/

    Con đã tìm thấy bức tranh cuối cùng của anh. Thiên đường xanh mà con vẫn gọi trong mỗi giấc mơ… nó đẹp và trong sáng hồn nhiên.
     Con lặng thầm khóc khi đọc những dòng thư cuối cùng còn lại trong màu áo xanh của anh. “Thiên đường của tuổi thơ thật kì vĩ rộng lớn !”
    …Chiều đồng quê, con vẫn cùng anh dạo trên những sườn đê thoải lấm nhấm mầm cỏ. Vị mặn của mồ hôi lăn vệt trên má, con cười khì nhìn anh.
    -“Út này ! Em có thích thiên đường xanh màu nắng không?”
     Lúc đó, con cứ mải miết nô giỡn và hái lượm hoa triền sông. Con kì quặc với câu hỏi “thiên đường xanh”. Mỗi đêm lại rúc rích úp mặt trong lòng mẹ cười ngượng ngùng, con không hiểu tuổi thơ khi ấy…? Mỗi sáng thức dậy, con vẫn nghe tiếng chim họa mi hót. Vẫn rực nắng mảnh vườn hoa sau nhà, con thích ngắm bộ áo cánh lộng lẫy của mùa thu. Trong sáng và dịu hiền như con. Yêu nụ cười của mẹ và vị mặn mồ hôi vương trên gương mặt anh. Con yêu… thiên đường nhỏ xinh ấy… !
    -“Em chỉ yêu hoa nắng và vị ngọt của trái quả nơi khu vườn xanh đó.
    -“Út của anh yêu nắng chiều hoàng hôn không? Anh sẽ tô đậm màu của nét vẽ này nhé !”
     Con ngọ nguậy đuôi tóc, cười lộ răng khểnh. Con biết chỉ khi đó con mới thật xinh.
    -“Anh phải vẽ thêm những con ong vàng đậu nhụy hoa nữa”-con bướng bỉnh, rồi lăn mình nô đùa giữa hương cỏ non. Không gian thật rộng lớn… Con la hét nơi biển vàng lúa chín. Nhịp sóng vẫn ru khoan thai từng bông lúa tròn mấp mé. Anh cần mẫn với những bức vẽ rõ nét. Con hay hát khi buồn và dỗi hờn… Những lúc ấy, anh lại làm trò vui bên con. Con thích thú như đứa trẻ ngoan hiền như quả táo be bé xinh xinh trên cành, dễ thương như một chú gấu bông nơi khu vườn tuổi thơ yêu dấu ! Con hay nũng nịu mẹ, vòi vĩnh bẻ gãy những bút màu rồi nguệch ngoạc dòng chữ viết.
    Tuổi thơ ngày ấy, thật hồn nhiên ngây dại. Con đâu biết dòng nước mắt của anh ướt nhòe bức vẽ. Con thường hay hỏi mẹ “nước mắt có vị gì? Và hạnh phúc…?” Mẹ lặng im nhìn lên tấm hình ba, mẹ đang khóc. Cảm nhận vị mặn- ngọt, cũng ướt nhòa khóe mi… Con có thật vô tâm quá không !
    Tuổi trăng tròn, con xinh xắn. Đôi má núm đồng tiền làm duyên. Bọn con gái thường tục tĩu sau con… và sau mỗi chiều con lại ngồi khóc cùng chú ve sầu bên tán phượng.
    Mùa chia tay, bằng lăng tím ngắt khoảng trời, tím rực màu thủy chung. Con lại “nhớ anh” và “thiên đường xanh ấy”. Ngăn bàn học trò luôn thơm màu mực tím. Con nhận được lời tỏ tình của một cậu bạn lớp chuyên Văn. Anh chàng dễ thương, điển trai có cặp mắt cùng nụ cười trong sáng. Lúc đó, con lại mơ mộng với bông hồng tuổi yêu. Con khóc, nước mắt đó là hạnh phúc !
    Mối tình đầu trôi qua, con yêu đơn phương với những chiều đông vội rét. Cánh chim cũng ủ mình trong lớp rạ. Con mơ mộng tìm về cánh áo trắng tuổi học trò. Có yêu thương vương đọng trong đôi mắt con. Anh thường trêu đùa : “Út mình đã biết tương tư như nàng thi sĩ rồi đó…” Anh quay đi giấu nụ cười nhỏ khúc khích. Chỉ khi ấy, con mới thực sự thấy anh cười và hồn nhiên như vậy!
    Con nhớ một chiều thu vội vã, lướt thướt mưa trên những chuyến tàu muộn. Con chia tay anh và cầm bức vẽ. Nó nhỏ mờ quá ! Con thẹn thùng cười, ngập ngừng giấu nước mắt sau tay áo. Anh đội chiếc mũ biên phòng xanh lá, miệng nở cười tươi nhìn con âu yếm : “Út ở nhà, cố ngoan và học giỏi nhe. Anh đi rồi sẽ về cùng mẹ và em !”
    “Anh phải về cùng em vẽ màu xanh của thiên đường này nữa”. –con mếu máo khóc thút thít.
    “Ừ ! Anh sẽ về cùng Út mà. Em không được khóc như vậy, trông xấu lắm…”
     Con cười hì hì rồi nhìn anh như lúc nhỏ. Nước mắt chỉ có vị mặn ! Con đã khóc cùng nỗi đau thương nhớ anh…
    Mùa xuân đến, hoa nở đơm bông đẹp lắm ! Con say mê với khu vườn xanh của anh. Thiên đường con vẫn gọi tên khi giấc mơ về. Căn phòng trống trơn, mẹ ngồi lặng bên kỷ vật của anh. Con thấy lòng đau nhói và rèm mi cay xè. Anh không trở về… !
     Nước mắt con khóc nhiều hơn… con nhìn bức vẽ có nụ cười anh cùng khuôn mặt lấm lem của cô bé ngốc. Con cười hồn nhiên và chợt thắt đáy lòng : “Nước mắt có vị mặn… Và hạnh phúc cũng vị mặn ! Con vỡ òa trong cơn mưa buồn.
      “Thiên đường xanh như tuổi thơ con !”
Ngô Thị Học
.