem đồng bào dệt thổ cẩm. Nhiều khách nước ngoài họ rất mê và trầm trồ thán phục về tài nghệ dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ Êđê, Bana, Chăm H’roi; bởi họ vừa là người thợ dệt, vừa là thợ may và là thợ thêu; họ vừa là thợ thợ thủ công đồng thời cũng là một “nghệ sỹ”. Đến với đồng bào các dân tộc Sông Hinh du khách sẽ tìm thấy chất nghệ sỹ độc đáo của dân làng miền sơn cước. Nhìn những tấm khố, chiếc váy bền và đẹp là sản phẩm khéo tay, kiên trì của những người phụ nữ; những chiếc gùi trau chuốt xinh xắn là sản phẩm tỷ mỉ của các cụ già; những sản phẩm kỳ thú vườn tượng nhà mồ, sản phẩm cung ná mà tác giả chỉ là những người dân không qua trường lớp…
      Sau một ngày được tiếp xúc với những con người thân thiện, chất phát, cởi mở của người dân địa phương, được hòa mình vào phong cảnh hữu tình của buôn làng. Đêm về được say lòng bên ché rượu cần cùng với những làn điệu hát khan, trường ca, hát then; được thưởng thức tiếng kèn môi, đàn tính và được nắm tay múa xoan với các sơn nữ vui vầy bên ánh lửa trại bập bùng, rộn rã tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, chiêng Aráp…
      Toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với phong cảnh sông núi trùng điệp của Sông Hinh chắc chắn sẽ lôi cuốn khách du lịch. Đặc biệt là rất phù hợp với loại hình du lịch hoestay.
      Để xây dựng và phát triển loại hình du lịch này, Sông Hinh cần hỗ trợ xây dựng các công trình CSHT quy mô nhỏ tại các xã thực hiện dự án du lịch cộng đồng, ưu tiên phát triển du lịch gắn với y tế, giáo dục, giao thông, nước sạch… nhằm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo. Hỗ trợ, thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn lực tự nhiên và văn hóa. Triển khai chương trình đào tạo, hướng dẫn cán bộ quản lý và người dân tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống. Trong đó chú trọng hơn cả là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để tiến tới xây dựng các làng du lịch chứa đựng các tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc của cộng đồng bản địa. Xây dựng mô hình điểm làng văn hóa du lịch dựa vào các tiêu chí như: Làng có cảnh quan đẹp, môi trưòng trong lành; làng giữ được những nét bản sắc dân tộc, có đội văn nghệ dân gian biểu diễn phục vụ khách; làng có nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mang phong cách tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số; khôi phục và khuyến khích nghệ nhân phát triển nghề thủ công mỹ nghệ; tạo những mặt hàng này trở thành hàng hóa, vật lưu niệm đặc sắc làm da dạng hóa sản phẩm du lịch Sông Hinh./.