Tôi đọc thơ Liên Nam từ những năm đầu thập kỷ 60 (thế kỷ 20), nghe nhiều chuyện về anh vào năm 1971 khi tôi về Phú Yên công tác nhưng mãi đến đầu tháng 4-1975 tôi mới được gặp anh. Lúc ấy, tôi vừa từ Quảng Ngãi theo xe của Lữ đoàn 75 vào Quy Nhơn, gặp dịp Quy Nhơn tổ chức lễ mừng chiến thắng. Liên Nam theo bộ đội từ miền Bắc vào cùng dự lễ. Sau đó chúng tôi kéo nhau đến nhà nhà thơ Thu Hoài uống rượu và hôm sau lại cùng nhau đi thăm sân bay Phù Cát. Vào chiều hôm sau nữa, tôi đang nói chuyện với nhà thơ Hà Phan Thiết trên một căn gác bỏ hoang mà anh chiếm được để làm phòng viết thì Liên Nam sầm sập đến, vai mang ba lô, vừa đi vừa thở có lẽ anh phải chạy một quãng đường xa lắm. Thấy tôi, anh nói ngay:

          – Cậu về Tuy Hòa không? Tớ liên hệ được xe tải của bộ đội rồi.
          – Lúc nào đi?
          – Ngay bây giờ.
          Thế là tôi vội vàng mang gùi theo anh đến chỗ mấy chiếc xe tải đậu. Chúng tôi được lên chiếc xe sau cùng. Xe chạy ọc ạch, dừng lại nhiều nơi. Mỗi lần xe dừng, Liên Nam lại ngó ra bên ngoài rồi hỏi người lái xe: “Tới đâu rồi, sao lâu tới Tuy Hòa vậy?” làm cho người lái xe càu nhàu quát to: “Hỏi mãi, bao giờ tới thì tới, hay xuống tìm xe khác mà đi cho nhanh”. Liên Nam sốt ruột về quê quá mà. Đã hơn 20 năm anh chưa về lại Thị xã Tuy Hòa biết bao thương nhớ. Mãi đến nửa đêm chúng tôi mới đến Thị xã Tuy Hòa. Chào người lái xe, chúng tôi vào Thị xã. Lơ ngơ lác ngác, may nhờ mấy anh tự vệ chỉ đường, chúng tôi mới đến được nơi đóng quân của Ban Tuyên huấn Phú Yên. May gặp ngay anh Lương Thúc Quý, phó ban và nhà thơ Trần Thiện Lục…
 
*
 
          Nhà thơ Liên Nam tên thật là Đặng Nam Phong, sinh ngày 8-6-1934 tại xã Hòa Trị, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Phú Hòa) tỉnh Phú Yên. Làng anh có con sông nhỏ có tên là sông Bến Lội chảy qua, có ngọn núi Sầm đi vào câu ca dao mà người Phú Yên nào cũng thuộc:
Lẻ loi như cụm núi Sầm
Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan
          Cụm núi Sầm nằm “cô đơn” giữa cánh đồng lúa Tuy Hòa nên chịu cảnh “lẻ loi”. Ở quê anh còn có đền thờ Lương Văn Chánh, người có công khai mở vùng đất Phú Yên trong lịch sử Nam tiến của dân tộc từ mấy trăm năm trước. Tuổi thơ của Liên Nam gắn liền với ruộng vườn sông nước, với những lần đi bẫy chim, tát cá, đi câu, hái trộm quả ở vườn hàng xóm. Những trưa hè, cậu bé Phong phấp phỏng lắng nghe những đợt gió Nam “ngang tàng và phóng túng” ào ạt thổi qua cánh đồng rộng lớn.
          Năm 1950, Liên Nam đi bộ đội, tham gia nhiều trận chiến đấu chống giặc Pháp. Năm 1954, anh tạm biệt quê hương tập kết ra Bắc. Tình cảm thương nhớ quê hương Phú Yên nung nấu trong lòng anh. Cũng như nhiều anh em miền Nam tập kết, anh mong mỏi trở về cùng bà con chiến đấu để giải phóng quê hương. Và dịp ấy đã đến. Năm 1961, anh xung phong về Nam cùng dịp với các nhà thơ nhà văn Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Phan Đình Côn. Liên Nam công tác ở báo Quân giải phóng Trung Trung bộ. Đây là thời kỳ anh có dịp đi thực tế nhiều nơi ở chiến trường Khu V: Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi…và trở về đất mẹ Phú Yên. Năm 1971, tôi về Phú Yên, nghe anh em kể chuyện Liên Nam đi công tác khá nhiều nơi và khá sâu trong vùng địch chiếm. Anh xuống tận vùng biển An Ninh, đi sát chân núi Chóp Chài dưới chân đồn địch, vào vùng ven Thị xã Tuy Hòa. Anh lội khắp các xã thuộc các huyện Tuy An, Đồng Xuân… Và chính chuyến đi thực tế ấy, anh đã sáng tác được những bài thơ vào loại hay nhất của mình: Chiều An Ninh, Trên đỉnh Chóp Chài, Gió Nam… Trong một đợt đi công tác, anh bị thương, nằm ở bệnh viện Tuy An. Ở đây, Liên Nam được một cô bác sĩ trẻ đẹp chăm sóc tận tình. Và một tình yêu bùng dậy trong anh. Trên giường bệnh, cảm động về bàn tay dịu dàng của người đẹp, anh viết bài thơ đầy xúc động: Rừng An Lĩnh những ngày gian khổ. Cho đến sau này hình ảnh người phụ nữ ấy vẫn thấp thoáng trong thơ anh.
          Năm 1967, Liên Nam ra Bắc chữa bệnh rồi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ở đây anh được gặp gỡ, trao đổi và học tập với một tập thể những nhà văn nhà thơ có tầm cỡ của đất nước. Anh được đọc nhiều sách trong và ngoài nước, cộng với vốn sống phong phú ở chiến trường nên Liên Nam có dịp sáng tác nhiều hơn, say sưa hơn như để bù lại những năm tháng trước đó. Liên Nam viết nhiều bài thơ ngắn về cuộc chiến đấu của quân dân Khu V, nhất là quân dân Phú Yên quê hương anh. Cùng với những bài thơ trước đó, anh tập hợp lại thành tập Khẩu súng hành quân (1970). Đây là tập thơ đầu và có lẽ là tập thơ hay nhất của Liên Nam. Thời gian này, anh lao vào thử nghiệm thể loại trường ca, thể loại tổng hợp dài hơi với những chương đoạn, những tuyến nhân vật, những cảnh huống đa dạng, chỉ có những cây bút vững tay nghề mới làm nổi và anh đã thành công ở 2 trường ca viết liên tiếp trong 2 năm là Núi rừng mở cánh (1972) và Trên cát trắng (1973)…
          Sau giải phóng miền Nam, Liên Nam tham gia Trại sáng tác Văn học Quân khu V. Vốn là bạn đồng nghiệp lại thêm tình đồng hương nên tôi với anh hay uống trà bắc đàm đạo chuyện văn chương, thời thế. Liên Nam có giọng nói to, hào sảng. Mắt anh long lanh sáng quắc khi tranh luận việc gì đó hay đọc thơ. Chả ai thấy Liên Nam ngồi vào bàn gò lưng, bóp trán suy nghĩ bao giờ. Anh đạp xe dạo chơi Đà Nẵng, viết vào lúc nào không rõ. Chỉ thấy vài bữa lại đọc cho bạn bè một bài thơ mới mà bài nào anh cũng bảo là “có tầm cỡ” cả. Liên Nam vui sướng cùng Thu Bồn đi thực tế tại các đơn vị bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên, thăm đập Đắc Uy, những cánh đồng lúa nước, các rừng cao su, các trại chăn nuôi và trở về với hàng chục bài thơ sau này in trong tập Gió Đỏ.
          Vào năm 1977, Liên Nam quay về quê hương làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh rồi khi tách tỉnh (1989) anh làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên. Liên Nam vẫn say sưa đi thực tế, thăm lại vùng căn cứ cũ, nơi anh nằm viện khi bị thương và ra đi để lại một mối tình buồn khôn khuây. Anh đến những vùng đất mà trong chiến tranh anh chưa có dịp đến như Sông Hinh, Củng Sơn. Anh vào Vũng Rô, thăm nơi ta từng phá hủy một chiếc tàu không số bị lộ; vào sân bay Đông Tác-từ đây xuất phát những máy bay ném bom của địch, thăm lại Tuy An, Đồng Xuân và đi đi về về những làng quê Tuy Hòa có cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Và từ đó, Liên Nam làm thơ. Anh lần lượt viết và xuất bản các tập thơ và trường ca: Tiếng hát mùa màng, Con suối chiến khu, Tự do thiên nhiên, Ngàn xanh,Những ngày xa em, Truyền thuyết biển đổi màu, Cuộc đời hai nửa và tập cuối cùng là Ký ức thời gian.
          Thơ Liên Nam viết về chiến tranh cách mạng, về phẩm chất người chiến sĩ, về quê hương đất nước, về tình người, tình yêu. Nhưng có lẽ tình yêu quê hương đất nước là đề tài được Liên Nam ghi đậm dấu ấn và sáng tác được nhiều bài thơ hay hơn cả. Bên cạnh các bài Chiều An ninh, Rừng An Lĩnh những ngày gian khổ, Trên đỉnh Chóp Chài, Gió Nam…lại nối tiếp các bài Sông Hinh, Tuy Hòa, Sơn Hòa…Có thể nói Liên Nam là người viết được nhiều bài thơ hay về quê hương mình: Phú Yên. Không những nhiều địa danh của Phú Yên được lưu giữ trong thơ anh mà cao hơn là tình cảm của anh với quê hương thật sâu đậm, thật cảm động, ngỡ như những câu thơ từ trái tim anh trào ra đầu ngọn bút. Đó là những bài thơ thành công nhất của anh.
          Tình yêu đôi lứa cũng là mảng đề tài được Liên Nam say sưa khai thác. Càng lớn tuổi, anh viết về tình yêu càng hay. Anh viết về tình yêu giữa Aragông và Enxa, về tình yêu chung chung giữa “chàng” và “nàng” và tình yêu của chính anh:
Ngọn đèn sáng trong phòng
Trên trời ngôi sao tắt
Anh đang nhớ về em
Mặt trời kia biến mất
 
Ngọn đèn sáng trong phòng
Chỉ còn em trong mắt
Hay:
Trời mưa nặng hạt nặng đời
Trái tim tôi cũng rối bời vì em
Mấy lần tôi đã cố quên
Nhưng sao trời cứ đặt tên em vào.
Thơ tình của Liên Nam là thơ tình của một người lớn tuổi, không ào ạt, tươi mát, run rẩy mà có vị đau xót của những mối tình không toại nguyện, tạo thành nỗi buồn day dứt suốt đời. Tôi rất thích các bài thơ tình: Sợi dây oan nghiệt, Nỗi buồn, Thi sĩ, Hạnh phúc, Bóng hình… Những bài thơ vẽ nên dáng hình thi sĩ Liên Nam ở tuổi cao vẫn mơ màng nuối tiếc thương nhớ những bóng hồng gần xa…
          Liên Nam đã nhận được nhiều giải thưởng cao: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Văn nghệ Phú Yên. Nhưng giải thưởng cao nhất là anh có nhiều bài thơ đi vào trái tim bạn đọc, nhất là bạn đọc Phú Yên quê hương anh.
          Giờ đây, Liên Nam đã đi xa. Anh đột ngột mất ngày 6-3-2012. Tôi ở xa, không hay biết, không đến viếng được. Tôi viết lại đôi dòng kỷ niệm như thắp một nén nhang tưởng nhớ về anh…
 

Đà Nẵng 8-2012

Thanh Quế