Mạnh Thế Tuyển sau đổi là Mạnh Tuyển, sinh vào khoảng năm 1820 người xã Yên Thành, Tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).
 

071022-manh-the-tuyen.jpg

Mộ của Mạnh Thế Tuyển ở huyện Đồng Xuân  – Ảnh: B.TÂN

 

Cha ông là cụ Mạnh Thế Tài từng làm quan dưới triều Tây Sơn. Khi Gia Long lên ngôi cụ Mạnh Thế Tài đã về sống ẩn và làm ruộng nuôi gia đình ở xã Yên Thành, Tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Sau khi cụ Mạnh Thế Tài qua đời người vợ đã ở vậy thờ chồng, tiếp tục nuôi dạy con học hành. Mạnh Tuyển đã không phụ lòng cha mẹ, bằng việc chú tâm học tập của mình, năm 1850 đã thi đỗ tại kỳ thi hương năm Tự Đức thứ 3, khoa thi Canh Tuất tổ chức ở Thừa Thiên. Sau khi đỗ đạt, Mạnh Tuyển được vua Tự Đức bổ nhiệm làm quan và thăng dần đến chức Quản đạo tỉnh Nghệ An.
 
Để thực hiện mưu đồ xâm lược Việt Nam lâu dài, sau khi tấn công Đà Nẵng năm 1858, giặc Pháp tiếp tục triển khai kế hoạch xâm chiếm nước ta. Năm 1862 Pháp tiến công Nam Kỳ và chiếm lấy 3 tỉnh miền Đông, năm 1867, đánh chiếm tiếp 3 tỉnh miền Tây. Sáu năm sau, năm 1873 giặc Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, sau khi thành Hà Nội bị vỡ, giặc Pháp mở rộng cuộc tấn công đánh chiếm phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương và tiến công vào vây hãm thành Nghệ An. Tại thành Nghệ An, Mạnh Tuyển đã chỉ huy quân đánh trả ngoan cường với quyết tâm bảo vệ thành không để rơi vào tay giặc. Tuy nhiên vì binh khí còn quá thô sơ nên không chống chọi nổi với vũ khí và đại pháo quá vượt trội của địch. Thế yếu, thành vỡ, Mạnh Tuyển không đầu hàng giặc mà đã chọn sự tuẩn tiết, giữ trọn chí khí trung thành với nước non. Nhận hung tin quản đạo Mạnh Tuyển hy sinh, vua Tự Đức rất đau buồn và thương tiếc, nhà vua đã phong cho Mạnh Tuyển là: “Trung hưng dực bảo tôn thần” và tự tay ban sắc lệnh “Lan đệ liên kiên” (Lan đệ liên kiên – Trẫm tự bút). Nhà vua chỉ dụ đưa linh cửu Mạnh hầu Tuyển về an táng tại nguyên quán làng Thạnh Đức, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân, lập Đền thờ phụng tại Nghệ An, lập Mộ và Đền thờ tại làng Thạnh Đức, tổng Xuân Phong, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
 
Khu mộ Mạnh Tuyển được xây tại Giồng Hờ, nằm ở phía Đông Bắc của núi Hòn Chùa thuộc thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân.
 
Khu mộ được xây bằng vật liệu đá chẻ, cát, vôi và mật mía đường, tường thành bao quanh gần như hình vuông. Cửa vào khu mộ được xây theo kiểu kiến trúc cửa thành, cửa lăng. Phía sau 2 ngôi mộ, có xây 1 bệ dùng làm bàn cúng để đặt lễ vật cúng tế khi tảo mộ, viếng mộ hoặc rước thỉnh trong những dịp cúng tế Xuân, Thu, lễ tết.
 
Mộ và Đền thờ Mạnh Tuyển là di tích lịch sử vô cùng quý của nhân dân Đồng Xuân nói riêng và Phú Yên nói chung, rất xứng đáng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa để bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.
 
KIM CHI