Thủy điện Sông Ba Hạ không chỉ đem lại ánh điện cho bà con xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) mà còn cho nhiều vùng khác trong nước. Nhưng sau nguồn sáng ấy còn có lời ru buồn của không ít sơn nữ nuôi con một mình vì trót “ăn trái cấm” cùng những công nhân thủy điện mang họ Sở…
Tuổi mười chín đôi mươi, các cô gái người Ê Đê có tình yêu, có hứa hẹn. Họ tin ở người mình yêu nên mới trao thân, gởi phận. Để rồi… điện về buôn đã lâu, chẳng thấy người về đưa dâu!. Mấy năm qua, nơi núi rừng xa tít ấy có bảy bà mẹ chờ “chồng” và tám đứa con thơ đợi cha…

tre-5110924.jpg

Bữa cơm với muối ớt là sự mong đợi của Y Kỳ, Y Huy – Ảnh: T.THỦY

NGẬM NGÙI KHI GỌI TÊN CON
Với đồng bào Ê Đê ở xã Suối Trai, A Lê Toàn Hão Huyền là cái tên khá “độc”, nhưng với chị A Lê H’Mâu, 32 tuổi, ở buôn Xây Dựng, thì “mình đặt tên con gái như vậy để luôn nhớ đến một quá khứ buồn, khi mình quá hão huyền tin và trao thân cho một người đàn ông xa lạ”. Ngày ấy (năm 2005), H’Mâu là nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã. Từ khi có công nhân lên ngăn dòng sông Ba Hạ, nơi H’Mâu làm việc tấp nập hẳn, trong đó có một người hay lui tới. H’Mâu kể: “Anh ấy bảo tên là Hoàng Quốc Thắng, ở Thanh Chương, Nghệ An. Đến với mình, anh nói những lời hay lắm, lọt hết cả hai tai và không cục cằn như những thanh niên trong buôn. Mình tưởng Thắng thật cái bụng nên ưng rồi trao thân. Nhưng khi mình có bầu, bảo Thắng để mình làm thủ tục bắt chồng thì anh ấy chỉ cười “chờ vài tháng nữa”. Thời gian sau, gói công trình xong, Thắng mất hút như con nai rừng trông thấy người”. Lúc trước, H’Mâu ở cùng cha mẹ nhưng giờ phải thuê một căn nhà nhỏ với giá 100.000 đồng/tháng để ở, vì em gái H’Mâu vừa bắt được chồng về ở rể. H’Mâu xót xa: “Mình buốt lòng khi gọi tên con, nhưng cũng chỉ để nhớ đến thôi. Mình biết, nếu người đó thương hai mẹ con mình thì đã ở lại”.
Ở buôn Thống Nhất, H’Nhan, sinh năm 1984, đặt tên đứa con trai đầu của mình là A Lê Y Kỳ (nay sáu tuổi). Nhiều khi gọi tên con là H’Nhan khóc. “Cha nó là người Bắc nên tôi đặt tên con như vậy”, H’Nhan giải thích về việc cậu con trai có cái tên nghe hơi lạ tai ở vùng rừng núi này. Hiện H’Nhan ở cùng cha mẹ, trong căn nhà tình nghĩa do Nhà nước cấp, bên trong trống hoác. Theo chị Đoàn Thị Thu Hương, nhân viên Trạm Y tế xã Suối Trai, người dẫn đường cho chúng tôi: “Đây từng là cửa hàng tạp hóa của một tiểu thương dưới xuôi lên. Nhà này được cất lên trong ngày công trình thủy điện động thổ và khi phát điện, chính quyền địa phương đã mua lại để cấp cho cha mẹ H’Nhan vì các cụ rất nghèo và là người có công với cách mạng”. Với H’Nhan, nhà như vậy là tốt lắm rồi, chứ trước kia 9 người họ ở chung trong một cái lều trống hơ trống hoác.
Những người hàng xóm cứ tưởng trong số chị em ở Suối Trai nếm “trái đắng” thì H’Nhan may mắn hơn, vì sau khi Y Kỳ ra đời, người yêu đã thưa chuyện với cha mẹ H’Nhan để được chăm bẵm hai mẹ con. Tuy nhiên, khi cậu con trai thứ hai – A Lê Y Huy được một tuổi, anh công nhân kia đã cao chạy xa bay đến với một phụ nữ khác khi chưa ly hôn. Câu chuyện về H’Nhan đang chầm chậm trôi thì hai đứa con của chị chơi ở đầu buôn chạy về. Đến cửa, đứa lớn đứng sững lại. Chúng tôi đưa các cháu mấy trái chôm chôm mua dưới TP Tuy Hòa, Y Huy phong phanh manh áo, cầm lấy và cắn cả vỏ để ăn. Lẽ nào đây là lần đầu tiên cháu biết đến loại trái cây này? Còn Y Kỳ thì đến gần mẹ và nói vài câu bằng tiếng Ê Đê. Ôm con vào lòng, H’Nhan rơm rớm nước mắt và quay sang chúng tôi: “Bạn nó bảo là có người nói tiếng Bắc hỏi đường đến nhà H’Nhan, chắc bố mày về thăm nên chúng nó chạy nhanh về…”.

tre-10110924.jpg

H’Dên lên rẫy, bỏ những đứa con thơ ở nhà tự chăm sóc nhau – Ảnh: T.THỦY

HẠNH PHÚC… VỜI XA
Em gái H’Nhan là H’Hia, sinh năm 1986, cũng có hoàn cảnh giống chị. Hôm chúng tôi lên Suối Trai, H’Hia lên rẫy, chiều muộn chị trở về trong ánh nắng vàng vọt, trước ngực gùi con, sau lưng gùi ít củi và chút rau rừng, mồ hôi nhễ nhại trên đôi má sạm nắng, trông đến tội nghiệp. H’Hia mới ngoài 20 tuổi nhưng nếu ai gặp, không hỏi trước mà đoán tuổi thì dễ làm cô ấy tủi lòng. “Anh ấy bảo là làm cùng tổ với “chồng” của H’Nhan, đến rủ em đi chơi và bảo em bắt về làm chồng. Em tưởng anh ấy thật lòng như các thanh niên trong buôn nên em đã “đồng ý”. Nhưng khi em thông báo có bầu thì chẳng thấy anh ta đâu nữa”, H’Hia thật thà kể. Chúng tôi hỏi tại sao không “bắt đền” người đó, H’Hia bảo: “Anh ấy nói quê ở Hà Tĩnh và lái máy xúc. Nói thì mình tin chớ có biết nơi đó ở đâu mà tìm?”. Chao ôi, sự thật thà, tin người đến đáng thương của một sơn nữ đã bị người ta lợi dụng!
Nhiều chị em bị lừa tình ở xã Suối Trai cùng chung ý nghĩ với H’Hia. Trường hợp của H’Dên, ở buôn Thống Nhất cũng đặc biệt. Vợ chồng chia tay khi H’Dên đã có 3 đứa con. Những tưởng mình sẽ tìm được hạnh phúc mới với anh công nhân đến từ miền đất xa xôi hơn ngàn cây số. Song, khi đã mang trong mình giọt máu của anh ta, H’ Dên phải ngậm ngùi nuôi con một mình, vì anh này cũng thuộc họ Sở. Còn đứa bé không cha ấy mới hai tháng tuổi đã phải nằm trong địu, cùng mẹ lên rẫy để kiếm cái ăn…
Chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Trai, cho biết: “Ở xã ít có chuyện trai làng gây “hậu quả” rồi bỏ của chạy lấy người, vì nếu vậy sẽ bị làng bắt vạ. Do nhiều phụ nữ trong xã cứ nghĩ những công nhân nơi khác cũng thật thà như trai buôn nên đã bị lừa”. Vì thế, trong thời gian công trình thủy điện Sông Ba Hạ được xây dựng, đã có bảy phụ nữ gặp phải những người đàn ông họ Sở, và tám đứa trẻ được sinh ra.
Nghèo và đều đã có con nên cơ hội tìm cho mình một tổ ấm mới với những phụ nữ này là rất khó. Bởi theo phong tục của người Ê Đê, phụ nữ bắt chồng phải có của. Của hồi môn thường là 2 con bò cùng nhiều sính lễ khác, nếu có con riêng thì phải 4 con bò và thêm 1 con nữa để người cha dượng nuôi đứa bé. Tôi nhẩm tính, nếu H’Nhan may mắn bắt được chồng thì phải cần tới 8 con bò, trong khi cả nhà cô đang bữa đói bữa no với cơm trắng, muối ớt rừng. Theo chị Bùi Thị Hương, Hội Phụ nữ xã đã tìm cách giúp đỡ chị em, như tạo điều kiện cho họ vay vốn nhưng nguồn vốn cũng có hạn. Chỉ mỗi H’Mâu được giúp đỡ, trở thành nhân viên y tế buôn vì H’Mâu có chút kiến thức. Bởi vậy, cuộc sống của những chị em kém may mắn này chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Và nữa, những đứa trẻ như Y Kỳ, A Lê Toàn Hão Huyền… sẽ ra sao khi không có cha?
“Gia đình những phụ nữ này rất nghèo nên hầu hết những đứa con của họ bị suy dinh dưỡng. Hơn nữa, điều chúng tôi lo là trước kia, cơ quan chức năng có lần bắt quả tang 15 công nhân đang làm việc tại công trình thủy điện này sử dụng ma túy, trong đó có bảy người bị bệnh AIDS và hai trong số đó đã chết. Không biết có chị em và cháu nào trên…”, chị Đoàn Thị Thu Hương bỏ lửng câu nói. Chắc hẳn, cũng như chúng tôi, trong thâm tâm chị Thu Hương luôn mong những người như H’Nhan, H’Hia, H’Mâu… cùng các cháu đều bình an, vì họ đã chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi.
THAY LỜI KẾT
Thủy điện Sông Ba Hạ đi vào hoạt động được 2 năm. Những công nhân góp phần làm nên nguồn sáng ấy tiếp tục đến các công trình mới. Trở lại với câu chuyện của H’Mâu, chị bảo: “Thỉnh thoảng Thắng vẫn gọi điện thoại cho em và vẫn nói những từ dễ nghe, nhưng Thắng không hỏi thăm đến đứa con gái tội nghiệp một câu nào. Lần gần đây nhất thì Thắng bảo đang làm ở công trình thủy điện Sông Tranh, tỉnh Quảng Nam”. Chúng tôi chột dạ, nơi đó dường như cũng là vùng núi rộng, sông hiểm và không biết có sơn nữ nào mắc phải “cạm bẫy tình” của những gã đàn ông họ Sở kia không?! 
 

THU THỦY – HOÀNG PHÚ