src=http://www.quangnamtourism.com.vn/vn/images/docdaodoco_4.jpg


Có những con người trở thành khoảnh khắc khi người ta vô thức chạm vào. Nó gần giống như một định mệnh, khi những con người nhìn thấy nhau và bất giác trở thành kí ức trong nhau.Tôi thích cái cảm giác của định mệnh ấy, nó giống như tôi đã tìm kiếm một ai đó để có thể ghi lại, chép lại, chụp lại một điều gì đó tôi cho rằng đặc biệt trong cuộc sống tẻ nhạt của mình.
Đứa bé ấy, nó trông rất cô đơn. Tôi thấy nó hầu như mỗi ngày vào mỗi sáng tôi đi làm. Nó chẳng xinh như những đứa trẻ cùng tuổi, cũng chẳng đáng yêu, bụ bẫm để người ta có thể yêu chiều, cưng nựng, trông nó gầy đét, đen nhẻm đến tội.Sáng nào cũng đều đặn, tôi thấy nó dắt chiếc xe đạp còn lớn hơn cả người nó, tay mang một cái cà mèn, có vẻ là đựng cơm trong đó, đi về một nơi nào xa lắm. Guồng quay công việc bận rộn nên tôi cũng chẳng có nhiều thời gian chú ý tới nó, cho tới một ngày vô tình nó ngã trước mặt tôi.Chiếc cà mèn cơm bỗng tung tóe trước mặt tôi, và vô thức tôi đưa tay ra đỡ nhưng nó vội rụt lại như thấy điều gì đó đáng sợ lắm. Rồi nó khóc ré lên trước tôi cứ như tôi là người có lỗi vậy. Tôi giúp nó thu dọn chiếc cà mèn, trong đó không có gì ngoài cơm trắng,v ài miếng dưa chuột muối và ít xì dầu.
– Em mang cơm đến đâu vậy? Để anh đưa em đi nhé.
Nó chỉ lúc lắc đầu rồi đi thẳng. Bất giác, tôi bỏ dở công việc của mình mà đi theo nó. Nó tới bệnh viện và có vẻ cà mèn cơm ấy thuộc về người mẹ ốm đau đang nhập viện của nó.Bỗng dưng trong tôi dấy lên một cảm giác hối lỗi gì đó không rõ nguồn cơn, cái cảm giác một đứa bé vô tình làm đổ cà mèn cơm cho mẹ nó ngay trước mặt mình mà mình không làm gì được. Có lẽ thế. Và nó nặng nề hơn tôi tưởng nhiều.
Sau lần đó tôi chú ý đến nó hơn. Cứ ví như khi có một đứa bé con nào đó cứ mỗi sáng nức mắt đã vội chuẩn bị tất cả cho người mẹ đang bệnh để lại dư chấn trong lòng tôi vậy.Lần thứ hai khi tôi gặp nó đang khoác trên mình chiếc áo có màu cháo, mang khăn quàng đỏ hẳn hoi, ra dáng một cô bé độ 11-12 tuổi, nhưng trông nó quá bé nhỏ so với những cô cậu bạn cùng lứa, đến trường. Thấy tôi, nó sững lại, rồi cứ như ngại ngùng chuyện gì đó, trông nó già hẳn đi:
– Em xin lỗi bữa khóc tu tu trước anh.
Cái điệu nó xin lỗi trông đến là buồn cười, cứ tỏ ra mình lớn lắm nhưng ngôn ngữ thực trẻ nít.Tôi bất giác chú ý đến những vết thâm trên tay nó.
– Tay của em?
Nó vội rụt lại rồi chạy biến vào trường. Bỗng dưng tôi thấy lo. 
— Ba nó đánh nó đấy. Kể từ ngày mẹ nó bệnh, ba nó chè chén miết. Ổng cứ suốt ngày lê la đầu đường xó chợ, bỏ con nhỏ quần quật. Mình con nhỏ phải lo cho mẹ, rồi đi làm thêm đọn dẹp nhà cửa tất.- Cô hàng nước phe phẩy quạt nói với tôi.
Trong lòng tôi dấy lên nỗi thương cảm giành cho một người dưng. Bấy lâu nay nó với tôi ở cùng xóm, nhưng tôi thì công việc tối ngày không có thời gian chú ý tới những gì xung quanh chòm xóm. Nhà nó ở cuối xóm, thực cứ như một túp lều, chỗ để hai cha con nó chui vào.Ba nó đạp xích lô cả ngày, tối lại say xỉn với mấy anh chàng rỗi hơi trong xóm.Có bận đi làm về, xóm tôi kéo thành bè lũ vây quanh, có cả những tiếng la ó, chèo kéo thấy rát thương. Tôi lại gần xem thì thấy một người đàn ông mặt đỏ gay vì nắng, vì say đang đánh một đứa nhỏ trông rất thảm. Tôi chợt nhận ra đứa bé đó là nó. Cùng với nhiếu thanh niên, đứa cản ông ta, đứa kéo đứa bé lại bảo vệ nó trước người cha, nó khóc trông rất dữ, rồi giằng tay mọi người bỏ chạy.Tôi bất giác chạy theo.
– Em, em đứng lại đã, đừng chạy nữa em.
Nó lại đứng khóc, gào giữa bầu trời, phải mất một lúc lâu nó mới bình tâm lại, giọng nó ráo hoảnh:
– Em ổn mà anh.
– Ổn thật không bé?Sao nãy em khóc dữ thế? Ba làm em đau à?
– Em đau vì điều khác cơ.- Nó cố nuốt nước mặt đang chực trào ra khóe mắt, lại còn hơi ưỡn ngực lên như mình đã rất lớn rồi- vì họ làm ba em đau, khi họ cản ba đánh em,họ làm ba đau.
Tôi như sững lại. Cả dáng vẻ và giọng điệu đều rất trẻ thơ, một tình yêu thuần khiết ngả trên cánh đồng hoang hoải những triền hoa màu tím
– Em rất thương ba, dù ba đánh em như thế sao?
– Em thương ba lắm, vì ba buồn và lo lắng cho mẹ thôi anh ạ.
– Thế còn em?- Tôi muốn hỏi nhưng giọng đứt quãng nơi đầu môi.
Từ dạo ấy có vẻ như nó ngại khi nói hết lòng mình nó tránh gặp tôi, mà cũng có lẽ vì việc học và đi làm khiến nó quần quật cả một trời tuổi thơ của nó. Thi thoảng có vài tiếng ồn ào cất lên, tiếng trẻ khóc tôi lại nghĩ ngay tới nó mà cầm lòng mình lại. Chỉ còn thói quen cứ mỗi sáng sớm nhìn nó bé loắt choắt đang đạp chiếc xe đạp trở thành việc đầu tiên tôi làm mỗi sớm hôm. Bẵng đi ít lâu nữa, gặp lại nó tôi thấy trên đầu nó phủ vành tang trắng. Mẹ nó mất. Có lẽ điều đó để lại nỗi đau rất lớn cho cả hai cha con nó đến độ nước mắt hai người uất nghẹn không thể rơi. Ngày tang tóc trôi qua lặng lẽ. Tôi bắt gặp người cha đang ngồi rít những điếu thuốc trong hàng nước ven đường. Chẳng vì lẽ gì tôi tạt vào. Và chẳng vì lẽ gì câu chuyện lại xoay quanh nó. Người đàn ồng ấy, trên người vẫn ngập mùi rượu, chỉ có đôi mắt là thứ duy nhất trông rất tỉnh.
– Nó tên là Ga. -Người đàn ông bắt đầu câu chuyện như thế- Chẳng phải tôi muốn đánh nó hay không thương nó đâu. Tôi bất lực cậu ạ. Cứ nhìn mình tôi lại bất lực, và khi say vào tôi không làm chủ được mình nữa.
Người đàn ông thậm chí còn chẳng nhìn tôi, ông cứ kể như đang thèm được kể cho ai đó nghe mà thôi.
– Em ấy đã rất đau đáy chú.
– Tôi biết, đau đến độ đám tang mẹ nó nó còn không khóc.
– Em  ấy trông rất cứng rắn.
– Không phải vì nó cứng rắn đâu mà nó biết dù nó có khóc tôi cũng chẳng thể an ủi nó được.
– Chắc nó cũng chẳng còn thương tôi nữa cậu ạ. Nhưng vì lời hứa với mẹ nó,nó phải lo cho tôi thôi. Mẹ nó mất rồi, chuyện nó đi chỉ là sớm hôm thôi.
Cuộc nói chuyện kết thúc khi người đàn ông ấy chìm trong biển sương mù cuộc đời với những bước đi rệu rã.
Tiếng giằng co. Tiếng bước chân dồn dập. Tiếng khóc rền vang cả một bầu trời. Những tiếng nấc vang lên và cả tiếng tuýt còi của một anh dân quân nào đó. Tất cả bỗng chốc kéo xóm nhỏ của tôi thoát khỏi màn đêm.
– Chuyện gì vậy cô?- Tôi bon chen hỏi.
– Ba con Ga đánh nó thâm tím mặt mũi kìa. Bà dì nó hết chịu nổi rồi, báo công an luôn. 
Tiêng con Ga khóc mỗi lúc một to hơn. Xung quanh vài tiếng nói nhỏ nó bị ba nó đánh đau lắm mới khóc dữ thế, chỉ có tôi là im lặng nghe tiếng khóc thành người. Bỗng, khi tất cả chuẩn bị ba nó đưa nó đi. Con Ga nhảy vào rất nhanh, ôm kéo giằng co ba nó, nó kéo cổ ba nó xuống rồi ôm chặt, trông nó nhỏ bé đến độ nó đu trên người ba nó như sinh linh nhỏ bé. Cái điệu ôm của nó và miệng luân phiên đừng có bắt ba của con, đừng bắt ba con, ai bắt ba con, con ghét người đó luôn. Dần dần đám đông mới buông ra, chỉ còn ở đó, đứa nhỏ khóc luân hồi và người cha đang ngồi phịch xuống đất, bất động.
Thế nhưng dư chấn vẫn còn, người dì nhất quyết mang con nhỏ về nuôi. Và có lẽ cái ngày nó đi là cái ngày mà tôi rơi nước mắt nhiều nhất. Dì nó giằng co kéo nó ra khỏi tay ba nó, mà thậm chí người đàn ông ấy cũng không-dám giữ. Nhìn ông, tôi thấy thương, vì có lẽ ông biết những cơn say sẽ làm con gái ghét mình rồi. Con Ga, nó nhìn ba nó, nó khóc, nó tru tréo cả lên, nó đánh vào tay dì nó bồm bộp.
– Ga, về với dì ngay, con chưa trắng mắt ra à? Mẹ con một đời khổ vì người đó rồi đấy.
Nó đứng ở giữa, im lặng không nói, nước mắt cứ tuôn trào.
– Dì, con muốn ở với ba.
 – Ở cái gì mà ở. Ở mà đói rách, mà khổ sở thế à?
Người đàn ông im lặng, bà dì tiếp:
– Không có đôi co cãi qua cãi lại nữa, con về ở với dì. Bị đánh cho lả người còn chưa trắng mắt ra hả con?
Dường như câu nói này mang tính quyết định đến nỗi tôi thấy Ga co rúm người lại, còn người đàn ông bất giác ngẩng lên, hai mắt mở to rồi cúi xuống với vẻ mặt đầy xấu hổ. Không gian cô đặc lại. Bỗng, con bé, không nói không rằng, tay quệt nhanh nước mắt, tiến lại phía ba nó, ôm chặt lấy cổ ông, nói nhỏ: Ba à, con muốn ở với ba.Người cha ngỡ ngàng rồi ôm chặt lấy con gái của mình…Thứ cuối cùng tôi thấy chỉ là việc một cô bé nhỏ thó trong vòng tay ba nó, miệng ngậm chặt không muốn khóc trước quyết định quan trọng của mình. Đôi vai nó còn run rất nhiều, có lẽ vì nó hãy còn kính sợ trước đòn roi.
Rất lâu sau, tôi mới bắt gặp lại cô bé ấy. Vẫn là một cô bé vụng về đi ngang qua làm đổ cà mèn cơm trước mặt tôi. Lần này con bé cũng òa khóc, nhưng ngay khi con bé khóc, có một người đàn ông chạy ra vỗ về, ừ thì giờ nó đã có thể khóc, vì bây giờ có ba nó dỗ dành. Tôi thấy trong nước mắt con bé nở nụ cười mãn nguyện…