Hoàng Long

 “Thơ như Hữu thể mà Vô thể

Có cũng xong mà không cũng xong”

(Nguyên Sa)

 

     Vấn đề cách tân thơ haiku Nhật Bản có thể nói là bắt đầu với tứ trụ haiku cuối cùng Masaoka Shiki (1867-1902). Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Shiki đã sáng tác, đổi mới và đỡ đầu cho nhiều tạp chí haiku quan trọng về sau này, tiểu biểu là “Chim cuốc” (Hototogisu). Sau cái chết của ông, hai môn đệ ưu tú là Hekigoto Kawahigashi và Takahama Kyoshi đã bắt đầu rẽ theo hai hướng chính và bắt đầu từ đây phong trào cách tân haiku, dẫn đầu là Hekigoto cùng với nhóm thủ cựu của Kyoshi đã bắt đầu một cuộc tranh cãi giữa cũ và mới kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Các tạp chí “Haiku” và “haiku giới” vẫn đăng tải những bài bút chiến nảy lửa về haiku truyền thống và hiện đại, tiếp diễn từ thế kỷ trước giữa Hekidoto và Kyoshi.

     Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tái hiện lại cuộc đời và quan điểm sáng tác của Hekigoto và Kyoshi, với mong muốn soi sáng một chút nào đó về con đường phát triển của thơ haiku hiện đại Nhật Bản. Tuy thế, khi phân tích thơ của hai tác gia, chúng tôi sẽ đào sâu hơn thơ haiku cách tân của Hekigoto với mong muốn nhấn mạnh con đường chuyển đổi của thơ haiku Nhật Bản hiện đại. Từ đó có thể đóng góp một phần nhỏ vào phong trào sáng tác thơ haiku Việt ngữ đang lớn mạnh ở nước ta.

1.       TỪ MỘT KHỞI NGUỒN

 

   Nếu nói về khởi nguồn của haiku cách tân thì công đầu phải kể đến Masaoka Shiki (1867-1902). Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã viết và lập thuyết về haiku mới bằng những tác phẩm quan trọng, gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.

   Năm Minh Trị thứ 25 (1892), Masaoka Shiki cho ra đời tác phẩm “Câu chuyện haiku trong phòng văn” “Thát tế thư ốc hài thoại” (Dassai shooku haiwa), phủ định đường lối haiku cũ. Đến năm Minh Trị 28, tác phẩm “Đại yếu về haikai” (hài bài đại yếu) đã thể hiện rõ ràng chủ trương làm thơ haiku cách tân. Trong tác phẩm này Shiki đề cao thơ haiku của Buson hơn Basho, coi trọng cảm tình hơn lý trí, tri thức, đề xướng thuyết “tả thực” hơn là không tưởng. Thuyết tả thực này là do ảnh hưởng thuyết tả thực trong tranh Tây Phương du nhập vào Nhật Bản thời Minh Trị.

   Thơ haiku của Shiki sau này được tập hợp lại trong các tập “Hàn Sơn lạc mộc”, với nhiều bài tả thực cuộc sống đời thường, các tập tùy bút như “Một giọt mực”, “Ghi chép nằm bệnh”, “Sáu thước giường bệnh” cũng dùng nhiều lối văn tả thực.Vì Shiki cho đăng tải tác phẩm “Câu chuyện haiku trong phòng văn” trên báo “Nhật Bản” (Nihon), nên phái của Shiki được gọi là phái Nhật Bản. Và vào năm Minh Trị thứ 30, Shiki cũng sáng lập tập san “Chim cuốc” (Hototogisu) với nhiều thể nghiệm haiku cách tân.

    Sau khi Shiki qua đời, Hekigoto và Kyoshi dần dần đối lập nhau gay gắt về quan niệm sáng tác và đường hướng mỹ học của thơ haiku. Sự đối lập này đã làm phân nhánh sự phát triển haiku Nhật Bản qua các cuộc tranh luận và sáng tác haiku đường đường lối “cựu” và “tân” kéo dài đến tận ngày hôm nay. Cả Hekigoto và Kyoshi là bạn bè của nhau, đều là cao đệ của Shiki. Hơn thế nữa, cả hai người còn dính dáng đến một người đàn bà. Vợ của Kyoshi, trước khi lấy ông đã từng đính hôn ước với Hekigoto. Trong lúc Hekigoto ngã bệnh phải nhập viện thì Kyoshi và người đàn bà này đã thân mật với nhau. Và hơn hết hai người đều là những tác giả tiêu biểu của thơ haiku hiện đại Nhật Bản.

Đánh giá về hai cao đồ của mình, Shiki đã nói như sau “Kyoshi nhiệt tình như lửa, Hekigoto lạnh lùng như băng”虚子は熱き事火の如し,壁梧桐は冷かなる事氷の如し. Nếu như tính cách quyết định số phận thì đúng hai người sinh ra từ một khởi nguồn để rồi đi ngang hai lối rẽ.

2.       VÀ HAI LỐI MỘNG

 Hekigoto Kawahigashi sinh năm 1873 tại Matsuyama, là con trai thứ năm trong nhà. Cha là Kon Kawahigashi, một samurai và là một học giả Nho Giáo. Năm 1889, ông cùng với Kyoshi bắt đầu thụ giáo Shiki về thơ haiku. Đến năm 1902, sau khi Shiki mất, ông được chỉ định làm người kế tục tạp chí haiku Nhật Bản “Nihon”. Từ năm 1905 trở đi, Hekigoto bắt đầu sáng tác những bài thơ haiku cách tân không theo quy định 5-7-5. Từ năm 1906 đến 1911, ông đã hai lần đi khắp Nhật Bản để truyền bá về thơ haiku cách tân của mình. Ngày 25 tháng 3 năm 1933, trong lễ mừng thọ 60 tuổi, ông tuyên bố rút lui khỏi chốn văn đàn. Tháng 1 năm 1937 do vừa mắc bệnh thương hàn vừa thêm bệnh bại huyết, Hekigoto mất ở tuổi 65, để lại một sự nghiệp đồ sộ có tính cách mạng mở đường cho haiku Nhật Bản hiện đại.

Quan niệm về haiku hiện đại của Hekigoto là “vô trung tâm luận”. Vì không có trụ vào một trung tâm nào, thơ haiku dễ dàng đi vào bản chất của sự vật hơn. Thứ hai, ông chối từ 17 âm tiết truyền thống của thơ haiku cổ điển, và sau này còn làm những bài haiku dài hơn cả tanka mà chúng tôi có nêu ra một ví dụ phần sau. Nhưng ông vẫn duy trì quý ngữ vì cho đó là sự nối kết quan trọng với thế giới tự nhiên. Trong số hai mươi bảy tác phẩm mà Hekigoto đã trước tác, ngoài những tuyển tập haiku quan trọng còn có các tác phẩm nghiên cứu về haiku cách tân như “Hài cú bình thích” do nhà xuất bản Jinbunsha in năm 1903, “Tân hài cú nghiên cứu đàm” do Tokyo đại học quán xuất bản năm 1907, “Con đường đến haiku cách tân” (Shinkou haikue no michi) do Nxb Shunjusha ấn hành năm 1929. Điều này cho thấy Hekigoto là người rất nghiêm túc với những thử nghiệm cách tân của mình đến suốt cuộc đời chứ không phải chỉ là những cơn bốc đồng của tuổi trẻ. Di sản của ông, do đó đóng vai trò quan trọng vừa tiếp nối vừa vượt hơn Shiki để khơi nguồn dòng chảy haiku hiện đại Nhật Bản còn tiếp diễn đến ngày hôm nay.

Thử đọc một số bài thơ cách tân của Hekigoto với lời bình của William J. Higginson:

Too hanabi Otoshite nanimo Nakarikeri

 

Pháo hoa thật xa

Chỉ nghe tiếng pháo

Không gì nữa sao

Tonbo tsuru Sao yoru namini Sutete yukinu

 

Bắt chuồn chuồn

Trên đầu cây sào trống

Tiếng sóng đã thoát ly

“Pháo hoa, dĩ nhiên không phải là cái gì mới mẻ đặc biệt ở Nhật Bản. Nhưng hầu hết các bài haiku về pháo hoa nhấn mạnh đến hiệu ứng thị giác. Từ pháo hoa “hanabi” trong nguyên nghĩa tiếng Nhật có nghĩa là “hoa lửa”. Nhưng pháo hoa trong haiku của Hekigoto chỉ được nghe mà không thấy. Thực tế, nó như một bản sao sự di chuyển của Basho từ tiếng ếch kêu sang bước nhảy của ếch trong bài “ao cũ” vậy.

Sự quyến rũ và giăng bẫy trong bài thơ thứ hai là việc tạo ra một bầu không khí như các mỹ nhân ngư Sirens trong Odysseus vậy. Mỗi phần trong bài thơ phơi mở ra một sự nước đôi về nghĩa. Chúng ta di chuyển từ “bắt chuồn chuồn”, một hành động, sang “cây sào” là việc thực hiện hành động đó. Chiếc sào dài cuối cùng trống trơn nhưng dường như ta bắt được tiếng “sóng gọi”. Thật khó để mà tưởng tượng cái cách nén chặt đầy kịch tính trong một bài thơ ngắn như vậy.

Hai bài thơ trên đã minh chứng cho loạt cảm xúc và màu sắc mà Hekigoto có thể gợi ra trong bài haiku vắn tắt, sự tương phản giữa những hình ảnh thanh đạm, khổ hạnh đầu tiên với lớp nặng nén chặt của hình ảnh kép thứ hai. Nội lực thâm hậu của Hekigoto đã lôi cuốn nhiều môn đệ sau, trong đó có cả Ogiwara Seisensui, người đã bỏ qua hình thức thơ haiku truyền thống. Hekigoto cũng tán thành điều này. Ông muốn thơ ca phải tiếp cận đến thực tại một cách gần nhất có thể mà không bị ràng buộc vào luật lệ mà con người tạo ra. Với những nguyên lý này, ông bắt đầu khởi phát một trường phái haiku mới. Và phần còn lại trong sự nghiệp thi ca của mình, Hekigoto đã thử nghiệm nhiều bài haiku dài hơn, “trắc trở” hơn, bất chấp cấu trúc 17 âm tiết của haiku truyền thống. Như bài thơ sau:

Konogoro tsuma naku Yaoya Na wo tsumu Negi wo tsumu Aruji musume

 

Tooku tataki ki Natsu chikaki tateri Tatamu yaneni

 

Gần đây vợ mất

Người bán rau

Sắp rau

Sắp hành

Người chồng và con gái

Một cây cao và xa

Đã sắp hạ về

Tỏa bóng cao trên mái nhà

Tong đoạn đầu bài thơ, ta thấy người bán rau và cô con gái đang làm việc, nhưng vẫn vương vấn vế cái chết mới đây. Mối quan hệ giữa người chồng và cô con gái và giữa họ với công việc đã thay đổi. Sự thay đổi này tác động lên cách mà họ nhìn, nhịp điệu và góc nhìn của cơ thể họ, nhưng không đề cập đến cách quan sát của chúng ta.

Đoạn thơ thứ hai phá vỡ không gian; một cái cây từ xa hiện ra, nhô qua khỏi mái nhà. Thời gian cũng bị phá vỡ. Điều này có thể được thấy rõ hơn trong nguyên bản mà “tataki” (cao) và “chikaki” (gần), làm cho cả cái cây và mùa hè nhập lại làm một, cả hai vừa gần gũi, vừa xa xôi. Chúng ta cảm thấy sự ngột ngạt của mùa hè, của căn nhà trong việc lặp lại âm k và t trong bảy từ đầu của bài thơ và sự mở ra một thanh âm mềm mại cuối bài đưa ta đến một khoảng cách xa xăm”[2]

Chúng ta cùng thưởng thức một bài haiku nổi tiếng khác của Hekigoto:

Akai tsubaki shiroi tsubaki to ochini keri

 Sơn trà trắng

Sơn trà hồng

Cũng rụng xuống mênh mông

Bài thơ rất đơn giản nhưng ta có thể nghe ra âm hưởng “thiên địa phiên chu phù tợ diệp, thi văn tàn tức nhược như ty” của Nguyễn Du mà Bùi Giáng đã chuyển ngữ thần sầu:

“Thuyền con một lá giữa trời

Thi văn tiếng thở như lời tơ than

Trông vời hồng rụng ngổn ngang

Tìm đâu chốn cũ muôn vàn dưới kia”

 Xem ra văn chương, ngàn năm nay vẫn thường có những cuộc gặp gỡ tài tình như thế của những tâm hồn đồng điệu.

Một bài haiku thấm phong vị triết học khác của Hekigoto cũng thần sầu:

Hae utsumade hae tataki nakarishi

 Cho đến khi đập ruồi

Người đập ruồi

Không tồn tại

Rõ ràng chúng ta chỉ trở thành người đập ruồi sau khi chúng ta đã đập một con ruồi. Nhưng trước đó, có thể nói ta là người đập ruồi tiềm năng hay không?

Còn Takahama Kyoshi (1874 -1959), sinh tại Matsuyama, Ehime vừa là nhà thơ haiku vừa là tiểu thuyết gia trong suốt thời Minh Trị, Đại Chính và Chiêu Hòa.

Năm 1888, ông nhập học trung học, chung lớp với Hekigoto. Qua sự giới thiệu của Hekigoto, Kyoshi đến thụ giáo haiku với Shiki và đến năm 1891, Shiki đã đặt cho ông bút hiệu Kyoshi (Hư Tử). Năm 1893, Kyoshi cùng với Hekigoto nhập học lớp đệ tam trường cao đẳng học hiệu Kyoto. Tình bạn của hai người lúc này vô cùng thân thiết, ăn ngủ lúc nào cũng có nhau. Năm 1894, do thay đổi chương trình học, Kyoshi và Hekigoto chuyển sang học ở lớp đệ nhị trường cao đặng học hiệu ở Sendai rồi hai người cùng bỏ học lên Tokyo vào cùng chỗ trọ với Shiki. Đến tháng 12 năm 1895, Shiki biết mạng mình khó lâu bền mới yêu cầu Kyoshi nối nghiệp nhưng Kyoshi đã từ chối. Năm 1897, Kyoshi lập gia đình với một người con gái vốn đã đính hôn ước với Hekigoto. Hai người đã thân mật khi Hekigoto còn nằm bệnh. Năm 1898, do mẹ bệnh Kyoshi phải về Matsuyama sống tự do nhưng cùng khốn. Được sự trợ lực của Shiki, Kyoshi lên Tokyo, kế tục tập san “Chim cuốc” (Hototogisu). Tạp chí về sau gắn liền với tên tuổi Kyoshi. Sau khi Shiki mất vào năm 1902, Kyoshi bỏ haiku để chuyên tâm sáng tác tiểu thuyết.

William J.Higginson đã viết về ông như sau:

“Trong khi ấn bản tạp chí “Chim cuốc” dưới sự dẫn dắt của Shiki, Takahama Kyoshi (1874-1959) đã dành hầu hết số trang để đăng tải tác phẩm mới của các tác gia hiện đại như Natsume Soseki và cao đệ của Soseki là Akutagawa Ryunosuke. Bản thân Kyoshi cũng viết nhiều tiểu thuyết và các du ký. Sau khi Shiki mất đi, tạp chí “Chim cuốc” trở thành một tạp chí đăng tải tiểu thuyết duy nhất trong nhiều năm liền.

Nhưng chính Kyoshi cũng là một học trò sáng giá khác của Shiki, ngang hàng với Hekimoto về tầm quan trọng. Mặc dù chính Kyoshi đã nói rằng Hekimoto là nhà thơ haiku hứa hẹn nhất trong đám môn đồ của Shiki vào thời điểm sư phụ mất, nhưng Kyoshi lại rất lo ngại về lối viết thơ tự do mà nhóm Hekigoto đang thử nghiệm. Năm 1912, ông đã cho đăng tải một tuyên ngôn, trong đó nhấn mạnh rằng thơ haiku chân chính phải được viết theo lối truyền thống với 17 âm và dùng quý ngữ. Ông bắt đầu cho đăng thơ haiku trở lại trên tạp chí “Chim cuốc” và nhanh chóng thu hút được nhiều nhà thơ xuất sắc khác vốn không hài lòng với phong trào cách tân haiku của Hekigoto”[3]

Vào năm 1913, để phản kháng lại thơ haiku cách tân của Hekigoto, Kyoshi quay lại thi đàn haiku.

Harukazeya Toushiidakite okanitatsu

Đứng trên đồi cao

Ta quyết chiến

Cùng gió xuân lao xao

Bài haiku nổi tiếng của Kyoshi biểu thị quyết tâm chống lại thơ haiku cách tân của Hekigoto thời điểm đó.

Năm 1937, Kyoshi là hội viên của viện nghệ thuật, đến năm 1940 là hội trưởng Hiệp hội sáng tác haiku Nhật Bản. Năm 1954, ông nhận được huân chương văn hóa. Kyoshi mất ngày 8 tháng 4 năm 1959, hưởng thọ 85 tuổi. Mộ ông hiện đang nằm tại chùa Jufukuji (Thọ phúc tự) ở Thành phố Kamakura. Ngày 28 tháng 3 năm 2000, hội quán kỷ niệm Takahama Kyoshi được mở ở tỉnh Nagano. Tháng 4 cùng năm Kyoshi kỷ niệm văn học quán cũng được mở tỉnh Hyogo.

Một bài haiku khác của Kyoshi:

Umini irete umarekawarou oborozuki

 

Trăng mờ

Lặn vào lòng biển

Để tái sinh

Vào năm 1913, để phản kháng thơ haiku cách tân của Hekigoto, Kyoshi quay trở lại thi đàn haiku, chủ trương làm haiku truyền thống theo niêm luật 5-7-7, chú trọng đến việc dùng quý ngữ, miêu tả khách quan sự vật (khách quan tả sinh). Trường phái bảo thủ (thủ cựu phái) của Kyoshi trở nên đối lập gay gắt với Hekigoto. Năm 1927, Kyoshi lại đề cao khái niệm thơ haiku phải là “hoa điểu phúng vịnh”, “khách quan tả sinh”.

Như bài thơ sau của Kyoshi:

Ame harete Shibaraku barano nioikana

 Mưa tạnh

Đóa hồng nào

Thoang thoảng hương bay

Từ khi quay lại thi đàn, Kyoshi đã nâng danh tiếng của tạp chí “Chim cuốc” (Hototogisu) lên một mức cao chưa từng thấy. Trong suốt thời Đại Chính và Chiêu Hòa (đặc biệt thời tiền chiến), nói đến thơ haiku tức là nói đến tạp chí “Chim cuốc”, và Kyoshi là chủ soái của thi đàn.

Từ tạp chí “Chim cuốc” về sau đã xuất hiện những nhà thơ haiku tài danh như Mizuhara Shuoshi (1892-1981), Nakamura Kusatao (1901-1983), Kawabata Bosha (1897-1941)…

Còn cao đồ của Hekigoto cũng có Ogiwara Suisensui (1884-1976), Osuga Otsuji (1881-1920)…

 

3. KẾT LUẬN

Từ con đường đi của Hekigoto và Kyoshi, haiku Nhật Bản càng phát triển lớn mạnh với nhiều thử nghiệm cách tân và kể cả việc quay về cổ điển. Để phát triển cần phải cách tân. Nhưng cái tinh túy của haiku vốn nằm ở ngoài ngôn từ của nó, ở chỗ mà nó gợi nên. Cho đến bây giờ người Nhật vẫn tiếp tục làm haiku, vẫn tiếp tục tranh luận và tiếp tục nghiên cứu về thể thơ ngắn nhất thế giới này. Trong dòng chảy của văn hóa Nhật Bản, có hai điều mà chúng ta cần phải lưu ý, đặc biệt với thơ haiku. Hai điều ấy như Suzuki đã chỉ ra “người phương Đông không những không thiên về kiểu tư duy trừu tượng như hầu hết người Phương Tây mà họ còn sống khép kín trong những kinh nghiệm cổ xưa về thực tại so với những người thuộc các nước có hệ thống phân tích và trừu tượng hóa ở trình độ cao”[4]. Và “sự đơn giản của hình thức đôi khi không phải chứa đựng một nội dung tầm thường…Mọi thứ mở ra một vực thẳm vô định bí ẩn, và xuyên qua những hình ảnh, chúng ta có thể ghé nhìn vào vực thẳm ấy. Người ta không cần phải sáng tác bài thơ dài hàng trăm dòng để gửi gắm cảm giác thức tỉnh khi nhìn sâu xuống vực thẳm. Một khi cảm giác đạt tới độ chín của nó, chúng ta chỉ còn biết im lặng, bởi không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được. Mười bảy âm tiết có thể là quá nhiều”.

Bôn ba ngoài vạn dặm

Cũng chỉ một trăng rằm

Bao nhiêu là hố thẳm

Xoáy về nốt ruồi đậm

(Phạm Công Thiện)

 

Hà tất phải nhiều lời. Bởi vì “hút thuốc trong bóng tối, khói có bay lên không?” (Tạ Ký)

Nagoya, tháng 3/2011

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tập thể tác giả, Mỹ học và thi pháp thơ haiku 俳句の詩学美学、Nxb Kadogawa, xuất bản lần đầu năm 2009

2. Isogai Hideo 磯貝英夫、日本近代文学史Nhật Bản cận đại văn học sử, Nhà xuất bản Migifumi Shoin, tái bản lần thứ 25 năm 2002.

3 William J. Higginson và Penny Harter; The haiku handbook, Nxb Kodansha, ấn hành bản mới ngày 25 tháng 11 năm 2009.

4.Trang mạng

http://ja.wikipedia.org/wiki/%E6%B2%B3%E6%9D%B1%E7%A2%A7%E6%A2%A7%E6%A1%90

và http://ja.wikipedia.org/wiki/%E9%AB%98%E6%B5%9C%E8%99%9A%E5%AD%90

5. Trang mạng

http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/2014-thien-va-tho-haiku.html                   


[1] Tất cả bản dịch haiku trong bài viết này là của tác giả

[2] “The haiku Handbook” của William J. Higginson và Penny Harter, NXB Kodansha, 2009, trang 25-27

  [3] William J. Higginson và Penny Harter, Sđd, trang 27.

[4]“Thiền và thơ haiku”, Dazei T. Suzuki, bản dịch của Lê Thị Thanh Tâm, trang mạng

http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/2014-thien-va-tho-haiku.html