Ngày nay, chậm phát triển trí tuệ ngày càng được nhiều người trong xã hội quan tâm. Bởi chậm phát triển trí tuệ ở con người là một gánh nặng cho chính bản thân người đó, cho gia đình và xã hội. Nếu chúng ta biết được nguyên nhân vì sao gây ra tình trạng này thì chúng ta có thể làm giảm phần nào người chậm phát triển trí tuệ cho gia đình và xã hội.

  1. Chậm phát triển trí tuệ là gì (CPTTT)?
Chậm phát triển trí tuệ là một khái niệm đang còn nhiều bàn luận và chưa thể đi đến một định nghĩa chính xác. Nhưng trên thực tế, những khái niệm khác nhau đã được nêu lên và sử dụng phổ biến trong quá trình học tập, nghiên cứu của các sinh viên, các nhà khoa học như chậm phát triển tinh thần, ngu đần, thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật tinh thần…
Tiêu chí chẩn đoán CPTTT theo bảng phân loại DSM-IV
Có 3 tiêu chí chẩn đoán:
– Chức năng trí tuệ dưới mức độ trung bình: là chỉ số thông minh đạt gần 70 hoặc thấp hơn 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân (đối với trẻ nhỏ, người ta dựa vào các đánh giá lâm sàng để xác định).
– Bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất là hai trong số những hành vi thích ứng sau: giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, kỹ năng xã hội/liên cá nhân, sử dụng các tiện ích trong cộng đồng, tự định hướng, kỹ năng học đường, làm việc, giải trí, sức khoẻ và độ an toàn.
– Tật xuất hiện trước 18 tuổi.
  1. Các mức độ chậm phát triển trí tuệ
Người ta chia làm 4 mức độ chậm phát triển trí tuệ là: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng/nghiêm trọng.
CPTTT nhẹ
IQ từ 50 tới xấp xỉ 70
CPTTT trung bình
IQ từ 35 tới 55
CPTTT nặng
IQ từ 20 tới 40
CPTTT rất nặng
IQ dưới 20 hoặc 25
Căn cứ vào 4 mức độ CPTTT trên đây, người ta đưa ra nhữnh hình thức giáo dục cho phù hợp với từng loại là:
Mức độ
Độ phân giải của
chỉ số IQ
Mức độ giáo dục
CPTTT loại nhẹ
50-70
CPTTT có thể giáo dục được về mặt xã hội và nghề nghiệp nhưng cần được hướng dẫn và giám sát
CPTTT loại trung bình
35 đến 55
CPTTT có thể luyện tập được các công việc lao động, cần hướng dẫn và giám sát
CPTTT loại nặng
20 đến 40
Khuyết tật mức độ nặng/đa tật (nằm một chỗ), có thể tham gia một phần vào việc lo cho bản thân nếu được giám sát hoàn toàn
CPTTT loại nghiêm trọng
dưới 20 hoặc 25
Khuyết tật mức độ nghiêm trọng/đa tật (nằm một chỗ).
Phát triển chút ít về vận động và ngôn ngữ, hoàn toàn không tự lo cho bản thân, cần được chăm sóc, giám sát.
  1. Một số nguyên nhân gây ra chậm phát tiển trí tuệ
Các nguyên nhân gây ra CPTTT thường do các yếu tố xảy ra trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh.
3.1 Trước khi sinh
– Do gen: bao gồm do lỗi nhiễm sắc thể (ví dụ như hội chứng đao – bất thường NST số 21, cri-du-chat – thiếu một phần cặp nhiễm sắc thể số 5, Turner – thiếu một NST X ). Những trẻ bị những hội chứng này ta có thể quan sát bằng mắt thường được. Ngoài ra, nguyên nhân trước sinh còn do lỗi gen (ví dụ như rối loạn NST X – Hội chứng PKU, san filippo – thiếu enzime, chứng xơ cứng dạng củ, gẫy nhiễm sắc thể, Rett,…). Tuy nhiên, vẫn còn có những rối loạn do nhiều yếu tố khác như nứt đốt sống, quái tượng không não, tràn dịch màng não, tật đầu nhỏ, rối loạn chức năng tuyến giáp…
– Do các yếu tố ngoại sinh: Nguyên nhân do lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ mẹ qua đường máu như rubella, nhiễm toxoplasma, vi rút cự bào, giang mai, nhiễm HIV. Ngoài ra, còn do nhiễm độc một số loại y dược mà mẹ dùng như thuốc chống động kinh, chất rượu cồn, chụp tia x-quang, chất độc màu da cam (thế hệ thứ hai), kháng thể RH. Mặt khác, trong quá trình mang thai, mẹ bị suy dinh dưỡng (có thể do nghén) hoặc thiếu i ốt trong thức ăn hoặc nước uống.
3.2 Trong khi sinh
– Thiếu oxy: Đó là những vấn đề do nhau thai, thời gian sinh quá lâu, trẻ không thở hoặc không khóc ngay sau khi sinh.
– Tổn thương trong lúc sinh: Tổn thương não hoặc chảy máu não do mẹ đẻ khó hoặc do dùng phóc-sép (một dụng cụ y tế dùng để kéo đầu trẻ)
– Viêm nhiễm: Vi rút Herpes, giang mai qua ngã âm đạo trong lúc sinh
– Đẻ non hoặc thiếu trọng lượng (tức là thời gian mang thai của bà mẹ thì đủ nhưng trọng lượng của đứa trẻ thì thiếu).
3.3 Sau khi sinh
– Viêm nhiễm: Do nhiễm một số loại bệnh như sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu và viêm phổi (có thể gây tràn dịch màng não sau này). Tuy nhiên, một số bệnh này có thể ngừa bằng vắc xin.
– Tổn thương: Do chấn thương đầu nặng trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ngạt (nước, không khí)
– U não: Tổn thương do các khối u trong cơ thể và các liệu pháp y học như phẫu thuật, trị bằng phóng xạ, hóa chất…
– Nhiễm độc: Một số hóa chất như chì, thủy ngân…
– Ngoài ra, môi trường xã hội cũng là một trong những nguyên nhân gây ra CPTTT như: trẻ không được chăm sóc đầy đủ về mặt y tế và thể chất (thiếu dinh dưỡng, không được tiêm phòng đầy đủ), thiếu thốn về mặt tâm lý – xã hội (thiếu sự chăm sóc nhạy cảm, không được kích thích để trải nghiệm và khám phá, bị bỏ rơi hoặc lạm dụng), có nhiều hạn chế trong sử dụng ngôn ngữ trong gia đình do cha mẹ, người thân không thường xuyên trò chuyện với trẻ (chỉ sử dụng câu ngắn với vốn từ và câu có hạn), trẻ được nuôi dưỡng theo kiểu để người khác định đoạt cuộc sống của nó (trẻ sẽ không kiểm soát được mình, ít khi tin vào hành động của mình quan trọng đối với chính sự thành công hay thất bại của cuộc đời,…)
Mặt khác, bệnh động kinh và liệt cứng cơ càng làm cho tật CPTTT nặng thêm.
  1. Giới thiệu bài kiểm tra CPTTT ở trẻ
Để giúp các bậc cha mẹ đánh giá được mức độ phát triển trí tuệ của con mình, tôi xin đưa ra một bài kiểm tra nhỏ bằng phương pháp quan sát như sau:
– Không đáp ứng với tiếng động, hoặc chỉ đáp ứng với một vài tiếng động;
– Không nói cho tới lúc ba tuổi;
– Không quay đầu nhìn theo đồ vật;
– Không với tay lấy đồ vật cho đến khi đồ vật chạm vào người trẻ;
– Chậm phát triển vận động;
– Có các vấn đề về hành vi: tự xâm hại, hành động lặp đi lặp lại, liếm láp – nhả nhớt;
– Chậm phát triển ngôn ngữ và giao tiếp.
ThS. Phạm Thị Hồng Thái
Khoa Tâm lý học – ĐH Văn Hiến
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phan Trọng Ngọ (chủ biên) (2001), Tâm lý học Trí tuệ, Nxb. ĐHQG Hà Nội
  2. Đoàn Huy Oánh (2007), Tâm lý học sư phạm, Nxb. ĐHQG
  3. Trần Trọng Thủy (1992), Khoa học chẩn đoán tâm lý, Nxb. Giáo dục
  4. Nguyễn Khắc Viện (2007), Từ điển tâm lý, Nxb. Thế giới
  5. www.google.com.vn