src=http://lh6.ggpht.com/-Bgp4nTSOC3A/TlecJTDhoSI/AAAAAAAAMc4/i1DPc1Eu58I/tac%252520pham%252520%252520duoc%252520giai%252520nhat%252520cua%252520nhiep%252520anh%252520vien%252520khiem%252520thi%252520Miller_thumb%25255B1%25255D.jpg

.

HUỲNH DUY SIÊNG NGHE XÀO XẠC BÓNG TỐI

Đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm biết đến những bài thơ đặc biệt của tác giả Huỳnh Duy Siêng, tôi vẫn không thể nào tin được trên đời lại có sự làm thơ kỳ lạ như thế. Ông Huỳnh Duy Siêng bị khiếm thị từ lúc 3 tuổi, không được đến trường, chưa từng nhận diện nét vuông nét tròn của chữ nghĩa, vậy mà ông vẫn có thể sáng tác thơ.

Tôi đã kể câu chuyện làm thơ của ông Huỳnh Duy Siêng cho gần trăm người nghe, từ sinh viên văn khoa cho đến nhà thơ hàng đầu Việt Nam, và hầu như tất cả đều cho rằng tôi bịa. Cái lý luận mà những ai chỉ nghe thơ Huỳnh Duy Siêng nhưng chưa có điều kiện thấu hiểu cuộc đời ông, là: có thể ông đã học chữ bằng một cách nào đó, và ít nhất ông phải biết chữ thì mới làm thơ được!

Vậy ông Huỳnh Duy Siêng làm thơ từ đâu? Ông chỉ có cái đài để bầu bạn và để kết nối với thế giới. Giữa nghiệt ngã số phận ấy, giữa âm u bóng tối ấy, thơ đã tìm đến với ông. Ông hình thành ý tứ trong đầu, rồi sắp xếp một bài thơ hoàn chỉnh trước khi đọc ra, nhờ người khác ghi chép lại. Khi sáng tạo thi ca vượt qua bóng tối học vấn và bóng tối định mệnh, thì mỗi bài thơ của Huỳnh Duy Siêng có giá trị bằng hai bài thơ. Bởi lẽ chính khao khát sống, rung cảm sống của Huỳnh Duy Siêng đã là một bài thơ cho chúng ta rồi!

Một người khiếm thị vẫn luôn có thế mạnh về thính giác. Thơ Huỳnh Suy Siêng thường biểu đạt bằng trạng thái “nghe”. Tuy nhiên, ông không chỉ nghe bằng đôi tai mà nghe bằng cả trái tim nữa. Bài thơ Hết mùa thu chưa em là khoảnh khắc nghe lá chiều gió lật xào xạc một tâm hồn đáng trân trọng!

 

HẾT MÙA THU CHƯA EM ?

.

Gió se se rồi đấy

Hết mùa Thu chưa em

Mưa bay vào cửa sổ

Lá vàng rơi bên thềm

          Rừng cây rung xào xạc

          Gió Đông về chưa em

          Mây trời bay ngơ ngác

          Cành cao rơi tiếng chim

Nghe lòng khơi biển động

Bên đường bóng chiều nghiêng

Mơ màng theo khói thuốc

Tôi hình dung tóc em

          Nằm gác tay lên trán

          Nghe nỗi nhớ dài thêm

          Nghe lá chiều gió lật

          Man mác buồn trong tim

Đưa em vào dĩ vãng

Nghe thu cũng não nề

Nghe hoàng hôn xuống thấp

Se se gió lạnh về…

 

( Nguồn: Tập tiểu luận “Một miền gió lộng thi ca” của LÊ THIẾU NHƠN)