Anh rời xứ Nẫu sang Hoa Kỳ theo diện Orderly Departure Program (ra đi có trật tự). Cái cụm từ dịch sang tiếng Việt này nghe có chút vô cảm.
Năm ba mươi tuổi, cái tuổi đa phần ai nấy ổn định sự nghiệp, anh đi xa từ biệt nhiều người; người thân, người thương và bạn bè một thưở. May mắn anh nhập cuộc nhanh đời sống ở Mỹ với vốn liếng tiếng Anh của tú tài trước Bảy Lăm, dù thời gian đầu sốc với nhiều thứ được dán cho cái mác USA để cảm thông, để bớt hụt hẫng.
Anh nói người xứ Nẫu mình khô khan, tình cảm giấu kín nhưng mạnh mẽ, chấp nhận sự khác biệt và sẵn sàng dấn thân. Vậy mà hơn hai mươi lăm năm sống ở Boston, lúc nào anh cũng thân xác ở đây mà hồn gởi về xứ Nẫu, thành ra cứ chênh vênh, chơi vơi mọi lúc mọi nơi.
Anh phân bì với người bản xứ, họ sống không chút lo toan, tất bật. Còn anh lúc nào cũng cố. Không! không phải riêng anh mà tất thảy dân nhập cư như anh đều cố. Cố gắng làm, cố gắng dành dụm để có dư chút đỉnh gởi về cho người thân, người thương và bạn bè thưở ấy. Đây phải chăng là cứu cánh cuối cùng của đời anh.
Rồi anh lại gom góp niềm vui được gởi khứ hồi từ quê nhà yêu dấu, chứ đâu có nhiều để chọn như nhạc sĩ họ Trịnh: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.Dù là nước thượng tôn pháp luật, nhưng quan sát thật tinh tế vẫn nhận ra sự thiếu công bằng giữa dân nhập cư và người bản địa. Bấy nhiêu cũng đủ chạnh lòng người xa xứ!
Hằng năm cứ đến mùa thu là anh muốn lên ngay máy bay về Việt Nam.
Mùa thu ở Boston cổ kính với mây xanh, lá vàng và nắng lạnh, chẳng giống chút xíu gì xứ Nẫu, nhưng sao nó làm anh nhớ nhà, nhớ quê hương rưng rức. Cuối tuần anh lái xe lên vùng rừng núi Berkshire, phía tây thành phố Boston, nơi cao nhất tiểu bang Massachusetts. Cả cánh rừng mênh mông như được nhuộm bởi hai màu vàng và đỏ. Nơi đây mới đúng như “Tiếng thu” mà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã cảm ở mùa thu đất Bắc: “… Em không nghe rừng thu / Lá thu kêu xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô”.
Không gian mùa thu, sắc màu mùa thu Bắc Mỹ làm anh nhớ những buổi chiều chớm đông nắng hanh, gió lộng, đứng dưới chân tháp Nhạn non nghìn năm tuổi, nhìn xa xa dòng sông Đà đổ tràn ra biển Đông mịt mờ mây nước, lẫn lộn càn khôn, vô chung vô thủy. Đang đứng nơi xứ người mà hồn gởi đi nửa vòng trái đất, tìm lại hình ảnh người thương xứ Nẫu năm nào: Hơn trăm bậc cấp em lên tháp / Nón nghiêng tây, áo nổi gió bên đông.
Anh thường đến thị trấn đánh cá Gloucester, hít hương vị từ biển thổi vào, nhớ biển Sông Cầu nồng nàn mùi tôm cá. Anh đi dọc bờ sông Charles vào ngày nghỉ, ngắm cánh buồm trắng thơ mộng, nhớ con sông Ba êm đềm mùa nước cạn. Chủ nhật, đứng trước nhà thờ nhỏ Old South, nhớ tháp chuông nhà thờ Tuy Hòa điểm giờ mỗi sáng mỗi chiều, đã trải bao năm tháng …
Khi còn ở trong nước, anh luôn tự hào mình là dân xứ Nẫu, nói giọng Nẫu, lời Nẫu. Mấy mươi năm nói tiếng Mỹ nhưng anh vẫn chất giọng Nẫu ấy qua phone nghe thân thương lạ. Ví như anh vẫn nói “dìa bển” để hiểu là “về bên ấy”.
Anh ít có dịp về quê nhà nhưng vẫn dõi theo những đổi thay từng ngày của đất và người xứ Nẫu, qua thông tin từ bạn bè và trên mạng. Anh hẹn một ngày sớm về thăm “Nẫu”, đứng trên núi Nhạn nhìn gió mưa vần vũ Đá Bia, nhìn cầu Hùng Vương lung linh ánh điện, nhìn kè Bạch Đằng lượn theo sông Chùa tấp nập hàng quán, như thưở văn minh sông nước, đã từng trù phú một thời.

PHÙNG HI