TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
 
Các trào lưu khoa học văn học ít có khả năng bác bỏ lẫn nhau một cách triệt để, kể cả khi chúng đối lập với nhau. Như là những phương thức đọc có thể, chúng tồn tại cạnh nhau, và trong một ý nghĩa nhất định, mỗi trào lưu đều có cái hạt nhân hợp lí của riêng nó. Không có và không thể có một thứ khoa học văn học phổ quát, chung cho tất cả…
 
Trong chuyên luận Tác phẩm văn học như là quá trình(1) chúng tôi đã có dịp đề cập đến, trên những nét cơ bản, những đặc điểm của tư duy hiện đại. Theo đó, tư duy hiện đại muốn nhìn ra phía sau cái bề mặt của sự vật. Nếu tư duy tiền hiện đại đã khám phá những mối liên hệ bề mặt có thể cảm nhận được của thế giới, thì tư duy hiện đại phát hiện ra rằng những mối liên kết bề mặt không phải do những qui tắc bề mặt cụ thể dẫn dắt, mà là do những hình thức ổn định, ẩn kín; những cấu trúc trừu tượng được xác lập một cách bài bản, chi phối. Những phát hiện của Freud cho thấy, có cái cấu trúc gì đó sâu lắng, không thể tiếp cận được, nhưng lại luôn luôn hoạt động đằng sau ý thức của con người. Cái vô thức không thể cảm nhận được, không thể đo đếm mà chỉ có thể tự rút ra mà thôi.
Tư duy hiện đại đã sử dụng một số cặp mâu thuẫn rất đặc trưng như cái có thể nói ra và cái không thể nói ra, bí mật và công khai, bản chất và hiện tượng, chính thức và không chính thức, cái ngẫu nhiên giây lát và sự tất yếu vĩnh hằng… Như vậy, không thể tiếp cận được bản chất của đời sống ở một bình diện duy nhất, bởi vì đời sống không chỉ có một bề mặt nơi các sự việc xẩy ra tiếp nối nhau. Không thể lí giải các sự kiện của đời sống bằng quan hệ nhân quả hay bằng hệ qui chiếu nào đó. Đời sống, thực ra không chỉ có bề mặt nơi ẩn dấu các sự việc xẩy ra liên tục. Chủ nghĩa hiện đại lấy cá nhân làm cơ sở cho mọi sự hiểu và chiêm nghiệm đời sống. Mâu thuẫn giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa ấn tượng và lí trí là đặc điểm của con người cá nhân hiện đại. Từ đây mà quan niệm về văn học đã xuất phát từ tác phẩm văn học độc lập với tác giả, thời đại, người tiếp nhận. Quan niệm văn học hiện đại đã xóa bỏ khái niệm tác giả truyền thống. Thay cho quan niệm về quan hệ nhân – quả là quan niệm mới về chủ thể và kết cấu ý nghĩa mới được tạo ra bên trong khuôn khổ của ngôn ngữ. Đối với chủ nghĩa hiện đại, yếu tố làm chuyển động các cấu trúc thế giới là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trước hết không phải là công cụ giao tiếp, nó không đóng vai trò kẻ muốn nói gì ở đây, bây giờ. Đối với tư duy hiện đại, ngôn ngữ trước hết là cấu trúc, là cái hệ thống tổ chức mang giá trị mô hình, nó tác động đến tất cả.
Tư duy hiện đại cho rằng, nếu chúng ta nắm bắt được cấu trúc bản chất của ngôn ngữ, chúng ta sẽ đạt tới sự nhận biết cái kết cấu thực chất của đời sống con người. Phù hợp với quan điểm này là quan điểm của Dilthey mà trong nhiều điểm đã trở nên có vấn đề vào đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh chủ nghĩa hiện đại đang thịnh hành. Dilthey đã đưa vào trung tâm tườnggiải học con người cá nhân không phải được tạo ra trong ý nghĩa hiện đại, mà là một con người cá nhân mang trên mình nó nhữngđặc điểm của quan niệm tiền hiện đại. Con người cá nhân của Dilthey là một con người hiện thực, biết khám phá tình cảm, lịch sử bằng công cụ ấn tượng. Những vùng đất được khám phá chính là những hình thức khác nhau của tinh thần. Những suy nghĩ của Dilthey về tường giải học đã gây tranh luận, thậm chí bị phê phán do một số nguyên lí của nó. Chúng ta biết rằng, mọi loại tường giải học, với việc đưa vào khái niệm sự hiểu, đã thiết lập một cái gì đó nằm ngoài đối tượng, vì nó đặt điều kiện về vai trò của người sáng tạo. Đối với tư duy hiện đại thì điều này mang tính chất siêu nghiệm, vì nó quá nhấn mạnh yếu tố bối cảnh, chủ quan, những yếu tố mà tư duy hiện đại luôn bác bỏ. Có lẽ chính vì điều đó mà không có được tường giải học hiện đại đích thực, một khoa học về sự hiểu, nhưng lại có ngữ nghĩa học, kí hiệu học, tức là khoa học về nghĩa. Triết học được vận dụng vào ngôn ngữ học, lôgích học hình thức hoặc tâm lí học hiện đại. Trong tình hình đó, có hai khả năng mở ra cho tường giải học hiện đại:
– Phục chế nghiêm túc cái cấu trúc của một hiện tượng nào đó (chủ thể của ý nghĩa hoặc khách thể của ý nghĩa) xuất phát từ các mối liên hệ nội tại mang tính hình thức của đối tượng.
– Hình thức hóa chi tiết sự kiện hiểu, cách làm này có thể hạn chế hiệu lực về mặt triết học, nhưng lại vận dụng một cách thiết thực sự phát triển của lí thuyết diễn giải.
Như vậy, có hai xu hướng khác nhau cùng tồn tại. Một xu hướng tạo thành lí thuyết hình thức chủ thể (thiên hướng chủ quan); còn xu hướng khác là sự phục chế ý nghĩa chỉ hoàn toàn bằng việc phân tích đối tượng ngôn ngữ(lôgích hình thức, triết học ngôn ngữ). Đại diện tiêu biểu nhất cho quan niệm về hình thức hiện đại của chủ thể là Edmund Husserl, người đã bác bỏ chủ nghĩa tự nhiên thực chứng cuối thế kỷ XIX và chủ nghĩa lịchsử – lịch sử tinh thần(2). Với Hiện tượng học, Husserl đã khám phá ra tính ý hướng của ý thức chủ quan, như là khả năng tạo lập thế giới (ý nghĩa). Ông đã cho vào ngoặc cái hiện thực, thế giới kinh nghiệm và chủ thể hoạt động trong nó. Đối với Husserl, chủ nghĩa thực chứng đã cấp quá ít vai trò cho chủ thể, trong khi tường giải học đã thực hiện tốt việc đó qua sự diễn giải văn bản. Ở xu hướng thứ hai, dù ít được vận dụng, người ta đã cho thấy các quá trình hiểu và diễn giải vẫn phải dựa căn bản vào sự tạo thành ý nghĩa của các văn bản. Tư duy tường giải học không được diễn đạt như là triết học của sự hiểu mà như là lí thuyết diễn giải, là kĩ thuật.Đại diện cho xu hướng này là Rudolf Bultmann, Emilio Betti và Eric Donala Hirsch. Nhưng người đã có công gắn tường giải học với tư duy hiệnđại là Paul Ricoeur, với một hệ thống quan điểm phức tạp hơn những gìchúng ta đã biết(3). Paul Ricoeur không cố đưa tường giải học tiền hiện đại hội nhập với tường giải học hiện đại, mà ông đã kết nối những quan điểm nổi bật của tường giải học tiền hiện đại với các nguyên lí lí thuyết ngôn ngữ hiện đại. Chính nhờ vậy mà Paul Ricoeur trở thành người đại diện quan trọng của tường giải học hậu hiện đại. Chúng ta biết rằng, sự đổi mới có ý nghĩa lớn nhất của tư duy hiện đại là việc xây dựng quan niệm nội tại về nghĩa và ý nghĩa của văn bản. Việc này hai lần có ý nghĩa. Một mặt, nó tạo ra những lí thuyết nội tại của nghĩa và ý nghĩa có khả năng tiếp cận khái niệm ngôn ngữ như là nó. Mặt khác, với hành động này, nó xác lập lại sự kể chuyện về thế giới, bởi vì sự nhận biết bản tính tự nhiên của ngôn ngữ cho thấy đằng sau mọi hiểu biết là cấu trúc ngôn ngữ, là sự tạo lập nền tảng ngôn ngữ. Nó không chỉ nhận biết, mô tả ngôn ngữ theo bản chất của ngôn ngữ, mà cùng lúc nó nhận thức rằng con người hiện đại tồn tại như là ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ là công cụ của con người mà còn là bản tính tự nhiên của con người. Chính đặc điểm cuối cùng này của ngôn ngữ là nguyên nhân để phần lớn các triết học thế kỷ XX là triết học ngôn ngữ, và khoa học văn học hiện đại cũng như tâm lí học và nhân chủng học hiện đại đều được xây dựngtrên những vấn đề cơ bản mang tính chất ngôn ngữ. Đây là thay đổi quan trọng, nếu chúng ta nhớ lại trước đó, đối với tư duy tiền hiện đại,nghĩa là cái ngẫu nhiên, là cái gìđó đã được thiết lập thông qua chủ ý của người nói. (Vì thế nên lúc đó, người ta đã nghiên cứu cá nhân người kể chuyện, tức là tác giả thay cho đối tượng ngôn ngữ). Tiền hiện đại chorằngnghĩa không phải là cái nằm trong ngôn ngữ (nội tại), mà nó là cái phụ thuộc vào cái siêu nghiệm của các chủ thể sử dụng ngôn ngữ. Người ta đã xác địnhnghĩa là cái được tạo thành bởi những phức hợp ý kiến lớn hơn của đời sống như các ý nghĩa lịch sử, cộng đồng. Ngược lại, tư duy hiện đại đã phổ cập cái yếu tố nội tại. Nó nhấn mạnh tính chất độc lập và tính tự trị của ngôn ngữ và ý nghĩa trước bối cảnh. Nó xác định nghĩa độc lập với người phát ngôn. Ngôn ngữ không hoàn toàn chỉ là công cụ để con người chủ định nói ra một điều gì đó, mà nó chính là khả năng của sự nói ra đó. Ngôn ngữ chính là chúng ta. Nhân loại chuyển từ “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại”sang “Tôi nói vậy thì tôi tồn tại”.Khoa học văn học hiện đại xem văn bản là trung tâm tạo nghĩa văn học. Nó gạt bỏ người sáng tác và người tiếp nhận, và với việc đó, khoa học văn học hiện đại bỏ qua bối cảnh, chấm dứt mọi sự liên quan đến bối cảnh mà đối với tư duy tiền hiện đại chúng luôn mang ý nghĩa văn học. Khoa học văn học hiện đại xem tác phẩm văn học như là hình thức ngôn ngữ đặc trưng, là hiện tượng ngôn ngữ. Vì thế, nghiêncứu văn học được xác lập bởi ngôn ngữ học và cái hệ thống bao quát của nó là triết học ngôn ngữ. Từ đây, các khoa học văn học hiện đại được xác định thông qua quan niệm ngôn ngữ mà chúng sử dụng.
***
src=http://nhavantphcm.com.vn/sites/default/files/images/Truong%20Dang%20Dung%201.jpg
Chức năng xã hội của nghệ thuật lại thay đổi nhiều từ cuối thế kỷ XIX. Trong thực tế, quá trình này vẫn đang tiếp diễn. Nhìn từ sự hội nhập đời sống của các nghệ thuật ta thấy nhu cầu về thời gian tự do ngày một lớn và lan rộng ra nhiều thành phần xã hội. Song song với xu hướng đó là một sự rạn nứt xẩy ra từ bên trong ở một thế giới mà tinh thần tự giáo dụcngày một lên cao, thể hiện cả trong các hoạt động giải trí. Thực chấtcủa sự giải trí là nhu cầu tự cảm nhận của con người, nó muốn từ bỏ một cách kín đáo các giá trị nghiêm túc, mọi áp lực công việc vì cộng đồng để có thể cảm nhận và tận hưởng bản thân. Người ta thông thường vẫn xem giải trí là việc tiêu cực vì sự giải trí làm giảm bớt trình độ thẩm mĩ. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận sự giải trí của con người hiện đại ở khía cạnh tìm kiếm một loại ấn tượng mới. Con người hiện đại muốn hiểu và xác lập chính mình qua tác phẩm nghệ thuật, nó muốn kiểm soát bản thân, muốn đến gần hơn những bí mật của chính nó. Và vì vậy, hệ giá trị trong tư duy hiện đại cũng tiếp tục bị phân nhỏ: Không chỉ các nhóm xã hội mà từng con người, từng cộng đồng nhỏ cũng trở thành nhân tố chứa đựng hệ giá trị. Các hệ giá trị được xây dựng trênnhững giai đoạn lịch sử lớn, lúc này trở nên bất ổn, muốn thay thế nhau. Sự thay thế lẫn nhau giữa các giá trị diễn ra nhanh chóng đồng thời với việc xuất hiện các hệ thống giá trị đối lập nhau, tồn tại song song.
Liên quan đến sự thay đổi môi trường tồn tại hiện đại của văn học, ngày càng có nhiều vấn đề phức tạp cần phải trao đổi như là những vấn đề lí thuyết văn học. Đầu thế kỷ XX nền giáo dục phát triển rộng khắp nơi, giúp cho các văn bản viết có khả năng quy tụ những ấn tượng của công chúng. Mối quan hệ giá trị cũng như sự giải trí tạo nên một sự thay đổi sự hiểu rất cơ bản của công chúng hiện đại: Giá trị văn học ngày càng tùy thuộc vào thiên hướng và năng lực tiếp nhận. Vai trò cá biệt của người tiếp nhận gia tăng đáng kể. Người đọc trở thành yếu tố quan trọng của đời sống nghệ thuật. Người đọc, với tư cách người tiêu thụ, xuất hiện như là đám đông, nhưng sự đọc không thể xẩy ra bằng sự trợ giúp của đám đông. Người đọc hiện đại một mình thực hiện việc hiểu tác phẩm văn học, điều mà trước đây một truyền thống cộng đồng hoặc một hệ tư tưởng giai cấp đặc biệt hơn bảo đảm cho nó. Sáng tạo cá nhân luôn là yếu tố quyết định, nhưng lúc này nó khôngđi theo hệ giá trị tập thể nào đó, mà là bằng sự xác lập cá nhân một lần, độc đáo. Trong tiếp nhận văn học, đối diện với chức năng tạo lập công chúng trước đây là vai trò nhận thức bản thân và tạo lập chính mình của người tiếp nhận. Bên cạnh sự thay đổi vai trò của người tiếp nhận, vị thế mới của tác giả cũng hình thành. Sự khu biệt giữa tác giả và công chúng ngày một mờ nhạt dần. Điều này không có nghĩa là sự thụt lùi của tác giả và sự đi lên của công chúng, nó chỉ cho thấy vị thế của tác giả đang hòa tan vào đời sống thường nhật. Tác giả biến mất không phải trong ý nghĩa xã hội học mà là trong ý nghĩa triết học trước sự hiểu văn bản văn học. Tư duy hiện đại không đề cao vai trò của tác giả như một bến bờ quan trọng để hiểu tác phẩm văn học, và cũng chính vì thế mà yếu tố xuất xứ không được coi trọng như trong tư duy tiền hiện đại.
Một quá trình hoàn toàn mới xuất hiện, khi bên cạnh văn học đã hình thành các ngành nghệ thuật gần gũi nhưng lại là đối thủ chạy đua với văn học như điện ảnh, vô tuyến truyền hình, video… Trước kĩ thuật nhân bản và những khả năng mới của công nghệ nghe nhìn, tác phẩm văn học dần đánh mất tính chất độc đáo, tự trị của nó, hòa tan vào các tin tức thời sự, tài liệu… Không còn nữa cái hoạt động siêu giao tiếp, nâng tác phẩm lên khỏi đời sống thường nhật với những qui ước đặc thù. Việc văn bản văn học được chuyển thành hình ảnh, có thể nhìn thấy trực tiếp đã làm mất tính chất trừu tượng của ngôn từ. Do đó, văn học bắt đầu muốn thoát ra khỏi những nội dung và hình thức dễ hiểu, gần với đời sống thường nhật mà nó chịu tác động từ các phương tiện nghe nhìn. Nghệ thuật hiện đại, với xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật (L’art pour l’art) đã xuất hiện trong tinh thần đó. Các trào lưu tiền phong chủ nghĩa đều không quan tâm tới sự dễ hiểu, hay tính đại chúng. Giữa khả năng hiểu của công chúng và sự phức tạp của tác phẩm, có vực thẳm gần như không thể nối liền. Tình hình này đã làm thay đổi căn bản khả năng của những hoạt động thiết chế hóa sự chuyển tiếp xã hội của văn học qua giảng dạy, diễn giải tác phẩm văn chương. Phương pháp giảng dạy văn học đã trở thành phổ biến của nền giáo dục tư sản đến lúc này tỏ ra không thích hợp nữa. Phần lớn học sinh đến trường mà chưa được trang bị trước năng lực cảm nhận văn học mới. Học sinh không thể học hay cảm thụ được những hình thức cơ bản của văn học ở nhà trường. Các tài liệu giảng dạy ở trường học, ngoài một vài ngoại lệ, còn lại là những sách giáo khoa xa lạ. Như vậy, vấn đề sự hiểu vẫn đặt ra trong các hình thức diễn giải văn học. Một mặt, cần cótác phẩm văn học và phương pháp diễn giải như thế nào để có thể nối liền cái khoảng trống giữa yêu cầu tinh thần – thẩm mĩ của nền văn học lớn và năng lực tiếp nhận của đám đông. Những bạn đọc hiện đại không chỉ muốn học từ văn học mà còn muốn tự nhận thức bản thân bằng con đường củamình. Mặt khác, người ta phải xác định nền tảng tư duy lí luận và phương pháp thực tiễn nào có thể đổi mới và phát triển cái khả năng cảm thụ văn học nghệ thuật hiện đại. Các công trình nghiên cứu lí luận văn học, tâm lí học văn học và xã hội học văn học phải trả lời được câu hỏi là làm thế nào để phần lớn học sinh có ấn tượng đẹp về khoái cảm tiếp nhận tác phẩm văn học hơn là sự tự cảm nhận ở bình diện giải trí khi đọc truyện trinh thám. Ngoài ra, công việc giảng dạy, diễn giải văn học trong nhà trường cần phải đáp ứng được những tiêu chí tiếp cận mới phù hợp với yêu cầu hiểu các tác phẩm văn học có thi pháp sáng tạo mới. Trong thực tế, ở châu Âu, những năm đầu thế kỷ XX, có nhiều nơi chủ nghĩa bảo thủ trong nghiên cứu văn học vẫn duy trì các phương pháp và mục đích nghiên cứu cũ của tư duy tiền hiện đại trước đó.
Có thể nói rằng, khoa học văn học là lĩnh vực có khả năng đóng góp nhiều nhất cho giải pháp về khủng hoảng sự hiểu. Nửa sau thế kỷ XIX, do sự đa dạng hóa của các hệ thống giá trị, xuất hiện nhu cầu xem xét cụ thể hơn sự phân tích lịch sử trước đó, khi người ta tìm cách diễn giải tác phẩm văn học bằng cách đưa nó vào các khuôn khổ của một hình ảnh thế giới ổn định hơn. Do các xu hướng nghiên cứu bằng cái nhìn lịch sử như vậy của tiền hiện đại đã tỏ ra bất cập, người ta buộc phải nghiên cứu bằng điều kiện tiên quyết là tác phẩm văn học như một trung tâm tạo nghĩa. Tính chất cách mạng của sự phân tích tác phẩm văn học giờ đây thể hiện ở chỗ lần đầu tiên, qua quá trình tạo nghĩa của văn bản, người ta đã xác lập phương thức tồn tại của tác phẩm văn học trên bình diện lí luận. Như vậy lịch sử văn học chỉ mang lại những hiểu biết cơ sở để xác định nghĩa (nội dung) của tác phẩm văn học, còn phân tích tác phẩm văn học trên bình diện lí luận văn học cần đến những nghiên cứu về bản chất của nghĩa (văn học) cũng như kết cấu của nó. Lí thuyết văn học hiện đại, như một khoa học chuyên diễn giải vấn đề tác phẩm văn học, luôn trang bị những nguyên lí mơ hồ, trừu tượng. Và vấn đề của sự hiểu cũng chính là vấn đề của lí thuyết văn học. Có thể có nhiều loại lí thuyết văn học và một số mô hình, biến thể của nó mô tả các quá trình tự nhận thức, tự tạo lập bên trong của tư duy hiện đại. Quá trình từ tiền hiện đại đến hiện đại là một quá trình lần đầu tiên cho thấy cội nguồn lịch sử sâu xa của văn học quyết định sự tồn tại của văn học, đó là những điềukiện tiên quyết thuộc xã hội – lịch sử mang tính lịch đại. Đây là nguyên nhân để trong thế kỷ XX, lịch sử văn học, về thực chất, đã không thay đổi. Nó vẫn tiếp tục tồn tại nhưng không mang những nhận biết mới, những ấn tượng đặc trưng cho con người thế kỷ XX. Và những cảm xúc của chúng ta liên quan đến văn học cũng như những thành công và thất bại của chúng ta về sự hiểu văn học là thuộc về lí thuyết văn học. Chính vì vậy,ở châu Âu người ta thường nói khoa học văn học thế kỷ XX có thể phân kì theo các trào lưu lí luận văn học chứ không phải theo lịch sử văn học (văn học sử). Có một đặc điểm là lí luận văn học thường xuyên nói đến tính phi lịch sử, nhưng không phải trong đề tài của nó, mà trong bản tính của lí luận văn học, về cơ bản, lại mang tính lịch sử, bởi vì lí luận văn học luôn đề cập đến các loại quan hệ, phương pháp đọc đã hình thành vàđược xác định về mặt lịch sử. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, những yếu tố lịch sử được nghiên cứu qua lịch sử văn học không phải là những yếu tố hàng đầu, nghĩa là các yếu tố của quá trình văn học không tiếp nối lẫn nhau giống như các nhà thống trị trong lịch sử một nhà nước. Cơ sở của tiến trình văn học là sự diễn giải. Nó là hệ quả của sự hiểu các tác phẩm văn học và của các mô hình hiểu tác phẩmvăn học, có hiệu lực trong thời gian chốc lát. Bất chấp mọi sự đổi mới, tính lịch sử và lịch sử văn học trong thời kì này cũng chỉ nằm trong hệ thống tiền hiện đại. Chúng ta có sơ đồ về mối quan hệ Tác phẩm – Nghĩa như sau:
       Tác giả    Tác phẩm   Người tiếp nhận
src=http://nhavantphcm.com.vn/sites/default/files/images/so%20do.png
Nghĩa
Qua sơ đồ này, chúng ta thấy nổi lên mấy nguyên tắc liên quan đến sự đọc và lí thuyết văn học:
– Tác phẩm văn học là đối tượng trang bị tính chất tự trị ngữ nghĩa mà tính ngôn ngữ cũng là tính văn học.
– Tác phẩm văn học không mang tính biểu thị, không liên quan đến hiện thực, nó chỉ là một sơ đồ, không giảng dạy, giáo huấn ai cả.
– Nghĩa của tác phẩm nằm ở văn bản, là một không gian ngôn ngữ. Phải loại bỏ mọi yếu tố văn cảnh khỏi sự khơi mở của văn bản.
– Nghĩa của tác phẩm văn học ổn định, thời gian bị triệt tiêu trong không gian ngôn ngữ.
Các trào lưu khoa học văn học ra đời trên cơ sở những nguyên lí trên, gọi là các lí thuyết hình thức. Nói hình thức không có nghĩa là hoàn toàn chỉ nói về hình thức như làđối tượng nghiên cứu. Những đặc điểm chung của các lí thuyết hình thức có thể tìm thấy trong mối liên hệ với 4 nguyên tắc nêu trên.
***
Thời hiện đại kéo dài tới giữa thế kỷ XX, như thể nhân loại đã đạt tới một mô hình tổ chức xã hội và cái chiến lược tự nhận thức để có thể thực hiện lời hứa của sự khai sáng. Người ta đã có thể nói một cách nghiêm túc về thế giới, xuất phát từ nền tảng khoa học, toán học, logich, hình thức hay tìm kiếm cái cấu trúc cuối cùng, tuyệt đối của mọi tổ chức cộng đồng nhân loại. Và như vẫn thường xẩy ra, ngay chính vào lúc đó, nửasau của những năm sáu mươi, bỗng xuất hiện những nghịch lí và các vấn đề, khởi đầu không nhận thấy, nhưng ngày càng bộc lộ rõ hơn. Chúng là những dấu hiệu của hậu hiện đại.
Khó có thể nói về hậu hiện đại một cách chính xác, vì nếu nó tồn tại thì thời đại hiện tại của chúng ta là thời hậu hiện đại, mà như vậy thì làm sao nói được thấu đáo về cái mà chúng ta chưa có thời gian tách bạch? Do không đủ điều kiện để phán xét một cách chính xác nên tên gọi của phương thức tư duy mới này vẫn chưa khẳng định về sự ra đời của một cách nhìn mới, nó chỉ cho thấy đối diện với hiện đại là cái đang trôi đi, là hậu hiện đại.
Hậu hiện đại có mối quan hệ với xã hội hậu công nghiệp. Xã hội hậu công nghiệp là hình thức xã hội đặc trưng của thời hiện đại, nơi hiệu quả của hệ thống sản xuất công nghiệp đóng vai trò trung tâm. Xã hội hậu côngnghiệp coi trọng hoạt động dịch vụ và tiêu thụ hàng hóa.
Ihab Hassan, nhà lí luận thận trọng nhất, đã dùng một từ duy nhất để thâu tóm bản chất của hậu hiện đại:indetermanence. Từ này gồm 2 yếu tố, một phần là indeterminacy (mơ hồ, không xác định) và một phần từ immanence(nội tại). Hậu hiện đại, một mặt cho rằng, chúng ta không bao giờ đạt được ý nghĩa gốc, không thể tách bạch hai ý nghĩa, và điều không thể tránh khỏi là ý nghĩa chủ quan không hình thành trên tính mục đích, mà mang tính chất trò chơi. Thuật ngữ immanencia cho thấy không có từ chỉ lực lượng siêu nghiệm, về quyền lực, mà tất cả những thứ này là hệ quả của cái bản tính bên trong của ý nghĩa nội tại. Như vậy, immanencia mang một ý nghĩa khác hoàn toàn so với trước đây, trong chủnghĩa hiện đại. Cái immanencia của hậu hiện đại thể hiện khả năng biết tạo lập bản thân của con người trong các biểu tượng để mang tới những ý nghĩa tượng trưng về khát vọng của con người. Đó là năng lực nhận thức về quyền lực chủ quan để con người biết tạo ra các gương mặt mới về nghĩa và ý nghĩa của những khát vọng xuất phát từ trong con người. Sự tạo lập thế giới theo tinh thần này không bao giờ dẫn đến sự kết thúc hay khép kín, mà nó luônmở. Ihab Hassan đã có sơ đồ bên cạnh khái niệm indetermanencia, nhằm chỉ ra sự khác biệt giữa hiện đại và hậu hiện đại. Ông không có ý đồ định nghĩa mà chỉ muốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai cách cảm nhận(4).
Đối với Ihab Hassan, hậu hiện đại trước hết là hiện tượng văn hóa mà chủ yếu là hiện tượng văn học, vì nó đã phá vỡ cái hệ thống độc đoán duy nhất của chủ nghĩa hiện đại. Theo Hassan, sự khác biệt lớn nhất giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại là trong khi chủ nghĩa hiện đại (trừ chủ nghĩa đa đa và chủ nghĩa siêu thực) đã tạo ra cho mình các hình thứcđộc đoán, mẫu mực, thì chủ nghĩa hậu hiện đại hướng về nghệ thuật Pop, chấp nhận sự trớ trêu của các sự vật rơi vãi hỗn loạn. Trong khi các nhà hiện đại cố gắng bảo vệ mình trước nhận thức về sự hỗn loạn vũ trụ, liên quan đến tính dễ phá vỡ của tâm điểm những điều mà họ cảm nhận, thì các nhà hậu hiện đại chấp nhận cái hỗn loạn và sống với nó trong mốiquan hệsâu sắc, chặt chẽ. Việc các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự phá vỡ mọi sự độc đoán trung tâm đã dẫn đến việc họ chấp nhận sự hỗn loạn,thậm chí họ đã hòa đồng với mọi sự hỗn loạn một cách bí ẩn.
***
Khoa học văn học có nền tảng là sự đối thoại chứ không phải là độc thoại với việc thông báo, mô tả về một mảng hiện thực bên ngoài. Đối thoại là cơ sở để xuất hiện ý nghĩa của văn bản văn học. Nó xẩy ra khi chúng ta thử hiểu văn học, khi chúng ta cảm thấy tác phẩm văn học đang ẩn dấu thông điệp nhưng có cái gì đó ngăn cản, làm cho cái ý nghĩa chung được chờ đón trở nên khó tiếp cận. Như vậy, xuất hiện vấn đề hiểu văn bản văn học, và sự hiểu trở thành yếu tố làm nên sự khác biệt giữa khoa học văn học hiện đại và các ngành nghiên cứu văn học xa xưa như tu từ học và thi pháp học. Trong những thời đại trước đây, văn học nghệ thuật ít nhiều cũng đã trở thành đối tượng nghiên cứu, nhưng hoàn toàn khác với ngày nay. Nhân danh tu từ học, thi pháp học, trước đây người ta mô tả một kĩ thuật ngôn ngữ đặc biệt, còn bây giờ nhà nghiên cứu đi tìm cái ý nghĩa đã mấtcủa văn bản bằng những nỗ lực riêng. Sự đối thoại mang tính ấn tượng với văn học trước đây (đọc và hiểu) không nằm trong sự mô tả thi pháp hay tu từ học, còn bây giờ người ta thực hiện nó bằng khoa học văn học. Mọi sự diễn giải tác phẩm văn học vừa tạo nên cái ý nghĩa đối thoại vừa là sự hiểu sai, hiểu lệch một điều gì đó. Từ năm 1958, Hauser Arnold đã viết đại ý, mọi sự nghiên cứu khoa học về nghệ thuật đều gián tiếp trả giá bằng sự đánh mất ấn tượng nghệ thuật thông qua cái hiểu biết có được. Vấn đề đặt ra là, có cần phải diễn giải tác phẩm văn học như thế này không? Năm 1964, trong bài viết Chống lại sự diễn giải, Susan Sontag đã cho rằng trong nhiều trường hợp, sự diễn giải không muốn để cho tác phẩm tự bộc lộ tác động của chính nó. Sự diễn giải làm tê liệt tác phẩm trước ý đồ của người diễn giải. Các tác phẩm văn học ngày càng ít biết “tự tác động”, vì những ai đến với chúng đều ít nhiều đã chuẩn bị trước ý kiến, với lí thuyết của riêng mình, chi phối quá trình diễn giải. Từng sự diễn giải đều mở rộng ý nghĩa của tác phẩm, làm xuất hiện những ấn tượng mới. Trong cái nhìn của khoa học văn học hiện đại thì văn bản văn học chỉ trở thành tác phẩm văn học khi người ta đọc nó, và nó tác động như là tác phẩm đã được hiểu. Sự nắm bắt ý nghĩa chỉ có thể xẩy ra từ trạng thái chủ quan, bắt buộc của sự hiểu. Nếu trong quá trình này có sự can thiệp của yếu tố khoa học thì đối tượng của khoa học lúc này cũng không khách quan như lẽ ra nó phải như vậy(5).
Nhìn chung, ởphương Tây, những ai cổ xúy cho tinh thần hậu hiện đại đều xem khoa học văn học là khoa học về sự sử dụng văn học. Theo đó, nghiên cứu văn học không phải để phát hiện ra các hiện tượng mới mà là để thức nhận các phương thức sử dụng văn học mới. Những phương thức sử dụng này không khách quan với ý nghĩa thông thường là sự chỉ dẫn sử dụng. Cái mà trong chỉ dẫn sử dụng là xuất phát điểm thì trong nghiên cứu văn học, theo họ, là đích đến. Sẽ không bao giờ chúng ta xác lập được một phương thức diễn giải văn học hoàn thiện, tối ưu, cuối cùng. Mọi sự diễn giải tác phẩm văn học đều tạo nên phương thức sử dụng mới và những khả năng mới của một chuỗi ấn tượng. Tác phẩm văn học hiện diện như một thứ đồ gia dụng được mua về với những chỉ dẫn để người mua nhận biết nguyên lí khởi động và công dụng của nó. Trong trường hợp sử dụng văn học, sự thay đổi bối cảnh của sự hiểu sẽ tạo ra các hình thức và ý nghĩa sử dụng mới. Ở các tác phẩm văn học lớn, người tiếp nhận từng bước phát hiện ra những thông điệp và ý nghĩa mà trong giây phút các tác phẩm đó xuất hiện, chúng chưa tồn tại. Văn bản văn học là cái ổn định, nhưng ý nghĩa và thông điệp của nó dành cho người đọc lại thay đổi theo thời gian. Đối với văn học, sự sử dụng (tiếp nhận) cũng là sự sáng tạo. Khoa học văn học, bằng các khái niệm, có thể chia sẻ ấn tượng sử dụng của một số người nào đó với những người khác không thể có. Khoa học văn học, vìthế, mang tính chất tự giáo dục, ngược lại với khoa học tự nhiên với tính chất mô tả của nó. Thời đại nào cũng có truyền thống hiểu văn học nhất định, do các thành viên của cộng đồng tiếp thu và vận dụng trong quá trình trưởng thành của họ. Nhưng từ giữa thế kỷ XIX, đã hình thành những nguyên tắc mang tính thiết chế của việc sử dụng văn học. Nhiều trào lưu và vô số mô hình sử dụng tác phẩm văn học đã ra đời trong lịch sử phát triển của khoa học văn học ở phương Tây. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu, diễn giải văn học ở phương Tây tưởng đã xây dựng được một khoa học văn học mang tính phổ quát. So sánh các trào lưu khoa học văn học, chúng ta thấy có điểm chung là trào lưu nào cũng ẩn chứa chiến lược hiểu, xuất hiện trong hình thức những khái niệm. Đối mặt với những vấn đề của sự hiểu, người ta đã phát triển một phương thức hiểu có hiệu quả hơn phương thức trước đó, rồi đúc kết các nguyên tắc, phương pháp luận của nó. Tuy nhiên, có những người chấp nhận cái hệ thống có sẵn, các nguyên tắc chung, qua đó mở rộng thêm khả năng hiểu của họ. Những người khác lại phát triển một loại hệ thống các nguyên tắc hiểu khác, từ đó xác lập một thứ lí thuyết văn học khác. Điều này giải thích tại sao người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp luôn phải lựa chọn và vận dụng các lí thuyết văn học phù hợp. Trong lí thuyết khoa học, hay còn gọi là triết học khoa học(6) (giống như triết học ngôn ngữ, triết học lịch sử…), dựa vào lôgích học hiện đại, người ta đã đưa ra những nguyên tắc phương pháp luận mà nếu vận dụng chúng, chân lí của những tuyên bố khoa học được bảo đảm, và những thông báo khoa học phản ánh đúng trạng thái tồn tại thực của khoa học. Chỉ tiếc rằng cơ sở nhận thức của triết học khoa học chủ yếu lại lấy từ khoa học tự nhiên. Liên quan đến tác phẩm văn học, nghệ thuật, rất khó để khẳng định một sự thật có thể chứng minh hoặc bác bỏ, bởi vì không có đối tượng nghiên cứu (văn bản văn học) đối lập với người nghiên cứu (chủ thể tiếp nhận), tác phẩm văn học không tồn tại nếu không có quá trình hiểu và tiếp nhận. Do đó, các trào lưu khoa học văn học ít có khả năng bác bỏ lẫn nhau một cách triệt để, kể cả khi chúng đối lập với nhau. Như là những phương thức đọc có thể, chúng tồn tại cạnh nhau, và trong một ý nghĩa nhất định, mỗi trào lưu đều có cái hạt nhân hợp lí của riêng nó. Không có và không thể có một thứ khoa học văn học phổ quát, chung cho tất cả. Hans Robert Jauss, trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học(7) và ở nhiều bài viết khác, đã đưa ra mẫu hình theo đó đối tượng của khoa học văn học không phải là một hiện tượng bên ngoài được những nguyên tắc nhận thức mang tính mô hình do một cộng đồng khoa học xác lập và kiểm soát, mà nó là sự phổ quát hóa các hànhđộng hiểu (văn bản văn học). Theo Jauss, khoa học văn học là mẫu hình của một mẫu hình (tác phẩm – sự hiểu), tức là sự hiểu của sự hiểu. Không phải những sai lầm có thực của sự diễn giải văn học buộc phải thay đổi lý thuyết giải thích, mà là do những nhu cầu của sự hiểu mới xuất hiện, độc lập với phương thức hiểu trước đó đã trở nên vô giá trị hay lỗi thời đi chăng nữa(8)1
Hà Nội, 2010
________________
(1) Trương Đăng Dung: Tác phẩm văn học như là quá trình. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004.
(2) Edmund Husserl: Sự khủng hoảng của các khoa học châu Âu. (Chúng tôi nghiên cứu qua bản dịch tiếng Hung của Berényi Gábor, 1998).
(3) Công trình quan trọng của Paul Ricoeur là cuốn Ẩn dụ sống (La métaphore vive. Pasis, 1975. Édition du Seuil). Chúng tôi nghiên cứu công trình này qua bản tiếng Hungary của dịch giả Földes Györgyi. Nxb. Osiris, Budapest2006. Xin tham khảo thêm bài viết Văn bản là gì? của Paul Ricoeur qua bản dịch của Trương Đăng Dung, in trong Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4-2005.
(4) Năm 1985, Ihab Hassan đã nói đến hai cách cảm nhận khác nhau của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. (Bảng so sánh này chúng tôi dịch từ bản tiếng Hungary):
Chủ nghĩa hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại
– Lãng mạn,
– Hình thức (liên kết, khép kín)
– Mục đích
– Phác họa
– Tôn ti
– Tri thức chuyên nghiệp
– Tác phẩm đã hoàn thành
– Duy trì khoảng cách
– Sự thiết lập
– Sự tổng hợp
– Sự hiện hữu
– Sự tập trung
– Thể loại, đường biên
– Ngữ nghĩa học
– Hệ hình
– Phụ kết
– Ẩn dụ
– Chọn lựa
– Cội rễ
– Diễn giải, đọc
– Cái được biểu đạt
– Cái có thể đọc
– Tự sự, câu chuyện lớn
– Mã
– Triệu chứng
– Kiểu loại
– Thờ dương vật
– Hoang tưởng, đa nghi
– Nguồn gốc, nguyên nhân
– Cha
– Siêu hình
– Quyết định
– Siêu nghiệm
– Chủ nghĩa đa đa
– Chống hình thức (tách rời, mở)
– Trò chơi
– Ngẫu nhiên
– Hỗn loạn
– Sự cạn kiệt
– Quá trình
– Tham dự
– Giải cấu trúc
– Sự tương phản
– Sự thiếu vắng
– Sự phân tán
– Văn bản, liên văn bản
– Tu từ học
– Ngữ đoạn
– Đẳng kết
– Hoán dụ
– Phối hợp
– Bề mặt
– Chống giễn giải, đọc sai
– Cái biểu đạt
– Cái có thể viết
– Chống tự sự, câu chuyện nhỏ
– Biệt ngữ cá nhân
– Khát vọng
– Đột biến
– Đa hình
– Tâm thần phân lập
– Sự khác biệt, dấu vết
– Thánh thần
– Mỉa mai
– Lưỡng lự
– Nội tại
(5) G. Lukács trong bài viết Những nhiệm vụ của phê bình văn học mác xít(1949) đã lưu ý về sự khác biệt giữa khoa học và nghệ thuật mà cơ sở của nó là tính chất phi nhân hình hóa của khoa học và tính chất nhân hình hóacủa nghệ thuật. Hai tính chất này qui định đối tượng của khoa học và nghệ thuật. Việc đề cao một chiều tính khoa học (phi nhân hình hóa),hoặc tính nghệ thuật (nhân hình hóa) của phê bình văn học đều có nguy cơ dẫn đến sự phá vỡ thế cân bằng giữa hai yếu tố tương tác lẫn nhau làtính khoa học và tính nghệ thuật của phê bình văn học.
(6) Xem Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của những cuộc cách mạng khoa học.Nxb. Gondolat, Budapest, 1984.
(7) HansRobert Jauss: Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (Trương Đăng Dung dịch, in trong Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2004).
(8) Khái niệm mẫu hình còn xuất hiện trong triết học hậu hiện đại. Michel Foucault phủ nhận quan điểm cho rằng tư duy và mọi phán xét của con người đều được dẫn dắt bởi tâm điểm. Theo ông, luôn luôn tồn tại các hệ thống nhận thức để một thời đại nhất định tiếp nhận mà không cần biết về nó. Con người cảm thấy một cách đơn giản rằng chỉ có thể suy nghĩ như vậy, mọi việc đều xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản, nhưng vô hình. Không phải các sự vật (sự việc) mà là lời nói qui định ý nghĩa cho chúngta. Việc chúng ta biết một thứ tiếng, một cách nói sẽ quyết định chúng ta có thể thấy điều gì. Chúng ta sinh ra vào ngôn ngữ,vào lời nói chứ không phải vào thế giới, giữa các sự vật.
Theo Lý luận văn học