/

Hắn giống như bao người khác, đầy đủ bộ phận, tứ chi không có gì nổi bật. Chỉ có hơi khác một chút là gương mặt rám nắng đủ để khi mặc “bộ áo đỏ” cũng có thể gọi là “cụ”. Hắn thực sự có tài. Hắn có thể đưa người ta lên tận mây xanh nhưng cũng đủ độ rắn làm cho đối phương phải gục mặt vì không tôn trọng hắn. Hắn rất giỏi thể hiện cái bề trên ấy.
Thưa các bạn! những quý đọc giả yêu mến văn hóa đọc, những tín đồ facebook, và cả những người muốn khai thác thông tin. Tôi muốn nói với các bạn rằng: tôi không dám lên mặt, không muốn kể lể, hay nói xấu sau lưng người khác. Mà cũng đúng thôi, đây là câu chuyện mà. Chuyện thì có vô vàn chủ đề để viết. Gương người tốt việc tốt ở thời nay không thiếu. Những tấm gương bình dị nhiều vô biên. Còn chuyện xấu, người xấu thì cũng không ít. Cũng đúng thôi, bản thân con người chúng ta có ai mà không có mặt tốt, mặt xấu. Âu cũng là lẽ thường tình. Con người mà!
Tục ngữ có câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”, ấy vậy mà nhân vật của tôi dù là đệ tử của Đức Phật đi chăng nữa, hay được đức Chúa Trời giảng đạo suốt ngày đêm chưa chắc đã cảm hóa được hắn. Ơ hay, hắn có làm việc ba cái việc đâm thuê chém mướn đâu mà phải tội. Thế nhưng đôi ba lần hắn vẫn bị lương tâm giày vò, vì cái tội “khôn quá”.
Chuyện của hắn kể ra cũng nhiều, nhiều đến mức là cả làng này nơi hắn ở và làm việc cũng phải lắc đầu ngao ngán. Và tôi, sau một cơ duyên được sắp xếp bởi bàn tay các “cụ” được ở bên cạnh hắn, “phò” hắn làm việc. Hay chính xác hơn là có bạn tâm sự với hắn. Một thời gian ngắn dù không tin lời bàn tán của thiên hạ về những thói lọc lõi của hắn nhưng rồi tôi vẫn phải tin vào những lời thị phi kia.
Chuyện thứ nhất là khi hắn đi nhậu. Ừ! Nhậu là chuyện chẳng đáng phải bàn đối với đàn ông chúng ta, kể cả phụ nữ khi họ vui cũng vui tới bến. Hắn thuộc hạng ăn nhậu cũng được. Một vài lít rượu, vài khung bia chưa là gì với hắn. Nhưng hắn ta không phải là hạng bợm nhậu mà nhậu rất là “khôn”.
Có điều ai cũng biết, hắn nhậu rất tử tế, ai uống thế nào, hắn uống thế đấy. Ai mời hắn, hắn mời lại đủ cái lịch sự trên bàn nhậu. Kể cả khi thấy còn ít bia, rượu mà hắn chưa “phê” là hắn chủ động mời họ để tranh thủ rót thêm vào ly để rồi cho vào cái dạ dày của hắn. Được ly nào hay ly nấy. Vì mấy khi hắn tự bỏ tiền ra mời người ta đâu.
Ở cái làng này, nơi làm việc này quy định “trong giờ làm việc không được uống rượu bia”. Điều đó là cấm kỵ. Là đàn ông con trai, khi hứng lên hoặc gặp “cạ”, hay đơn giản là lâu lâu chưa uống bữa thì làm “tí”, kín đáo là được, đừng để ai phát hiện. Mà phải kín đáo kìa, không thì cũng rách việc lắm. Đến nỗi có cuộc nhậu giữa ban ngày, ngay cạnh nhà, chưa chắc nhà hàng xóm, láng giềng đã biết. Thực có vậy, bởi nếu ai biết thì cũng xong rồi, có đâu mà tố cáo lên các “cụ”. Muốn tố cáo phải bắt quả tang, phải vào hang cọp. Không lạ cái chuyện chẳng ai tố cáo ai, ai cũng uống, uống “lén lút” mới vui, không lúc này thì lúc khác, chuyện đó là bình thường. Là dân đen thương nhau lắm, không mấy khi muốn các “cụ” sờ tới niềm vui nho nhỏ này.
Thường thì vào buổi chiều, sau giờ làm việc, hắn đi hái một ít rau củ về cải thiện bữa ăn của hắn. Hắn nói với tôi là hắn làm vậy mỗi khi rãnh rỗi và khi nào cảm thấy nhạt miệng. Sau một thời gian thì tôi nhận ra. À thì ra không phải thế, hắn đi rình mò bên này bên nọ xem có ai nhậu không? Nếu phát hiện thấy “hơi tanh” là hắn đưa “mõm” vào liền gọi là “chấm mút”. Ồ đúng rồi! chấm mút để được uống chứ nhỉ. Dại gì không làm. Được ăn, được uống kia mà.
Như mọi hôm, hắn đi thang lang, rình rập, đánh hơi. A! có rồi. Cái nhà bên tít đằng đông ít ai để ý tới. Nhà này là một tụ điểm ăn nhậu “có tiếng” trong dân chúng, vì hầu như bất chấp lệnh cấm trên, nhà này vẫn tổ chức nhậu bình thường. Không phải nhà này không biết sợ các “cụ”, không phải nhà này xem trời bằng vung, hay có cụ nào “chống lưng” sau đó. Mà bởi gia chủ nhà này, và những người anh em của ông ta rất là “điếm” trong chuyện ấy. Nhà này đông người, anh em, họ mạc đông lắm, có ăng – ten khắp nơi trong làng, kể cả người phục dịch các “cụ” cũng là tay chân của nhà đó. Động một tí là có ám hiệu chuyển về liền. Và cũng bởi ai mà biết nhà này nhậu thì không say không được về. Chỉ nhấp môi thôi cũng phải ngậm miệng lại. Hơi đâu kiện cáo làm chi, mà có cũng chưa chắc sống yên ổn với gia đình đó. Vì anh em nhà nó có võ gia truyền cái thế. Và cũng bởi gia đình này chơi “đẹp”, bất chấp là bỏ tiền “chùa” ra đãi mấy thằng vô danh tiểu tốt, nhưng được sự an toàn. Một lý do khác nữa, nhà này đông người, thêm một vài bạn nhậu coi như “thêm chén, thêm đũa”, thêm người hầu chuyện thêm vui. Hắn được toại nguyện hôm ấy, vì hắn vào nhà kia đúng thời điểm bia mới khui, gà vừa sắp dĩa. Ôi ngon! Hắn chắc mẩm phen này ăn uống hả hê nha.
Hắn có tính sĩ diện, ở cái làng này người ta cũng thừa nhận. Mời hắn không tử tế, không nhiệt tình là hắn không thèm động đũa. Chết thật! Ở tình huống này, người nhà kia không “mời” nhiệt tình không được, không làm cho hắn ăn vài miếng, uống vài ly là không xong. Mọi sự coi như hỏng hết. Vì hắn nổi tiếng là thường xuyên ngồi bàn đá “hầu” các “cụ”, bao chuyện trên trời dưới biển hắn cho ra hết, miễn cho các cụ vui, các cụ cười. Hắn được nhiều bình phong che chở, khiến ai trong làng có ghét cay ghét đắng hắn cũng không làm gì được. Gia chủ đến các chiến hữu nuốt miếng “tức” vào trong thi nhau mời hắn. Được thể, hắn sướng vì cái cách hắn vào cái thế bị gài, sướng vì sự cao tay của hắn.
Đúng là trời cho hắn hôm nay được bữa no say. Tuy vậy, hắn vẫn phải tỏ ra nhã nhặn, không được tham ăn tục uống. Lúc đầu hắn uống từ tốn lắm, và uống đáp lễ, mời lại sòng phẳng như hàng buôn ở chợ. Ai mời hắn cũng tử tế theo “bộ lòng” tốt của hắn. Một mình hắn uống được tới một “khung” kia mà. Không ai chê trách được hắn về khoản ấy, kể cả khi bàn luận, không mất lòng một ai.
Sống ở đời mà, tiếng lành đồn xa, tiếng xấu cũng đồn xa. Hắn được biết tới là tay “kẹt xỉn” nhất nhì trong làng này. Thế nên chẳng ai là bạn thân tình với hắn. Hắn đôi lúc cũng lấy làm xấu hổ với tôi, nhưng thôi mặc kệ, hắn không bị mất tiền túi là hắn vui rồi.
Bữa nhậu gần hết, bia còn vài lon, hắn nổi giọng: “em ơi, mua cho anh két nữa”. Hắn mở ví ra cho mọi người xem hắn đâu thiếu tiền, đưa tờ polyme 5 trăm nghìn mới tinh đưa cho thằng em nhỏ tuổi nhất đi mua thêm khung bia nữa. Ôi trời! Hôm nay hắn nổi hứng cơ đấy! Một sự ngạc nhiên trên bàn nhậu. Thằng em ái ngại, ai cũng uống gần tới “nải” rồi, ngày mai các “cụ” trên “phủ” xuống, uống thì uống vậy thôi chứ uống nữa mai thức dậy trễ là chết cả lũ. Chủ nhà bảo: “thôi không uống nữa, uống vậy được rồi, để bữa khác anh em mình chiến đấu tiếp, cứ dành tiền đó đi”. Ôi may cho hắn nhưng hắn đâu có thích bị xem thường như vậy. Hắn mang bệnh sĩ trầm trọng mà. Kể ra thì khi móc ví ra hắn đau như đứt từng khúc ruột. Đành rằng là thế nhưng rút quân cũng phải có chiến thuật, trên thế thắng chứ. Hắn nói: “Dạ! Thôi mà anh, lâu lâu anh em mình mới được một bữa, mình chơi là chơi tới đi anh, xem như hôm nay em mời các anh, chuyện đâu còn có đó mà”. Hắn bảo thằng em cứ cầm tiền đó đi. Gia chủ nhà này thừa biết, cầm tiền nó rồi coi như không, chắc chắn mai mốt là có chuyện. Thằng em dúi bằng được tờ tiền vào túi hắn. Hắn tỏ vẻ lưỡng lự, cầm lại tờ tiền đút nhanh vào tận đáy túi.
Ở cái làng này đến giờ ngủ là phải tắt điện. Nhà nào còn để điện sáng, dù chỉ một chút le lói thôi y như rằng Ban kiểm tra ập tới. Nào là gia đình không gương mẫu, không tiết kiệm điện trong thời buổi cả làng, cả xã đang “thắt lưng buộc bụng”. Rồi thì ăn ngủ không đúng giờ, mất trật tự, ảnh hưởng đến giấc ngủ hàng xóm láng giềng xung quanh. Nhưng cái cốt yếu chuyện tiết kiệm kiện chẳng qua để cho các “cụ” cao niên yên tâm khi “bọn trẻ” luôn tuân theo lời các “cụ”, hơn nữa các “cụ” tiết kiệm chút gọi là “ăn trầu”. Vậy đấy, giờ này hắn chưa về nhà được. Vì lẽ lịch sự chẳng lẽ ăn uống xong cất bước ra về. Chủ nhà cũng không dám đuổi, vì sợ mất lòng hắn. Hai bên cứ “gồng” nhau như vậy mà tiếp tục tiếu lâm ký sự.
Chợt tiếng mõ trong làng đến giờ đi ngủ. Ôi hay quá! Hắn chào gia chủ ra về để chủ nhà được tắt điện theo đúng luật lệ. Chủ nhà chào hắn như một sự ban ơn.
.

Thành phố Hồ Chí Minh, 02/7/2015
Trần Hưng Quốc

/