/

Không biết từ bao giờ, con người đã hình thành nên một lối sống ích kỉ, thực dụng, chỉ biết toan tính có lợi cho mình mà không nghĩ đến lợi ích của người khác!
Cá biệt, có một số người được giúp đỡ, nhưng họ không hề cảm ơn hay tỏ ra cảm kích người đã giúp mình. Tôi xin kể về vài trường hợp mà tôi đã được nghe, được thấy…Một bác chạy xe ôm than thở với tôi : Khi tôi đang ngồi trên xe chờ khách, một cặp nam nữ trẻ đã đến hỏi đường và tôi đã tận tình chỉ dẫn, sau đó họ quay lưng đi thẳng một mạch. Tôi bèn gọi họ quay lại, mắng họ tại sao không biết cảm ơn tôi một câu, tại sao lại bất lịch sự và vô ơn thế thì họ xin lỗi…Một lần khác, khi tôi đang chạy xe trên đường, một thanh niên phóng vọt lên trước và quệt vào tay lái tôi làm tôi suýt ngã, anh ta chỉ quay lại nhìn tôi rồi tiếp tục phóng xe đi. Tôi chạy theo và mắng anh ta mấy câu… Tôi bảo bác xe ôm : Bác ơi, thời buổi bây giờ nhiều bọn côn đồ lắm. Báo chí đăng tin hoài, đi đường mà va quệt xe và cãi cọ, gây gổ là bị đâm, chém đến chết! Bác không sợ sao? . Bác xe ôm gân cổ lên : Tôi việc gì phải sợ chúng, tôi phải dạy cho bọn mất dạy ấy một bài học mà cha mẹ chúng không biết dạy con!. Tôi đành phải im vì bác ấy thật nóng nảy và chỉ bảo vệ ý kiến của mình!
Bản thân tôi đi thường đi tập gym buổi trưa, vì giờ đó rất vắng, chỉ có vài người tập nên rất yên tĩnh, thoải mái (họ không mở nhạc xập xình…). Một ngày nọ, bỗng có một em gái đang tập trên máy chạy bộ, bỗng ngã lăn ra đất. Tôi hốt hoảng chạy đến đỡ em dậy và hỏi : Em có sao không? Có đau ở đâu không?. Cô gái nói : Không sao! rồi lẳng lặng leo lên máy tập tiếp. Tôi hơi bị sốc khi không nghe em cảm ơn được một tiếng! Lại có lần, tôi đi ngân hàng làm một số thủ tục, có một cậu thanh niên đến bên hỏi mượn tôi cái bút (vì các bút gắn ở bàn đã được khách sử dụng hết). Cậu ấy viết xong xuôi rồi trả tôi, nhưng cũng không buồn cảm ơn một lời! Tôi lại được dịp sốc lần nữa!Thì ra, lớp trẻ thanh thiếu niên hiện nay đã mắc chứng bệnh vô cảm (không hề cảm động hay biết ơn những người đã giúp đỡ họ. Lỗi này thuộc về ai? Xã hội, gia đình hay nhà trường?)
Thời gian trước tôi có học Anh văn ở một lớp riêng của một Việt kiều. Lớp học tiêu chuẩn nên chỉ có khoảng 10 học sinh, trong đó đặc biệt có một cô gái khoảng 27 tuổi,  dáng người mảnh khảnh, ăn mặc rất sành điệu…Cô nói tiếng Anh cũng khá và vì cô xinh xắn, ưa nhìn nên ông thầy cũng đặc biệt chú ý. Sau này tôi mới biết cô là ca sĩ ở phòng trà, có cái tên rất gợi cảm : Yến Xuân! Tôi nghe ông thầy kể ông thường đến nghe cô hát mỗi tối nên tôi cũng rất tò mò về giọng hát của cô. Xuân khoe với cả lớp cô sắp ra một Album. Chúng tôi reo lên thích thú : Nhớ tặng một CD nghe ! thì Xuân nói : Các bạn nhớ mua ủng hộ mình nhé!. Oh my God! (cụm từ mà người Tây Âu thường dùng khi gặp sự cố) . Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi trong đầu cô ấy nghĩ gì? Tiền? Người ta chỉ kiếm tiền, kinh doanh đối với những người không quen biết; còn người thân, quen thì người ta chỉ tặng không chứ ai lại lấy tiền bao giờ! Sự vô cảm của cô ấy còn thể hiện qua một việc làm tôi rất bất ngờ và đau lòng: tôi và Xuân cùng đăng kí học lái xe hơi với ông thầy. Tôi đã đóng trước mấy triệu cho ông ấy nhưng Xuân chỉ mới đóng một nửa. Trong quá trình dạy, chiếc xe hơi quá cũ của ông ấy thường chết máy giữa chừng, khiến tôi đang lái bon bon ở trên đường bỗng bị dừng lại, làm ùn tắc giao thông và ông thầy phải nhảy vào cầm tay lái thay tôi. Ông tỏ ra bực bội, cáu gắt với tôi trước mặt Xuân. Cuối buổi tập, tôi nói với Xuân : Chị không tiếp tục học nữa bởi chiếc xe quá cũ, ông thầy cũng không lịch sự với học trò, số tiền chị đã lỡ đóng cho thầy Xuân có thể dùng không cần phải đóng thêm cho thầy nữa nhé!. Và tôi cũng nói việc tiền nong cho ông thầy nghe. Tôi không ngờ, từ sau bữa đó Xuân không hề gọi điện cho tôi một lần nào , dù cô ấy và các bạn đã hẹn đến nhà tôi chơi trước đó! Chí ít, tôi đã chơi đẹp với Xuân, khi tôi nghỉ học tôi cũng đã tặng số tiền học phí đó cho Xuân, thì Xuân cũng nên gọi điện thoại hỏi thăm và an ủi tôi một câu, nhưng Xuân đã vĩnh viễn xem như tôi không hề tồn tại trong cuộc sống của cô ấy! Thái độ, cách cư xử của Xuân không có một chút tình người! Tôi đã có ấn tượng rất xấu về cô ấy! Một người có sắc, có tài, nhưng không có đạo đức thì sẽ ra sao? Nhiều năm sau, tôi nghe kể Xuân đã quen một nam danh ca ở hải ngoại . Ông đã rất lớn tuổi, ly dị vợ và về nước để thăm thân nhân. Ông thường lui tới phòng trà nên đã quen Xuân, yêu rồi cưới Xuân. Tôi còn được xem một đĩa DVD có Xuân hát. Thì ra, nam danh ca đó đã cưới và bảo lãnh Xuân qua Mỹ, giới thiệu cho Xuân đi hát. Không lâu sau đó, báo chí đưa tin nam danh ca đã ly hôn với người vợ trẻ. Tôi không hề ngạc nhiên dù chỉ một chút! Một con người sống thực dụng, vô tình vô nghĩa như cô gái ấy, chỉ nhăm nhe kiếm lợi cho mình, xong đâu đấy thì rũ bỏ không thương tiếc ai, thì việc cô đã tìm cho mình một quốc tịch rồi đá người bạn đời cũng là điều hiển nhiên!
Báo chí cũng thường viết về nạn hôi của. Khi thấy người ta gặp hoạn nạn là ùa ra để giật đồ, giật tiền cho riêng mình! Lại nữa, khi thấy người bị tai nạn thì đứng trơ ra nhìn, không biết giúp đỡ…Có thể, có một số người sau khi đưa nạn nhân vào bệnh viện cứu chữa, bị người nhà nạn nhân tưởng là kẻ gây tai nạn nên đã đánh đập tơi bời…Chúng ta phải rút kinh nghiệm : sau khi đưa nạn nhân vào bệnh viện, ai bảo ta còn đứng đó cho bị hiểu lầm và đánh đập? Cứu người là chính nhưng cũng phải cứu chính chúng ta để cho lòng tốt và nghĩa cử đẹp được mãi mãi phát huy và toả sáng!  

Một lần khi tôi đang ở Sydney. Tôi mua một đôi bông tai và ra quán nước ngồi nhâm nhi đồ uống và ngắm nghía đôi bông mới mua. Tôi đeo thử vào tai nhưng không thành công. Loay hoay mãi đến toát cả mồ hôi, tôi bèn cầu cứu một phụ nữ Úc. Bà ấy rất vui vẻ khi đeo bông tai cho tôi và khi tôi cảm ơn và mời bà uống nước thì bà từ chối. Lần khác, tôi đi một mình đến một vùng xa lạ với rất nhiều bỡ ngỡ… Lúc ra khỏi tàu điện ngầm tôi đến bắt chuyện làm quen một phụ nữ Úc lớn tuổi. Bà hướng dẫn cặn kẽ về đường lối cho tôi rồi hỏi han tôi rất lâu. Tôi mời bà vào một Plaza lớn để uống nước. Bà điềm nhiên kêu thêm bánh ngọt, rồi lát sau trả tiền cho nhân viên phục vụ trước ánh mắt ngỡ ngàng của tôi. Bà dứt khoát không cho tôi trả tiền. Chúng tôi chụp hình chung với nhau và trao đổi emails, số điện thoại cho nhau! Chia tay tôi ra về bà đã ôm hôn tôi và cười rất tươi…Thế đấy, người ta giúp đỡ mình đâu cần thiết phải nhận tiền, hay một bữa ăn! Người ta giúp đỡ mọi người xung quanh bởi họ được hưởng cảm giác hạnh phúc thay vì đi làm từ thiện ở nhiều nơi để được nổi tiếng. Quanh ta có biết bao nhiêu người cần giúp đỡ, tại sao ta không trải lòng ra giúp họ vô điều kiện để đổi lấy những giây phút lâng lâng sung sướng vì đã sống đúng nghĩa của hai chữ Từ thiện? Nếu chúng ta nhận tiền của họ thì đây không phải là sự giúp đỡ nữa mà là một sự trao đổi. Ta nhận đồng tiền đó để người khác xem thường, khinh rẻ ta? Như vậy ta lấy đồng tiền đó có đáng không?  
Cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ năm nay cũng là một minh chứng rõ ràng nhất về lối sống, cách cư xử của con người ! Các bạn không hiểu tại sao họ chấm VN mình rớt à? Nước ngoài họ tối kị tách hàng và chen lấn…họ tuy không nói hay phản ứng ra mặt ngay lúc đó, nhưng họ thưởng mình một kết quả nhục nhã như vậy để mình tự hiểu, sau này các em thí sinh hãy rút kinh nghiệm. Phạm Hương tuy xinh đẹp, xông xáo, năng động, nhưng em ấy không hiểu được việc đem chuông đi đánh xứ người phải cầu toàn cả về nhan sắc lẫn đạo đức! Việc tách hàng , chen lên trước có thể là một việc thử đạo đức qua camera của họ để thấy nước nào tỏ ra văn minh, xứng đáng lọt vào top 15 của họ! Ngay hôm Phạm Hương xông xáo tách hàng đã bị một số khán giả VN phản ứng trên mạng, nhưng một số lại bênh vực văn hoá cư xử của em ấy, nào là : thông minh, năng động, giành chỗ đứng thuận lợi để chụp hình, biết giải quyết tình huống để tạo cho mình nổi bật so với thi sinh các  nước khác (!!!) Ngoài ra, thay vì em giúp sơn móng tay cho một  cô bạn thí sinh một cách nhiệt tình, vô vụ lợi, thì đạo đức của em sẽ toả sáng hơn trong lòng mọi người, em lại sống thực dụng khi đòi tiền công sơn móng tay 20 đô la). 20 đô la ăn rồi cũng hết, nhưng giá trị và danh dự của một con người chân chính, lương thiện, nhiệt tình, tốt bụng sẽ giảm đi rất nhiều trong suy nghĩ và ấn tượng của người khác! Ai dám bảo đảm rằng cô thí sinh nước bạn không méc lại BGK về lối sống thực dụng của Phạm Hương, một lối sống mà những người văn minh, tử tế không bao giờ đồng tình và cổ suý nó như ở VN? Em là Hoa hậu em đi khắp nơi làm từ thiện tại sao em không làm việc nghĩa đó với cô bạn Dominica thân nhất của em ở đấu trường nhan sắc ấy? Hãy ngẫm lại , nghĩ lại về cách cư xử để hiểu rằng : kết quả Phạm Hương nhận được hôm nay là BÀI HỌC ĐẠO ĐỨC lớn nhất mà nước bạn muốn gửi thông điệp khéo cho tất cả nhân dân chúng ta!

DIÊN MINH