/

Gắn bó với nghề dạy học, ai cũng mong được một lần chủ nhiệm lớp. Vui nhất vẫn là được làm chủ nhiệm những lớp chuyên, lớp chọn, lớp công lập rồi sau đó mới đến các lớp bán công, tư thục. Và có lẽ cuối cùng là các lớp thuộc khối Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Tề tựu về đây, đủ mọi thành phần: người lớn tuổi có, trung tuổi có và đặc biệt lứa tuổi phổ thông chiếm đa số. Những học sinh với những biệt danh đã trở thành nỗi ám ảnh cho thầy cô.

Ngày đầu năm họp phụ huynh lớp, trên gương mặt của những bậc làm cha mẹ ấy hiện lên những điệu buồn khác nhau, có sự khắc khổ, bất lực, có sự buông xuôi, phó thác,… Điều đó trở thành một áp lực vô cùng lớn cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Có ai đoán được những gì sẽ xảy ra.
Chẳng phải ngạc nhiên khi những giờ lên lớp là một cực hình. Không khi nào giáo viên được dành cả tâm huyết và thời gian cho việc giảng dạy. Tiết học bao giờ cũng bắt đầu bằng việc dẹp trật tự. Đáng chú ý là biệt danh Thuận Hồm, cậu học trò có máu mặt nhất lớp. Với thân hình phốp pháp, tóc để mái, vuốt ngược ra sau và được cột gọn hình đuôi gà con bằng một sợi dây thun, sở thích của cậu ta là trốn học, đánh bài, chơi game, thời gian trên lớp ít hơn thời gian tụ tập cùng chúng bạn. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi biết cậu là đứa con trời con Phật trong một gia đình buôn bán có điều kiện. Vì cha mẹ nuông chiều quá mức nên cậu mới thành ra thế. Mang trong lòng sự tự mãn, bất chấp tất cả nên khi  vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên này, cậu sớm trở thành thủ lĩnh của đám siêu quậy. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, ngồi cùng bàn, ngay bên cạnh Thuận Hồm là Cường đen. Không một ai tỏ ra có thiện cảm với làn da ngăm đen, đôi mắt xếch và cái miệng láu liên của Cường. Bất cứ câu dặn dò, nhắc nhở nào của cô chủ nhiệm đều được cậu nghe nhưng để đó. Là đệ tử ruột của Thuận Hồm, Cường phải làm tất cả nhiệm vụ, nào đi mua bánh cuốn giữa giờ, nào mua nước uống, nào xách cặp, nào…, nói chung cậu có thể vắng mặt trên lớp chứ nhất định không bao giờ rời xa đại ca của mình nửa bước. Trong lớp còn có những học trò cá biệt khác như Chiến Sẹo, Huy Chùa, …
Những tiết học khi góp mặt đủ những học trò này thường sẽ trở thành bi kịch đối với thầy cô. Dưới lớp, số chăm chú học thì ít, còn lại, đứa ngủ gục trên bàn, đứa lấm lét nhìn nhau cười ra hiệu chuyện bí mật, đứa ném giấy qua lại nói chuyện thay vì dùng miệng thì thào, tay vòng vẽ, kí hiệu. Cô quát: Im lặng! Ngay tức thì đứa nào đứa nấy im phăng phắc được một lúc, sau đó, mọi sự lại diễn ra như cũ. Tuần nào, lớp tôi chủ nhiệm cũng vinh dự xếp cuối bảng thi đua. Không những thế, cả cô lẫn trò còn luôn là tâm điểm trong những buổi họp hội đồng. Cô nói xem hướng khắc phục lớp chủ nhiệm của cô như thế nào? Đã có những hình thức xử phạt gì nghiêm khắc chưa? Lập danh sách đưa lên đây, Trung tâm sẽ đình chỉ, đuổi học, … Và sau những lời phán xét của Giám đốc Trung tâm, tôi lại hứa sẽ cố gắng làm các em thay đổi.
Cứ như vậy cho đến một giờ sinh hoạt lớp tháng 11. Nghe cô chủ nhiệm thông báo chuẩn bị cho hoạt động 20/11, trường sẽ tổ chức giao lưu thi đấu thể thao và chơi các trò chơi dân gian, lớp lập danh sách chuẩn bị tập luyện thi đấu, cả lớp ầm ầm: Thi trò gì cô? Bóng chuyền hả cô! Bóng đá hả cô! Cả bọn đua nhau nói làm không khí lớp trở nên náo loạn. Nghe nói đến các trò chơi, ai nấy mặt cười như hoa, xúm lại bàn với nhau, rồi xung phong ghi tên tham gia trò này, trò khác. Tôi chưa bao giờ được vui như thế. Và đáp ứng yêu cầu của lớp, tôi trích quỹ lớp phục vụ cho việc tập luyện của các em. Tất cả tỏ ra say mê, quyết tâm cao độ.
Rồi cuộc thi cũng đến. Đáp lại khoảng thời gian tập luyện khiến mấy cậu quên game, quên bài trong hai tuần liền, lớp đem về chiến thắng vinh quang với giải nhất toàn đoàn. Trong bữa liên hoan, tôi mua sẵn một bì bánh kẹo to đùng khao đãi và cảm ơn. Tôi có ngờ đâu, những biệt danh siêu quậy lại có năng khiếu và đam mê thể thao đến vậy. Tôi nói toàn những lời có cánh. Cậu nào cũng hoan hỉ như  vẻ nhờ có mình mà lớp mới được như thế. Mắt tôi rơm rớm, niềm hạnh phúc hân hoan giờ mới hé nở kể từ đầu năm học. Tôi nhắc tên từng em với một sự ngưỡng mộ, khiến những học trò siêu quậy cũng đỏ mặt. Thuận Hồm đứng phắt dậy. Trong cái điệu của cậu có tất cả cái uy phong của một tên cầm đầu, nhưng lúc này mới thật lịch sự, ngô nghê làm sao: cô ơi, cô đề nghị với trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như thế này cô nhé!
Từ đó, những tiết học bắt đầu vắng những câu chuyện riêng ồn ào. Cứ cuối mỗi tuần, tôi lại thưởng phạt phân minh bằng những gói kẹo, bì bánh hay quyển vở, cây bút, tập giấy kiểm tra,… Có cậu xưa nay đi học chẳng bút, chẳng vở, có chăng xài vở đa năng, tức là một cuốn vở ghi năm bảy môn học, nay lại đàng hoàng có một cuốn vở mới tinh, dáng ngồi ngay ngắn. Những câu trả lời ngô nghê, những câu hỏi vặn vẹo, đánh đố lại thầy cô bộ môn và những câu chuyện đời thường gắn trong bài giảng của thầy cô khiến những tiết học cứ từ từ trôi đi bình yên. Những điểm 5, điểm 6 đã được thay vào những con điểm zê rô đứng nép mình ũ rũ trong sổ điểm của thầy cô. Đâu đó đã xuất hiện nụ cười của giáo viên trên bục giảng và lời động viên, khuyến khích của lãnh đạo. Lòng tôi bỗng nhẹ tênh trong nụ cười hạnh phúc.
Vui mừng trước kết quả học tập giữa học kì hai của lớp, tôi thông báo kế hoạch của Chi Đoàn Trung tâm chuẩn bị hoạt động 26/3. Lớp học lại trở nên huyên náo với bao dự định. Ngắm nhìn từng khuôn mặt của lớp đặc biệt, trong tôi lại dâng trào bao cảm xúc yêu mến, thân thương.