/
Đứa bé ấy từ nhỏ đã luôn thấy mặc cảm vì có lỗi với mẹ. Lỗi lầm của nó giống như một mầm cây nhú lên dưới đất, nơi mà những hạt nước là những lỗi lầm vô tình dạt vào khiến nó lớn lên theo năm tháng. Lẽ thường, người mẹ càng bao dung và hi sinh bao nhiêu thì đứa con càng cảm thấy hối hận với những lần mình phạm lỗi bấy nhiêu. Mẹ nó luôn yêu thương nó bằng một tình yêu dịu dàng nhân hậu, đến độ không biết đã bao nhiêu lần đứa con ngỗ nghịch đã khiến mẹ phải hong khô bờ mắt hàng đêm bằng trái tim vĩ đại của một người mẹ. Thậm chí đứa trẻ ấy, đôi khi vì sự ích kỉ của mình, mỗi khi gây ra lỗi lầm, thuở bé thì biện minh mình vẫn còn nhỏ chưa biết nghĩ suy, lớn thì lại để cho tuổi nổi loạn thắng thế làm buồn màu mắt mẹ. Nó quen quá đỗi với nụ cười hiền dịu và những buổi ngóng trông ba để hoàng hôn chảy trong mắt mẹ. Ba biền biệt cả ngày theo những chuyến hàng xa, để mẹ mỗi ngày đều bắt cái ghế đẩu ra ngoài sân phe phẩy quạt mà đợi. Nó hãy còn nhớ bóng dáng lẫm chẫm của nó nhìn theo bóng những người đàn ông trong xóm ú ớ gọi vì nhớ ba, còn mẹ chôn vùi những giọt nước mắt hằng đêm ôm lấy con mình mà nức nở.
Không có bóng dáng đàn ông trong nhà, mẹ mang trách nhiệm của cả một người cha. Bận nó học lớp năm, khi ngôi trường nhỏ mảnh sân lũ về tràn nước, người ta bắt một thân cây dừa dài làm cầu từ cửa lớp học sang cửa trường để cho đám nhỏ leo lên đó mà đi cho khỏi ướt. Những đứa có ba tới đón, họ cõng chúng trên vai, đội cả trời mưa. Mắt nó dường như đang ướt mưa thì thấy từ đàng xa bóng một người đàn bà nhỏ thó bì bõm lội nước vào, chạy tới trước nó xoa đầu:
– Má tới trễ, con đợi lâu không?
Chẳng vì lẽ gì nó khóc òa, còn mẹ nó cõng nó lên vai tiếp tục bì bõm lội. Những hôm trời mưa, con đường đến trường thành những buổi cực hình không thể nào nói nổi. Đường trong xóm nó nước ngập thấp thoáng tới yên sau của xe đạp, trẻ con không đi học được nghỉ nhiều, chỉ có mấy đứa nhà mặt phố không bị lũ tràn thì may ra được ba má chở đi học. Nó nằm nhà í ới nhớ trường nhớ lớp. Mẹ dắt xe đạp ra, bấm chân vào đất, đặt nó lên yên xe cho nó quàng ôm vào cổ rồi lầm lũi dắt xe vượt qua làn nước cao đưa nó đến trường. Những kí ức ấy cứ như những thước phim nhập nhoạng màu trắng đen, nơi mà nó nhớ chỉ là những bóng lưng của một người đàn bà nhỏ con đang dùng hết sức mình mà xé nước đưa một đứa bé ngồi ngất ngưởng yên vị đến lớp. Hình bóng của người đàn bà ấy nhỏ bé đến độ đứa bé sợ mình có thể ngẫ bất cứ lức nào, nhưng không, dưới màn mưa tầm tã ấy, thứ duy nhất đứa bé ấy ướt là đôi chân, còn cả bờ vai lẫn hình nhân người đàn bà ấy đều ướt trọi.
 Từ nhỏ nó đã được bảo bọc trong tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ, hai mẹ con dường như chưa bao giờ xa nhau ngoài những phút nó lên trường. Trong khi những đứa trẻ trong xóm đã bắt đầu lê la ở những hàng quán game hay tham gia vào những cuộc du hí xa, hoặc giả chỉ đơn giản rời nhà quẩn quanh sang xóm khác thì nó vẫn ở đây bên mẹ. Khung cảnh ngôi nhà thần tiên cứ như có một ngọn nến với hai hình nhân cuộn tròn ôm nhau ngủ. Những bận nước lên, nước rơi vào má nó, vì lạnh nó bật khóc ro ro. Mắt nhập nhòe nó thấy mẹ lấy từng cái xô đi hứng nước. Lại có bận nó thấy mẹ trèo lên mái nhà, chênh vênh trên đó, nó hốt hoảng:
–  Má, má, má làm gì trên đó vậy?
–  Ngồi yên đó con, đừng bước xuống đất, đang thấm nước, coi chừng bệnh đó- Rồi mẹ nó nhanh chóng leo
xuống, toàn thân ướt sũng, hai vai run lên vì lạnh, còn mái tóc thì rối bù.
–  Má làm cái gì vậy má? Tối thui tối hù tự nhiên leo lên trên đó làm cái chi vậy?
–  Mưa to quá bây ơi, cái mái nhà mình dột hết, má lên giăng cái áo mưa.
Vừa nói mẹ nó vừa phẩy phẩy cái áo cho mau khô. Trẻ thơ thường hay không hiểu những sự quan tâm của người lớn mà cứ chăm chăm nghe theo luân lí vô lí của mình. Lúc nó dậy thì nó trở nên nhạy cảm, thường muốn chứng minh mình là người lớn nên sự quan tâm của mẹ giành cho nó, trở thành điều khiến nó xấu hổ với bạn bè vì bị xem là trẻ nít. Hai mẹ con luôn quấn quýt rau cháo nuôi nhau mà sống nên khi trường tổ chức cắm trại một đêm tại trường bỗng đó thành đêm đầu tiên hai người xa nhau. Mẹ nó quần thảo cả ngày ngoài chợ nhưng tối đến vẫn ghé mua cho nó khi thì miếng xôi khi thì trái bắp vì sợ nó mải chơi mà đói. Âý thế nhưng nhiều khi đang dở cuộc chơi nó trở nên bẳn hẳn:
– Tự nhiên má tới làm cái gì vậy? Mấy cái đó con ăn rồi con không ăn nữa đâu.
Mẹ nó trở nên dở dang còn miếng ăn trên tay đột nhiên thành chưng hửng. Nhưng nó chẳng quan tâm hay đoái hoài mà cứ chạy theo lũ bạn chơi trò trẻ nít. Sáng hôm sau đám trẻ phải về nhà nhưng trời đổ mưa to. Vài phụ huynh đã bắt đầu đi đón con mình trong những chiếc ô đủ màu sặc sỡ. Không biết thành thói quen hay bởi đang dở việc nào đó mà dù trời mưa họ vẫn không quên vận những bộ quấn áo diêm dúa đi đón con mình. Thảng hoặc còn có phụ huynh chắc hẳn thuộc gia đình giàu có đi ô tô đến rước con. Mãi suy nghĩ mông lung, nó bất chợt ngẩng lên thấy tách từng người ra trong đám đông một người phụ nữ với chiếc áo mưa liền thân mua vội, gương mặt lấm lem tóc bết hẳn vào trán, bên vai còn mang một chiếc thúng vì vừa đi chợ về. Vài tiếng xì xào của đám bạn xung quanh nó cất lên:
–  Mẹ con Kim hả mày?
–  Mẹ nó đó.
Bỗng nhiên nó cảm thấy xấu hổ với đám bạn xung quanh. Khi mẹ nó vừa ngoắc nó lại rồi đưa cái áo mưa, nó
đã hất cái áo mưa rơi phịch xuống đất:
–  Má đi ra kia đi!
Như có một thước phim quay chậm lại: Mẹ nó đứng sững, đám bạn ngước nhìn còn những người xung quanh cũng thấy rõ người mẹ ấy đang cúi đầu im lặng. Thằng Quang lớp trưởng lại đứng trước mặt nó:
–  Sao mày đi nói với mẹ mày như vậy? Còn mấy đứa mày nữa, mẹ con Kim làm sao mà xì xào bàn tán? Bà ấy về từ chợ đón nó đấy. Làm việc vất vả nuôi nó đấy.
Nó bật khóc nức nở ôm choàng lấy mẹ. Mẹ nó dùng hết sức bế thốc nó lên về nhà với nụ cười như chưa có gì xảy ra trước đó.
Theo thời gian nó lớn, ở tuổi nó đôi khi bị rơi vào những sự ham chơi mà không lường trước được hậu quả. Nó sao vào nghiện game cho đua đòi cùng bạn bè trang lứa mà đồng tiền bán rau của mẹ nó dường như không đủ. Mẹ nó khuyên nó :
–  Con coi chứ điều độ lại, dạo này nhà mình cũng thiếu hụt không đủ tiền đâu con,
–  Con đi học chứ có phải đi chơi đâu mà má càu nhàu. Chiều nay con nộp tiền học đó, má kiếm đưa con ít trăm.
Mẹ nó buồn rầu nhưng nghe nó nói học nên chiều cũng gắng đưa nó ít trăm, nó nướng hết trong một buổi chiều vào những phút chơi vô bờ bến. Đột nhiên có điện thoại gọi đến hốt hoảng:
–  Kim hở con, về nhà ngay nhan, má con xỉu ngoài chợ nè.
Nó tức tốc chạy về thấy bà con bu đen bu đỏ, má nó nằm thiêm thiếp, nó khụy xuống:
–  Má, sao vậy má?
Má nó nằm yên, nó vội đi nấu chút cháo má nó mới tỉnh lại. Lúc nó dọn dẹp nhà phát hiện trong thúng rau của má nó có tò giấy, cầm lên coi thì thấy ghi chữ “bán máu”. Nó gục ngay tại chỗ, thì ra để có tiền gấp cho nó “ nộp học” mẹ nó đã đi bán máu kiếm tiền. Nó khóc vật vã ôm mẹ nó và tự hứa sẽ không bao giờ làm trò khiến mẹ đau lòng nữa. Ở giờ phút đó, nó chợt nhận ra kí ức nó biến thành cuốn phim quay chậm, lúc nào mẹ nó cũng dang rộng cánh tay với nó chỉ có nó mải ham thú theo những trò chơi của mình mà quên mất mẹ. Cũng may nó nhận ra mọi thứ khi chưa quá muộn… Đứa bé đã luôn thấy có lỗi trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời và tự hứa không bao giờ để hoàng hôn hôn lên mắt mẹ nữa. Đứa bé đã biết dừng lại kịp lúc để không phải hối hận về sau. Đứa bé có một người mẹ vị tha vô cùng và nghĩa tình sâu hơn biển cả, đứa bé ấy là tôi.
  
Lê Hứa Huyền Trân
 
/