Như đã biết, không lâu sau khi Đại Việt giành được độc lập, năm 1075 nền khoa cử Việt Nam chính thức được hình thành. Với hơn ngàn năm tồn tại, nền khoa cử của dân tộc đã đã tổ chức được 185 khóa thi, 2.898 người đậu đại khoa, trong đó có 56 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2.462 tiến sĩ và 266 Phó bảng. Đã có khá nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về nền khoa cử của dân tộc Việt Nam. Bài viết này thử tìm hiểu lại vấn đề trên theo một hướng khác: Tìm hiểu khoa cử Việt Nam trong truyện cổ tích.

Qua Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (5 tập), chúng tôi tập hợp được 20 cốt truyện liên quan đến khoa cử. Chúng tôi gọi là cốt truyện liên quan bởi có nhiều truyện chỉ có vài tình tiết nói về khoa cử. Số lượng này chưa đủ để xếp thành kiểu mà chỉ có thể gọi là nhóm truyện. Chúng tôi không bất ngờ về con số này, vì nghĩ rằng việc viết về các nhân vật sĩ tử – thầy đồ không thuộc chức năng của truyện cổ tích mà thuộc chức năng của truyện truyền thuyết.

 Bài viết này sẽ lần lượt tìm hiểu các vấn đề liên quan đến trường thi như: Nội dung học, Phép học, Các mô típ, chuyện trường thi.

****

1.  Nội dung học

Do chịu ảnh hưởng của học thuật Trung hoa, nền khoa cử của Việt Nam cũng chia làm hai mảng: thi văn và thi võ. Ứng với hai mảng thi là  hai loại quan văn và quan võ. Bài viết này tập trung bàn về chuyện thi văn.

Khái niệm văn ở đây không chỉ là văn sử triết bất phân mà nó bao gồm các lĩnh vực như thiên văn học, địa lý, toán học…Nói chung nội hàm của văn rất rộng, văn trong thế đối trọng với võ. Quả thế, lịch sử đã chứng minh rằng người Việt không chỉ chuyên chú về văn chương, thi phú mà còn quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực khác như Nguyễn Nghiêu Tư tìm hiểu cảm giác về không gian,  Nguyễn Quang Quan tìm hiểu bí mật về bí mật của ánh sáng… Đặc biệt, các thế hệ Trạng nguyên nối tiếp nhau từ Mạc Hiển Tích với Toán học Âm dương, Mạc Đỉnh Chi với phép chia tạo nên thế gian hài hòa, Lương Thế Vinh với Khải minh toán học và Đại thành toán pháp…đã tạo nên một trường phái Toán học Đại Việt. Rất tiếc là những thành quả, thành tựu đó không còn nữa – Ít nhất là trên văn bản!

Với thực tế đó, chúng tôi đành tìm hiểu vấn đề này dựa vào các dị bản truyện cổ có trong tay.

Ngày xưa, để được đi thi, các sĩ tử phải trải qua một thời gian dài sôi kinh nấu sử, phải biết làm văn thơ, ngâm thi phú – nói chung là phải giỏi văn chương. Ngoài ra, các sĩ tử còn phải thông kinh bác cổ, làu kinh sử, kinh phật, kinh dịch…Thầy đồ thì phải nổi tiếng tài cao học rộng, ngoài bách gia chư tử, các môn nhâm, cầm, độn, toán thảy đều tinh thông (Thầy cứu trò). Các sĩ tử xuống Thủy phủ và được Trạng nguyên họ Lương giảng kinh Dịch (Giáp Hải). Truyện Bà chúa ong thì kể rằng: nhờ đọc được cuốn sách của cha cô gái nuôi ong nên Kỳ thi năm ấy, vua ra đầu đề bài văn có nhiều điển tích về đạo Phật…Các bạn anh ở quê nhà cũng như các sĩ tử bốn phương vì không đọc qua sách Phật, nên bị loại quá nhiều… hay Cô rất thông minh, học chóng tấn tới, chẳng bao lâu đã thông kinh sách (Sự tích tháp báo ân). Như vậy, chúng ta thấy ngày xưa các sĩ tử được học các nội dung như kinh sử, văn chương – thi phú – câu đối, tướng số, kinh thi, thiên văn địa lý, bách gia chư tử, nhâm – cầm – độn – toán, kinh dịch, kinh sách… Phần lớn các kiến thức trên thuộc Nho học; chỉ một vài nội  dung thuộc Phật học. Nói chung, các kiến thức, tư tưởng này đều có nguồn gốc từ Trung hoa. Sau một ngàn năm Bắc thuộc, đất nước chúng ta chưa có điều kiện để xây dựng một nền học thuật riêng. Do vậy, nền khoa cử của chúng ta chịu rất nhiều ảnh hưởng của nền văn minh này thì cũng là một điều dễ hiểu. Hơn nữa với mục đích là đào tạo những sĩ tử ra làm quan thì các nội dung này, các kiến thức trên vẫn còn phát huy tác dụng – ít ra là đến thời điểm đó.

2. Trường học và phép dạy

Trường học

Khảo sát các dị bản, chúng tôi nhận thấy rằng các sĩ tử ngày xưa thường học tại các loại trường sau đây: Nhà nghèo thường gởi con ở rể hoặc gởi con vào chùa (Lê Như Hổ, Nguyễn Hiền) hoặc có được vốn chữ trong tay, nhiều sĩ tử vừa ôn luyện, dùi mài kinh sử vừa phải lao động cật lực để có lộ phí ứng thí ngày ngày anh cố công làm thuê làm mướn để tối đến học dăm ba chữ (Người dân nghèo và Ngọc hoàng), trong năm năm, mặc cho kẻ cười người chê, anh vẫn vừa làm vừa học, không chịu bỏ dở (anh chàng họ Đào), hàng ngày, buổi sáng tinh sương, anh lên rừng chặt củi đem ra chợ bán. Chiều lại, ăn xong, anh mới cầm lấy quyển sách (Bà chúa ong)…

Các gia đình đủ ăn thì gởi con đến các cụ đồ. Các cụ đồ này có khi là những người từng ứng thí nhưng không đỗ đạt hoặc có khi là những người đỗ đạt nhưng không chấp nhận cuộc sống chốn quan trường. Xin kể ra vài dẫn chứng: thầy Chu An không thể chịu được bảy tên quyền thần nên tiếp tục về mở trường dạy học. Đây là niềm vui của người dân: những người đến xin nhập môn đông vô kể. Cả một cái gò cao ở xóm Văn phải dựng thêm ba bốn mái nhà nữa mới đủ chỗ để chứa học trò. Nhà trong xóm chật ních những anh đồ nho, đủ mặt người kinh, người trại. Đó là chưa kể những người ở quanh vùng hàng ngày cơm đùm cơm gói đi về học tập (Sự tích đầm mực) hoặc Ngày xưa, có nhà phú hộ có một người con trai mười lăm tuổi cho đi học tại nhà một cụ đồ trong làng (Nữ hành giành bạc)…

Ngoài ra, những gia đình khá giả như gia đình phú hộ thì mời thầy về dạy kèm tại nhà nhân nhà có nuôi thầy cho con trai học, phú ông cũng cho con gái theo đòi nghiên bút (Sự tích tháp Báo ân) hay Ngày xưa, có một anh học trò trẻ tuổi nhà nghèo xơ nghèo xác. Vì có cha mẹ già, anh phải lang thang đây đó làm nghề gõ đầu trẻ để nuôi thân và nuôi cha mẹ. Mãi về sau, anh được một phú ông ở một làng nọ mời về ngồi tại nhà mình để dạy cho con học (Duyên nợ tái sinh).

Các phép dạy (từ trong truyện Lê Như Hổ)

Trước hết cần thầy rằng: Dầu là học trong môi trường nào thì nền giáo dục ngày xưa vẫn rất chú ý việc dạy lễ phép, dạy cách làm người. Thầy Chu An cảm hóa được cả thuồng luồng đến nổi nó chấp nhận cả cái chết để làm mưa cứu dân làng! Biết Trạng Hiền thông minh hơn người, có thể giúp nước nhiều điều nhưng Vua thấy Trạng đối đáp cộc lốc, cho là trẻ con chưa biết lễ phép, bèn cho Trạng về nhà học lễ phép trong ba năm… (Trạng Hiền) hay như phép dạy của Lê Như Hổ trước học lễ, sau mới học văn (Lê Như Hổ). Những kinh nghiệm này, bài học này còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.

Tiếp xúc với các cốt truyện, chúng tôi thấy rằng ngày xưa cha ông chúng ta đã vận dụng các phép dạy sau:

Học thuộc lòng

Nhắc đến chuyện học ngày xưa, người ta thường nhớ đến các câu nói sôi kinh nấu sử hoặc dùi mài kinh sử hay tầm chương trích cú… Những câu thành ngữ trên  phần nào hé mở cho chúng ta biết cách học quen thuộc của nền khoa cử Việt Nam, đó là cách học đòi hỏi sự chăm chỉ, trí nhớ, học thuộc lòng. Sự thông minh đồng nghĩa với khả năng nhớ nhanh, thuộc lâu của người học trò. Đây là phép học truyền thống của nền khoa cử Việt Nam. Gắn liền với phép dạy này là những hình ảnh quen thuộc: …không hiểu vì sao trên núi từ xưa vắng bóng người, thế mà lúc này cứ mờ sáng khi họ (nàng Ngọc Châu – ĐQMD chú) ngồi vào khung cửi đã nghe tiếng chim phượng gáy, rồi nghe tiếng học trò học sang sảng đến sáng… (Người dì ghẻ ác nghiệt hay sự tích con dế) hoặc ngày ngày anh cố công làm thuê làm mướn để tối đến học dăm ba chữ (Người dân nghèo và Ngọc hoàng), trong năm năm, mặc cho kẻ cười người chê, anh vẫn vừa làm vừa học, không chịu bỏ dở (Anh chàng họ Đào). Đây là những hình ảnh rất đẹp – đẹp bởi ý chí, sự nổ lực của các sĩ tử! Đẹp bởi tinh thần vượt khó vươn lên, tinh thần hiếu học của các sĩ tử! Những hình ảnh này đã góp phần hun đúc, bồi đắp thêm cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta bao đời nay.

     Gắn liền với phép dạy trên là phép dạy truyền thụ: Thầy giảng – trò lắng nghe. Đây là phép dạy mà người thầy đóng vai trò chủ động truyền thụ, giảng giải các kiến thức cho học trò. Các sĩ tử bị động trong việc lĩnh hội kiến thức. Chúng ta thấy phép dạy này trong Giáp Hải: Hải gặp được Trạng nguyên họ Lương, trong khi ông đang ngồi giảng kinh Dịch. Được nghe giảng, Hải rất mừng vì gặp được thầy giỏi. Sau khi được cụ đồ giảng giải, học trò mới tự văn ôn được. Chúng tôi chưa tìm thấy nhiều dị bản nói về phép dạy này nhưng có thể quả quyết rằng, cùng với phép dạy học thuộc lòng thì đây cũng là phương pháp quen thuộc và tồn tại một thời gian rất dài trong nền giáo dục Việt Nam.

     Phép dạy ứng đối

Phép dạy này khuyến khích sự chủ động của người học. Người dạy chỉ đưa ra những gợi ý gợi mở để sĩ tử tự động não, suy nghĩ tìm cách giải quyết thích hợp nhất. Tính cạnh tranh trong cách học này được đẩy mạnh. Nhờ những lần tranh đua này mà bài học dễ thấm sâu, thấm lâu trong trí người sĩ tử. Chúng ta cũng có thể thấy phép dạy này ở các truyện mà nhân vật thách đố nhau về những câu đố, vế đối hiểm hóc. Nhờ sự ứng đối thông minh, linh hoạt này mà em bé cứu cho cha mẹ khỏi món nợ (Con mối làm chứng); Nhờ ứng đối giỏi mà em bé cứu cho dân làng khỏi vạ của vua và được vua mời ra làm quan (Em bé thông minh); Nhờ ứng đối mà Trạng cứu Triều đình khỏi thách đố của sứ nhà Nguyên (Trạng Hiền)…Kho tàng câu đối của Việt Nam còn đến ngày nay một phần cũng là nhờ phép dạy này.

Qua phác thảo trên, chúng ta thấy rằng phép dạy thuộc lòng và truyền thụ – giảng giải là hai phương pháp phổ biến hơn cả. Ngoài ra, tùy từng đối tượng, cha ông chúng ta đã biết linh hoạt áp dụng các phương pháp giáo dục khác nữa.

3. Các mô típ thường gặp

      Mô típ thi tài

Như đã biết đây là kiểu truyện về những anh học trò, những sĩ tử một thời hàn vi có ý chí vươn lên, học giỏi và đỗ đạt thành quan. Do vậy, mô típ xuất hiện nhiều nhất trong kiểu truyện này là mô típ thi tài. Mô típ này nói về những thách đố mà các sĩ tử phải vượt qua hoặc kể về những cuộc tỉ thí, ganh thi bằng mưu trí giữa các nhân vật. Mô típ này cũng có thể xuất hiện trong nhiều kiểu truyện khác như kiểu truyện Nhân vật xấu xí, kiểu truyện Con thỏ tinh ranh, kiểu truyệnNgười em út….Nhưng chúng tôi xem đây là mô típ đặc hữu của kiểu truyện này. Bởi trong kiểu truyện này, tần số xuất hiện của mô típ thi tài dày đặc. Hơn nữa, nội dung chính của kiểu truyện nói về tài năng của nhân vật sĩ tử mà tài năng như chúng ta biết chỉ được thừa nhận qua những lần thi tài. 

Khảo sát các dị bản, chúng tôi thấy có những kiểu thi tài dưới đây.

Thi tài làm thơ văn, làm câu đối. Đây vừa là nét văn hóa của một đất nước trọng văn: văn chương được sử dụng khắp mọi nơi và cho mọi người. Ngay cả người chồng cũng phải trải qua thách đố giải được vế đối vợ mới cho chung chăn gối (Nữ hành giành bạc).

Làm thơ văn, giải câu đối, câu đố…như là thang giá trị để đánh giá tài năng của con người. Đây là cách để thầy đồ đánh giá tâm tính – lực học của sĩ tử, là cách triều đình thử thách sĩ tử để tuyển chọn nhân tài. Cũng nhờ tài năng thiên bẩm mà Trạng Hiền đã giải cứu cho nhà vua một một bài toán khó sứ nhà Nguyên đưa sang ta một câu đố để thử xem nước Nam có nhân tài chăng…Cả vua lẩn quan đều ngẩn ra, không biết làm sao mà đoán được. Mấy ông cụ già trong Viện Hàn lâm, trong Quốc tử giám vắt óc suy nghĩ nhưng lâu lắm vẫn không tìm được câu trả lời. Cuối cùng, phải nhờ đến vị Trạng nguyên tuổi còn bé – chưa biết lễ phép mới giải được (Trạng Hiền).

      Mô típ phong thủy

Theo quan niệm dân gian, sở dĩ nhiều người học giỏi, được đỗ đạt là do âm hồn phù trợ, do đã được ghi vào sổ Thiên đình hoặc do phong thủy tốt. Đây là một quan niệm có thật, một niềm tin tồn tại trong đời sống người dân Việt Nam xưa nay. Người xưa tin rằng một người phi thường có thể ngẫu nhiên được trời đất phú bẩm cho tài năng hoặc được một trợ lực siêu nhiên khác nhưng người ta cũng có thể chủ động tạo ra điều kiện tiếp nhận năng lượng vũ trụ bằng thuật phong thủy. Theo quan niệm này thì nhà ở và mồ mả có vị trí đúng theo thuật phong thủy có thể đem đến thay đổi quan trọng cho số phận…Quan niệm này cũng gắn liền với quan niệm về bản chất thiên phú địa tái (trời phú bẩm, đất che chở) của danh nhân, đấng bậc thời Trung đại. Các nhân vật như Bùi Cầm Hổ, Giáp Hải là những minh chứng cho quan niệm này. Điểm chung về hoàn cảnh xuất thân của các nhân vật này đều là những đứa con cầu tự, hiếm muộn của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ tuổi già mà chưa có con không chồng mà chửa – bà hàng nước qua đêm với ông đánh giậm (Giáp Hải). Điều khác biệt này đã hé mở những khả năng đặc biệt của nhân vật sau này: Sự sinh nở thần kỳ sẽ kéo theo những con người thần kỳ. Đây cũng là một nét thi pháp của văn học dân gian.

Truyền thống văn hóa nông nghiệp Việt Nam trọng văn nên vai trò của kẻ sĩ được coi trọng, đứng đầu danh mục các nghề trong xã hội: sĩ, nông, công, thương. Vì vậy, rất có thể do quý trọng kẻ sĩ nên khi nhân vật đã được vinh hiển dân gian thêu dệt, bồi đắp thêm những mô típ phong thủy, những lớp trầm tích này. Theo chúng tôi, quan niệm này không hề làm giảm giá trị của các nhân vật này. Trái lại, nó còn khoác thêm cho các nhân vật sĩ tử vẻ linh thiêng, uy nghiêm.

Liên quan đến mô típ này chúng ta còn thấy một số chi tiết về thuyết thiên mệnh, định mệnh. Đó là chuyện về cậu học trò nghèo học giỏi, được thiên đình chú ý ghi vào sổ đậu tiến sĩ nhưng từ đó hắn trở mặt, phạm tội dưới trăng bỏ vợ, trước sân đòi nhà, chưa làm nên đã thất đức nên bị Thiên đình tước sổ mất rồi, không cho đỗ đạt (Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng) hay chuyện về Chàng thư sinh rất khôi ngô, học giỏi, văn hay nhưng nghèo rớt mồng tơi…Văn tài của chàng nổi tiếng khắp kinh kỳ, thế mà cứ hễ vào trường nhất hay giỏi lắm vào đến trường nhì là bị loại ra ngay. Không làm cho đau bụng thì cũng bắt phạm trường quy, oan hồn của người bạc mệnh quyết không cho hắn đỗ. Thì ra, do kiếp trước chàng thư sinh này là kẻ bạc tình nền bị Diêm Vương bắt đền nợ (Cái kiến mày kiện củ khoai).

Ngoài ra, trong nhóm truyện này còn có một số mô típ khác như mô típ sinh nở thần kỳ, mô típ ăn khỏe, mô típ hóa kiếp – đầu thai, mô típ về sự  giúp đỡ của những người phụ nữ bình thường dành cho các hàn sĩ…Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ dừng lại tìm hiểu hai mô típ tiêu biểu hơn cả cho kiểu truyện này.

4. Chuyện trường thi

Chuyện trường thi xưa nay vốn được xem là chuyện thâm cung bí sử, là chuyện đại sự – không nên mạn đàm. Tuy vậy, khi tiếp xúc với các các cốt truyện chúng ta thấy rằng bên cạnh những tấm gương của các sĩ tử học giỏi, đỗ đạt còn thấy một sự thật trần trụi được nhìn từ góc độ khác đã góp phần phàm tục hóa chân dung các nhân vật đỗ đạt…Do vậy, chúng tôi tạm chia những người đỗ đạt thành hai nhóm: nhóm những người đỗ đạt không do thực học mà do gian lận hoặc do may mắn và nhóm những người đỗ đạt do thực học (có thể trải qua thi cử hoặc được đặc cách tuyển chọn).

      Đỗ đạt không do thực học

Gian lận trong thi cử. Chuyện thi cử và sự đỗ đạt của nhiều người thành chuyện cười ra nước mắt. Tác giả dân gian đã vén bức màn thần bí của những kiểu tiêu cực trong khoa cử; bằng những chi tiết hiện thực khác nhau đã chỉ rõ không phải tất thảy những vị đỗ đại khoa đều có tài năng xứng đáng. Khoa cử đỗ đạt chẳng qua là phía khuất lấp của cuộc sống đầy phức tạp mà người ta thường cố gắng che dấu. Chúng ta có thể gặp chuyện gian lận thi cử trong các truyện nhưTháp báo ân, Nguyễn Công Hân chửi thần Tuyên Nghĩa, Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng,…

Một kiểu gian lận khác là sử dụng ma thuật. Theo chúng tôi, tác giả dân gian đã mượn bức màn thần bí, ma thuật để nói tránh việc gian lận thi cử. Kiểu gian lận này có trong hai dị bản Nguyễn Công Hân chửi thần Tuyên Nghĩa, Tháp báo ân. Truyện Nguyễn Công Hân chửi thần Tuyên Nghĩa kể rằng vừa làm bài xong Công Hân bổng thấy một người cầm nghiên mực hắt vào quyển của mình, mực đổ nhòe nhẹt không sao đọc được chữ nữa. Quan Thừa hiến bảo Công Hân đổi quyển khác. Đến lúc xướng danh, Công Hân được xếp đỗ đầu. TruyệnTháp báo ân nói rõ hơn Vào trường thi, bài của anh làm rất trôi chảy. Nhưng vào kỳ cuối, bài văn sách đầu đề ra có phần hiểm hóc làm anh ngậm bút mãi. Cuối cùng cũng viết thành bài, nhưng sau khi ra trường bước về quán trọ, anh mới nhớ là mình viết nhầm mấy chỗ… Sau đó, hồn cô gái đã chết – người yêu của sĩ tử theo đến kinh kỳ để giúp bài thi anh cử khỏi bị đánh hỏng. Như vậy, các sĩ tử này đỗ đạt không phải do thực học mà do sự trợ giúp của một ma lực thần bí – đây là một cách nói tránh của chuyện gian lận trong thi cử. 

Đỗ đạt do tình cờ – may mắn. Dị bản Người dân nghèo và Ngọc hoàng kể rằng Nhờ có viên ngọc, anh học trò đã trở nên sáng dạ lạ thường, bao nhiêu kinh sử ôn đến đâu thuộc làu đến đấy…Khoa ấy, văn bài của anh làm rất xuất sắc. Chính chủ khảo lấy anh lên đầu bảng. Giáp Hải trước cũng đã từng thi hỏng hai lần nhưng sau đó Hải cứu sống ba ba (con gái thủy tề – ĐQMD chú) được trả ơn: Xuống Thủy phủ và được Trạng nguyên họ Lương giảng kinh Dịch. Sau Hải thi đậu tiến sĩ rồi thi đình đậu luôn trạng nguyên (Giáp Hải). Truyện Bà chúa ong thì kể rằng: nhờ đọc được cuốn sách của cha cô gái nuôi ong nên Kỳ thi năm ấy, vua ra đầu đề bài văn có nhiều điển tích về đạo Phật…Các bạn anh ở quê nhà cũng như các sĩ tử bốn phương vì không đọc qua sách Phật, nên bị loại quá nhiều…Chỉ có Sĩ vô tình đọc quyển sách giữa cái đêm gió bão ở nhà cô gái mù nên trả lời trôi chảy. Kiểu đỗ đạt này còn có trong các dị bản như Bà chúa ong, Giáp Hải,Người dân nghèo và Ngọc hoàng, Người học trò và ba con quỷ,…Như vậy, qua nhóm những người đỗ đạt không phải do thực học mà do gian lận hoặc do may mắn tác giả dân gian muốn hiện thực hóa, phàm tục hóa những con người này: Thì ra, họ cũng là những người bình thương, cũng có những hạn chế như chúng ta! Thì ra việc đỗ đạt của họ không phải do thực học mà do một thế lực thần bí khác trợ giúp!

Như vậy, qua khảo sát trên chúng ta thấy tác giả dân gian đã vén bức màn bí mật cho chúng ta thấy nhiều khuất tất trong thi cử  – cả sĩ tử lẫn các quan phụ trách. Thực tế này cùng với thực tế nhiều vị đỗ đạt do may mắn  – tình cờ đãtục hóa những con người đỗ đạt đó, đưa họ lại gần chúng ta hơn. Đây là quá trình tục hóa các nhân vật vốn được xếp vào hàng đấng bậc.

     Đỗ đạt do thực học

Ngoài những trường hợp đã phân tích trên, các dị bản còn lại đều ghi nhận những sĩ tử đỗ đạt là do thực học, do những khả năng xuất chúng. Phần nhiều các sĩ tử đều nghèo khổ, học giỏi, trải qua kỳ thi tuyển và đỗ đạt cao như các Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Lê Như Hổ, Huyền Quang, Giáp Hải, Tống Như Mai… Chúng tôi xin đưa ra vài dẫn chứng. Dị bản Nàng Xuân Hương kể rằng Lòng càng nhớ Xuân Hương, chàng (Tống Như Mai – ĐQMD chú) lại càng để tâm vào việc học tập. Quả nhiên công phu của chàng không uổng. Khoa thi năm ấy, chàng đậu đầu, rồi tiếp tục vào thi đình đậu luôn trạng nguyên. Anh chàng họ Đào (Duyên nợ tái sinh) thì cố nén đau khổ, tự rèn luyện thành tài để đợi khoa thi. Sau mười lăm năm xôi kinh nấu sử, sức học của anh uyên bác không ai bì kịp. Anh đi thi và đậu luôn tiến sĩ. Truyện Trạng Hiền thì kể về Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong nền khoa cử Việt Nam rằng Hiền học một biết mười, chả mấy chốc đã nổi tiếng thần đồng. Năm 12 tuổi, Hiền đi thi và đậu luôn trạng nguyên. Tác giả dân gian không ngần ngại thiêng hóa nhân vật này bằng nhiều giai thoại.

Ngoài ra, có hai trường hợp được đặc cách phong Trạng nguyên, phong quan Ngự sử mà không phải kinh qua kỳ thi tuyển. Đó là trường hợp Bùi Cầm Hổ và Em bé con ông dân cày. Truyện Em bé thông minh kể: Vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Sau khi nghe em bé trả lời nhanh nhạy, thông minh một số câu đố hóc búa, vua phong cho em bé làm Trạng nguyên; Còn Bùi Cầm Hổ do tiếp đón thầy địa lý ân cần, tốt bụng nên được thầy chỉ dằm đất chân trắng làm ngự sử. Hổ cất mả mẹ về táng chổ đó và phát làm quan ngự sử (Bùi Cầm Hổ). Hai trường hợp ngoại lệ này cho chúng ta thấy được sự lịnh hoạt trong khoa cử ngày xưa: Có tài tất sẽ được trọng dụng. Ngoài ra, qua dị bản Bùi Cầm Hổ, Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, Cái kiến mày kiện củ khoai tác giả dân gian đã ngầm gởi gắm cho chúng ta bài học nhân sinh sâu sắc: hãy là người tốt trước khi là một người sĩ tử giỏi, một vị quan có tài. Bài học này còn giữ nguyên giá trị trong thời đại hôm nay.

Kết luận

Như vậy, qua việc nghiên cứu các nội dung học, phương pháp giáo dục cũng như những vấn đề về trường thi chúng ta phần nào thấy được bức tranh về nền khoa cử xưa. Qua bức tranh này, chúng ta thấy rằng, do hoàn cảnh lịch sử, nền khoa cử Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều của nền học thuật Trung hoa. Kiểu truyện này cùng tồn tại hai quá trình chuyển hóa trái chiều: thiêng hóa và tục hóa nhân vật sĩ tử. Có lúc các nhân vật này được thiêng hóa là tấm gương vượt khó, học giỏi và đỗ đạt; có khi lại bị tục hóa bằng việc đỗ đạt không do thực học. Sự thật này góp phần đưa những thánh nhân quân tử này…lại gần chúng ta hơn. Việc cùng lúc tồn tại hai gương mặt sĩ tử giúp chúng ta có cái nhìn đa diện, đầy đủ hơn về vấn đề khoa cử cũng như về nhân vật này.

 

ThS. Đặng Quốc Minh Dương

Khoa Ngữ văn – ĐH Văn Hiến