/
.
Nguyễn Văn Giai (1933-2010) với bút danh là Việt Thương, nguyên là Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn. Ông cũng là một trong những thành viên khai sáng và chủ nhiệm đầu tiên CLB văn học Xuân Diệu (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh).
Tập thơ Miền sâu thẳm (Nxb.Văn học, tháng 10.2015) của Việt Thương là tiếng lòng sâu thẳm của tác giả dành cho quê hương, đất nước, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, gồm 74 bài thơ được tuyển lọc từ gần 2.000 bài trong di cảo. Đó là tình yêu thiết tha quê hương miền Nam xa cách gắn liền với lòng căm thù giặc cháy bỏng: Cha có dặn khi con về quê cũ/ Đừng hỏi nhà: – Nhà cháy trụi từ lâu! (…) Đừng có hỏi người xung quanh. Vô ích. Tiếng đại bác, tiếng xe tăng gầm rú. Và nếu con xứng đáng với con người/ Dũng cảm đứng, dám xông lên phía trước (Lời dặn). Chắc phải có một lý do nào trong sâu thẳm, tác giả dành rất nhiều bài thơ cho vùng đất, con người Tây Nguyên (Tiếng sét Tây Nguyên, Truyền thuyết Tây Nguyên, Chia tay Tây Nguyên). Với ông, gia đình là chỗ dựa vững chãi cho sâu thẳm lòng mình. Ông tình nghĩa, thủy chung với vợ:
Nào đâu ai biết ai ngờ/ Nhìn em anh tưởng bài thơ cuộc đời (Sắp xa). Ông hết lòng vì con, như dành cho Hướng Nam, đứa con đầu nhiều bài thơ, gắn với từng bước đi của con, đặc biệt khi con vào quân ngũ (Tiếng khóc chào đời, Thương con, Thăm con, Con được về thăm nhà, Con lại về thăm).
Đọc Miền sâu thẳm, lòng ta như lắng lại trước bao ngọt đắng và thăng trầm, say mê và mâu thuẩn tự sâu thẳm trong lòng cùng với tác giả. Nhưng vút lên vẫn là một hồn thơ trong sáng, như chính câu thơ của Puskin trong bài Đài kỷ niệm, mà sinh thời ông đã dịch và yêu thích: Vì thơ tôi gợi cảm tình trong sáng.      
Khả Xuân